Bài viết xuyên tạc trên trang của tổ chức khủng bố Việt Tân
Ngày 03/1/2019, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố. Nội quy đã chỉ rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quy trình tiếp công dân; thái độ, trách nhiệm và quyền hạn của người tiếp công dân; quyền hạn và nghĩa vụ của công dân khi đến làm việc tại UBND thành phố Hà Nội. Trong đó, có một quy định mà được báo chí chính thống và các trang mạng phản động đăng tải liên quan đến quy định này đó là việc Nội quy tiếp công dân của UBND thành phố Hà Nội quy định: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Xung quanh quy định này, nhiều người dân có những bình luận, ý kiến trái chiều khác nhau. Thậm chí có người dân còn lầm tưởng rằng việc Hà Nội ban hành quy định này là trái luật. Tuy nhiên, có một số vấn đề sau mà chúng ta cần phải hiểu rõ:
Thứ nhất, việc công dân thực hành quyền giám sát của mình đối với hoạt động của cơ quan chức năng là một quyền của công dân được pháp luật ghi nhận. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Công dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của cán bộ, công nhân viên chức trong quá trình thi hành công vụ”. Tuy nhiên, việc thực hành quyền giám sát của công dân lại phải dựa trên việc đảm bảo an ninh, trật tự tại trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước. Trên thực tế, có một số người dùng quyền giám sát để quay phim, chụp ảnh với dụng ý xấu, thậm chí trực tiếp các buổi tiếp công dân trên mạng Internet kèm theo những bình luận thiếu chuẩn mực gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước, của người tiếp dân. Đó là chưa kể đến những hình ảnh đó bị các đối tượng phản động trong và ngoài nước lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu chế độ. Do đó, việc ban hành quy định trên là hoàn toàn cần thiết, nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền.
Thứ hai, theo các quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự thì cá nhân khi sử dụng hình ảnh của người khác phải được họ đồng ý. Ngoài ra, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 cũng quy định về việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác phải chấp hành quy định của luật này, nghiêm cấm sử dụng hình ảnh để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, cũng như ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Như vậy, việc Hà Nội ban hành nội quy tiếp dân như vậy là hoàn toàn đúng với quy định pháp luật nhằm tránh việc các đối tượng lợi dụng quá trình tiếp dân của cơ quan chức năng xâm hại đến uy tín, danh dự của người tiếp dân. Đồng thời, khắc phục tình trạng khi vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết thì công dân đã chụp ảnh, ghi hình đưa lên mạng xã hội gây cản trợ, ảnh hưởng đến vụ việc sau này.
Thứ ba, công dân khi đến cơ quan công quyền để làm việc bên cạnh việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan thì việc chấp hành nội quy của chính cơ quan đó cũng là điều cần thiết. Nếu như không có nội quy sẽ dẫn tới xảy ra những hành vi gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại cơ quan công quyền. Ví dụ: Nếu không có quy định cấm hút thuốc tại cơ quan thì một số người sẽ tự ý hút thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh… Do đó, việc Hà Nội ban hành quy định này là hoàn toàn hợp lý và đúng luật.
Thứ ba, Hà Nội không có chuyện “cấm công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm nơi tiếp công dân” như một số tờ báo đã đưa thời gian qua. Trong nội quy mới ban hành của UBND thành phố chỉ rõ đối với công dân: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Như vậy, nội quy không cấm công dân thực hiện hành vi giám sát của mình mà chỉ giới hạn lại hành vi quay phim, chụp ảnh, ghi âm là phải có sự đồng ý của người tiếp công dân. Như vậy, nếu công dân được người tiếp công dân đồng ý cho quay phim, chụp ảnh, ghi âm thì hoàn toàn có thể thực hiện mà không phải cấm đoán gì.
Như vậy, rõ ràng, nội quy mới ban hành của UBND thành phố Hà Nội là hoàn toàn hợp lý và đúng luật. Mục đích không gì khác nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền, đảm bảo an ninh, trật tự trong cơ quan. Do đó, mỗi người dân cần nhìn nhận cho đúng và chấp hành nghiêm pháp luật, quy định của các cơ quan Nhà nước, tránh hiểu lầm, dẫn tới những nhận thức sai lệch, thậm chí là “ác cảm” với các cơ quan Nhà nước./.
Hương Giang
Nguồn: Non sông Việt Nam