Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, CPTPP tạo ra những cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức cho Việt Na
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 15/1, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý, không ai có thể dám khẳng định rằng cơ hội theo tính toán khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều có thể dễ dàng đạt được.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Một trong những thách thức đặt ra đối với Việt Nam khi CPTPP chính thức có hiệu lực là làm sao để tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước nếu muốn thụ hưởng những thuận lợi mà hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này mang lại. Chỉ có làm tốt điều này thì mới có thể có được lợi thế theo tính toán bởi lợi thế không có hiển nhiên trước mắt.
“Chúng ta được hưởng thuế về 0 thì cũng phải dành cho các doanh nghiệp của họ (các nước thành viên khác của CPTPP) thuế về 0. Điều đó nói lên rằng thách thức và cơ hội luôn đan xen nhau”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, có một thực tế luôn luôn đúng đó là nếu biết biến thách thức thành cơ hội thì sẽ có thành công. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp, liệu họ sẽ thay đổi ra sao để có thể đáp ứng với tình hình mới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chỉ ra rằng, Việt Nam đã có rất nhiều hiệp định thương mại, trong đó phải kể đến hiệp định tự do đã có từ lâu với ASEAN. Thị trường ASEAN với 650 triệu dân rõ ràng mang đến nhiều cơ hội nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thực sự tranh thủ tận dụng được nhiều. Trong năm 2019, chúng ta bắt đầu phải thực hiện cam kết trong ASEAN giảm toàn bộ thuế về 0 thì tính cạnh tranh của thị trường cũng sẽ cao hơn. Đây cũng là bài học kinh nghiệm Việt Nam cần rút ra để phải tận dụng cơ hội ngay từ đầu khi tham gia các hiệp định tự do, có làm được như vậy thì các doanh nghiệp trong nước mới có thể phát triển được.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam hôm qua (14/1/2019). Trước đó, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.
Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9/2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo./.
Hùng Cường/VOV.VN
Nguồn: VOV