Trang chủ Đấu trường dân chủ Không ai có quyền phán xét thành quả quan trọng về nhân...

Không ai có quyền phán xét thành quả quan trọng về nhân quyền ở Việt Nam

258
0

Ngày 22-1-2019, tại trụ sở Liên Hợp Quốc (Geneva, Thụy Sĩ), Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu đã tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Cùng đi và tham dự phiên đối thoại có các cơ quan: Đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Tại buổi đối thoại này, có 122 đại diện các quốc gia tham gia. Trước đó, đầu tháng 12 năm 2018, Việt Nam đã chính thức nộp Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III cho Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Báo cáo phổ quát là cơ chế rà soát định kỳ (còn được gọi là Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR), do Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc quy định từ năm 2008. Đây là cơ chế rà soát định kỳ, 4-5 năm một lần về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc trên tinh thần bình đẳng, đối thoại xây dựng. Việt Nam đã tham gia các chu kỳ UPR và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị từ các buổi báo cáo trước đó. Báo cáo phổ quát định ky lần này của Việt Nam là lần thứ 3 (lần thứ nhất, 2009; lần thứ 2, 2014) thể hiện rõ quan điểm về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Không ai có quyền phán xét thành quả quan trọng về nhân quyền ở Việt Nam

RFA vẫn lỗi diễn ‘quy chụp’ về kết quả thực hiện nhân quyền ở Việt Nam

Trong Báo cáo lần thứ 3, trước hết, Việt Nam làm rõ việc thực hiện các khuyến nghị, từ báo cáo lần thứ 2. Tính đến tháng 10-2018, Việt Nam đã thực hiện được 175 trong số 182 khuyến nghị (chiếm 96,2%); 7 khuyến nghị còn lại đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Báo cáo UPR của Việt Nam lần này đã trình bày khá đầy đủ về thành tựu của Nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền con người. Khác với Báo cáo lần thứ 2, những nội dung của Báo cáo được đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng khoa học Cộng nghệ lần thứ tư – Cuộc cách mạng dựa trên internet, mạng điện tử nói chung, mạng xã hội nói riêng; đồng thời, Báo cáo cũng được xây dựng dựa trên điểm Đại hội Đảng XII của Đảng cộng sản Việt Nam và Hiến pháp 2013 cùng nhiều bộ luật liên quan đến quyền con người.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ta xác định: “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết…; Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân…”. Kế thừa thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, thực hiện quan điểm của Đại hội XII, Nhà nước ta đã đạt được những thành quả to lớn về quyền con người.

Trên lĩnh vực bảo đảm quyền dân sự, chính trị, trước hết, đó là những thành tựu về xây dựng pháp luật. Tính đến cuối năm 2018, Quốc hội ta đã sửa đổi và ban hành mới hơn 90 văn bản luật, trong đó có những bộ luật như: Luật Báo chí, 2016 ( có hiệu lực từ 1-1-2017); Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, 2016 ( có hiệu lực từ 1-1-2018) ; Luật Tiếp cận thông tin, 2016 (có hiệu lực từ 1-7-2018); Nghị định 72/2013 về “Quản ly sử dụng dịch vụ intternet và thông tin trên mạng” ( có hiệu lực từ 1-9-2013); Luật An ninh mạng, 2018 ( có hiệu lực từ 1-1-2019), v.v. Tất cả những bộ luật và Nghị định nói trên đều tuân thủ nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, theo đúng Hiến pháp 2013. Trong đó, có 2 nguyên tắc cơ bản sau: (1) “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, … (Điều 3); (2) “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”( Điều 4).

Đáng chú ý, trong nội dung sửa đổi và trong những bộ luật mới đã thể hiện những nhận thức, quan điểm mới của Nhà nước ta trên lĩnh vực quyền con người. Chẳng hạn, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) không chỉ đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho các hoạt động thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo, mà còn bảo đảm quyền cho tất cả người có đạo – cho dù họ là công dân Việt Nam hay người nước ngoài, cho dù họ là người tự do hay đang thi hành án. Mục 5 (Điều 5) quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, … bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”. Điều 8, quy định: “ Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.”, v.v. Hiện nay, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta diễn ra bình thường, nếu không nói là sôi động.

Nghị định của Chính phủ về “Quản lí, sử dụng dịch vụ intternet và thông tin trên mạng”, xác định chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho nhân dân ở các vùng khó khăn có thể sử dụng dịch vụ này. Điều 4 quy định: “ Thúc đẩy việc sử dụng Internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế,…; Phát triển hạ tầng Internet băng rộng đến trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, thư viện, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các điểm truy nhập internet công cộng và hộ gia đình. Chú trọng việc phổ cập dịch vụ internet ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.”

Trong bối cảnh internet, mạng điện tử phát triển mạnh mẽ, bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng là một nhiệm vụ quan trọng, tất yếu. Tuy nhiên, Luật An ninh mạng vẫn xác định nguyên tắc pháp quyền của Nhà nước ta, đồng thời tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Đó là những nguyên tắc sau: “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; …; Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với … bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng” (Điều 4)

Đối với các trang mạng đang hoạt động tại Việt Nam, Luật An ninh mạng quy định: “Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ; Doanh nghiệp ngoài nước quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam” (Điều 26). Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng theo Luật An ninh mạng này dựa trên thông lệ quốc tế và không cản trở hoạt động của các doanh nghiệp mạng đang triển khai dịch vụ ở Việt Nam, trong đó có tập đoàn Google, Facebook.

Cho đến nay, Nhà nước ta đã ký kết, gia nhập hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người. Đó là “Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc” (1981); “Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (1981); “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội”, (1982); “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị” (1982); “Công ước về quyền trẻ em” (1990); “ Công ước chống tra tấn (CAT) và “ Công ước về quyền của người khuyết tật” ( 2014), v.v. Những công ước nói trên đều đã được nội luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Việt Nam cũng đã tích cực tham gia đối thoại về quyền con người với nhiều quốc gia, như: Mỹ, Australia, Thụy Sỹ và EU. Những cuộc đối thoại này nhằm trao đổi quan điểm và học hỏi lẫn nhau để nâng cao hơn sự hưởng thụ quyền của người dân ở mỗi quốc gia.

Quyền làm chủ của người dân Việt Nam được thể hiện rõ ở quyền bầu cử và ứng cử. Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV (nhiệm kì 2016-2021) đã cho thấy điều này. Theo số liệu thống kê được công bố chính thức, cả nước có 67.485.482 cử tri, trong đó số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 67.049.091 người, đạt tỷ lệ 99,35%. Cơ cấu Đại biểu trúng cử thể hiện quyền lựa chọn đại biểu của nhân dân, kết quả cụ thể như sau: Đại biểu là người dân tộc thiểu số: 86 người (đạt 17,30%); Đại biểu nữ: 133 người (đạt 26,80%); Đại biểu là người ngoài Đảng: 21 người (đạt 4,20%); Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 71 người (đạt 14,30%). Mặc dù cơ cấu này chưa đạt yêu của Hội đồng bầu cử đề ra, nhưng so với các cuộc bầu cử trước đây đã có những tiến bộ nhất định.

Quyền tham gia quản lý Nhà nước của người dân được thể hiện ở tiếng nói của những đại biểu đại diện của mình tại Quốc hội. Những ai theo dõi thông tin trên mạng đều thấy rõ, các kỳ họp Quốc hội trong những nhiệm kỳ gần đây đều được truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi; những phiên họp chất vấn được nhân dân đặc biệt quan tâm; những vấn đề nóng như về sách giáo khoa, về các chốt thu phí BOT, … đã được nêu ra và trao đổi thẳng tại hội trường giữa đại biểu với các lãnh bộ quản lý liên quan.

Về quyền tự do ngôn luận, báo chí và tự do sử dụng internet, mạng xã hội của người dân đã được bảo đảm không chỉ về tư tưởng, chính trị, mà cả về cơ sở kĩ thật (do Nhà nước đầu tư). Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của khoa học, công nghệ, đặc biệt là internet, mạng điện tử nói chung, mạng xã hội nói riêng, nên việc kết nối dịch vụ này được tiến hành khá sớm. Năm 1997, Việt Nam kết nối với xa lộ thông tin của thế giới, đặt nền móng cho internet Việt Nam. Từ đây, người Việt Nam đã có thể tiếp cận với các nguồn thông tin dựa trên internet, mạng xã hội.

Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu về internet – WAS (We Are Social- là một công ty có trụ sở ở Anh), Việt Nam hiện nay với dân số xấp xỉ 93.6 triệu người, tính đến tháng 1-2017 có tới 50.050.000 triệu người dùng internet, chiếm 53% dân số, và có đến 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số. Với tỷ lệ này, Việt Nam là một trong những nước đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á về sử dụng internet, mạng xã hội.

Nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Nhà nước ta đã thành lập Ủy ban quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính phủ điện tử”; Cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến để cán bộ, cơ quan, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, nâng cao hiệu quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Trên lĩnh vực bảo đảm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, kết quả nổi bật trong năm 2018 là, tăng trưởng GDP đạt 6,98%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân tăng trưởng 3 năm 2016 – 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch  5 năm là 6,5 – 7%); dự trữ ngoại hối nhà nước đạt trên 60 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng (đầu năm 2018) đạt trên 352 tỷ USD, cả năm ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%; trong đó, xuất khẩu 238 tỷ USD, tăng 11,2% (mục tiêu 7 – 8%). Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thực hiện chủ trương giảm phiền hà cho người dân, các cơ quan chức năng đã cắt giảm (ước tính) 50% thủ tục hành chính; trong đó, cắt giảm, đơn giản hóa 61% thủ tục, điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Cả năm có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, theo Nghị quyết của Quốc hội, Nhà nước đã huy động nguồn lực xã hội vào các hoạt động giảm nghèo, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp điều kiện khó khăn. Theo đó, tốc độ giảm nghèo năm 2018 khá nhanh so với thời kì trước; tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2018 còn 5,2 – 5,7%, giảm 1 – 1,5% (riêng các huyện nghèo giảm trên 4%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cả nước ước đạt 86,9%, vượt chỉ tiêu đề ra (85,2%). Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng từ 15 đến 20%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017. 38% số người dân tộc ít người dịch chuyển lên nhóm có điều kiện kinh tế cao hơn (mức chung cả nước là 28%). Có thể nói hiếm có một quốc gia nào lại có nhiều chính sách xã hội như Nhà nước ta. Chẳng hạn như sự hỗ trợ về tài chính cho người nghèo, hộ nghèo thông qua “Ngân hàng chính sách xã hội”; hoặc chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo ở nông thôn (theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg)…

Trên lĩnh vực giáo dục, cho đến nay đã có 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Bình đẳng giới là một trong những chỉ số về quyền con người quan trọng. Cho đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 – 2021), tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội đạt 26,71%, cao hơn mức trung bình thế giới là 22,3%; phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh đạt hơn 27,8%. Trên lĩnh vực văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về công nhận các danh hiệu văn hóa. Cho đến năm 2018, Việt Nam có thêm 11 di tích và 29 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xếp hạng.

Trên lĩnh vực quan hệ quốc tế về quyền con người, Nhà nước ta đã thể hiện nhất quán là một thành viên có trách nhiệm đối với công đồng Quốc tế, trong đó có Hội đồng nhân quyền. Việt Nam từng được bầu là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (Nhiệm ky 2014-2016).

Đáng tiếc trong thời gia qua, trên internet, mạng xã hội đã có những tiếng nói không công bằng và nhận thức sai lầm về quyền con người ở Việt Nam. Chẳng hạn, họ cho rằng những blogger lợi dụng internet, mạng xã hội, tán phát thông tin xuyên tạc, chính sách, pháp luật Việt Nam, hoặc họ cho rằng bị các cơ quan chức năng xử lí, bắt, đưa ra xét xử tại tòa là “ vi phạm quyền con người”. Theo nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, quyền con người là một lĩnh vực pháp luật, trong đó quyền bao giờ cũng đi đôi với nghĩa vụ và phải chịu những hạn chế nhất định. Trong tính hiện thực của nó, quyền con người là một quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia; việc bảo đảm quyền con người phải gắn liền với bảo đảm quyền của cộng đồng, của xã hội và của Nhà nước.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (Việt Nam gia nhập năm 1982) quy định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá…” (Điều 1). Quy định này có nghĩa, các Nhà nước có quyền đưa ra các quy định pháp luật dựa trên truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa hoặc chế độ chính trị, trong đó có các quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân.

Quyền tự do ngôn luận, báo chí, Công ước trên quy định: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp; Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, … ; Việc thực hiện những quyền này … kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt, để: “Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội” ( Điều 19).

Như vậy có thể nói, thành tựu nhân quyền Việt Nam là to lớn, vững chắc, dựa trên chế độ xã hội ưu việt, thể chế nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cùng với một hệ thống pháp luật quốc gia hoàn thiện, không có ai, không lực lượng chính trị, trong và ngoài nước có thể phủ nhận được.

TS. CAO ĐỨC THÁI, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây