Facebook là mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 3,5 tỷ người dùng chiếm 44% dân số thế giới, khi bước chân vào Việt Nam được hơn 10 năm hiện nước ta đã đứng thứ 7 trên toàn thế giới với gần xấp xỉ 60 triệu người dùng trong đó hơn một nửa số đó online thường xuyên trên mạng xã hội này. Tuy nhiên, mạng xã hội này đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Việt Nam về quản lý thông tin, quảng cáo bất hợp pháp với nội dung sai trái và không thực hiện các nghĩa vụ thuế với Việt Nam, cụ thể:
Facebook cho phép Fanpage phản động “Việt Tân” hoạt động và đăng tải nội dung phản động, chống đối Nhà nước ta
Thứ nhất, facebook vu khống, xuyên tạc, bôi nhọ các cá nhân và tổ chức hợp pháp
Điều 8, Luật An ninh mạng đã quy định rõ, nghiêm cấm các hành vi sử dụng không gian mạng để thông tin: tuyên truyền chống Nhà nước CHXH Việt Nam; xuyên tạc phỉ báng chính quyền, xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, xuyên tạc lịch sử, phá hoại khối đại đoàn kết; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác…. Hiện nay, Facebook đã không thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng trong việc bóc gỡ các Fanpage, trang cá nhân có những thông tin kích động chống phá nhà nước ta.
Hiện nay, trang mạng xã hội facebook đang cho tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân, fanpage, nhóm… có nhiều bài đăng có nội dung công khai chống phá chính quyền, xuyên tạc chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, phí báng, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, xuyên tạc lịch sử, kích động tôn giáo và hằn thù cá nhân dân tộc, tôn giáo.
Các hoạt động chống phá, đưa thông tin sai sự thật được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục. Đặc biệt các chiến dịch chống phá được tăng cường vào các thời điểm nhạy cảm như: Đại hội Đảng, Bầu cử Đại biểu quốc hội, khi Quốc hội ban hành các luật, chính sách…
Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ TTTT từ việc rà soát và thanh kiểm tra phát hiện các dấu hiệu nêu trên đã nhiều lần gửi báo cáo vi phạm lên Facebook. Yêu cầu ban quản trị gỡ bỏ các thông tin, fanpage có nội dung sai sự thật. Tuy nhiên, trang mạng này liên tục trì hoãn, không gỡ bỏ cho rằng công dân có quyền tự do ngôn luận. Không vi phạm các tiêu chuẩn của cộng đồng chung. Từ chối hợp tác trong việc cung cấp các thông tin của các cá nhân, fanpage có hoạt động vi phạm để cơ quan điều tra thực hiện điều tra làm rõ.
Thứ hai, phân phối hiển thị quảng cáo bất hợp pháp
Hiện có rất nhiều bài quảng cáo vi phạm luật pháp, thuần phong mỹ tục của Việt Nam như tiền giả, vũ khí, pháo nổ vốn bị nghiêm cấm mua bán trái phép hoặc các loại đồ chơi tình dục, mua bán dâm trên trang cá nhân… Những loại mặt hàng đó đều không được kiểm duyệt mà cho phép phân phối luôn. Ngoài ra facebook đều thờ ơ với các loại mặt hàng nhái thương hiệu, hàng giả các loại thông tin đó. Những thông tin này, xuất hiện nhan nhản trên facebook, tiếp cận với tất cả mọi thể loại đối tượng người từ già trẻ, nam nữ.
Chính vì cái chính sách cho quảng cáo vô tội vạ, không qua kiểm duyệt như vậy nên điều đáng nói là, hiện nay facebook cho phân phối một loại quảng cáo mà chúng ta cũng hay nhìn thấy trên newfeed đó là “quảng cáo chính trị”. Đây là những thông tin được các đối tượng phản động, chống phá viết lên nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, định hướng sai dư luận, kích động phá rối an ninh, bạo loạn, biểu tình hoặc gây mất đoàn kết dân tộc.
Nội dung này là những thông tin xuyên tạc nhân phẩm, danh dự của các đồng chí lãnh đạo, nội dung kêu gọi biểu tình, chống phá chính quyền. Chẳng hạn, thời gian vừa qua chúng ta đã nhìn thấy những dòng newfeed kêu gọi biểu tình phản đối Quốc hội thông qua luật An ninh mạng, luật đặc khu kinh tế.. tạo nên làn sóng phản đối và bị định hướng dư luận sai… gây thiệt hại về kinh tế, uy tín và an ninh chính trị.
Tính nguy hiểm của facebook là khi nhắm tới một đối tượng, loại người cụ thể thì thông tin quảng cáo sẽ được phân phối một cách chính xác diện người đối tượng đó từ giới tính, nơi sống, trình độ, nghề nghiệp…. Chẳng hạn, quảng cáo tới những người có dân trí thấp ở các vùng miền núi, dân tộc, nông thôn. Hoặc nhóm đối tượng kích động ở tôn giáo, hoặc kích động biểu tình vào nhóm sinh viên.
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc gửi yêu cầu facebook không phân phối và gửi thông tin lên Ngân hàng nhà nước không thanh toán cho các thẻ ngân hàng có fanpage thực hiện các sản phẩm, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, facebook trốn thuế Việt Nam
Theo kết quả của Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018 mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đạt 550 triệu USD trong đó riêng Facebook chiếm 235 triệu. Như vậy, ông lớn này chiếm đến xấp xỉ 42.7% thị phần quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, facebook lại dửng dưng trong việc đóng thuế cho Việt Nam.
Chúng ta đang thấy rằng, facebook đang phân phối cả những sản phẩm và dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam, nhưng vì có khoản lợi nhuận quá lớn nên facebook vẫn làm ngơ. Như vậy, chúng ta cho các doanh nghiệp nước ngoài như facebook vào thị trường Việt Nam vừa thất thu thuế lại vừa trôi nổi các loại hình quảng cáo, thông tin xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Cơ quan chức năng Việt Nam cho rằng, khó khăn trong việc kiểm soát thuế đối với các công ty xuyên biên giới là ở chỗ chúng ta không nắm được và quản lý được hoạt động của facebook tại Việt Nam điều này dẫn tới thất thu thuế và phân phối nội dung sai sự thật. Hiện nay, facebook có khoảng 900 máy chủ đặt tại Việt Nam nhưng lại không có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Việc các máy chủ này hoạt động dựa vào ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, không chặt chẽ trong thủ tục pháp lý dẫn tới kẽ hở để facebook liên tục có các vi phạm pháp luật Việt Nam.
Để ngăn chặn các hành vi này, cơ quan chức năng cần tiếp tục tập hợp các bằng chứng vi phạm, đấu tranh yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật. Yêu cầu, bổ sung các cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, facebook phải phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc quản lý các hoạt động quảng cáo nhằm kiểm duyệt các thông tin sai sự thật và thu thuế từ các hoạt động quảng cáo. Nếu không thực hiện, cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp kinh tế, kỹ thuật nhằm ngăn chặn và đảm bảo một môi trường không gian mạng trong sạch, hoạt động đúng khuôn khổ của luật pháp.
Cát Cát
Nguồn: Non sông Việt Nam