Trang chủ Luận bàn - Phản biện Kỳ 2: Việt Nam có sai lầm khi tiến quân vào Campuchia...

Kỳ 2: Việt Nam có sai lầm khi tiến quân vào Campuchia hay không?

169
0

Vậy có phải hệ thống tuyên truyền Việt Nam đang che giấu một sự thật, rằng Khmer Đỏ “có tên thật là Đảng Cộng sản Campuchia”, như giới chống Cộng đang nói hay không? Ngày 07/01/2014, website Đài Tiếng nói Việt Nam đã đăng một bài viết dài về lịch sử của “Đảng Cộng sản Campuchia”, thường được biết đến dưới cái tên “Khmer Đỏ”. Bài này cho biết “đến năm 1981, nhóm Khmer Đỏ đã chính thức tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, và tự đổi tên từ Đảng Cộng sản Campuchia thành Đảng Campuchia Dân chủ”. Nếu giới chống Cộng không đánh đồng Khmer Đỏ với nền dân chủ vì cái tên này, họ cũng không nên vội đánh đồng Khmer Đỏ với các đảng Cộng sản.

Kỳ 2: Việt Nam có sai lầm khi tiến quân vào Campuchia hay không?

Về phần trả lời phỏng vấn của ông Ngọc Vinh trên BBC tiếng Việt, chúng tôi ủng hộ quan điểm rằng Việt Nam nên tránh rơi vào một cuộc chiến tranh khác, và nên “tận dụng từng phút giây hòa bình để phát triển đất nước”. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý với một số chi tiết mà ông Vinh đưa ra.

Thứ nhất, khác với mô tả của ông Vinh, thực ra Việt Nam đã cố tránh một cuộc chiến tranh ở Campuchia. Trước khi chiến tranh nổ ra năm 1979, Việt Nam đã có 9 năm xung đột với Khmer Đỏ, trong đó phía Việt Nam hầu như chỉ đàm phán để tìm giải pháp hòa bình và tổ chức phòng ngự. Cụ thể, từ năm 1970 đến năm 1973,  Khmer Đỏ đã gây ra 174 vụ tập kích để cướp vũ khí, lương thực, giết hơn 600 cán bộ và binh lính miền Bắc Việt Nam. Ngay sau khi lên nắm quyền ở Campuchia, Khmer Đỏ chiếm đảo Phú Quốc vào ngày 04/05/1975, và hành quyền 500 dân thường Việt Nam trên đảo Thổ Chu chỉ 6 ngày sau đó. Từ năm 1975 đến năm 1978, Khmer Đỏ đã nhiều lần đánh sâu vào đất liền Việt Nam, tàn sát hơn 30 nghìn người Việt, và khiến 300 nghìn người khác phải di tản. Trong quá trình xung đột đó, Việt Nam từng đánh sâu 30 km vào lãnh thổ Campuchia năm 1977, và từng đề nghị thương lượng để ký kết hiệp định biên giới vào năm 1978, nhưng Khmer Đỏ vẫn tiếp tục đưa kế hoạch xâm lược Việt Nam vào trong nghị quyết. Việt Nam từng đề nghị Trung Quốc làm trung gian hòa giải, và đề nghị Liên Hiệp Quốc lên tiếng, nhưng cả 2 đề nghị này đều không được phản hồi. Trong tình thế đó, lựa chọn duy nhất của Việt Nam là tạm thời chiếm đóng Campuchia để diệt tận gốc chế độ Khmer Đỏ.

Các số liệu cũng cho thấy Việt Nam đã hạn chế được thiệt hại nhờ chiếm đóng Campuchia. Từ năm 1977 đến khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, có 55 nghìn binh sĩ Việt Nam hy sinh, trong đó có 30 nghìn người hy sinh trong 1 năm trước khi phát động chiến tranh, và 25 nghìn người hy sinh trong 9 năm rưỡi chiếm đóng. Quan trọng hơn, việc tạm chiếm Campuchia đã giúp Việt Nam giữ được chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ sinh mạng dân thường.

Trong khi đó, Trung Quốc có chủ động bẫy Việt Nam vào cuộc chiến này để trục lợi hay không? Khi Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 để cứu Khmer Đỏ, Trung Quốc đã phải chủ động rút quân khỏi Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục đóng quân ở Campuchia thêm 12 năm, và có ảnh hưởng đến nền chính trị Campuchia thêm 20 năm nữa. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng không hề “đặt chân vững chắc lên quần đảo Trường Sa, kiểm soát hoàn toàn đường ra biển của Việt Nam và các nước Đông Nam Á” như mục tiêu mà họ đặt ra. Năm 2015, Việt Nam kiểm soát 48 điểm trên quần đảo Trường Sa, trong khi Trung Quốc chiếm 8 điểm, Đài Loan chiếm 1 điểm, Philippines chiếm 8 điểm, Malaysia chiếm 5 điểm. Số điểm đảo mà Việt Nam kiểm soát năm 2015 cũng cao gấp đôi năm 1990. Như vậy, trong cuộc chiến tranh ở Campuchia, Việt Nam đã đạt được mục tiêu bảo vệ chủ quyền của mình, trong khi Trung Quốc không đạt được những mục tiêu của họ.

Cần lưu ý rằng các nước yêu chuộng nhân quyền, như Anh và Mỹ, có trách nhiệm lớn trong sự lộng hành của Khmer Đỏ và việc Việt Nam phải can thiệp sâu vào Campuchia. Theo một bài viết trên BBC tiếng Việt hồi tháng 11 năm ngoái, thì Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Mỹ, Anh và Thái Lan đã đồng loạt hỗ trợ Khmer Đỏ. Cụ thể, Mỹ đã yêu cầu các tổ chức cứu trợ quốc tế chỉ cấp viện cho các vùng do Khmer Đỏ kiểm soát, chứ không viện trợ cho các vùng do Nhà nước mới của Campuchia kiểm soát, cũng như cho Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ liên tục bỏ phiếu ủng hộ việc Khmer Đỏ có ghế ở Liên Hiệp Quốc, khiến họ giữ được ghế này đến tận năm 1993, tức 14 năm sau khi chế độ Pol Pot bị lật đổ. Trong khi đó, Anh đã cử lực lượng đặc nhiệm SAS sang huấn luyện cho các nhóm du kích từng phối hợp với Khmer Đỏ trong cuộc chiến chống Việt Nam. Còn Thái Lan đã cấp đất cho Khmer Đỏ xây căn cứ để hoạt động.

Bức tranh phức tạp vừa nêu là kết quả của một quá trình dài, khi Đông Dương bị biến thành một đấu trường nóng của Chiến tranh Lạnh. Khi xung đột đã sẵn có ở cả trong lẫn ngoài nước, chúng ta sẽ không đạt được hòa bình lâu dài bằng cách che giấu xung đột và trì hoãn chiến tranh. Để có hòa bình trong tình huống đó, chúng ta cần hành xử tỉnh táo trước lòng tham của ngoại quốc và của chính mình. Đừng biến mình thành kẻ hận thù, cơ hội, ảo tưởng sức mạnh, chỉ biết thăng tiến bằng cách đánh thuê cho ngoại bang – như Pol Pot từng làm ở Campuchia, và giới chống Cộng Việt Nam đang làm trên Internet.

Nguồn: Loa Phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây