Bên lề đêm nghệ thuật Xuân Quê hương 2019 vào tối qua (26/1), nhiều Việt kiều đã chia sẻ với phóng viên báo Tin tức về tình cảm của họ dành cho đất nước. Tất cả đều có một điểm chung là dù có ở bất kì nơi đâu, họ cũng không thể quên quê hương bản quán của mình.
Con trai nhà nghiên cứu tâm linh Nguyễn Phúc Giác Hải, ông Nguyễn Phúc Hải Lượng đã có hơn 30 năm định cư tại Đức. Trở về Việt Nam ăn Tết năm nay, ông Lượng đi cùng vợ. Trong không khí ấm cúng đậm chất xuân với cây quất Quảng Bá, cây đào Nhật Tân tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ông Lượng chia sẻ: Đất nước đã thay đổi rất nhiều.
Ông Nguyễn Phúc Hải Lượng và vợ tại chương trình Xuân Quê hương 2019.
Ông Lượng suy nghĩ, dù ở đâu cũng là lao động, cống hiến, ở Việt Nam hay Đức. Ông dự định sẽ truyền bá cho các con cháu của mình, dù định cư ở Đức nhưng vẫn nhớ rằng gốc gác của mình là người Việt Nam, phải lưu lại những nét văn hóa Việt. Con dâu của ông là người Đức nhưng vẫn học tiếng Việt.
“Vài chục gia đình người Việt hàng xóm của tôi cũng tổ chức một chương trình “Xuân Quê hương” nho nhỏ để nhớ về quê hương Việt Nam. Không thể quên gốc gác của mình, bởi quê hương mỗi người chỉ một. Dù ở đâu thì tình yêu quê hương không thay đổi”, ông Lượng cho hay.
Những người con của ông Hải Lượng hiện đã định cư và thành đạt tại Đức, có chỗ đứng trong xã hội Đức, khẳng định người Việt không hề thua kém. Trong đó, con gái là trợ lý Tổng giám đốc cho một hãng làm robot nổi tiếng cùa Đức, con trai học 2 bằng thạc sỹ, mở công ty bất động sản mà ngay người Đức cũng khó làm được.
“Tôi luôn nói với các con, phải làm sao để người Việt ở bất kì nơi đâu cũng không phải cúi đầu, phải tự hào mình là người Việt Nam”, ông Lượng rưng rưng nước mắt khi nói những câu này.
Ông nói thêm: “Trở về Việt Nam lần này, tôi thấy Việt Nam rất đổi thay. Dù ai nói gì thì cũng không thể phủ nhận sự phát triển lớn mạnh của đất nước, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn. Tôi mong những người Việt ở nước ngoài mang chất xám đi rồi lại mang chất xám về xây dựng Tổ quốc ngang bằng các nước khác”.
Kiều bào thăm đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm chiều 26/1.
Sinh ra và lớn lên tại Thái Lan đến nay đã 73 năm, hoàn cảnh kinh tế gia đình không cho phép nên mấy năm gần đây, ông Nguyễn Đình Thắng mới có điều kiện về Việt Nam đón Tết.
Điểm đặc biệt là ông Thắng sống tại tỉnh Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan, giáp Myanmar, ông lại không đi được máy bay nên di chuyển về Việt Nam không phải dễ dàng. Ông phải đi đường bộ nhiều chặng, qua Lào rồi mới về Việt Nam, mất 3 đêm 2 ngày mới về tới Hà Nội.
Mặc dù rất vất vả với chặng đường “về quê” gian nan nhưng ông Thắng phấn khởi nói: “Việt Nam thay đổi chóng mặt so với cách đây 20 năm tôi về lần đầu. Không chỉ là sự phát triển kinh tế mà còn là chính sách cởi mở với kiều bào về nước”.
Ông Trần Duy Anh hơn 30 năm sống, làm việc tại Séc.
Đã hơn 30 năm sinh sống tại Séc nhưng chỉ có vài lần được về Việt Nam đón Tết, ông Trần Duy Anh (quê Hà Nội) suy nghĩ, cuối đời sẽ phải trở về quê hương chứ không thể sống xa quê mãi như vậy được. Ông sẵn sàng đầu tư về đất nước nếu nhà nước có các chính sách phù hợp.
Hiện nước Séc đã công nhận người Việt là một dân tộc thiểu số trên đất nước họ, có những chính sách hỗ trợ về giáo dục… Tuy nhiên ông Duy Anh vẫn mong muốn Việt Nam có các chính sách ưu đãi để ông và nhiều người khác có thể đầu tư về nước.
Tham dự chương trình Xuân Quê hương 2019 nhưng không phải với tư cách khán giả mà là một ca sĩ, Ninh Đức Hoàng Long (sinh năm 1991) chia sẻ niềm cảm xúc tự hào khi được cất tiếng hát “Tình ca” trong khán phòng rộng lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc gia trước lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hàng nghìn kiều bào từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập khắp năm châu.
Ninh Đức Hoàng Long trình diễn tại Xuân Quê hương.
Ninh Đức Hoàng Long hiện là sinh viên học bổng hiệp định Chính phủ Hungary – Việt Nam. Anh tốt nghiệp xuất sắc hệ đại học năm 2017 tại Hungary, hiện là một trong ba sinh viên năm 1 hệ Thạc sĩ biểu diễn Opera – Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc nổi tiếng của Hungary.
Ninh Đức Hoàng Long chia sẻ: “Đây không phải lần đầu tôi hát tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Tám năm trước tôi đã từng biểu diễn tại sự kiện này nhưng với vai trò là ca sĩ trong dàn hợp xướng”.
Các nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia Xuân Quê hương 2019.
Sau 6 năm du học, đây là lần đầu tiên Hoàng Long được về Việt Nam ăn Tết. Đã khá lâu không được ăn Tết tại quê hương nên anh rất háo hức mong chờ khoảnh khắc đón Giao thừa cùng gia đình và đi chùa cầu an vào sáng mùng 1 Tết.
Có thể nói 2018 là một năm thành công với Ninh Đức Hoàng Long, anh đã giành giải Nhất lần thứ 2 tại hạng mục dành cho sinh viên các trường đại học âm nhạc chuyên nghiệp từ 26 đến 36 tuổi trong Cuộc thi thanh nhạc quốc tế Smady Jozsef lần thứ 10 do Hungary tổ chức.
Báo chí Hungary đã viết về Ninh Đức Hoàng Long như một hiện tượng opera, một đại diện tiêu biểu của lớp trẻ Việt Nam đang du học ở nước ngoài.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng các nghệ sĩ.
Thời gian tới, bên cạnh việc tập trung hoàn thành khóa học Thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Liszt Ference và các lời mời biểu diễn tại Dubai, Croatia, Hoàng Long ấp ủ mong muốn mời một số thầy cô giáo tại Học viện về Việt Nam để có những khóa trao đổi chuyên môn ngắn hạn hay những buổi biểu diễn phục vụ khán giả Việt Nam. Bên cạnh đó, anh dự định tổ chức riêng một số buổi biểu diễn tại Hungary để giới thiệu nét đặc sắc của âm nhạc Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Có thể nói, hơn 4,5 triệu kiều bào Việt Nam dù ở bất kì nơi đâu, làm công việc gì cũng luôn đau đáu một tình yêu với quê hương. Xuân Quê hương 2019 như một cuộc hội ngộ, sum họp gia đình đầm ấm, như bữa cơm tất niên của người Mẹ Tổ quốc tiếp đón những người con lâu ngày đi xa trở về ăn Tết. Đây là dịp để mỗi người Việt Nam xa xứ thêm yêu và tự hào về quê hương mình, để sau đó tiếp tục đóng góp, cống hiến cho quê hương, cho Tổ quốc.
Nguồn: Báo Tin tức