“PHÚC TRÌNH TOÀN CẦU 2019” CỦA HRW LẠI XUYÊN TẠC TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN VIỆT NAM

“PHÚC TRÌNH TOÀN CẦU 2019” CỦA HRW LẠI XUYÊN TẠC TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN VIỆT NAM

Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) vừa đưa ra những thông tin thiếu khách quan, sai sự thật và thiếu thiện chí về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

“PHÚC TRÌNH TOÀN CẦU 2019” CỦA HRW LẠI XUYÊN TẠC TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN VIỆT NAM

Cái gọi là bản “Phúc trình Toàn cầu 2019” được HRW công bố ngày 17/1/2019 mô tả rằng tình hình nhân quyền tại Việt Nam “xuống cấp nghiêm trọng”, chính phủ Việt Nam “xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản” như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và nhóm họp, quyền tự do thực hành tôn giáo… HRW còn liệt kê “12 nhà bất đồng chính kiến” được cho là bị Nhà nước bỏ tù năm 2018 với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”.

Thực tế cho thấy những gì mà HRW đưa ra đều dựa trên những thông tin bịa đặt và không có cơ sở bởi cộng đồng quốc tế đã công nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người.

Cần khách quan nhận thấy rằng, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Thực tế cho thấy, các tổ chức xã hội và người dân ngày càng tham gia nhiều hơn vào quá trình kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp, chính sách của Nhà nước. Các tổ chức tôn giáo ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.

Trong khi đó, lĩnh vực báo chí ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ khi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam được bảo đảm không chỉ trong luật mà còn trong thực tế. Luật Báo chí 2016 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 là cơ sở để đảm bảo các quyền đó.

Đáng chú ý, Việt Nam hiện nằm trong số 20 quốc gia có số người dùng Internet nhiều nhất thế giới. Người dân sử dụng Internet để thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình: hiện có khoảng 50 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, chiếm 52% dân số. Đặc biệt, Luật An ninh mạng 2018 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là cơ sở để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, công dân trên không gian mạng.

Bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, nhưng Việt Nam cũng kiên quyết xử lý những kẻ vi phạm pháp luật. Ở Việt Nam không có ai bị xử lý vì viết blog hay viết báo, chỉ có những đối tượng lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do Internet để gây mất ổn định xã hội, chống lại đất nước và nhân dân, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, mới bị xử lý nghiêm khắc.

Những đối tượng bị bắt giữ và đưa ra xét xử mà HRW gọi là “nhà bất đồng chính kiến” thực tế đều lợi dụng tự do ngôn luận để đăng tải những bài viết có nội dung sai sự thật, nói xấu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, kích động nhân dân chống lại Nhà nước, gây phương hại đến an ninh trật tự.

HRW cần biết rằng, các quốc gia có chủ quyền trên thế giới đều có luật xử lý nghiêm khắc những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống lại đất nước, làm trái pháp luật, kích động thù hận, bạo lực.

Việc nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền con người là sự thật không thể phủ nhận và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Vì vậy, HRW cần có cái nhìn khách quan và đúng đắn về tình hình nhân quyền Việt Nam./.

Nguồn: Việt Nam Mới (vnnew.net)

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *