Tổ chức OpenDoors vừa công bố cái gọi là “Phúc trình thường niên 2018 về tự do tôn giáo thế giới” trong đó có một phần về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Và cũng chẳng khác là bao bản phúc trình về tự do tôn giáo thế giới những năm trước, phần đề cập tới Việt Nam, bản phúc trình của OpenDoors vẫn giữ những luận điểm cũ mòn cùng những đánh giá không dựa trên thực tế, phiến diện, không khách quan về hoạt động tôn giáo nói chung và hoạt động của đạo Thiên chúa giáo nói riêng ở Việt Nam khi tiếp tục xếp Việt Nam trong top 20 nước đàn áp tín đồ Thiên Chúa giáo nặng nề nhất trên tổng số 50 nước được tổ chức được cho là “giám sát toàn cầu chuyên bảo vệ các tín đồ Thiên Chúa giáo bị đàn áp trên thế giới” theo dõi và đánh giá trong năm 2018.
Cần khẳng định ngay rằng, tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân không chỉ được đảm bảo rõ ràng bằng Hiến pháp và pháp luật mà còn thể hiện rõ nét trên thực tế.
Việt Nam là quốc gia có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có một số tôn giáo du nhập từ bên ngoài như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo… và một số tôn giáo ra đời trong nước như Cao Ðài, Hòa Hảo… Số người theo đạo Phật là nhiều nhất, rồi đến người theo đạo Thiên Chúa. Đến nay, ở Việt Nam có 38 tổ chức tôn giáo, trên 24 triệu tín đồ, 80.000 chức sắc và khoảng 26.000 cơ sở thờ tự.
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có Thiên chúa giáo ở Việt Nam là điều không thể phủ nhận hay xuyên tạc. Điều này được minh chứng qua việc thiết lập quan hệ với Vatican từ năm 1989 và Vatican đã cử Ðại diện không thường trú tại Việt Nam từ năm 2011, trong khi đại diện các tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế lớn trên thế giới đều đã nhiều lần đến thăm, làm việc, khảo sát thực tế và thừa nhận việc đảm bảo quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam nói riêng.
Nhân dịp lễ Thiên chúa Giáng sinh hàng năm, lãnh đạo chính quyền các cấp, các bộ, ngành cũng đều quan tâm tổ chức tới thăm hỏi, chúc mừng các chức sắc, bà con giáo dân. Đây không chỉ là trách nhiệm và tình cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị, mà còn là tình cảm của tất cả các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng Việt Nam đối với đồng bào Thiên Chúa giáo.
Tại Việt Nam không hề có bất cứ sự cản trở hay cấm đoán nào với mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Pháp luật bảo đảm cho mọi hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo, song luật pháp cũng nghiêm khắc với tất cả cá nhân hay những hoạt động “núp bóng” lợi dụng danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo để có những hành vi vi phạm pháp luật.
Những điều trên cho thấy, không thể phủ nhận tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có Thiên chúa giáo ở Việt Nam. Rõ ràng, việc tổ chức OpenDoors có nhận xét mang tính định kiến, áp đặt về tình hình tôn giáo ở Việt Nam là việc làm không chỉ lỗi thời, sai trái, mà còn can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam./.
Đắc Chí
Nguồn: Việt Nam Mới (vnnew.net)