Trang chủ Đấu trường dân chủ Lại thêm một công trình loạn sử?

Lại thêm một công trình loạn sử?

170
0

Mặc dù được in rất trang trọng, có thêm 100 bản đánh dấu đóng triện đỏ của Nhà sách dành cho người chơi sách đẹp cùng Lời giới thiệu có cánh, tôn vinh là Sử liệu – biên khảo có giá trị nhưng Việt Nam thời Pháp đô hộ (NXB Khoa học xã hội – H.2018) là một công trình không trung thực nếu chưa nói là xuyên tạc, dối trá, gian lận.

Trong Lời nói đầu, tác giả, GS. Nguyễn Thế Anh (Paris) trưng lên một tuyên ngôn rất cao siêu:

“Xin độc giả đừng tìm trong quyển sách này những sự khen chê. Tinh thần vô tư sử học chỉ cho phép người viết phát biểu những nhận xét mà người viết mong là khách quan, tuy thái độ khách quan khó mà đạt được đối với những vấn đề còn gây tranh luận” (Việt Nam… Sđd. Trg.13).

Tinh thần vô tư sử học của GS. Nguyễn Thế Anh (GS.NTA) đã được GS. Nguyễn Văn Trung, đồng nghiệp, đồng sự ở Đại học Văn khoa Sài Gòn vạch rõ từ 1975:

“Ông (GS.NTA) nói về chế độ thuộc địa một cách thanh bình, dửng dưng như thể một nhà khoa học đứng trước một sự kiện nghiên cứu mà không có một sự liên hệ gì thiết thân với sự kiện đó. Người đọc chẳng thấy ghét Tây hay thương người Việt, vì sự kiện thuộc địa được trình bày, mô tả như sự kiện rơi của một vật nặng trong không khí hay sự bốc hơi của nước nóng. Nhưng đi sâu vào một chút, người đọc thấy rõ tác giả không những có khen chê nhiều, mà nhất là có những lựa chọn chính trị rõ rệt làm cơ sở cho lối nhìn, cách trình bày sự việc của tác giả… thái độ ảo tưởng của tác giả khi cho rằng mình vô tư, không khen chê ai, nghĩa là không đứng ở một lập trường nào để viết sử Việt thời Pháp thuộc” (Nguyễn Văn Trung. Trường hợp Phạm Quỳnh. Nam Sơn. Sài Gòn – 1975. Trg.224).

GS.NTA không ảo tưởng mà là ngụy biện cho sự không trung thực lịch sử, cho lựa chọn phản dân tộc của mình mà thôi.

Chúng tôi rất tán thành GS. Nguyễn Văn Trung rằng không thể phủ nhận, ảo tưởng phi chính trị khi nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn, khi nghiên cứu văn học sử Việt Nam cận hiện đại hay cả lịch sử và văn học:

“Ai đứng ở quan điểm dân tộc, sẽ thấy được chân lý lịch sử dân tộc, kể cả người ngoại quốc; ai không đứng ở quan điểm dân tộc, sẽ không thấy được, dù là người Việt Nam” (Nguyễn Văn Trung. Sđd. Trg.259).

“Quan điểm dân tộc… bao hàm tính chất luân lý. Đó là luân lý yêu nước…

Luân lý yêu nước dựa vào tiêu chuẩn lợi hay hại cho sự tồn tại của dân tộc…” (Nguyễn Văn Trung. Sđd. Trg.256).

Về đại thể, GS. Nguyễn Văn Trung đã phê bình rất xác đáng quan điểm và thực hành sử học của GS.NTA trong Trường hợp Phạm Quỳnh như đã dẫn trên. Nhất là trong hai bài trao đổi cụ thể của GS.NTA với GS. Nguyễn Văn Trung ở sách trên. Dưới đây chúng tôi chỉ dẫn giải cụ thể quan điểm và thực hành sử học rất không trung thực của GS.NTA.

Lại thêm một công trình loạn sử?

Từ chi tiết nhỏ…

Nguyễn Ái Quốc sang Pháp năm 1911, không phải năm 1910 (Việt Nam thời Pháp đô hộ. Sđd. Trg.232). Ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương được xác định là ngày 3-2, không phải ngày 6-1-1930 (VNTPĐH. Sđd. Trg.234). Trường Chinh sống lâu năm ở Trung Hoa là từ năm nào đến năm nào? (Sđd. Trg.254).

Đến các sự kiện

1/ Phong trào cải cách khởi xướng bởi vua Bảo Đại đã chết yểu (Sđd. Trg.241), do:

2/ Có một sự đối địch giữa các quan thượng thư, nhất là giữa Phạm Quỳnh và Ngô Đình Diệm.

3/ Sự chống đối của giới bảo thủ và nhất là của các cơ quan hành chính của chính phủ Bảo hộ.

4/ Ngay từ tháng 9-1933, Ngô Đình Diệm đã xin từ chức, để liên lạc mật thiết với nhà cách mạng lão thành Cường Để (Sđd. Trg.241).

Trên đây là sự cố tình lẩn tránh thực tế để xuyên tạc lịch sử. Làm gì có chuyện Bảo Đại “mong muốn cải tân xã hội và Quốc gia Việt Nam”, khi chính ông ta thừa nhận chỉ là thứ phỗng đá, luôn bị người Pháp đặt bên cạnh những viên chức tin cậy của họ: Đặt Phạm Quỳnh bên cạnh tôi là họ được bảo đảm rồi (Phan Khắc Hòe: Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc).

Và sau này, Bảo Đại còn nhắc lại với con trai ông, thái tử Bảo Long: Làm gì có giải pháp Bảo Đại. Chỉ có giải pháp của người Pháp thôi (Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam. Daniel Grandeclément. NXB Phụ nữ. H.2011). Và cuối cùng, Bảo Đại tự thú nhận: Tôi mới là con điếm đích thực (Bảo Đại hay là… Sđd. trên).

Chỗ này, Bảo Đại tỏ ra trung thực và ông thật là con người đáng thương: vừa là con điếm chính trị, vừa là con điếm trong các sòng bạc và hộp đêm. Chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn khi đề cập đến Thỏa hiệp 8-3-1949 mà ông NTA cho là dấu mốc thời gian đánh dấu nước Việt Nam được tự trị.

Còn ở đây, chỉ muốn nói rằng, Bảo Đại là con cờ, là vật nuôi, vật bảo đảm, vật hiến tế khi cần của người Pháp, kể từ khi họ đưa Bảo Đại sang Pháp “dạy dỗ” năm 1926 với sự chăm sóc của “Thầy” Chatel, nguyên Khâm sứ Trung kỳ trước kia, cho đến khi họ cho Bảo Đại “hồi loan” năm 1932, để dựng lên bộ máy bù nhìn Tân học do Phạm Quỳnh đứng đầu. Phạm Quỳnh đã được họ đào tạo bài bản từ lớp đồng ấu, đến trường Thông ngôn, nhân viên Viễn Đông Bác Cổ, và được “tập sự” suốt trong thời kỳ làm chủ bút Nam Phong (từ 1917 – 1932).

– Có sự đối nghịch giữa Phạm Quỳnh và Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm từ chức từ tháng 9-1933 để liên lạc mật thiết với nhà cách mạng lão thành Cường Để…

Có đấy, nhưng không phải là vấn đề chính sự lớn lao. Chỉ là Diệm muốn giữ quyền xét xử cho quan An Nam – quan thấy kiện… mà. Còn Phạm Quỳnh thì theo ý quan thầy, muốn quan Pháp nắm quyền xét xử vì “quan An Nam không đủ trình độ”. Ngô Đình Diệm đã để lộ chuyện này cho báo chí và lập tức bị ngài Khâm sứ tư giấy đến bảo phải nghỉ việc. Diệm hoảng hồn, chết lặng rồi chạy lên xin Ngài Ngự cho được từ chức để “bảo toàn danh dự”! Nếu đúng là Ngô Đình Diệm xin từ chức, ông NTA hãy trưng ra biểu xin từ chức của Diệm và chiếu hay chỉ hay dụ của Ngài Ngự (vua Bảo Đại) cho vị cận thần này được từ chức.

– Về “Sự chống đối của giới bảo thủ và nhất là của các cơ quan hành chính của chính phủ Bảo hộ…”, xin xem Ngô Tất Tố: Đánh bài Tây đấy, không phải đánh bốc đâu (Tạp văn Ngô Tất Tố). Trò “cải tân” của Bảo Đại hay thuyết lập hiến của Phạm Quỳnh và thuyết trực trị của Nguyễn Văn Vĩnh… đúng là trò đánh bài Tây như Cụ Tố nói. Mọi sự đều trong tay người Pháp; Bảo Đại hay Phạm Quỳnh, hay Nguyễn Văn Vĩnh chỉ là con rối thôi. Ngô Đình Diệm dại mồm thì biết ngay thế nào là lễ độ đối với quan Khâm sứ.

Những sự kiện như thế chứng tỏ ông NTA đã tự phản lại mình: ông chỉ chú ý đến lý thuyết (những sự việc diễn ra) mà không thấy cái thực tế, cái bản chất của các sự việc, sự kiện đó. Đấy là cách viết sử theo phương pháp lục sự (thư ký Tòa án) thời Tây của ông NTA.

Về chủ nghĩa quốc gia của Phạm Quỳnh

(Sđd. Trg.225-226-227):

Ông NTA tỏ ra là một thứ Phạm Quỳnh mới khi ông hết sức bao biện cho Phạm Quỳnh về Pháp – Việt đề huề, về chủ nghĩa quốc gia… Bởi vì, thực chất của Phạm Quỳnh và Nam Phong đã được các GS. Nguyễn Văn Trung và TS. Huỳnh Văn Tòng vạch rõ ngay từ thời đó, trước 1975, trong Lịch sử báo chí Việt Nam (Huỳnh Văn Tòng), Chủ đích Nam Phong và Trường hợp Phạm Quỳnh (Nguyễn Văn Trung). Ông NTA đã không phản biện lại được các tác giả trên mà vẫn giữ sự sai lầm của mình. Về cá nhân, ông có thể đồng tình ủng hộ yêu mến Phạm Quỳnh hay ngược lại, nhưng phải có sở cứ. Ông đưa ra nhận định về Phạm Quỳnh mà lẩn tránh sở cứ, sử liệu, tài liệu đầu tay có trong văn khố Pháp quốc thì là thứ sử học gì? Từ 1975 cho đến 2015, khi ông bán bản quyền cho Sách Dân Trí là quá đủ, quá thừa thời gian để ông xem xét lại Phạm Quỳnh một cách nghiêm túc (Việt Nam… Sđd. Trg.2).

Về Đảng Cộng sản và những người Cộng sản Việt Nam

Rất xuyên tạc:

– “Ngay trong giai đoạn này (1926 – QVĐ), các lãnh tụ cách mạng đã có ý định đặt cơ sở cho một tổ chức để giành chính quyền, hơn là đề xướng một chủ nghĩa xác định” (Sđd. Trg.233).

Xin ông hãy đọc lại Đường kách mệnh (1927) đi rồi hẵng viết.

– “Ngày 2-9-1945, tại Hà Nội nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được công bố. Ba khuynh hướng được đại diện trong chính phủ mới, đứng đầu bởi Hồ Chí Minh:

+ Khuynh hướng của các đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên, bao gồm những nhân vật đã sống lâu năm ở Trung Hoa hay ở Nga, như Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh…

+ Khuynh hướng của các cán bộ trẻ, chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Pháp, như Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng.

+ Khuynh hướng của giới trí thức tốt nghiệp các trường Cao đẳng hay Đại học Pháp…

Sự thật, quyền hành thực thụ ở trong tay Tổng bộ của Đảng Cộng sản; tại đây, chỉ có hai khuynh hướng đầu là được đại diện mà thôi. Việt Minh tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản ngày 11-11-1945, và dành một số ghế nhỏ trong chính phủ cho các đảng phái quốc gia, kể cả đoàn thể Công giáo” (Sđd. Trg.255).

Ông chấm hết Phần II ở đây rồi tiếp luôn vào Phần III: Người Pháp trở lại Việt Nam. Từ Hội nghị Fontainebleau đến Thỏa hiệp 8-3-1949 (Việt Nam… Sđd. Trg.255).

Nếu vì thiếu giấy mực mà viết như thế thì GS.NTA không nên viết sử vì không đủ năng lực khái quát. Thánh Thán nói đại ý: Nghĩ mà đến thì viết một chữ cũng đến. Nghĩ chưa đến thì viết vạn chữ cũng chưa đến. Còn nếu GS.NTA chủ ý viết như thế thì là một sự cắt xén, xuyên tạc, bóp méo lịch sử rất trắng trợn, có thể nói là… hết từ!

Ông đã bỏ qua Quốc dân Đại hội Tân Trào. Bỏ qua cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc tháng 8-1945, cũng gọi là cuộc Cách mạng tháng 8-1945. Việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời. Buổi ra mắt quốc dân đồng thời với Tuyên ngôn Độc lập. Cuộc bầu cử Quốc hội đầu năm 1946. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, định ra Hiến pháp và bầu ra Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sự tập hợp đoàn kết rộng rãi của Chính phủ đó và sự tự bán xới của các đại diện đảng phái đối lập theo đóm ăn tàn như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh)… như thế nào! Ông có biết Cụ Hồ nói gì với ông Võ Nguyên Giáp trong lúc tỉnh lại giữa cơn sốt thập tử nhất sinh trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa? Cụ nói đại ý: Đây là cơ hội ngàn năm có một. Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành lại Độc lập. Ông có biết Chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản: Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta do ông Trường Chinh chấp bút (Cờ Giải phóng. 10-3-1945) có ý nghĩa như thế nào với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945? Lờ bỏ những sự kiện có tính chất bản lề, quyết định, làm thay đổi hẳn tiến trình lịch sử của cả đất nước, cả dân tộc, đã xóa bỏ hẳn tình trạng bị xâm lược, bị nô lệ, đứng lên giành lại độc lập dân tộc… Như thế là vô tư sử học ư? Dù có thâm thù Việt Minh – Cộng sản đến đâu cũng không thể bỏ qua được những sự kiện lịch sử trọng đại như thế. Một sử gia vô tư lại có thể như thế sao?

Và Thỏa hiệp 8-3-1949

GS.NTA mở đầu công trình của mình bằng sự thừa nhận thời gian đô hộ của Pháp ở Việt Nam là 90 năm, từ 1858 đến Thỏa hiệp 5-6-1948 và chính thức vào 8-3-1949. Đến cuối công trình ông khẳng định lại một lần nữa, rằng Thỏa hiệp 8-3-1949 giữa Bảo Đại và Tổng thống Pháp và đến ngày 30-12-1949, nước Pháp bàn giao quyền hành cho nước Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp (Việt Nam… Sđd. Trg.13 và 260).

Luận điểm của GS.NTA đã được GS. Nguyễn Văn Trung chỉ nghị xác đáng trong Trường hợp Phạm Quỳnh. Nam Sơn xuất bản. Sài Gòn – 1975. Xin không nhắc lại. Chúng tôi muốn nói đến sự tự mâu thuẫn đến khủng khiếp (lá mặt lá trái) trong biện luận của GS.NTA. Ông viết:

“Về phương diện công pháp quốc tế, chỉ một thỏa hiệp mới giải quyết các vấn đề giữa hai địch thủ. Việt Minh và Pháp không đạt đến một thỏa hiệp nên chiến tranh bùng nổ cuối 1946; sự tự trị của nước Việt Nam phải đợi đến 1949 mới có căn bản pháp lý và những hiệp ước ký kết năm 1862 và năm 1884 mới được xóa bỏ” (Trường hợp Phạm Quỳnh. Sđd. Trg.260-261).

Xin thưa:

– Người Pháp không còn tư cách pháp lý quốc tế ở Việt Nam sau Tuyên cáo độc lập của Bảo Đại tháng 3-1945.

– Bảo Đại cũng không có tư cách pháp lý quốc tế và quốc gia sau Chiếu thoái vị ngày 25-8-1945.

– Công dân Vĩnh Thụy đã phản bội Tổ quốc và đã bị kết án ngay từ 1948. Mọi văn bản do Vĩnh Thụy ký với bất kỳ ai mà không được phép của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều vô giá trị.

– Bảo Đại chưa bao giờ là địch thủ của Pháp. Trước, sau ông ta chỉ là con bài, là tay sai, bù nhìn của người Pháp mà thôi. Chính ông ta đã tự nhận Tôi mới là con điếm đích thực (Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam. Daniel Grandclément).

– Người Pháp không còn quyền hành gì ở Đông Dương sau ngày 9-3-1945. Chính ông Vĩnh Thụy đã viết cho Chính phủ Pháp từ tháng 12-1945:

“Năm 1940, Chính phủ Pháp ở Đông Dương đã hiến một cách vô sỉ đất đai của chúng tôi cho phát xít Nhật, nhưng chúng tôi đã giành được nền độc lập hoàn toàn ngày 2 tháng 9 năm 1945” (Nguyễn Văn Thịnh. VNTP.HCM, số 528 ngày 13-12-2018).

– Thực dân Pháp theo gót quân Anh trở lại Việt Nam là một hành động xâm lược mới. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946: Chúng quyết cướp nước ta một lần nữa.

Với những tư cách pháp nhân như thế, cả Vĩnh Thụy hay Bảo Đại và người Pháp thực dân thì trò hề Thỏa hiệp 8-3-1949 còn có giá trị gì, thưa GS.NTA. Và mặc dù thực dân Pháp hà hơi cho bè lũ bù nhìn Bảo Đại – Quốc gia Việt Nam, dù thực dân Pháp đã thu hết tàn lực, được Hoa Kỳ viện trợ, đưa ra kế hoạch Nava mong bình định Việt Nam trong vòng 18 tháng, xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ “bất khả chiến bại”, nhưng cuối cùng kết quả như thế nào? Nước Pháp thực dân phải ngồi vào bàn đàm phán và ký thỏa hiệp với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không thèm hỏi han gì đến Bảo Đại và Quốc gia Việt Nam. Như vậy, cả Bảo Đại lẫn Vincent Auriol và Thỏa hiệp 8-3-1949 (hay Hiệp định Élisée) đã trở thành cái thây ma lịch sử ngay từ 20-7-1954. Công trình Việt Nam thời Pháp đô hộ ra đời năm 1970, chỉ là chiêu hồn cho cái thây ma đó.

Thư mục tham khảo

GS.NTA có thể viện lý rằng trước 1975 ông không thể tiếp cận với kho thư tịch ở Hà Nội (Thư viện Quốc gia Hà Nội – Pasquier, và Thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ…) và giới sử học miền Bắc. Nhưng từ 1975 đến 2015, khi bán bản quyền cho Sách Dân Trí, ông không thể viện vào lý do đó nữa. Thế nhưng, ông vẫn lẩn tránh kho thư tịch ở Hà Nội và công trình của giới sử học miền Bắc trước và sau 1975.

Khi viết về thời kỳ Pháp đô hộ Việt Nam mà không tham khảo Lịch sử 80 năm chống Pháp của cố GS.VS Trần Huy Liệu và giới sử học miền Bắc kể từ khi thành lập Ban Văn – Sử – Địa (1957), tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay thì coi như GS.NTA chỉ biết lịch sử Việt Nam thời cận – hiện đại, loanh quanh ở Thư viện Sài Gòn thôi. Sau 1975, GS.NTA sang định cư ở Paris, có điều kiện tiếp cận sử liệu phong phú hơn, sao ông vẫn giữ định kiến thiển cận về Thỏa hiệp 8-3-1949. Chỉ cần đọc hồi ký của Nava, quyển Đông Dương hấp hối, cũng đủ thấy bản chất của Bảo Đại và Quốc gia Việt Nam. Của đáng tội, ông có dẫn Trần Huy Liệu ở cuốn Cường Để với Việt Nam Quang phục hội, viết chung với Nguyễn Thanh Lâm. Hà Nội – 1935 (Việt Nam thời Pháp đô hộ… Sđd. Trg.237). Như thế đâu phải là khoa học.

Một công trình phản lịch sử phi khoa học như thế mà lại được NXB Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tôn vinh. Đây rõ ràng là hậu quả của tư tưởng sử học Phan Huy Lê Vượt qua rào cản ý thức hệ của tư tưởng chấp nhận uy lực của cơ chế thị trường xem việc đảo lộn giá trị là đương nhiên của Ban Biên tập Tạp chí Thơ số 7-8/2018 (Hội Nhà văn).

Phủ nhận ý thức hệ và cúi đầu trước qui luật lợi nhuận sẽ đi tới đâu. Thưa rằng sẽ đi tới một nền văn hóa côca-côla, mà chính một đại biểu Pháp đã phẫn nộ phản đối tại Hội thảo Văn học quốc tế Neptun (Rumania) tháng 10-2003, mà Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Hữu Thỉnh – đã có mặt hôm đó.

Quan Văn Đàn
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 532

————–
TB: GS.Nguyễn Thế Anh thuộc về chủng tộc nào khi ông viết: “Vài sự rắc rối xảy ra giữa binh sĩ Pháp và binh sĩ Việt Minh làm cấp chỉ huy Pháp ước mong có dịp hiến một bài học cho người Việt: Ngày 23-11-1946, chiến hạm Suffren oanh kích Hải Phòng, giết chết 6.000 người dân” (Việt Nam… Sđd. Trg.258). Tháng 2-1979, Đặng Tiểu Bình nói: Dạy cho Việt Nam một bài học!

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây