Trang chủ Đấu trường dân chủ Tên cướp trả lại tiền và người bị cướp kêu gọi không...

Tên cướp trả lại tiền và người bị cướp kêu gọi không truy bắt: Bài học về cách xử lý!

159
0

Tên cướp trả lại tiền và nạn nhân bị cướp kêu gọi không truy xét đối với kẻ đã cướp tiền của mình đã để lại cho chúng ta bài học gì về cách xử sự khi cùng quẫn..

Tên cướp bất ngờ trả lại tiền cùng tâm thư rất chân thật

Ngày 1/2, Công an phường An Phú, TX. Thuận An, Bình Dương xác nhận đơn vị này vừa trả lại số tiền 100 triệu đồng cho nạn nhân bị cướp. Công an phường An Phú cho biết thêm, số tiền 100 triệu đồng được phát hiện trước UBND phường An Phú trong một túi ny long, cùng 2 chiếc điện thoại. Ngoài ra, cùng với số tiền để lại còn có một bức tâm thư được cho là của tên cướp.

Tên cướp trả lại tiền và người bị cướp kêu gọi không truy bắt: Bài học về cách xử lý!

Tiền, điện thoại cùng tâm thư ‘tên cướp” gửi lại

Nguyên văn bức tâm thư của tên cướp gửi kèm cùng số tiền 100 triệu đồng: “Kính gửi ủy ban phường An Phú. Hôm nay trên địa bàn có xảy ra một vụ cướp và tôi chính là người đã gây ra. Thật sự tôi rất hối hận đã gây ra và tôi thật sự sốc với số tài sản cướp được. Có lẽ giờ đây người bị tôi cướp rất buồn và đau khổ. Cũng chỉ vì tôi đã lỡ mượn tiền của tín dụng đen và không thể trả được.

Chỉ có mấy triệu, lãi cứ lên từng ngày, họ điện thoại rồi nhắn tin cả ngày, tôi không thể chịu nổi. Họ còn dọa sẽ cho người đến tận phòng siết nợ mà vợ tôi chỉ mới sinh bé gái được 3 tháng tuổi, nếu bọn họ mà đến chắc có lẽ vợ tôi chết mất, nên tôi nghĩ quẫn đi cướp, lấy tiền trả nợ và chiều nay tôi đã cướp của một người phụ nữ một chiếc ba lô. Tôi không ngờ số tiền quá lớn. Chắc họ cũng đang có việc cần tiền nên mới mang nhiều tiền như vậy. Cả buổi chiều tôi ân hận cắn rứt lương tâm.

Và làm sao tôi đối mặt với đứa con bé bỏng của tôi đây, và còn người bị cướp nữa, họ cũng đang rất cần tiền mà tại sao tôi lại làm như vậy, nên tôi viết bức thư gửi các anh, mong các anh gửi lại số tài sản tôi cướp của họ, còn cái ba lô sau khi tôi lấy điện thoại và tiền đã vứt vô thùng rác khi tôi quay lại tìm mà không thấy. Toàn bộ số tiền ấy tôi đã lấy một chút ít để trả nợ. Sau này tôi nhất định sẽ trả lại cho xã hội. Và mong mọi người hãy mở vòng tay tha thứ cho kẻ tội lỗi này được một ân huệ và tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến người tôi cướp, mong các anh gửi lại số tài sản đến người đã giúp tôi. Xin cảm ơn”.

Nạn nhân phản ứng bằng lời kêu gọi không truy xét

Bà Phan Thị Bích Tuyền (25 tuổi, quê An Giang) là nạn nhân trong vụ cướp bày tỏ nguyện vọng công an không truy bắt, không xử lý người đàn ông đã cướp tài sản của mình.

“Hiện nay hồ sơ vụ việc đang được công an phường bàn giao lên cho công an thị xã. Chúng tôi sẽ xem xét nguyện vọng của nạn nhân, căn cứ vào tình tiết vụ việc để trao đổi với viện kiểm sát có hướng xử lý phù hợp, đúng quy định pháp luật” – lãnh đạo Công an thị xã Thuận An nói.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, bà T. cho biết bà đã từ Bình Dương về quê An Giang để ăn tết. Khi nhận lại được số tiền và đặc biệt đọc được lá thư xin lỗi của “tên cướp”, bà T. cho biết mình rất trân trọng sự hối lỗi của “tên cướp” và mong muốn công an không truy xét để người đàn ông này được ăn Tết cùng vợ và con nhỏ mới ba tháng tuổi.

Được biết, bà T. làm phiên dịch cho một công ty tại thị xã Thuận An, Bình Dương. Số tiền 100 triệu là tiền của công ty, bà T. bị cướp khi đang trên đường mang tới ngân hàng. Còn số tiền 7 triệu và điện thoại là tài sản cá nhân của bà T.

Sau khi nhận được 100 triệu do “tên cướp” trả, bà T. đã nộp lại cho công ty.

Bài học về tính nhân văn

Xét dưới góc độ pháp lý thì theo luật sư Thái Văn Chung – Đoàn Luật sư TP.HCM – cho biết trong trường hợp này, người đàn ông cướp đã mang tiền và thư tới trụ sở UBND phường Bình Hòa để trả lại, rồi mới bỏ chạy. Nên rất có thể có camera ghi lại hình ảnh của người đàn ông. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xem xét các yếu tố như người đàn ông có hành vi cướp bộc phát do bí bách vì bị đối tượng “tín dụng đen” khủng bố, đã chủ động khắc phục hầu hết hậu quả, nạn nhân xin bãi nại…để có cách xử lý vừa “thấu lý” nhưng cũng phải “đạt tình”. Cụ thể là cần xem xét hành động trả lại tiền, hối lỗi là hành vi tốt, tạo cơ hội cho người đàn ông này sửa sai.

Theo quan điểm pháp lý mà luật sư phân tích thì trong pháp luật Việt Nam, nhất là quy định của Bộ luật hình sự cũng ‘chứa đựng nguyên tắc nhân đạo, nhân văn sâu sắc’ nên việc ‘thấu lý’ phải kèm theo ‘đạt tình’ khi cơ quan chức năng có các quyết định cần thiết theo thủ tục tố tụng hình sự.

Xét dưới góc độ tình người, kể cả người cướp (thường được gọi là tên cướp, tên tội phạm) cũng rất ‘tình người’ ở chỗ ‘nếu cướp của người khác và làm cho người khác lâm vào cảnh như mình’ và luôn nhận thức ‘việc cướp ở đây không hoàn toàn là cướp -mà ‘xin’ của người bị cướp. Đối với nạn nhân, cũng rất tình người sau khi nhận lại số tiền đã ‘xin bãi nại’ cho người đã cướp số tiền của mình.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy rằng việc nhân đạo, nhân văn (nếu như cơ quan chức năng miễn truy cứu trách nhiệm hình sự) thì đây không phải là ‘cách hành xử’ để những người khác cũng trong điều kiện, hoàn cảnh tương tự thực hiện theo như cách của ‘người cướp tài sản’ này. Bởi lẽ, mỗi trường hợp sẽ có những diễn biến khác nhau như gây thương tích cho người bị cướp, cướp không thành công (bị bắt ngay sau khi cướp), …. Nếu chỉ vì một số tiền nhất định mà hành động ‘dại dột’ như vậy thì không phải là cách hợp lý mà thay vì làm như vậy chúng ta hãy nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình, người thân, họ hàng, bạn bè, thậm chí là cộng đồng xã hội.

Mộc Liên (Tổng hợp)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây