Trang chủ Tin tức Văn phòng Chính phủ vào cuộc vụ đền bù 'đất vàng' giá...

Văn phòng Chính phủ vào cuộc vụ đền bù 'đất vàng' giá bèo tại TP.HCM

203
0

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Thanh tra Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, kiểm tra nội dung báo chí phản ánh về việc đền bù “đất vàng” với giá rẻ bèo tại trung tâm TP.HCM.

Liên quan đến lùm xùm việc đền bù “đất vàng” với giá rẻ bèo ở trung tâm TP.HCM, mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ký công văn gửi Thanh tra Chính phủ, yêu cầu chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét nội dung mà báo chí phản ánh để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của các hộ dân sống tại khu đất nói trên.

Cụ thể, văn bản ghi rõ: “Trong thời gian vừa qua, một số báo có thông tin, phản ánh sai phạm và khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án bất động sản tại số 33 đường Nguyễn Du và 34 – 36 – 42 đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Về việc này, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và UBND TP.HCM kiểm tra thông tin phản ánh của báo chí về sai phạm tại dự án bất động sản nói trên và việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án này. Đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/3/2019″.

Văn phòng Chính phủ vào cuộc vụ đền bù 'đất vàng' giá bèo tại TP.HCM

Văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.

Trước đó, VTC News nhận được đơn kêu cứu của 34 hộ dân tại Khu tập thể 33 Nguyễn Du và 34 – 36 – 42 Chu Mạnh Trinh về việc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) có dấu hiệu chèn ép người dân trong việc định giá đền bù.

Khu tập thể 33 Nguyễn Du và 34 – 36 – 42 Chu Mạnh Trinh tiền thân là khu nhà ở của cán bộ – công nhân viên (CB-CNV) Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Sau đó, được phê duyệt chủ trương giải toả để làm Dự án khách sạn cao cấp, Cao ốc văn phòng và Trung tâm thương mại cho thuê.

Vinafood 2 và Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập liên doanh Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án từ năm 2009. Trong đó, Vinafood 2 góp 20% vốn bằng một phần quyền sử dụng đất, Công ty Việt Hân 80% vốn bằng tiền mặt.

Chuyện không có gì đáng nói nếu các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng nhanh chóng được triển khai đúng pháp luật và hợp lòng dân. Cụ thể, theo phản ánh của người dân, mức giá đền bù được chủ đầu tư đưa ra thương lượng là 105 triệu đồng/m2 đất, mức giá này chưa bằng một nửa giá thị trường.

Đến giữa năm 2018, các vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án bắt đầu tái khởi động nhưng lại tiếp tục không nhận được sự đồng thuận của người dân do giá đền bù vẫn không thay đổi nhiều. Theo đó, mức giá đền bù mà chủ đầu tư đưa ra khoảng 175 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường hiện nay đã rơi vào khoảng 350 triệu đồng/m2.

“Chúng tôi đồng ý bán nhà, chuyển nhượng đất nhưng phải đúng luật đền bù và giá cả hiện nay. Tuy nhiên, với việc không đền bù đúng luật, đúng giá, chúng tôi sẽ kiên trì bám nhà, bám đất”, một người dân nói.

Đáng nói, ngày 13/11, một nhóm người xông vào khu nhà dân, rào chắn, giăng kẽm gai một số khu vực, làm náo loạn cuộc sống của các hộ dân.

Trước những bức xúc của người dân, UBND phường Bến Nghé đã tổ chức buổi đối thoại 3 bên đó là chính quyền, Công ty Việt Hân Sài Gòn và người dân khu tập thể.

Văn phòng Chính phủ vào cuộc vụ đền bù 'đất vàng' giá bèo tại TP.HCM

Người dân cho rằng, khu đất vị thế đắc địa tại trung tâm, có giá thị trường là 350 triệu đồng/m2 nhưng Công ty Việt Hân Sài Gòn chỉ đền bù với mức 175 triệu đồng/m2 nên họ phản đối. 

“Tại buổi đối thoại, khi được hỏi về những vấn đề pháp lý của dự án cũng như cách hành xử “thiếu văn hóa” của công ty mình, ông Bảo Anh (Giám đốc Công ty Việt Hân Sài Gòn – PV) lại lảng tránh, trả lời lòng vòng không đúng trọng tâm, không trình được giấy chứng nhận mình là chủ đầu tư hợp pháp của Dự án khách sạn cao cấp, Cao ốc văn phòng và Trung tâm thương mại cho thuê”, đại diện UBND phường Bến Nghé thông tin.

UBND phường Bến Nghé không đồng tình việc Công ty Việt Hân Sài Gòn rào chắn lấn chiếm hẻm. Đồng thời, phường này cũng đề nghị người dân và Công ty Việt Hân Sài Gòn ngồi lại thương lượng, thỏa thuận theo tinh thần hợp tác, thiện chí.

Tuy nhiên, sau tất cả các cuộc đối thoại và cả nhắc nhở của chính quyền thì Công ty Việt Hân Sài Gòn vẫn không chịu ngồi lại thỏa thuận với người dân. Thậm chí, ngay sau đó doanh nghiệp này cho ra thông báo số 32/VHSG về việc lắp đặt tường rào và khoan khảo sát địa chất tại số 34 – 36 Chu Mạnh Trinh và số 33 Nguyễn Du.

Theo người dân, đây là hành động ngang ngược, bất chấp và coi thường ý kiến chính quyền địa phương.

Trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương, người dân khu tập thể đã có đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng Chính phủ.

Tuệ Lâm (VTC News)

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây