Trang chủ Luận bàn - Phản biện Chuyện ghi âm, ghi hình của Hà Nội: TRAO ĐỔI VỚI TÁC...

Chuyện ghi âm, ghi hình của Hà Nội: TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI VIẾT “HÀ NỘI ĐANG TIẾN HAY LÙI”

214
0

Chuyện ghi âm, ghi hình của Hà Nội: TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Báo Giáo dục Việt Nam có bài “Hà Nội đang tiến hay lùi?” của phóng viên Xuân Dương với nội dung lên án cách làm việc của UBND TP.Hà Nội và của Ban Tiếp Công dân Trung ương khi có quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Bài của anh Xuân Dương rất dài, khó theo dõi, có viện dẫn nhiều luật để chứng minh rằng UBND TP.Hà Nội đã vi phạm pháp luật và kết luận rằng văn bản này vi hiến, không có giá trị.

Tôi đã đọc kỹ bài viết rối rắm này và chợt nghĩ, báo giáo dục thì nên viết về giáo dục hơn là đi đếm tầng kẻo lại như anh Duy Phong trong vụ tống tiền ở Yên Bái.

Trở lại vấn đề, anh Dương dẫn Hiến pháp, Luật tiếp công dân, Luật An ninh mạng, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để bao biện rằng công dân được phép ghi âm ghi hình và việc UBND TP.Hà Nội CẤM là sai.

1.

Tôi không biết anh Dương học trường nào rồi ra làm báo, nhưng nếu cho câu “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” là CẤM thì cần xem lại. Chính vì sai ở cách tiếp cận nên anh dẫn luật chả có chỗ nào ăn nhập với nội dung của quy định.

Tôi thực sự không hiểu tại sao anh có thể biến một câu có tính nhắc nhở, khuyên nhủ rất lành mạnh, nhằm tạo ra một môi trường văn minh, lịch sự, nghiêm túc thành một điều CẤM (xem ảnh ở trên). Trong khi, bất kỳ ai cũng thấy nghĩa của câu này không phải là CẤM. Nếu là cấm thì câu trên sẽ thành: “Cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm buổi tiếp công dân”.

2.

Anh Dương bàn nhiều về bí mật nhà nước, dẫn Luật bảo vệ bí mật nhà nước để dẫn dụ người đọc đi đến chỗ kết luận, ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành nội quy trên là sai.

Anh viết: “Người có thẩm quyền” là người đứng đầu cơ quan – với Ban Tiếp công dân Trung ương là ông Nguyễn Hồng Điệp, với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung – xác định những “trao đổi giữa công dân với cán bộ tiếp công dân” tại trụ sở là bí mật nhà nước thì việc quy định cấm ghi âm, ghi hình là đúng luật, ngược lại là trái luật”.

Như trên đã nói, quy định này không phải là cấm mà nhắc nhở công dân, cần phải có thái độ, hành vi lịch sự văn minh khi đến trụ sở tiếp dân.

Mặt khác nội dung buổi tiếp công dân không phải lúc nào cũng chứa đựng bí mật nhà nước (thực tế, có những buổi tiếp công dân có chứa đựng bí mật nhà nước). Nếu chứa đựng bí mật nhà nước thì mới phải cấm. Ở đây, Hà Nội chỉ yêu cầu công dân phải xin phép chứ không cấm. Và quy định phải xin phép rất có thể để đề phòng trường hợp buổi tiếp dân chứa đựng bí mật nhà nước, không tùy tiền ghi âm, ghi hình được.

Việc xin phép trước khi làm một việc gì đó ở nơi ta đến làm việc là hành vi văn minh, thể hiện văn hóa tối thiểu, và thể hiện chúng ta được giáo dục tử tế, chứ có gì đâu mà ầm ĩ, xuyên tạc thành CẤM?

Điều này cũng giống như anh Xuân Dương đi lấy tư liệu viết bài ở một công trình xây dựng nào đó. Khi cần chụp ảnh, quay phim, hay ghi âm, thứ tối thiểu là anh cần chào hỏi, xin phép chứ không thể trịch thượng giơ máy lên chụp, cho dù thứ anh chụp không phải là bí mật nhà nước.

3.

Anh Dương dẫn Luật tiếp công dân để cho rằng, “nếu cơ quan tiếp dân có quyền ghi âm, ghi hình thì ngược lại công dân cũng có quyền đó”.

Lập luận của anh thật nực cười.

Tôi trích nguyên văn một đoạn trong bài của anh: “Tại trụ sở tiếp công dân có hai đối tượng liên quan là người dân đến khiếu nại, tố cáo và cán bộ tiếp công dân, việc “bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân” phải được hiểu là nếu cơ quan tiếp công dân (hoặc người đại diện cơ quan) được phép ghi âm, ghi hình thì công dân cũng được phép. Tại trụ sở tiếp công dân có lắp camera theo dõi không cần sự đồng ý của dân trong khi dân muốn ghi âm, chụp ảnh phải xin phép có phải là tuân thủ quy định của pháp luật: “không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân”?“.

Anh cần nhớ việc cơ quan tiếp dân gắn thiết bị ghi âm, ghi hình là vì mục đích công vụ, không phải mục đích cá nhân. Anh xuất hiện ở một cơ quan ngân hàng, thì camera an ninh sẽ ghi lại hành vi cử chỉ của anh mà không cần xin phép anh đâu.

Anh trích Khoản 2 điều 3 Luật Tiếp công dân để đòi “bình đẳng” giữa cơ quan tiếp dân và công dân đến làm việc là không đúng. Từ “bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân” ở trong luật có nghĩa là quan hệ giữa cán bộ tiếp dân và công dân là ngang hàng nhau về địa vị, về quyền lợi, không có phân biệt đối xử. Nó cũng có nghĩa công dân được quyền trình bày, kiến nghị, thắc mắc mà không bị bất cứ cản trở nào. Nhưng không có nghĩa là cán bộ được ngồi ở đâu thì công dân được quyền ngồi ở đó, cán bộ mặc áo, đeo biển hiệu gì thì công dân được mặc áo, đeo biển hiệu như cán bộ.

Ở đây, cơ quan Tiếp dân sẽ được nhà nước trang bị những phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất để đảm bảo cho các hoạt động tiếp dân được hiệu quả, trong đó có hệ thống phương tiện ghi âm, ghi hình.

Chuyện ghi âm, ghi hình của Hà Nội: TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI VIẾT

Mời anh tham khảo Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ban hành quy định về việc tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, đoen tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó ghi rõ: “Trụ sở tiếp công dân được trang bị đủ cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ việc tiếp công dân, xử lý đơn; niêm yết công khai lịch tiếp công dân; công bố tên, chức danh người tiếp công dân; niêm yết công khai nội quy tiếp công dân và ghi rõ quyền, nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân.“.

Như vậy, việc trang bị phương tiện là đòi hỏi khách quan để tạo điều kiện cho cán bộ cũng như công dân tới làm việc được tốt nhất. Đồng thời tạo ra môi trường làm việc hiệu quả. Ở đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà nước chứ không phải quyền lợi.

3.

Anh trích dẫn lời Thủ tướng phát hiểu hôm 8/1/2019, tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019, rằng: “Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung cũng phải ghi âm, ghi hình. Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân“, rồi anh giải thích “Trong trường hợp phát biểu của Thủ tướng bao hàm cả hai phía: cơ quan nhà nước và người dân thì không cần bàn luận gì thêm“.

Nội dung này anh lại hiểu và giải thích sai nữa rồi.

Phát biểu của Thủ tướng là yêu cầu các cơ quan chức năng khi tiếp dân thì phải ghi âm, ghi hình và ngay cả khi hỏi cung thì cơ quan điều tra cũng phải ghi âm, ghi hình. Thủ tướng không yêu cầu công dân hay bị can phải ghi âm, ghi hình anh ạ.

Cũng cần nhắc lại để anh biết, phát biểu của Thủ tướng vào ngày 8/1/2019 chỉ giới hạn trong lĩnh vực Tư pháp. Theo đó cơ quan và cán bộ “tiếp dân, hỏi cung” có nghĩa vụ ghi âm, ghi hình các buổi làm việc đó.

Xin hỏi anh Xuân Dương, khi hỏi cung, thì bị can được ghi âm ghi hình không?

Nhân chuyện nói về ý kiến của Thủ tướng, thì Quy định của Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế là tại các Trụ sở tiếp dân của Hà Nội đều được trang bị phương tiện ghi âm, ghi hình đầy đủ với mục đích (1) quản lý, giám sát cán bộ tiếp dân cũng như công dân đến làm việc; (2) ghi lại, lưu giữ thông tin phục vụ lâu dài và (3) đề phòng những trường hợp công dân có hành vi xấu, hành vi thiếu chuẩn mực, hay những kẻ đến Trụ sở tiếp dân với mục đích gây rối. Như vậy, Hà Nội đã đảm bảo yêu cầu này từ trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trước khi Quy định số 12 ra đời. Và công dân đến trụ sở tiếp dân không cần thiết phải ghi âm, ghi hình bởi cơ quan tiếp dân của Hà Nội đã làm điều đó, và công dân nếu cần có thể đề nghị trích xuất ngay lúc đó.

4.

Anh Dương viện dẫn Luật An ninh mạng để biện minh rằng, nếu ai ghi âm, ghi hình rồi tung lên mạng với mục đích xấu, cắt xén với mục đích xấu thì đã có luật An ninh mạng điều chỉnh.

Cái này có vẻ đúng nhưng chưa đủ.

Đừng có “bẫy” công dân ghi hình, tung lên mạng rồi mới nhảy vào xử lý theo luật an ninh mạng ạnh ạ. Phòng ngừa vẫn hơn để sự việc xảy ra rồi mới xử lý. Phòng ngừa sẽ có lợi cho cả 3 bên, công dân, cán bộ tiếp dân và nhà nước.

Mạng xã hội có sự lan tỏa cực nhanh. Khi một clip bị cắt xén, bị cắt ghép và kèm những lời bình chủ quan nhắm vào một cá nhân hay tổ chức nào đó được tung lên mạng thì ngay lập tức nó đã được sẻ chia đến nhiều người, tác động tới tư tưởng, tâm lý, tình cảm của người đọc/xem cứ thế nhân lên theo thời gian. Khi đó muốn gỡ xuống cũng khó vì nó đã được lưu giữ ở hàng ngàn máy tính trên khắp thế giới và nằm ngoài tầm kiểm soát của người tng lên mạng. Thực tế đã chứng minh điều này, vì vậy phòng sẽ hơn chống. Điều này chắc anh đồng ý với tôi.

Anh Xuân Dương lo ngại rằng (1) “dù người dân xin phép nhưng cán bộ tiếp công dân vẫn không đồng ý cho ghi âm, ghi hình“, và (2) “Không thiếu trường hợp dữ liệu lưu trữ bị chỉnh sửa như vụ gian lận thi cử tại Sơn La vừa qua, vậy nếu điều đó xảy ra khi trích xuất dữ liệu theo yêu cầu của công dân thì lấy gì đảm bảo đó là dữ liệu gốc“.

Vê chuyện (1) lo ngại cán bộ không đồng ý dù công dân đã xin phép là có lý. Nhưng theo tôi, họ đồng ý hay không đồng ý cũng không quan trọng, vì buổi tiếp dân đã được ghi âm, ghi hình bằng cả một hệ thống máy ghi âm, ghi hình rồi.

Riêng về (2), anh lo ngại cán bộ tiếp dân, hay cơ quan này chỉnh sửa dữ liệu như vụ gian lận thi cử ở Sơn La…thì có vẻ anh đang đi quá giới hạn. Bởi nếu công dân cần lưu giữ hình ảnh, âm thanh buổi tiếp dân này thì có thể yêu cầu cơ quan tiếp dân trích xuất ngay lúc đó, trước sự chứng kiến của anh. Sau đó 2 bên cùng xem lại, cùng ký biên bản cơ mà?

Xin không bàn tiếp đến chuyện anh nghi ngờ sẽ có sự chỉnh sửa dữ liệu ở trong phạm vi bài này.

5.

Anh Xuân Dương viết: “Đã có đầy đủ quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, vì sao các cơ quan liên quan không sử dụng mà phải ban hành lệnh “cấm”? Phải chăng điều người dân lo ngại “cái gì không quản được thì cấm” vẫn là cách thức làm việc của không ít cơ quan nhà nước?“.

Có lẽ từ CẤM không thoát ra khỏi đầu anh Dương.

Đến đây, anh có vẻ mất kiểm soát khi buông ra những câu hỏi rất không nên. Tôi trích:

“Vậy ngược lại thì sao?
Ngược lại thì Ban Tiếp công dân Trung ương, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tự cho mình quyền cho phép hoặc cấm dân ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân?
Với quy định này, người dân và cơ quan nhà nước có bình đẳng trước pháp luật?
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm, khẩu hiệu “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” hiện nay không còn chính xác nữa bởi bên cạnh “Luật Tố tụng hình sự” còn có “Luật Tố tụng hành chính”…”.

Xin lỗi anh Dương, tôi chỉ nghe thấy mọi người đều bình đẳng trước pháp luật trong tranh chấp khiếu kiện và trong ứng xử trước pháp luật chứ không nghe thấy câu cá nhân người dân bình đẳng trước một cơ quan nhà nước nào cả. Nhất là khi đó là cơ quan đang giải quyết vụ việc của anh, mà không phải là tòa án.

6.

Anh Xuân Dương viện dẫn ý kiến của anh Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp để so sánh với việc công dân ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ với lý do đó là “Thi hành công vụ, không phải việc cá nhân, không có bí mật đời tư” là vô cùng kệch cỡm.

Anh viết: “Việc công dân thực hiện quay phim, chụp ảnh lực lượng cảnh sát giao thông không phải là hành vi bị pháp luật cấm. Hơn nữa, cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân, cảnh sát giao thông không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép“. Theo đó, công dân có quyền ghi âm ghi hình mà không cần xin phép, và cán bộ tiếp dân không được hỏi.

Xin giải thích với anh thế này. “công chức thi hành công vụ” và “thi hành công vụ tại công sở” là hai vấn đề khác nhau mà không thể quy đồng làm một để so sánh.

Nhiều người so sánh việc ghi hình CSGT và ghi hình công chức tại công sở là giống nhau, đó là nhận định không đúng. Khi CSGT làm việc tại quốc lộ, hay hiện trường, không gian làm việc là nơi công cộng và không có quy chế riêng cho không gian này như trụ sở cơ quan Nhà nước. Khi công chức làm việc trong trụ sở cơ quan thì lại có quy chế riêng cho việc ra vào cơ quan và hành vi của công dân và công chức trong cơ quan Nhà nước.

Chúng ta không được so sánh để kết luận việc ghi hình CSGT cũng giống như ghi hình công chức trong công sở.

Tôi cho rằng, việc ghi hình công chức tại công sở bị điều chỉnh bởi hai lĩnh vực pháp luật là dân sự và hành chính. Trong đó, pháp luật về dân sự điều chỉnh quyền nhân thân về hình ảnh, còn pháp luật về hành chính điều chỉnh hành vi của công chức và công dân tại công sở.

Theo bộ luật Dân sự, phải khẳng định công chức Nhà nước có đầy đủ quyền nhân thân về hình ảnh của mình. Do đó, khi công chức đang làm công vụ hay không làm công vụ, quyền nhân thân đó còn nguyên vẹn. Điều đó có nghĩa việc ghi hình nếu không được sự đồng ý của anh ta là phạm luật. Điều này thì cơ quan nhà nước sử dụng công chức không thể quyết định thay công chức được.

Anh Xuân Dương cho rằng, khi đang làm công vụ thì công chức không có quyền ngăn cản người khác ghi hình, đó là quan điểm không đúng. Cán bộ công chức đang làm việc tại không gian công sở không bị tước đi bất cứ quyền dân sự nào. Do đó, việc ghi hình công chức tại công sở, nơi họ đang thực hiện công vụ mà không có sự đồng ý của họ là không được phép.

Đối với cơ quan quản lý công sở và công vụ, việc ghi hình phải được xem xét dưới góc độ công vụ. Nếu việc ghi hình phục vụ giải quyết công vụ thì phải do cơ quan Nhà nước tiếp dân thực hiện và việc ghi hình này phải được đưa vào biên bản và phải được công dân đồng ý, vì ghi hình ảnh công dân.

Việc công dân tự ý ghi hình ảnh công chức là sai về pháp luật dân sự và điều này không có giá trị vì việc ghi hình không phục vụ mục đích công vụ mà phục vụ mục đích cá nhân.

Do đó, tôi cho rằng, quy chế tiếp công dân của UBND TP Hà Nội mới ban hành là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Với những gì đã phân tích ở trên, tôi cho rằng Hà Nội đang tiến chứ không lùi đâu anh Xuân Dương ạ.

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây