Ngày 23/01/2019 đã đánh dấu một sự kiện chính trị hỗn loạn xảy ra tại Venezuela. Chỉ hơn mười ngày sau khi Tổng thống Maduro tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 tại Tòa án Tối cao ở thủ đô Caracas (10/1), lãnh đạo phe đối lập của Venezuela Juan Guaidó (hiện là Chủ tịch Quốc hội Venezuela) trước hàng loạt người biểu tình ủng hộ phe đối lập đã tuyên thệ và tự xưng là “tổng thống lâm thời” mới của quốc gia này.
Việc một quốc gia để phát sinh xung đột nội bộ, đặc biệt lại liên quan đến vị trí người lãnh đạo đất nước là một việc hết sức hệ trọng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, chỉ ít phút sau lời tuyên bố của ông Guaidó, chính quyền Mỹ đã lên tiếng thừa nhận ông Guaidó là “tổng thống hợp pháp” mới của Venezuela, và kêu gọi các nước phương Tây cùng thực hiện động thái này. Lẽ ra với vai trò một cường quốc, có tiếng nói lớn, nếu thực sự có thiện chí giúp đỡ giải quyết khủng hoảng thì thiết nghĩ điều Mỹ nên làm là trở thành trung gian để giúp chính quyền cũng như người dân Venezuela tìm đến tiếng nói chung. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, dường như Mỹ chỉ trực chờ có thế để có thời cơ lên tiếng, can thiệp chính trị vào Venezuela.
Có thể thấy kế hoạch can thiệp nội bộ của Mỹ vào Venezuela đã được chuẩn bị kỹ càng từ lâu. Từ việc tăng cường cũng như kêu gọi các quốc gia đồng minh tăng cường các biện pháp cấm vận nhằm vào Venezuela, đến thời điểm cuối năm 2018, Mỹ thậm chí còn bắt đầu xem xét việc đưa Venezuela vào danh sách các nước tài trợ cho khủng bố, mặc dù họ chẳng cho thấy điều gì liên quan.
Để biện minh cho hành động ủng hộ phe đối lập của mình, Mỹ cho rằng cuộc bầu cử tại Venezuela diễn ra hồi đầu năm 2018 là không hợp pháp. Điều này khá là nực cười bởi thứ nhất xét về mặt quốc gia, Mỹ cũng chỉ ngang hàng với Venezuela, cùng là các quốc gia độc lập, có chủ quyền, thế nên chả có quyền gì phán xét nước khác; thứ hai nữa, về việc tổ chức, đảm bảo cho việc bầu cử thì Mỹ nên tự nhìn lại bản thân mình. Tổng thống Trump cũng nhậm chức trong những tranh cãi, và cho đến nay vẫn chưa có hồi kết về việc có hay không sự can thiệp từ bên ngoài vào kết quả bầu cử của Mỹ. Thế mới nói, ốc còn chả mang nổi mình ốc, còn bày đặt đòi mang cọc cho rêu.
Hơn nữa, Mỹ còn cậy vị thế nước lớn, thể hiện sự ngông nghênh của mình, bất chấp luật phát, quan hệ ngoại giao quốc tế. Ngay cả khi tổng thống đương nhiệm Maduro ra quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao, yêu cầu cán bộ ngoại giao Mỹ rời khỏi Venezuela trong vòng 72 giờ, thì Mỹ lại “dẫm” lên chủ quyền nước khác khi tuyên bố sẽ không rời đi. Trong mối quan hệ quốc tế giữa các quốc gia rõ ràng cần có sự tôn trọng, bình đẳng lẫn nhau, thế nhưng trong mối quan hệ với Venezuela khái niệm tôn trọng, bình đẳng với Mỹ không tồn tại. Mỹ tự ý hành động trên lãnh thổ quốc gia khác cứ như nhà của mình, bất chấp chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế.
Không những vậy, theo các trang báo quốc tế, khi đáp lại câu hỏi liệu có tính tới chuyện can thiệp quân sự vào Venezuela hay không, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói “Chúng tôi chưa cân nhắc điều gì nhưng mọi biện pháp đều được đặt lên bàn”. Điều này cho thấy chiêu bài mà Mỹ đã từng sử dụng với Syria sẽ được sử dụng lại. Mỹ sẽ lại biện minh rằng có hai chính phủ tồn tại tại Venezuela, giống như điều đã từng làm tại Syria, Mỹ sẽ tạo ra một chính phủ lưu vong, và từ đó gây ra những xung đột, ban đầu là từ các cuộc biểu tình, sau đó leo thang, bùng phát thành các cuộc xung đột bạo lực, gây ra những tổn thất nặng nề, thương vong, và hủy hoại cơ sở hạ tầng của đất nước. Và Mỹ sẽ lại xuất hiện như một người hùng Hollywood, đến và kiếm lời, bởi từ lâu Mỹ đã rất “hứng thú” với tài nguyên của Venezuela.
Nói thế để chúng ta thấy rằng, tất cả diễn ra không phải ngẫu nhiên, các cuộc cách mạng màu trước đây cũng vậy, đều có bàn tay kích động từ phía sau của các nước tư bản, đặc biệt là Mỹ. Những hình ảnh thảm khốc ở Syria, Irắc… có được đều “nhờ có bàn tay giúp đỡ” của Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay đa phần người dân Venezuela, lực lượng quân đội vẫn đang hết lòng ủng hộ tổng thống được dân bầu hợp pháp là ông Maduro và đây mới chính là điều quan trọng nhất mà người đứng đầu một quốc gia cần làm được, chứ không phải đi theo đường lối mà quốc gia khác vạch ra cho đất nước, người dân của mình./.
AN THIÊN