Mới đây, sự kiện một đề tài khoa học cấp cơ sở không được nghiệm thu do mắc lỗi sao chép rất nặng, đã không chỉ thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu mà còn gây xôn xao trong dư luận. Sự kiện này một lần nữa cho thấy sự trung thực trong khoa học cần phải được đặt ra với yêu cầu khắt khe, đòi hỏi người làm công tác nghiên cứu cần tuân thủ nghiêm túc.
Đề tài “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tư liệu Hán Nôm” là đề tài cấp cơ sở ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) do Tiến sĩ N.X.D. làm chủ nhiệm, thực hiện trong năm 2018. Lý do Đề tài này bị đánh giá không đạt chất lượng sau hai lần nghiệm thu đều do lỗi sao chép. PGS Lã Minh Hằng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, người hai lần là Phản biện 1 trong Hội đồng nghiệm thu Đề tài cho biết: Sau nghiệm thu lần thứ nhất, Hội đồng đề nghị tác giả sửa chữa, bổ sung, khắc phục các lỗi đã được chỉ ra để hoàn thiện. Ở lần nghiệm thu thứ hai, các lỗi chỉ được sửa qua loa và Đề tài tiếp tục bị phát hiện còn nhiều sai sót. Vì vậy hai lần Đề tài này đều không đạt điểm trung bình sau khi Hội đồng chấm điểm (lần thứ nhất: 49/100 điểm, lần thứ hai: 45/100 điểm). Cụ thể: nghiệm thu lần thứ nhất, Đề tài đã bị chỉ ra 19 trang cắt dán trùng lặp giữa hai chuyên đề 1 và 2; nghiệm thu lần thứ hai, người phản biện tiếp tục chỉ rõ 106 (lần) lỗi sao chép (38 đoạn văn và 68 hình ảnh) song không dẫn nguồn tư liệu. Đó là nguyên nhân để Đề tài này không thể nghiệm thu.
Báo cáo tổng hợp đề tài “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tài liệu Hán Nôm” của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
Trường hợp kể trên không phải là lần đầu và chắc chưa phải là trường hợp cuối cùng phải nhắc đến khi bàn về sự trung thực trong hoạt động khoa học, mà nổi lên là hiện tượng lâu nay thường được gọi là “đạo văn”. Hành vi đạo văn biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: đạo ý tưởng, đạo cấu trúc bài viết… Trên thực tế, lỗi đạo văn thông thường hiện nay nhiều người mắc phải chủ yếu là hành vi sao chép y nguyên văn câu chữ của tác giả khác mà không ghi chú cụ thể nguồn gốc. Đáng buồn là nạn đạo văn như vậy lại đang diễn ra ở nhiều lúc, nhiều nơi, với nhiều cấp độ, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Có thể dẫn chứng bằng một số thí dụ tiêu biểu gần đây như: Cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2002) được Giáo sư N.Đ.T. cho ra đời bằng cách in lại phần lớn luận án của một tiến sĩ, một phần lớn luận văn của một thạc sĩ và một bài đăng tạp chí của một tác giả khác. Trong cuốn sách của Giáo sư N.Đ.T. có đến 130 trang “giống kỳ lạ” với một số công trình nghiên cứu đã công bố trước đó. Tương tự, tháng 8-2017, Phó giáo sư Đ.Đ.D., Trưởng khoa Lý luận chính trị và Giáo dục công dân thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội, với tư cách là người hướng dẫn khoa học đã cho một học viên của mình vô tư “sao lại” luận án của một nghiên cứu sinh khác cũng do mình hướng dẫn, khiến dư luận không khỏi bức xúc trước phẩm chất của người thầy. Vụ việc đã bị xử lý nghiêm túc cả về chuyên môn và hành chính, nhưng ít nhiều đã làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của cơ sở đào tạo nói riêng và của môi trường giáo dục nói chung.
Ngoài sao chép nguyên văn công trình của người khác, còn có không ít hình thức đạo văn khác khá tinh vi như ăn cắp ý tưởng, làm giả tài liệu… Năm 2013, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phải lên tiếng về việc một “học trò” lấy các thành quả nghiên cứu của ông về bản Vũ điệu Đông Dương – vốn là tên gọi một bản ký âm không hoàn chỉnh của học giả người Pháp J.Tiersot (G.Ti-ơ-sô) được cho là của ban nhạc tài tử Nam Bộ từng trình diễn ở hội chợ Paris vào năm 1900 – vào cuốn sách Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (NXB Văn hóa – Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh năm 2013) từ trang 85 đến trang 91. Một trường hợp khá điển hình của việc sao chép, ngụy tạo số liệu có thể dẫn chứng là vụ ông P.V.L., Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ bị phát hiện gian lận khi tiến hành làm đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ vì sử dụng tài liệu, chứng cứ khoa học, kết quả nghiên cứu của người khác để đưa vào đề tài của mình. Điều nguy hiểm là rất nhiều trong các con số mà tác giả lấy cắp đó đã bị chỉnh sửa một cách tùy tiện, và nếu áp dụng kết quả nghiên cứu bịa đặt này nhiều nguy cơ sẽ dẫn tới hậu quả mất mùa, cây trồng không phát huy hiệu quả…
Tại nhiều nước trên thế giới, nạn “đạo văn” cũng xảy ra và hậu quả mà người vi phạm phải chấp nhận rất đáng để cảnh tỉnh các cá nhân có hành vi tương tự. Không ít người bị sụp đổ cả danh vị, sự nghiệp sau khi “dính án đạo văn”, trong đó có cả chính trị gia danh tiếng. Tháng 4-2012, ông P. Schmitt (P.Smit) khi đó đang là Tổng thống Hung-ga-ry đã buộc phải từ chức sau khi bị tước bằng tiến sĩ. Lý do bị tước bằng là phần lớn luận án của ông thực hiện năm 1992 bị phát hiện đã sao chép từ các công trình nghiên cứu của hai tác giả khác. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu cũng mất tất cả sự nghiệp và danh tiếng của mình vì có hành vi “mượn không xin phép”. Thậm chí, bên việc xử lý trách nhiệm dân sự, một số người đã bị xử lý về hình sự.
Tại Việt Nam khi thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học, mọi tác giả đều phải cam kết (có thể chính thức như ở trước mỗi bản luận văn, luận án, hoặc có thể không chính thức) về sự trung thực, riêng biệt (không trùng lặp) và khách quan trong công trình của mình đồng thời ghi rõ, dẫn nguồn số liệu, tài liệu nghiên cứu… Dù sự trung thực luôn được yêu cầu và đề cao, một số tác giả vi phạm đã bị lên án gay gắt và nhận hình thức xử lý, nhưng rất tiếc tình trạng đạo văn trong khoa học vẫn không giảm, thậm chí đang có xu hướng gia tăng. Không thể phủ nhận một thực tế là nạn đạo văn đã và đang gây ra nhiều tác hại cho đời sống xã hội, bởi nạn đạo văn làm nhiễu loạn thông tin, tri thức, đảo lộn nhiều giá trị cần được tôn trọng. Đẩy tới hệ lụy là dư luận thường đặt dấu hỏi về chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, người trí thức bị coi thường, nghi ngờ về tinh thần liêm chính. Bất luận thế nào thì hành vi “đạo văn” trong học thuật cũng tương tự như hành vi trộm cắp, tham ô, bởi vậy bên cạnh việc lên án, đòi hỏi người làm khoa học cần phải đề cao giá trị đạo đức nghề nghiệp, các cơ quan có trách nhiệm cần phải có biện pháp ngăn ngừa, xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi này.
Bản chất của khoa học là sáng tạo và được xã hội trân trọng, bởi đây là lĩnh vực giúp phát hiện, tìm ra cái mới, các giá trị mới. Trong nghiên cứu khoa học, việc kế thừa các thành tựu nghiên cứu đã có là điều hết sức bình thường – như cách mà I.Newton (I.Niu-tơn) diễn đạt một cách hình ảnh là “đứng trên vai những người khổng lồ” – nhưng đó nhất thiết phải là kế thừa một cách minh bạch, sòng phẳng. Sự trung thực trong nghiên cứu khoa học phải được coi là một trong những thước đo quan trọng đánh giá chất lượng công trình khoa học cũng như năng lực và phẩm chất của nhà khoa học. Vi phạm nguyên tắc này là phi khoa học, không thể chấp nhận. Nhiều năm qua, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đã có nhiều nỗ lực từ phía cơ quan chức năng để nâng cao liêm chính khoa học, trong đó có chống “đạo văn”. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn chưa bị ngăn chặn, mà nguyên nhân trước hết chính là ý thức của người làm nghiên cứu khi mà bản thân họ cố tình hoặc thiếu ý thức đầy đủ về hành vi phản khoa học này, thậm chí còn dùng các kỹ thuật, kỹ xảo để che giấu.
Dù ở đâu, trong lĩnh vực nào thì việc xác định “đạo văn” là một việc khó khăn, nhưng hiện nay với sự phát triển của công nghệ, đã có những phần mềm hỗ trợ giúp “phát hiện sao chép” được xây dựng cho các cơ sở nghiên cứu và đào tạo. Hai trung tâm lớn về hoạt động nghiên cứu và giảng dạy là Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã sử dụng phần mềm này. Như GS, TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: “Trường đã áp dụng phần mềm này với tất cả các luận văn (của học viên cao học) và luận án (của nghiên cứu sinh). Trong tương lai, trường sẽ mở rộng việc này tới tất cả các đề tài nghiên cứu và cả các bài viết trên các tạp chí khoa học. Trường coi đó là biện pháp mạnh để nâng cao uy tín khoa học của mình”. Cùng với công cụ mang tính kỹ thuật – công nghệ là quy chế nghiêm ngặt về những hình thức xử lý các vi phạm. Nhiều trường đại học đã đặt ra những quy định khắt khe với sinh viên, cán bộ, giảng viên về sự trung thực trong học thuật và đã thu được kết quả nhất định. Bên cạnh đó, vai trò giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, sự lên án của dư luận xã hội, tính răn đe của các chế tài cũng đã phần nào phát huy tác dụng. Dù vậy, điều đầu tiên và quan trọng, quyết định nhất để duy trì sự trong sạch cho nền khoa học chính là lòng tự trọng, tự ý thức của chính các nhà khoa học, các cá nhân. Cùng với sự phát triển của khoa học, yêu cầu này ngày càng cao và cấp thiết. Đó chính là gốc của vấn đề. Có làm tốt điều này mới có thể bảo đảm sự lành mạnh của môi trường nghiên cứu, học thuật, bảo đảm các công trình khoa học đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của đất nước.
Thiên Phong (Nhân dân)
Nguồn: Đấu trường dân chủ