Thay thế cơ chế lạc hậu, quy trình thiếu minh bạch, loại trừ cán bộ yếu kém… mới mong “giữ lửa” niềm tin và lan truyền nó trong toàn dân!
LTS: Công tác cán bộ được coi là khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng vững mạnh. Như Bác Hồ từng chỉ ra “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, Tuần Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả loạt bài xoay quanh vấn đề được rất nhiều người quan tâm này.
Xem lại bài 1: Đảng viên trừ, đảng viên sạch và chuyện ‘thà ít mà tốt’
Xem lại bài 2: Ông vua con, ‘ông chống lưng’ thời @
Nét sinh động của bức tranh đất nước năm 2018 có lẽ là cái lò chống tham nhũng đang được hun nóng hơn bao giờ hết, mang đến những cảm xúc vừa lạc quan xen lẫn ưu tư.
Vui là vì những con sâu mọt bị “chỉ mặt đặt tên”, công cuộc chống tham nhũng được thực thi quyết liệt, không có vùng cấm… Ưu tư là vì những mất mát lớn về nhân lực, vật lực: những người ngày hôm qua còn là niềm hy vọng, thậm chí là thần tượng của nhiều người thì hôm nay những mặt trái bị phơi bày, tài sản nhà nước bốc hơi khối lượng khủng mà thu hồi chẳng đặng bao nhiêu. Dư luận chộn rộn xì xầm: sâu mọt đâu ra mà lắm thế!?
“Anh hùng cái thế” một thời vỗ ngực xưng tên… bị kỷ luật, tống tiễn vô lò! Mỗi lần báo chí truyền thông đưa tin về quan chức, tướng tá, đại gia… bị điều tra bắt giữ là cả xã hội bày tỏ sự vui mừng. Nhưng mặt khác nó lộ ra cái lo, đó là bộ máy thanh kiểm tra giám sát… vận hành chưa đủ hiệu quả, nhiều đoàn thể ban bệ một thời gian dài bị vô hiệu hóa, hoặc như ai đó đã từng nói: “bắt hết thì lấy ai làm việc”.
Cho nên đồng thời với việc điều tra bắt giữ cán bộ thoái hóa biến chất, thì việc phải làm không kém phần cấp thiết là phải tìm cho ra cái căn nguyên của tình trạng tham nhũng, lũng đoạn luật pháp… nằm ở đâu mà chặt đứt gốc rễ của nó. Nhiều năm qua mỗi khi báo chí dư luận khui ra một vụ scandal thì các đương sự vụ việc đa phần là những người có chức có quyền ra sức chống chế bằng những cụm từ quàng xiên như: làm “đúng quy trình” hoặc đổ hết trách nhiệm cho “cơ chế”, “lý do thời tiết”… khiến dư luận xã hội càng thêm oán giận, mất lòng tin.
Chưa có một “phiên tòa” xét xử “tội trạng” của “cơ chế”, “quy trình”… Ảnh minh họa
Cho nên bằng mọi giá phải tìm cho ra cơ chế nào khiến một người như ông A ông B lại trèo tọt lên đỉnh cao quyền lực rồi múa may trên tài sản, tài nguyên đất nước, trên mồ hôi công sức của nhân dân!?
Phải lý giải cho được cái quy trình gì mà dân nuôi heo đi bán chổi hàng chục năm, thậm chí có người thành nghề gia truyền thì giỏi cũng chỉ đủ cơm ăn áo mặc, còn đối với cán bộ dù chỉ là công việc làm thêm trong một thời gian ngắn đã xây được dinh cơ, thành quách. Khiến dư luận châm biếm: sao không phổ biến cái quy trình đó ra để nhân rộng mô hình làm giàu ích nước lợi dân?
Quy trình gì mà cử nhân thạc sĩ tốt bằng cấp giỏi xuất sắc thì nhiều năm chịu cảnh thất nghiệp, còn gia đình bà con của không ít quan chức lý lịch học tập mập mờ, tốt nghiệp tại chức… thì thăng quan tiến chức bằng tốc độ… tên lửa.
Nếu không gấp rút đổi mới thể chế, cơ chế, quy trình theo hướng dân chủ minh bạch, công khai tạo “cú hích” công tác nhân sự trọng đãi người hiền tài, loại ra khỏi bộ máy những kẻ cơ hội yếu kém, “não bé mà tham vọng lớn”… thì có bắt ông A ông B sẽ lại nảy ra A phẩy B phẩy… Đất nước sẽ ì ạch lăn bánh hoài mà không đi vào quỹ đạo cất cánh được, nói chi đuổi kịp các nước phát triển!
Ngoài ra, những đổi mới, cải cách này còn là để cứu cán bộ, để phát ra lời cam kết người có tâm có tài, nhiệt tình sáng tạo trong công tác sẽ không bị áp lực về rủi ro pháp lý…
Nhà nước sinh ra là để điều hành quản trị đất nước, để bảo đảm trật tự pháp luật được thực thi công bằng dân chủ…, “bận rộn” với việc xử lý cán bộ là việc chẳng đặng đừng. Phải xem việc xử lý cán bộ là việc đau đớn, phải “hy sinh một người cứu muôn người” như phát biểu của Tổng bí thư – Chủ tịch nước.
Đã có hàng chục phiên tòa, và sắp tới còn nhiều hơn thế nữa để xét xử cán bộ quan chức, đảng viên sai phạm. Nhưng chưa có một “phiên tòa” xét xử “tội trạng” của “cơ chế”, “quy trình”… Nếu cán bộ đảng viên vi phạm bị xử 15, 20 năm tù thì cái cơ chế thiếu minh bạch, quy trình hủ lậu cũng đáng phải bị bỏ tù!
Thay thế cơ chế lạc hậu, quy trình thiếu minh bạch, loại trừ cán bộ yếu kém… mới mong “giữ lửa” niềm tin và lan truyền nó trong toàn dân! Năm mới niềm tin mới: “Hy vọng sẽ thắp sáng đường đi của chúng ta”!
Trúc Nguyễn
Nguồn: Tuần Việt Nam