Trang chủ Luận bàn - Phản biện VỀ CHUYỆN “CÔNG DÂN KHÔNG ĐƯỢC QUAY PHIM, CHỤP ẢNH, GHI ÂM...

VỀ CHUYỆN “CÔNG DÂN KHÔNG ĐƯỢC QUAY PHIM, CHỤP ẢNH, GHI ÂM KHI CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA NGƯỜI TIẾP CÔNG DÂN

266
0

VỀ CHUYỆN

Đúng như dự đoán, hôm 3/1/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân thành phố. Một trong các nội dung đáng chú ý là “Công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”, tôi đã dự báo là sẽ có nhiều phóng viên khai thác nội dung này theo hướng viết là “cấm” để trong ngoặc đơn và nhiều anh luật sư nửa mùa sẽ coi đó là quy định vi hiến.

Anh Báo Pháp luật Online giật tít “Hà Nội “cấm” ghi âm, ghi hình tại nơi tiếp dân” là sai về bản chất nếu không muốn nói là xuyên tạc sự thật. Sự mập mờ này có thể làm người dân hiểu sai và các thế lực thù địch có thể lợi dụng để nói xấu chính quyền. vì Nội quy chỉ nêu “Công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Điều này có nghĩa, “nếu người tiếp công dân đồng ý thì vẫn có thể quay phim, chụp ảnh, ghi âm” được.

Anh luật sư tuột xích Luân Lê  có status cho rằng đó là quy định vi hiến. Xin trích nguyên văn như sau:

“QUY ĐỊNH VI HIẾN

Nếu là cán bộ, chông chức thì buộc phải hiểu Hiến pháp quy định công dân có quyền giám sát và tham gia quản lý nhà nước, trong đó có những nhân viên công vụ. Và quyền này để đảm bảo quyền của công dân trước nhà cầm quyền, tránh tình trạng nhũng nhiễu, làm sai, không thực hiện hoặc gây khó dễ trong quá trình thực thi công vụ trước nhân dân.

Luật Phòng chống tham nhũng, Luận Cán bộ, công chức, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam đều quy định quyền giám sát của công dân trước các công chức hành chính nhà nước và trước cả các đại biểu của mình.

Khoản 2 Điều 8 Hiến pháp quy định rõ vấn đề quyền giám sát của công dân và các cán bộ, công chức, viên chức phải lắng nghe và chịu sự giám sát của nhân dân. Quyền đó là quyền chủ động và công chức phải có nghĩa vụ tuân thủ, chịu sự giám sát này nên không cần phải được phép (sự đồng ý) của chính nhân viên thực thi công vụ.

Hội đồng nhân dân TP Hà Nội phải lập tức thực hiện quyền giám sát và quyền của cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương để huỷ bỏ quyết định này ngay lập tức. Vì nó đã đặt cán bộ, công chức của thành phố này trên cả Hiến pháp và luật pháp của quốc hội“. Hết trích.

Hehe, anh Luân Lê là luật sư, nhưng hình như anh kém hiểu biết về pháp luật. Trình đọc hiểu về nghĩa của từ “Giám sát” hay trình trích dẫn của anh cũng có vấn đề.

VỀ CHUYỆN

Anh Luân đang đồng nhất việc giám sát là quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Đây là quan niệm sai, nhưng rất dễ lừa người đọc.

Theo Luật, “Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý“. Luật nào thì xin mời anh Luân chép cả đoạn này đưa vào google mà tra cứu, tôi không rảnh.

Đọc cho kỹ, “giám sát là theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân…“. Tôi không thấy chỗ nào định nghĩa giám sát là quay phim, chụp ảnh, ghi âm anh ạ. Cần nói rõ rằng, để giám sát thì không nhất thiết phải ghi âm ghi hình. Và ai cũng rõ, việc ghi âm, ghi hình rất có thể phục vụ cho mục đích khác đen tối, ngoài giám sát.

Giám sát là quyền hiến định và được nhắc lại nhiều lần trong các loại văn bản luật, như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức HĐND, UBND; Luật Khiếu nại, Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật MTTQ Việt Nam; Luật Tiếp công dân…Tuy nhiên, không có bất cứ dòng nào của các Luật này định nghĩa “giám sát là quay phim, chụp ảnh, ghi âm“.

Luật không phải là văn chương. Luật không được suy diễn, và vì thế giám sát hoàn toàn không phải là quay phim, chụp ảnh, ghi âm.

Từ góc nhìn này có thể thấy quy định của UBND TP.Hà Nội được thể hiện trong “Nội quy tiếp công dân tại trụ sở” là hoàn toàn phù hợp với pháp luật.

Cán bộ, công chức vừa là một công dân vừa người thực thi công vụ. Hai vế này là một thể thống nhất, không tách rời. Khi anh ta là công dân thì đương nhiên anh ta có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân khác. Ở đây, anh ta có quyền lợi và nghĩa vụ hiến định được thể hiện trong Bộ luật dân sự 2005.

Bộ Luật Dân sự 2005 quy định tại điều 31 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:

Điều 31. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Bộ luật này không quy định công dân có quyền đối với hình ảnh của mình trong lúc làm việc (thực thi công vụ) hay lúc nghỉ ngơi. Như vậy đã rõ, cán bộ công chức có quyền đối với hình ảnh của họ và ai muốn ghi hình, chụp ảnh hay ghi âm thì đều phải được sự đồng ý của họ mới được thực hiện.

Về Nội quy.

Nội quy là những quy định do nội bộ một cơ quan tổ chức xã hội tự đặt ra buộc những người làm việc hoặc tham gia cơ quan, tổ chức đó phải tuân theo. Xin lưu ý, nội quy không phải là một quy phạm pháp luật vì nội quy không có tính phổ biến, bắt buộc chung và nó không phải do nhà nước ban hành, không thể hiện ý chí nhà nước và không được nhà nước đảm bảo thực hiện.

Trụ sở tiếp công dân là cơ quan công quyền, tại đó phải có nội quy và khi công dân đến làm việc phải tôn trọng nội quy. UBND TP. Hà Nội có nội quy là đúng. Và Nội quy do thủ trưởng cơ quan ban hành nên không sai.

Điều 12 của luật Tiếp công dân có quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh”. Do đó, Chủ tịch TP. Hà Nội ký Nội quy là đúng luật và không xâm phạm quyền lợi của người dân, cũng không hề ảnh hưởng đến người dân.

Luật tiếp công dân nghiêm cấm: “4. Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng; 5. Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; 6. Đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ; 7. Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân; 8. Vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân“.

Khoản (d), Điểm 2, Điều 7 của Luật Tiếp công dân có ghi “Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân“.

Như vậy, công dân có quyền nhưng lại đồng thời có nghĩa vụ là phải thực hiện hướng dẫn của người tiếp công dân, chấp hành nội quy của cơ quan tiếp dân.
Để dễ hình dung, bạn đến nhà ai đó và muốn làm việc gì đó thì cần xin phép chủ nhà. Phải không?

Nội quy do Chủ tịch UBND TP vừa ký không xâm phạm quyền của công dân mà chỉ tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc cho cả người tiếp dân và công dân được tiếp, đồng thời ngăn chặn các trường hợp đến trụ sợ tiếp dân để thực hiện các mục đích xấu, cực đoan.

Có anh nhà báo viết rằng, “cấm” quay phim, chụp ảnh, ghi âm là “Tước đi quyền thu thập chứng cứ của người dân”. Viết như vậy là anh nhà báo đã hiểu rằng, công dân đến Trụ sở tiếp dân để điều tra chứ không phải khiếu nại, tố cáo hay đề nghị giải đáp thắc mắc..

Nhân đây cũng giải thích cho Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI). Ông Đức cho rằng quy định cấm quay phim, chụp ảnh khi tiếp công dân là trái với quy định của luật Tiếp cận thông tin. Theo ông Đức, khoản 4, điều 3 luật Tiếp cận thông tin quy định: “Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Ở đây ông Đức có sự nhầm lẫn, hoàn toàn không có chuyện hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân. Công dân cứ trình bày, cán bộ tiếp dân sẽ trả lời, giải thích, cung cấp thông tin. Chuyện tiếp cận thông này không liên quan gì đến quay phim, chụp ảnh, ghi âm. Mặt khác, nội quy này không phải là luật, đơn giản nó là quy định nội bộ của một cơ quan Nhà nước nên Chủ tịch UBND Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương là có thể ký ban hành mà không cần đến Quốc hội.

Cũng cần nói cho rõ thêm, tại Trụ sở tiếp dân luôn có Camera ghi lại toàn bộ việc tiếp công dân, và vì thế công dân không cần thiết phải quay. Khi cần, có thể yêu cầu trích xuất để sử dụng.

****

Bài sau: Những hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật của công dân tại Trụ sở tiếp dân

Nguồn: Tre Làng, 11 Tháng Một, 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây