Báo Giáo dục Việt Nam ngày 13/1/2018 đăng bài “Hà Nội tiến hay lùi?” của tác giả Xuân Dương quy kết gay gắt quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” tại trụ sở tiếp công dân thành phố là trái với tinh thần các văn bản Hiến pháp, Luật tiếp công dân, Luật An ninh mạng, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, trái với tinh thần người dân được phép làm những điều “pháp luật không cấm” và minh chứng cho thực trạng “cái gì không quản được thì cấm ” của cơ quan quản lý Nhà nước. Từ cách đặt vấn đề, cách giải quyết vấn đề theo kiểu “liên hệ và suy diễn”, cách lấy ví dụ từ một số sai phạm của phía cơ quan Nhà nước, rồi gán ghép động cơ cho những cơ quan, người đứng đầu ban hành quy định trên đang vi phạm pháp luật, chống lại sự phát triển xã hội, chống lại quyền chính đáng của người dân của bài báo là cảm nhận của bất cứ ai sau khi kiên nhẫn đọc hết bài báo này. Người viết còn tưởng như đang đọc nhầm bài báo trên các trang phản động như Dân làm báo, Nhật ký yêu nước bởi lối hành văn, kiểu suy diễn, quy chụp và thóa mạ, xúc phạm cơ quan Nhà nước giống y chang.
Xin lấy một vài ví dụ:
– Khi viện dẫn quy định nay đã xung đột với Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, tác giả bình phẩm rằng “Nếu “người có thẩm quyền” là người đứng đầu cơ quan – với Ban Tiếp công dân Trung ương là ông Nguyễn Hồng Điệp, với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung – xác định những “trao đổi giữa công dân với cán bộ tiếp công dân” tại trụ sở là bí mật nhà nước thì việc quy định cấm ghi âm, ghi hình là đúng luật, ngược lại là trái luật.”
Xin hỏi, với cách đặt vấn đề và tư duy/não trạng của tác giả bài báo này thì những hình ảnh đời tư công dân không phải là “bí mật Nhà nước” thì các quy định xử lý người tung bí mật đời tư đó lên mạng là trái với Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, đồng nghĩa với “trái luật” này? Có thể nói, người viết viện dẫn kiểu này thì vô khối quy định của luật này sẽ xung đột với luật khác đều sẽ là “trái luật” và là cái cớ để tác giả phủ nhận mọi giá trị không “tương thích” với quan điểm của tác giả.
Với kiểu suy diễn này, vô khối “nội quy”, “quy phạm” đều đang vi hiến, trái pháp luật, vi phạm nhân quyền… Chẳng hạn học sinh không nói tục, chửi bậy là vi phạm quyền tự do ngôn luận; tiêu chuẩn cấp thẻ nhà báo phải có bằng đại học trở nên vi phạm quyền bình đẳng, tiếp cận nghề nghiệp, phấn đấu xã hội; phụ nữ được nghỉ hưu trước nam giới là vi phạm luật lao động…đều “trái luật” hết!!!
Hay đơn giản nhất khi ra vào trụ sở cơ quan, trường học bình thường, không phải là mục tiêu quân sự, bí mật Nhà nước đều phải trình giấy tờ tùy thân với bảo vệ rõ ràng là vi phạm luật mà tác giả đang viện dẫn.
– “Theo đó cơ quan và cán bộ “tiếp dân, hỏi cung” có quyền và nghĩa vụ ghi âm, ghi hình các buổi làm việc.
Vậy ngược lại thì sao?
Ngược lại thì Ban Tiếp công dân Trung ương, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tự cho mình quyền cho phép hoặc cấm dân ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân?
Với quy định này, người dân và cơ quan nhà nước có bình đẳng trước pháp luật?
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm, khẩu hiệu “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” hiện nay không còn chính xác nữa bởi bên cạnh “Luật Tố tụng hình sự” còn có “Luật Tố tụng hành chính””
Kiểu bình luận này tác giả bài báo ví von quy định và thẩm quyền ban hành quy định này không khác gì người ký nó tự trao cho mình lập ra chế tài, luật mới là “Luật Tố tụng hành chính” tức được quyền xử lý người dân vi phạm quy định về hành chính, điều mà chỉ tồn tại trong luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự. Với tư duy này, thì hiệu trưởng nhà trường không thể tự cho mình cái quyền ra nội quy và chế tài xử lý học sinh, sinh viên vi phạm nội quy nhà trường? Với tư duy này, Hội nhà báo/luật sư… không thể tự cho mình thiết lập quy tắc đạo đức hành nghề và tước thẻ hành nghề của thành viên? Mọi thứ “nội quy” đều vi phạm văn bản pháp luật nào đó, đều thể hiện tư duy “tự cho mình quyền cho phép hoặc cấm dân” và vi phạm “quyền bình đẳng trước pháp luật” hết!
– “Nếu Ban Tiếp công dân trung ương, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội không thể viện dẫn bất kỳ điều khoản nào, trong bất kỳ đạo luật nào cho phép cấm công dân ghi âm, ghi hình (trước khi được người/cơ quan tiếp dân cho phép) tại nơi tiếp công dân thì việc ban hành nội quy, quy chế với điều khoản phải xin phép đã nêu là vi hiến”
Vòng vèo hết các văn bản luật để chứng minh quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” chưa được quy định bất cứ điều luật nào là cơ sở cho tác giả bài báo này kết luận nó “vi hiến”. Thì đối chiếu tương tự với vấn đề tôi đã nêu bên trên, hầu hết các quy định/nội quy trong nội bộ ngành nghề, cơ quan, tổ chức, trường học hiện nay đều có thể rơi vào “vi hiến” và cần bãi bõ, cần xem xét trách nhiệm ban hành ra nó cả?
Giải thích cụ thể như trên, tôi muốn nói với tác giả bài báo và Ban biên tập Tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam rằng, họ đã vi phạm nghiêm trọng trong tư duy,nhận thức vấn đề ra sao. Rõ ràng, quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” chỉ có giá trị áp dụng tại Trụ sở tiếp dân của 33 nơi đã ban hành ra nó; không có giá trị như một “quy phạm pháp luật”, không có chế tài xử lý, không phải là cấm đoán và thực tế chưa có công dân nào bị xử lý khi “vi phạm” nội quy đó hết, trừ việc hành vi quay phim, ghi âm buổi tiếp dân gắn với các vi phạm khác như hành vi gây rối trụ sở, hành vi xúc phạm cán bộ…
Xin nói thêm, quy định/nội quy kiểu như “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” tại trụ sở tiếp dân chỉ có giá trị như “những điều quy định để đảm bảo trật tự và kỉ luật trong một tập thể, một cơ quan”. Cách thổi nó lên thành văn bản quy phạm pháp luật rồi cho nó vi hiến không khác gì sự thổi phồng, nghiêm trọng hóa nó lên làm cái cớ để xuyên tạc, bóp méo bản chất sự việc, làm cái cớ kích động chống phá, gieo giắc tâm lý hoang mang, mất niềm tin vào bộ máy Nhà nước với ý đồ đen tối, xấu xa.
Nguồn: Loa Phường