Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong đang “rao giảng” tại buổi Thánh lễ ngày 30/12/2018, ảnh internet
Ngày 30/12/2018, trong khi khắp nơi trên cả nước đang hân hoan đón chờ năm mới 2019 thì Nhà thờ Thái Hà tổ chức buổi Thánh lễ với tiêu đề quen thuộc “Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa Bình”. Đây thực sự là một vở kịch “quen thuộc” mà Nhà thờ Thái Hà vừa lên kịch bản đạo diễn, vừa đóng vai là người diễn xuất, bởi vì:
Thứ nhất, đây không phải là lần đầu tiên Nhà thờ Thái Hà tổ chức hoạt động “Thánh lễ cầu nguyện”. Chỉ tính riêng năm 2018, định kì hàng tháng, Nhà thờ Thái Hà đều tổ chức các hoạt động tương tự. Thoạt đầu nếu không theo dõi kỹ lưỡng thì không ít người sẽ nhầm tưởng rằng đây chỉ là hoạt động tôn giáo thuần túy của Nhà thờ Thái Hà. Nhưng không, tất cả các buổi cầu nguyện với tiêu đề “Công lý và Hòa Bình” đều được các linh mục chống đối cực đoan trong Nhà thờ Thái Hà lồng ghép các nội dung xuyên tạc, chống đối chính quyền sâu sắc.
Thứ hai, nội dung buổi cầu nguyện ngày 30/12/2018 tiếp tục là những luận điệu mang nặng màu sắc chống đối về chính trị của Nhà thờ Thái Hà. Trong buổi “Thánh lễ”, những linh mục cực đoan của Nhà thờ Thái Hà đã rao giảng xuyên tạc về sự kiện nhất thể hóa hai chức danh Tổng Bí thư – Chủ tịch nước. Chúng cho rằng “Thực chất đây là cuộc đấu đá nội bộ kéo dài, nhằm tranh chấp quyền lực của ác nhóm lợi ích, đang tiếp tục khẳng định thể chế chính trị tại Việt Nam hiện nay không phải là một thể chế chính trị vì dân, vì nước, vì thiện ích chung của quê hương dân tộc”. Ngoài ra, trong quá trình diễn ra buổi “Thánh lễ”, các linh mục đã xuyên tạc trắng trợn mục đích tốt đẹp của Luật An ninh mạng, về tình hình chính trị xã hội của Việt Nam năm 2018. Đây thực sự là những lời lẽ “sằng bậy” của Nhà thờ Thái Hà, mục đích không gì khác là nhằm “đả kích” thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay, gây mất niềm tin trong quần chúng tín đồ Công giáo với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, những “nhân vật chính, phụ” của vở kịch mang tên “Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa Bình” vẫn là những nhân vật cũ, quen thuộc. Chủ tế vẫn là những chức sắc “chóp bu” đứng đầu dòng chúa cứu thế Thái Hà như Trịnh Ngọc Hiên, tham gia rao giảng vẫn là một linh mục chống đối cực đoan Nguyễn Ngọc Nam Phong và một số linh mục khác. Người nghe vẫn là một bộ phận giáo dân chủ yếu là người già, phụ nữ, những người trước đây đã từng bị Nhà thờ Thái Hà lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hoạt động chống đối.
Tóm lại, vở kịch “Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa Bình cuối năm 2018” của Nhà thờ Thái Hà là một vở kịch diễn đi diễn lại và vì một mục đích chung là tuyên truyền, xuyên tạc nhằm chống đối chính quyền. Thiết nghĩ, Nhà thờ Thái Hà nên dừng ngay những hoạt động tương tự, đồng thời đồng bào cả nước nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng cần lên tiếng, đấu tranh không để Nhà thờ Thái Hà tiếp tục tổ chức các hoạt động tương tự để “Mượn danh Thiên chúa nói xấu chế độ” đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc./.
Mạc Huy
Nguồn: Nom sông Việt Nam