Trang chủ Tin tức Bảo vật Chăm đất Bình Định – Kỳ 4: Nhiều bí ẩn...

Bảo vật Chăm đất Bình Định – Kỳ 4: Nhiều bí ẩn ‘vây quanh’ tượng thần Shiva

243
0

Tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn (TP.Quy Nhơn, Bình Định) được xem là tác phẩm đầu tiên của một loạt tượng thần – vua rất đặc trưng của nghệ thuật Chăm giai đoạn thế kỷ 14 – 15.

Tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn (thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội, TP.Quy Nhơn) làm bằng đá sa thạch, cao 80 cm, nặng 500 kg, được người dân thờ cúng như một vị phật hơn 100 năm qua. Cuối năm 2018, Chính phủ đã công nhận pho tượng cổ này là bảo vật quốc gia.

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 4: Nhiều bí ẩn 'vây quanh' tượng thần Shiva

Pho tượng thần Shiva tại chùa Linh Sơn – ẢNH: THÙY TRANG

Hiện vật độc bản

Tượng thần Shiva và chùa Linh Sơn trước kia ở làng chài Hải Giang, xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn). Nhiều vị cao niên trong làng kể lại rằng, cách đây hơn 200 năm, một nông dân ở Hải Giang cày ruộng canh tác thì phát hiện một pho tượng trong làng đất nên cả làng kéo đến xem. Dân làng đặt tên cho pho tượng là tượng Phật Lồi, rồi cùng nhau lập chùa Linh Sơn để thờ, nhưng dân vẫn quen gọi là chùa Phật Lồi.

Năm 2011, làng chài Hải Giang phải giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án du lịch, chùa Linh Sơn được dời về thôn Hội Thành và pho tượng Phật Lồi cũng được đem về thờ cúng tại đây.

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 4: Nhiều bí ẩn 'vây quanh' tượng thần Shiva

Tượng thần Shiva được mặc áo vàng, thờ như một vị phật tại chùa Linh Sơn – ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo hồ sơ của Bảo tàng tổng hợp Bình Định, pho tượng cổ ở chùa Linh Sơn thể hiện một người đàn ông ngồi trầm tư trong tư thế nhìn thẳng về phía trước, hai chân vắt chéo ngồi kiểu kiết già, tay trái tựa lên bắp đùi và để ngửa lòng bàn tay, tay phải cầm chuỗii tràng hạt đưa ngang lên tầm ngực. Người đàn ông được tác có khuôn mặt bầu, dài với bộ râu dài che kín cổ, mắt nhắm lim dim, đôi lông mày dài giao nhau ở sống mũi, đôi tai dài, giữa trán khắc ba vạch ngang song song…

Người đàn ông đội chiếc mũ hình trụ cao 2 tầng, tầng trên để trơn, khắc 4 vạch ngang ở giữa, phần dưới ở chính giữa được trang trí khắc hình chữ Phạn lớn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là chữ Om, có nghĩa là tôn kính.

Đôi tay và phần thân trên pho tượng để trần, ở bắp tay sát nách có đeo nhiều vòng trang sức gồm nhiều chuỗi hạt tròn nối tiếp nhau. Trên thân có đeo một dải vải vắt từ vai trái xuống. Phần sau pho tượng là một tấm bia hình ngũ giác, đỉnh nhọn, cao 60 cm, rộng 45 cm, có 12 dòng chữ Chăm cổ.

Theo TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định, từ các dấu hiệu trên pho tượng tại chùa Linh Sơn nên các nhà nghiên cứu nhận định đây là tượng thần Shiva, một trong 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.

Theo truyền thuyết, thần Shiva dùng tro tàn còn lại từ 3 pháo đài được cho là bất khả xâm phạm của quỷ để vẽ lên trán của mình như một chiến công sau trận thắng và 3 pháo đài này bị con mắt lửa của thần Shiva thiêu hủy.

Từ đó, những tín đồ tôn thờ thần Shiva thường dùng tro thiêng bôi 3 vạch trên tráng với niềm tin là con mắt thứ 3 của thần Shiva sẽ tiêu tan mọi ảo giác, mê muội của tâm hồn để hòa đồng với vị thần này.

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 4: Nhiều bí ẩn 'vây quanh' tượng thần Shiva

Trên mũ thần Shiva có chữ Phạn và trên trán có 3 vạch ngang = ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Bà Hồ Thùy Trang, Trưởng phòng nghiên cứu – sưu tầm, Bảo tàng tổng hợp Bình Định, cho biết trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, hình tượng thần Shiva thường được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, khi thì được thể hiện dưới dạng tượng nhân dạng (trường hợp tượng vua Pô Rômê ở tỉnh Ninh Thuận chính là tượng thần Shiva dưới hình thức vị thần tối cao), khi thì thể hiện dưới dạng Mukhalinga, còn gọi là gọi là linga có mặt người (trường hợp vua Pôklaung Garai biến tướng dưới dạng cột lửa hình Linga, biểu tượng của thần Shiva), khi thì thần Shiva được khắc tạc có bộ râu nhọn dài, ngồi trầm tư và cầm tràng hạt được thể hiện trong một số tác phẩm điêu khắc, phù điêu khai quật tại tháp Mẫm.

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 4: Nhiều bí ẩn 'vây quanh' tượng thần Shiva

Phù điêu thần Shiva được phát hiện tại tháp Mẫm (Bình Định), có niên đại từ thế kỷ 13 – ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Trong khi đó, tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn có những biểu hiện rất đặc biệt như: chữ Om trên mũ, chữ số 3 ở giữa trán, bộ râu dài nhọn đầu, tay cầm tràng hạt… được tạc thành pho tượng thờ, phía sau có bia ký.

Đây là tượng thần Shiva khác biệt so với các tượng thần Shiva khác được phát hiện ở Bình Định, là hiện vật độc bản trong nghệ thuật điêu khắc Champa.

Theo bà Trang, tượng thần Shiva ở chùa Linh Sơn có một số chi tiết trở thành đặc trưng cho nghệ thuật tạc tượng của phong cách muộn, như: mũ hình trụ cao, bộ râu dài nhọn đầu, chiếc thắt lưng to bản được trang trí bằng các bông hoa bốn cánh, tấm bia lớn phía sau lưng pho tượng.

Đây là tác phẩm đầu tiên của một loạt tượng thần – vua rất đặc trưng của nghệ thuật Chăm từ sau phong cách tháp Mẫm, giai đoạn thế kỷ 14 – 15. Các vị thần hay thần vua của các phong cách muộn này thường được tạc tựa vào tấm bia sau lưng, thường đội mũ hình trụ, thường có bộ râu nhọn, và phần bên dưới cơ thể được tạc sơ sài hoặc không được thể hiện.

Giải mã những bí ẩn

12 dòng chữ Champa cổ trên tấm bia sau pho tượng thần Shiva được nhiều người dân đồn đoán là bùa để trừ tà ma, thậm chí có người cho rằng đây là lời chỉ dẫn đến một kho báu của người Chăm cổ xưa…

Bảo tàng tổng hợp Bình Định đã dập và gửi những dòng chữ trên bia gửi Bảo tàng Guimet (ở Paris, Pháp) nhờ các chuyên gia dịch.

Tháng 5.2011, Viện Viễn Đông bác cổ Pháp đã cử GS ArLo Griffiths, một chuyên gia về ngôn ngữ Ấn Độ cổ, đến tiếp cận văn bia này. Sau đó, GS Arlo Griffiths đã dịch được văn bia nói trên ra tiếng Anh và PGS.TS Ngô Văn Doanh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, dịch ra tiếng Việt nên đã cung cấp nhiều thông tin chính xác về pho tượng này.

Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 4: Nhiều bí ẩn 'vây quanh' tượng thần Shiva

Văn bia sau lưng tượng có 12 dòng chữ Chăm cổ – ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo bà Hồ Thùy Trang, nội dung bia ký nói về vị vua Nauk Glaun Vijaya, vị vua này được nhắc tới là đã đánh thắng người Việt (Yvan) và chiếm được vương quốc Brah Kanda. Sau khi giành được nhiều chiến thắng, trở về Champa vào năm Saka – 1343.

Các nhà nghiên cứu cho rằng Nauk Glaun Vijaya chính là người đã kế vị ngôi vua của cha mình là Jaya Simhavarman 4 vào năm 1400 với tên tấn phong là Virabhadravarman. Năm 1432, Nauk Glaun Vijaya đổi vương hiệu là Indravarman 6, sử liệu Việt Nam gọi là Ba Đích Lai.

Thời kỳ trị vì của vua Nauk Glaun Vijaya kéo dài từ năm 1400 -1441. Trong mấy năm đầu, Ba Đích Lai phải dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy (khu vực hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay) cho nhà Hồ. Sau đó, nhân cơ hội nhà Minh xâm chiếm Đại Việt, Ba Đích Lai đã chiếm lại hai vùng đất đã dâng.

Khi đã lấy lại được phần đất phía Bắc và được nhà Minh ủng hộ, vua Champa đã trả thù người láng giềng Chân Lạp bằng cuộc tấn công vào nơi mà vị vua AngKor cuối cùng đến định đô (nay là Phnôm Pênh).

Cả hai chiến tích trên vào năm 1421 (năm Saka -1343), Nauk Glaun Vijaya đã cho ghi lên bia ký phía sau pho tượng..

Nguồn: Thanh niên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây