Trang chủ Luận bàn - Phản biện Việt Nam hùng cường: Những luận điểm đá tảng

Việt Nam hùng cường: Những luận điểm đá tảng

161
0

Các luận điểm đá tảng về quản lý và phát triển kinh tế nhằm giúp lựa chọn hướng phát triển mang tính cột sống của quốc gia

LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường”với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Có rất nhiều nhân tố góp phần làm nên sự hùng cường của một quốc gia. Trong bài viết trước tác giả đã chỉ ra một trong những nhân tố đó là chính phủ giỏi. Bài dưới đây, tôi sẽ nêu tiếp các luận điểm mang tính đá tảng mà nếu không quán triệt thì quốc gia không thể hùng cường.

Lãnh đạo đứng đầu đất nước cần nhìn rất sáng mọi vấn đề, trong đó chọn lựa hướng phát triển mang tính cột sống là tối quan trọng. Chỉ vậy mới đưa nền kinh tế nước nhà phát triển nhanh, bền vững.

Muốn chọn được các hướng mang tính cột sống, thì phải nhận biết được các luận điểm đá tảng. Am hiểu kinh tế, triết học, quy luật xã hội và tự nhiên, tất sẽ dễ dàng nhìn thấy các luận điểm đá tảng mà tôi trình bày sau đây.

Việt Nam hùng cường: Những luận điểm đá tảng

Tư tưởng tự cường chứ không dựa vào bên ngoài sẽ giúp Việt Nam hùng cường

1. Tự cường là tư tưởng thống soái

Bộ máy lãnh đạo phải được dẫn dắt bởi những con người sôi sục ý chí tự cường. Trông cậy vào người khác – cả về vật chất lẫn tư tưởng – thì không thể đưa đất nước trở nên hùng cường.

Sự hùng cường của một quốc gia là do sức mạnh của chính quốc gia đó làm nên, chứ không phải do sức mạnh của quốc gia khác tạo thành. Cho nên, tự cường phải là tư tưởng thống soái trong tư duy của người lãnh đạo đất nước. Tự cường phải là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của bộ máy nhà nước.

Từ đó suy ra: Muốn đất nước hùng cường thì bộ máy điều hành cần phải được dẫn dắt bởi những con người sục sôi ý chí tự cường.

Bởi thế, quyết định hệ quả sẽ là: Cần loại bỏ hết những cán bộ điều hành chỉ biết ngồi trông chờ vào trợ giúp từ bên ngoài.

Ngồi chờ trợ giúp từ bên ngoài được hiểu theo nghĩa đầy đủ. Đó là trông chờ vào đầu tư, trông chờ vào viện trợ, trông chờ vào vay mượn từ bên ngoài… Hơn thế nữa, là trông chờ vào tư tưởng từ bên ngoài. Trông chờ vào vật chất và trông chờ vào tư tưởng từ bên ngoài thì không bao giờ có thể tự cường được.

Cần phải lưu ý một hiện tượng khách quan mật thiết với tự cường rằng, chỉ có những người yêu Dân Tộc tha thiết mới không ngừng sục sôi ý chí tự cường.

Như vậy, điều kiện tiên quyết, là những người lãnh đạo ở những vị trí cao nhất của đất nước phải là những người sục sôi ý chí tự cường. Chỉ có thể như vậy thì mới lựa chọn, bổ nhiệm được các thành viên chính phủ và lãnh đạo các tỉnh thành là những người sục sôi ý chí tự cường.

Như con người, lúc bé được mẹ bồng bế, nhưng phải lớn lên phải đi bằng đôi chân của chính mình. Tự cường là tư tưởng thống soái trong quản lý và phát triển kinh tế đất nước. Tiếc thay, không ít lãnh đạo trung ương và địa phương ở nước ta hiện nay, lại không có tư tưởng tự cường mà lại muốn dựa vào bên ngoài để phát triển.

2. Tự cường là dựa vào trí não của dân

Muốn tự cường thì phải giải phóng nội lực. Giải phóng nội lực là giải phóng sức dân. Giải phóng sức dân là giải phóng sức sáng tạo của mọi cá nhân. Giải phóng sức sáng tạo cá nhân trước hết là giải phóng tư tưởng để mọi cá nhân được tự do tỏa sáng trí tuệ.

Nếu chúng ta nhốt đại bàng vào lồng của chim sẻ thì sẽ hạn chế tầm nhìn và sức bay của đại bàng. Nếu chúng ta bắt lừa và ngựa cùng chạy một tốc độ là kìm hãm sức chạy của ngựa. Nếu chúng ta bắt hổ cùng một suy nghĩ với mèo khi săn mồi thì hổ phải đi bắt chuột mà không thể vồ trâu bò. Con cá phải được bơi. Con chim phải được bay. Con người phải được tự do suy nghĩ.

Tự do suy nghĩ là chìa khóa của mọi sáng tạo. Tự do lựa chọn phương thức hành động, tự do lựa chọn phương thức mưu sinh, tự do thể hiện khát vọng… thì mới không hạn chế sức sáng tạo, mới bùng nổ được sức sản xuất. Từ đó xã hội mới trở nên giàu có trong muôn màu sắc.

Trí tuệ chính là phép màu của sức sản xuất. Giải phóng sức dân là giải phóng trí tuệ của dân. Rất sai lầm khi lãnh đạo phát triển kinh tế đất nước lại chỉ chăm chăm nhìn vào của cải hiện hữu, mà không nhìn thấy của cải vô biên nằm trong trí tuệ của dân. Cho nên mới có người chỉ lăm le nhìn vào “500 tấn vàng” còn lưu trữ trong dân để “huy động”. Điều cần huy động là trí tuệ của dân chứ không phải 500 tấn vàng..

Ai ai cũng biết câu thành ngữ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thế mà khi ngồi vào ghế quản lý nhiều người lại nỡ quên khuấy đi.

3. Sản suất công nghiệp là động cơ

Muốn có nền kinh tế hùng cường thì phải dựa vào sản xuất là chính.

Vào những năm chiến tranh ác liệt nhất của thập niên 60 thế kỷ trước, chúng ta đã nhìn thấy công nghiệp nặng là động lực quyết định của nền kinh tế. Vì thế mà một loạt các nhà máy cơ khí, luyện thép được xây dưng.

Nay sau 60 năm, đáng lẽ ra chúng ta phải có một nền công nghiệp hùng cường, thì ngược lại, đến ‘cái ốc vít’ cũng không sản xuất được.

Các tập đoàn lớn của nhà nước như Dầu khí, Vinashin, EVN… đổ đi buôn, xây dựng khách sạn, mở ngân hàng… Vị trí của các nhà máy nhường chỗ cho những tòa nhà căn hộ thương mại cao tầng.

Các “Tư bản” mới sinh giàu lên đều nhờ vào thương mại, buôn bán – chủ yếu là bất động sản, thậm chí là cả “ buôn bán thần linh”. Chưa ai quan tâm đúng mức đến sản xuất.

Bởi thế, muốn đất nước hùng cường thì phải dựa vào sản xuất, mà là sản xuất công nghiệp. Không quán triệt luận điểm đá tảng này thì quốc gia không bao giờ có thể giàu có đích thực được.

4. Sở hữu công nghệ để không là “hổ giấy”

Muốn hùng cường nhanh, mạnh, vững chắc, thì phải sở hữu công nghệ tiên phong.

Không phải là áp dụng công nghệ. Áp dụng công nghệ mang đến sự phồn vinh, nhưng muốn hùng cường thì phải sở hữu công nghệ. Chỉ khi sở hữu được những sáng chế công nghệ tiên phong của nhân loại thì mới có cơ ngoi lên nhóm các quốc gia hùng cường.

Thời kỳ tích hợp toàn cầu cho phép chế tạo ra các sản phẩm mới nhờ mua lại bản quyền sáng chế rồi lắp ghép, hay nhờ vào chuyển giao công nghệ. Cho nên, dẫu chúng ta chẳng có nền công nghiệp nào, nhưng vẫn lắp ghép được ô tô, điện thoại di động, máy bay không người lái…

Nhưng tất cả những cái đó đều không bảo vệ được hai từ hùng cường. Bởi vì các công nghệ tiên phong cốt lõi không thuộc về chúng ta. Chúng ta chỉ là người lắp ghép. Chúng ta chỉ mua được bản quyền công nghệ thứ cấp đã thương mại hóa. Chừng nào trí tuệ Việt chưa sáng chế ra các công nghệ tiên phong thì mãi mãi chúng ta chỉ là những con “rồng đất” và “hổ giấy”.

Bởi thế, người lãnh đạo giỏi sẽ thúc đẩy trí tuệ Việt lao vào sản xuất, vào đầu tư sáng chế công nghệ, chứ không lao vào đầu tư bất động sản với các công trình nguy nga hay các tòa tháp thần linh lớn nhất thế giới.

Trên đây là một số luận điểm đá tảng phải quán triệt nếu muốn Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường. Phần tiếp theo tôi sẽ đề cập đến các biện pháp thúc đẩy sự sáng tạo của trí tuệ Việt.

Nguyễn Ngọc Chu

Nguồn: Vietnamnet

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây