Trang chủ Luận bàn - Phản biện Cán bộ có liêm sỉ mới suy nghĩ, hành động đúng

Cán bộ có liêm sỉ mới suy nghĩ, hành động đúng

156
0

Cán bộ lãnh đạo cần phải có năng lực, có phẩm chất, nhưng quan trọng nhất là phải có liêm sỉ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo Tết Nguyên đán này, cán bộ công chức không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội.

Vì sao có nhiều quy định, rồi chỉ thị quản lý chặt công sản nói chung và xe công nói riêng, nhưng tình trạng xài của công vẫn diễn ra? Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra tình trạng này cần xử lý ra sao? Phóng viên VOV phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội.

Cán bộ có liêm sỉ mới suy nghĩ, hành động đúng

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội. (Ảnh: Bình Cận)

PV: Chuyện sử dụng tài sản công, xe công vào mục đích riêng đã xuất hiện trong năm qua. Chúng ta nói nhiều đến trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu nhưng việc sử dụng tài sản công vào mục đích riêng lại thường bắt nguồn từ lãnh đạo, người nhà lãnh đạo các đơn vị?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Người dân rất khó chấp nhận và lãnh đạo Trung ương cũng không đồng tình với vấn đề này. Cụ thể, trong quy định về nêu gương Trung ương đã chỉ rõ: như không ăn chơi, lãng phí, phản cảm; phải vận động để các thành viên trong gia đình cũng phải tuân thủ pháp luật, cũng phải nêu gương tốt cho những người xung quanh chứ không chỉ bản thân cán bộ cao cấp nêu gương. Đặc biệt, không được lợi dụng đặc quyền của mình để tạo ra các đặc lợi để sử dụng phung phí, bất hợp pháp tài sản của Nhà nước, nhân dân giao cho.

PV: Theo ông, những việc làm đó ảnh hưởng ra sao đến xã hội hiện nay?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Những việc làm đó không chỉ vi phạm quy định nêu gương, mà còn vi phạm trong việc sử dụng tài sản công. Vấn đề tài sản công đã được Quốc hội đưa ra bàn nhiều và chúng ta cũng đang xử lý các vấn đề có liên quan đến các quy định về quản lý và sử dụng tài sản công, làm sao để đảm bảo tài sản của đất nước được sử dụng hợp lý, hiệu quả, không vi phạm pháp luật.

Tình trạng nợ công, nợ chính phủ, rồi nợ nước ngoài còn rất cao, đa phần cuộc sống của người dân còn khó khăn, phải chắt bóp vậy thì việc tiết kiệm, việc cán bộ công chức không làm những việc phản cảm để xã hội tin tưởng vào cán bộ lãnh đạo là hết sức cần thiết. Cán bộ là phải nêu gương, phải sống vì dân, mà lại sử dụng bừa bãi, lãng phí tài sản của đất nước thì làm sao người dân tin tưởng được. Đây là những vấn đề hết sức trầm trọng.

PV: Luật Phòng chống tham nhũng đã định danh đối với hành vi sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi của người có chức vụ quyền hạn là tham nhũng. Thực tế, ít có quan chức nào bị xử lý hành vi tham nhũng liên quan việc sử dụng tài sản công?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Đây là vấn đề người dân đòi hỏi phải xử lý, nhưng việc xử lý đến đâu, xử lý về mặt Đảng, xử lý hành chính hay xử lý hình sự đều phải có ngưỡng của nó. Anh vi phạm đến mức nào thì áp dụng các quy định phù hợp với mức đó. Trong những trường hợp cụ thể cần phải được xem xét, thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ để áp dụng các quy định sao cho chính xác, đảm bảo người bị xử lý phải tâm phục khẩu phục.

PV: Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã có quy định nêu gương của người đứng đầu, ông có cho rằng trong những trường hợp cụ thể, trong việc sử dụng xe công, tài sản công lãng phí và sai mục đích như vậy, cần phải xử lý thích đáng, trước hết về mặt Đảng hay không?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Những cán bộ đảng viên được xếp vào hàng ngũ lãnh đạo, đều phải được tuyển chọn, bổ nhiệm, do đó họ cũng có trách nhiệm phải nêu gương. Nên nếu vi phạm, họ phải bị xử lý nặng hơn.

PV: Ông có cho rằng, đang có tình trạng một số cơ quan tự cho mình đặc quyền, đặc lợi trong việc sử dụng công sản, coi nhẹ trách nhiệm?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Quan trọng là người thực hiện phải có ý thức và phải có sự giám sát, kiểm tra thanh tra và xử lý sao cho nghiêm túc. Chúng ta không cần thiết phải làm ra quá nhiều quy định mà không thực hiện được. Tôi cho rằng quy định của pháp luật đã đủ rồi, chỉ việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Cán bộ có liêm sỉ mới suy nghĩ, hành động đúng

Cán bộ lãnh đạo cần phải có năng lực, có phẩm chất, nhưng quan trọng nhất là phải có liêm sỉ (Ảnh minh họa)

PV: Gần Tết Nguyên đán năm nào Thủ tướng cũng có chỉ đạo nghiêm cấm sử dụng xe công trong việc đi lễ Tết, lễ hội. Năm nay, Thủ tướng cũng vừa ra chỉ đạo này. Theo ông, phải có cơ chế để kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo quan chức dùng xe công vào việc riêng ra sao?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta có rất nhiều cơ chế để giám sát: giám sát của các cơ quan dân cử, của mặt trận, đoàn thể; giám sát của người dân, của báo chí, mỗi cơ chế giám sát đó đều có tính chất khác nhau. Theo tôi, giám sát của nhân dân là rất quan trọng, giám sát của báo chí là công khai hóa vấn đề còn giám sát của người dân có thể ở thực hiện ở bất kỳ nơi nào. Do vậy phải đề cao, tôn trọng quyền giám sát của người dân, làm sao để người dân tham gia ngày càng nhiều và ngày càng chất lượng vào quá trình giám sát. Người dân chính là “tai, mắt”, người chủ trực tiếp phát hiện sai phạm để đề đạt xử lý. Chúng ta cũng phải tôn trọng những phản ánh, kiến nghị của người dân, bằng cách phải xử lý và thông báo kết quả cho người dân, công khai hóa, tránh tình trạng những phản ánh, kiến nghị của người dân bị phớt lờ, bị cố tình quên hay làm mờ đi, khi đó người dân sẽ nản, họ thấy việc giám át không được lợi gì thậm chí có thể bị gây thiệt hại.

PV: Vụ việc cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh bị phát hiện gắn biển xe công vào xe tư, từ đó lộ ra nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng khác, phải hầu tòa và chịu án tù. Mỗi cán bộ công chức, lãnh đạo cần rút ra những bài học gì từ vụ việc này?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tôi nghĩ rằng, khi làm lãnh đạo, anh phải hiểu mình là ai. Trước hết, anh là công bộc của người dân, anh đang được hưởng một số quyền lợi nhưng đừng cho đó là đặc quyền. Anh phải hiểu rằng, Nhà nước tạo điều kiện cho anh  để anh phục vụ nhà nước và nhân dân. Anh được Đảng tin cậy thì anh phải làm sao để xứng đáng với niềm tin đó, tạo được niềm tin với đảng, với nhân dân. Chứ anh luồn lọt, chạy chọt để leo cao, chui sâu vào vị trí lãnh đạo rồi đục khoét, tham nhũng, để cậy chức, cậy quyền, tước đoạt những lợi ích của người dân, thì đó là điều rất đáng xấu hổ. Cán bộ lãnh đạo cần phải có năng lực, có phẩm chất, có sức khỏe…, nhưng quan trọng theo tôi phải có liêm sỉ thì mới có những hành động đúng.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Thanh Trường/VOV1

Nguồn: VOV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây