Trang chủ Luận bàn - Phản biện Sự kiện ‘chạy trốn bằng thuyền’: Lên án những kẻ mượn cớ...

Sự kiện ‘chạy trốn bằng thuyền’: Lên án những kẻ mượn cớ để xuyên tạc!

199
0

“Thuyền nhân”, cặp từ Hán – Việt, chỉ người đi thuyền. Có tới cả tá hình thức đi thuyền – đi thuyền thám hiểm đại dương, đi thuyền vận chuyển hàng hóa, đi thuyền đánh bắt hải sản, đi thuyền du lịch… Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin đề cập tới một hình thức “người đi thuyền” đã trở thành “sự kiện” một thời, làm day dứt lòng người bởi hậu quả của nó.

Đó là hiện tượng trốn ra nước ngoài bằng thuyền mà gần đây có một số người vẫn còn nhắc tới với cái nhìn hời hợt, thiếu thiện chí, đổ vạ cho nhà nước ta rằng “để cho dân nghèo khổ, thiếu tự do, dân chủ nên họ phải đi tìm thế giới tự do!”.

Luận điệu trên xuất phát từ các trung tâm phá hoại tư tưởng của địch ở nước ngoài nói về những người vượt biên bằng thuyền. Thời đó họ gọi là sự kiện “thuyền nhân”. Vậy, nguyên nhân nào dẫn tới sự kiện trên?

Như chúng ta đều biết, năm 1975 chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Tổ quốc thống nhất, non sông quy về một mối. Song, các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu phá hoại Việt Nam bằng cách chuyển đổi trạng thái chiến tranh từ vũ trang xâm lược sang chiến lược “diễn biến hòa bình” (DBHB), đặc biệt là DBHB trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa.

Sự kiện 'chạy trốn bằng thuyền': Lên án những kẻ mượn cớ để xuyên tạc!

Tác giả bài viết bên một trại tị nạn người Việt vượt biên ở Hong Kong năm 1994

Một mặt, họ viện ra vô vàn lý do phi lý để bao vây cấm vận Việt Nam tạo khủng hoảng kinh tế dẫn tới khủng hoảng chính trị; mặt khác, họ kích động hình thành, nuôi dưỡng hàng trăm tổ chức phản động trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tăng cường xâm nhập về Việt Nam hoạt động phá hoại. Đồng thời, triệt để sử dụng hệ thống truyền thông đại chúng với hàng chục đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, hàng trăm tờ báo Việt ngữ với nội dung sặc mùi chống Cộng như “Kháng chiến”, “Lửa Việt”, “Hồn Việt”, “Chuông Sài Gòn”, “Con ong tị nạn”, “Trắng đen”, “Văn nghệ tiền phong”, “Gió mới”, “Quê mẹ”… bí mật tán phát vào trong nước nhằm kích động tư tưởng chống đối, kích động hận thù dân tộc; đòi tự do dân chủ theo phương Tây tư bản; kích động làn sóng người vượt biên di tản, tạo tâm lý hoang mang dao động trong người Việt cả trong và ngoài nước.

Vào thời điểm sau chiến tranh với trăm ngàn khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp, lại bị bao vây cấm vận kinh tế nên đời sống nhân dân càng thêm cơ cực. Trước tình hình trên, cùng với sự tác động bởi những luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch và phần tử xấu về viễn cảnh cuộc sống ở nước ngoài – “cứ rời khỏi Việt Nam là đổi đời với nhà lầu, xe hơi, cuộc sống sung túc; gia đình có một người ra được nước ngoài sẽ nuôi được cả nhà; cứ đi đi, chẳng may bị đắm thuyền ngoài khơi thì đã có tàu cứu vớt…”.

Vì thế mà giai đoạn cuối thập niên 70 và những năm đầu thập niên 80, làn sóng người vượt biên ngày càng đông, đặc biệt là các địa phương vùng biên giới, ven biển trở thành vị trí tập kết của các cuộc vượt biên. Đất nước xuất hiện một loại tội phạm mới – bọn “cai đầu dài” tổ chức cho người vượt biên bằng thuyền để thu lệ phí, bán phương tiện, bến bãi với giá cắt cổ, lừa đảo, cướp tài sản. Có biết bao người trắng tay trở về. Đã đói nghèo lại càng thêm cơ cực.

Những người gọi là may mắn tới được một nước nào đó như Hong Kong, Thái Lan, Malaysia, Philippines… thì bị chính quyền địa phương nước sở tại bắt đưa vào các trại tị nạn. Một số rất ít có người bảo lãnh mới được đi định cư ở nước thứ ba, còn tuyệt đại đa số sẽ phải “bám trụ” vô thời hạn trong trại tị nạn với nhà mái tôn ngột ngạt được bao bọc bằng những hàng rào thép gai kiên cố. Quả là một sự “đổi đời” nhưng không phải bằng nhà lầu, xe hơi mà là cuộc sống y như những người tù bị giam lỏng không hơn không kém!

Cái thâm hiểm hơn đó là kẻ địch triệt để lợi dụng hiện tượng vượt biên để tuyên truyền vu cáo Việt Nam rằng “vì thiếu tự do dân chủ nên dân chúng phải từ bỏ xứ sở ra đi”.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tác giả bài viết này tham gia đoàn công tác tới Hong Kong với nhiệm vụ tiếp xúc, phỏng vấn những người Việt Nam vượt biên đang sống trong các trại tị nạn ở đây để làm thủ tục đưa họ về nước theo tinh thần nghị định Nhà nước ta đã ký với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Thời đó Hong Kong còn đang là thuộc địa của Anh, chuẩn bị trao trả lại Trung Quốc.

Ở Hong Kong có nhiều trại tị nạn người Việt, song thời gian quá ngắn, chỉ hơn 10 ngày làm việc nên chúng tôi chỉ tới được 3 trại là Hát Linh Châu, Lò Vù và Sẹc Pia. Mỗi trại có sức chứa tới mấy ngàn trại viên với đủ thành phần già, trẻ, gái, trai. Công việc phỏng vấn chỉ thực hiện với những người từ 16 tuổi trở lên. Sau khi thống nhất chương trình làm việc với quan chức UNHCR, chúng tôi tham quan nơi ăn chốn ở của các trại viên mới xót xa làm sao trước nỗi thống khổ của những người nhẹ dạ cả tin vào một “thiên đường nơi xứ lạ” đã bỏ Tổ quốc ra đi.

Ở quê họ có nhà cửa, ruộng vườn đàng hoàng nhưng đã bán chui bán lủi, bán tống bán tháo được mấy cây vàng “nướng” vào việc mua phương tiện vượt biên để rồi chuốc lấy nỗi buồn đau nơi đất khách. Tội nghiệp nhất là những gia đình đông người, vợ chồng con cái 6-7 người, sống bí bách bên một góc sàn xi măng mấy mét vuông.

Tới Hong Kong đã mấy năm mà chưa biết phố xá là gì. Tất cả đều thế. Hết nằm lại ngồi, rồi túm tụm đánh bài, tán gẫu. Tới giờ ăn thì xếp hàng nhận cơm suất. Trẻ nhỏ thì hầu hết quên dần mặt chữ. Thấm thía kiếp sống tha phương trong trại tị nạn thì đã muộn rồi.

Thời gian ngắn nhưng riêng tôi đã tiếp xúc, phỏng vấn tới trên 500 người. Nội dung phỏng vấn ngắn gọn bằng mấy câu hỏi: Thời gian rời làng quê ra đi? Địa điểm xuất phát? Cuộc sống hiện tại? Nguyện vọng cá nhân?…

Có thể tóm tắt mấy nguyên nhân cơ bản để họ bỏ xứ ra đi như sau: Bị nhiễm nọc độc chiến tranh tâm lý về “Cuộc sống thiên đường nơi hải ngoại”; vì mâu thuẫn gia đình, vì thất tình mà ra đi; vì đời sống khó khăn, vì a dua a tòng với bạn bè gọi là đi theo “phong trào”… Tới câu hỏi về nguyện vọng, có thể nói 99,9% tha thiết xin Nhà nước giúp đỡ cho được trở về quê cha đất tổ. Chỉ có 2 trường hợp còn lưỡng lự bởi sợ trở về sẽ bị chính quyền địa phương xử lý.

Người phỏng vấn giải thích rõ rằng đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bà con là nạn nhân trong âm mưu gây rối chính trị của kẻ địch và phần tử xấu, trở về sẽ được địa phương cảm thông, giúp đỡ làm lại cuộc sống. Cơ quan chức năng người ta chỉ xử lý những kẻ chủ mưu kích động và tổ chức vượt biên.

Số đó đã bị bắt và xử phạt cả rồi. Đoàn công tác tới các trại tị nạn người Việt ở các nước đều làm như vậy, được UNHCR đánh giá rất cao thiện chí của Việt Nam.

Sự thật về “Sự kiện thuyền nhân” là vậy. Ai cố tình không hiểu, xuyên tạc sự việc trên đều là hành động cần lên án.

Khổng Minh Dụ (ANTG/Công an nhân dân)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây