Trang chủ Tin tức Công bố nguồn gốc, pháp lý khu đất vườn rau Lộc Hưng

Công bố nguồn gốc, pháp lý khu đất vườn rau Lộc Hưng

289
0

Lãnh đạo UBND quận Tân Bình (TPHCM) khẳng định, khu đất công trình công cộng tại vườn rau ở phường 6 thuộc diện nhà nước trực tiếp quản lý và điều phối sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của nhà nước.

Lãnh đạo UBND quận Tân Bình (TPHCM) khẳng định, khu đất công trình công cộng tại vườn rau ở phường 6 thuộc diện nhà nước trực tiếp quản lý và điều phối sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của nhà nước. Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng nhấn mạnh, các hộ dân không đủ điều kiện để được công nhận là người sử dụng đất và không được xem xét giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất.

Lãnh đạo UBND quận Tân Bình dẫn chứng nhiều tài liệu, chứng cứ và khẳng định, khu đất vườn rau rộng khoảng 4,8 ha tại phường 6 là đất công, do Nhà nước quản lý.

Cụ thể, đề cập đến nguồn gốc, pháp lý và quá trình sử dụng khu đất dự kiến xây trường học đạt chuẩn quốc gia nêu trên, lãnh đạo UBND quận Tân Bình dẫn chứng, tại Kết luận Thanh tra 127 ngày 26-3-2008 có ghi rõ phần đất 6,8 ha thuộc các thửa 128-5, 129-5 và một phần 126-5, 131-101-5 sổ địa bộ 6, 8, 9, 10, tờ số 2 xã Phú Thọ Hòa (cũ).

Các thửa đất 128-5, 129-5 và một phần 131-101-5 có nguồn gốc do Quốc gia Việt Nam đứng bộ, phần đất này có diện tích khoảng 4,08 ha trước đây chính quyền Pháp thuộc sử dụng làm bãi ăng-ten cho đài phát tín. Sau đó, Nha Giám đốc Viễn thông quốc ngoại chế độ Sài Gòn quản lý sử dụng.

Một phần thửa 126-5 thuộc sổ địa bộ 6, diện tích khoảng 2,7 ha có nguồn gốc do ông Lê Phát Đạt làm chủ sử dụng từ năm 1900, sau đó ông Đạt tặng cho tổ chức từ thiện Pháp. Năm 1939, tổ chức này chuyển giao lại cho Hội đồng Quản trị Công giáo địa phận Sài Gòn đứng bộ, sau đó Nha Giám đốc Viễn thông quốc ngoại chế độ Sài Gòn quản lý sử dụng.

Đến năm 1955, theo Công văn số S.P 55.011 ngày 17-2-1955 của Đại úy trưởng trạm phát tín Moinard cho phép những người cư trú giáp phía Tây khu đất được canh tác dưới cột ăng-ten vào ban ngày.

Sau ngày 30-4-1975, Trung tâm Viễn thông (Tổng cục Bưu điện) tiếp quản, đến ngày 14-4-1977, nhà nước trực tiếp quản lý (theo Điều 1 Phần IV theo Quyết định số 111/CP của Hội đồng Chính phủ và giao cho Trung tâm Viễn thông 3 tiếp tục quản lý, sử dụng làm Đài Phát tín Chí Hòa.

Công bố nguồn gốc, pháp lý khu đất vườn rau Lộc Hưng

Ngày 12-10-1991, Ban Quản lý ruộng đất TPHCM ban hành Quyết định 07/QĐ-ĐĐ công nhận quyền sử dụng đất và khu nhà điều hành cho Bưu điện TPHCM với diện tích 40.893 m2.

Thực tế, Bưu điện TPHCM chỉ quản lý trực tiếp được khoảng 2 ha là đất chuyên dùng. Từ năm 1993 đến nay, do có sự thay đổi công nghệ trong lĩnh vực viễn thông nên các cột ăng-ten được tháo dỡ, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, UBND TP chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên, Bưu điện Chí Hòa và sửa chữa nâng cấp Trường Bồi dưỡng Nghiệp vụ Bưu điện.

Phần còn lại khoảng 2,08 ha Bưu điện TPHCM có quyết định của UBND TP công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng không trực tiếp sử dụng được vì các hộ dân đang canh tác rau màu.

Riêng khoảng 2,7 ha thuộc thửa 126-5 Bưu điện TPHCM chưa được cơ quan thẩm quyền công nhận QSDĐ và không trực tiếp quản lý sử dụng được mà các hộ dân vẫn canh tác rau màu cho đến nay.

Như vậy, tổng diện tích các hộ dân đang canh tác rau màu đan xen trên đất chuyên dùng là khoảng 4,8 ha. Đến năm 2001, UBND TP có quyết định giao 29.311 m2 đất cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Sài Thành và 20.009 m2 cho Bưu điện TPHCM để đầu tư xây dựng khu nhà ở cán bộ công nhân viên và công trình công cộng.

UBND quận Tân Bình cho hay, do 2 đơn vị trên không đủ năng lực thực hiện dự án, ngày 25-4-2008, UBND TP ban hành Quyết định 1824/QĐ-UBND thu hồi khu đất, giao UBND quận Tân Bình thực hiện dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư.

Ngày 25-8-2013, UBND TP ban hành Quyết định 4204/QĐ-UBND điều chỉnh Quyết định 1824/QĐ-UBND về thu hồi đất có diện tích 49.320 m2 tại phường 6, quận Tân Bình, giao UBND quận Tân Bình tổ chức thực hiện việc hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cụm trường học công lập theo tiêu chuẩn quốc gia.

Ngày 11-6-2015, UBND TP có Công văn 3200/UBND-ĐTMT về việc cho phép tiếp tục thực hiện thu hồi đất để triển khai dự án xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu đất này.

Ngày 12-11-2015, Sở Tài nguyên – Môi trường có Công văn 86/TNMT-QLSDĐ về việc hướng dẫn thu hồi đất dự án công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình, trong đó nêu: “Khu đất công trình công cộng phường 6 thuộc diện nhà nước trực tiếp quản lý và điều phối sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của nhà nước. Những hộ gia đình, cá nhân có quá trình sử dụng trên phần đất nhà nước trực tiếp quản lý nếu không có tranh chấp sẽ được xem xét giải quyết hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Việc một số hộ dân tận dụng phần diện tích đất trống giữa các cột ăng-ten để khai thác trồng rau là không đủ điều kiện công nhận QSDĐ và cấp giấy chứng nhận QSDĐ”.

Cũng theo UBND quận Tân Bình, vào ngày 23-11-2006, Bộ Tài nguyên – Môi trường có công văn 5201-/BTNMT-ĐĐ (Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ ký) trả lời công văn thắc mắc của Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM hỏi về việc giải quyết yêu cầu của công dân tại phường 6, quận Tân Bình, TPHCM.

Công bố nguồn gốc, pháp lý khu đất vườn rau Lộc Hưng

Công bố nguồn gốc, pháp lý khu đất vườn rau Lộc Hưng

Công văn của Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng phân tích rõ về khu đất 4,8 ha mà các hộ dân đề nghị được xác nhận quá trình sử dụng đất (là “có quá trình sử dụng đất từ năm 1955 đến nay, không tranh chấp”) tại phường 6, quận Tân Bình. Cụ thể, công văn này khẳng định, từ thực tế quá trình sử dụng đất nêu trên, việc sử dụng đất của các hộ dân để trồng rau là tận dụng phần diện tích trống giữa các cột ăng-ten để canh tác. Khi Bưu điện TPHCM yêu cầu các hộ dân ngừng canh tác để trả lại mặt bằng thì các hộ dân không đủ điều kiện để được công nhận là người sử dụng đất và không được xem xét giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất với bưu điện.

Tuy nhiên, công văn của Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng lưu ý, khi UBND TP quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất bãi ăng-ten của Bưu điện TP thì người dân đang trồng rau màu tại đây được hỗ trợ, mức hỗ trợ do UBND TP quyết định. Mức hỗ trợ tối đa không quá mức bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo UBND quận Tân Bình, UBND TP đã có chính sách hỗ trợ với mức hỗ trợ bằng mức bồi thường; đồng thời UBND quận Tân Bình cũng xem xét một số chính sách khác như bố trí tái định cư, hỗ trợ, giải quyết việc làm… khi thu hồi khu đất để làm cụm trường học đạt chuẩn quốc gia.

Nhóm PV (Sài gòn giải phóng)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây