Trang chủ Tin tức Dư luận lề trái kêu gọi Nhà nước cải cách đường lối...

Dư luận lề trái kêu gọi Nhà nước cải cách đường lối chính trị, ngoại giao theo hướng thân phương Tây

202
0

Trong tuần qua, BBC tiếng Việt đã đăng lại bài phỏng vấn cũ với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, cùng bài phỏng vấn mới với chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, để thúc giục Việt Nam cải cách đường lối chính trị, ngoại giao theo hướng thân phương Tây. Ngoài ra, Nguyễn Anh Tuấn cũng viết một bài dài theo hướng tương tự.

Dư luận lề trái kêu gọi Nhà nước cải cách đường lối chính trị, ngoại giao theo hướng thân phương Tây

Trong 3 bài thúc giục cải cách này, có 2 bài nhắc đến các diễn biến trong quan hệ ngoại giao Việt – Trung. Cụ thể, trong bài phỏng vấn ông Trần Quang Cơ vào năm 2009, tức dịp kỷ niệm 30 năm chiến tranh biên giới Việt – Trung, BBC tiếng Việt đã hỏi ông Cơ về các diễn biến ngoại giao dẫn đến cuộc chiến. Ông Cơ trả lời rằng từ năm 1972, 3 siêu cường là Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc đã hòa hoãn với nhau, và diễn biến này gây bất lợi cho Việt Nam. Năm 1975, Việt Nam thắng Mỹ, khiến Mỹ mất mặt vì lần đầu thua một cuộc chiến. Không lâu sau đó, Trung Quốc hỗ trợ vũ khí cho Khmer Đỏ đánh Việt Nam; và khi Việt Nam đánh sang Campuchia để chống Khmer đỏ, thì Mỹ làm truyền thông tại Liên Hợp Quốc rằng Việt Nam đang xâm lược Campuchia. Khi Mỹ đề nghị bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và ASEAN đề nghị Việt Nam gia nhập, Việt Nam từ chối vì lý do ý thức hệ. Ngay sau đó, đầu năm 1979, Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đồng thời tấn công các tỉnh biên giới Việt Nam.

Ông Trần Quang Cơ nhận định rằng vào thời điểm đó, Việt Nam đã “thêm thù bớt bạn”, thay vì “thêm bạn bớt thù” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì để ý thức hệ chi phối chính sách đối ngoại, Việt Nam đã không mở rộng quan hệ với Mỹ và các nước tư bản trong khu vực, dẫn đến việc bị lệ thuộc vào Trung Quốc và Liên Xô, tự đẩy mình vào thế bất lợi khi Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới. Qua cách đặt câu hỏi, có thể thấy BBC muốn dùng cuộc phỏng vấn này để thúc đẩy Việt Nam thay đổi chính sách đối ngoại, theo hướng ngả nhiều hơn về phương Tây, dù câu trả lời của ông Trần Quang Cơ cho thấy ông không muốn phát biểu ý đó.

Sau đó, ngay ngày 01/01/2019, BBC đăng bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí. Trong bài này, ông Chí nói rằng nếu không cải cách thể chế theo hướng “dân chủ”, Việt Nam sẽ không thể duy trì đà chống tham nhũng và tăng trưởng kinh tế. Ông Chí cũng nói rằng “thời kỳ đổi mới hiệu quả nhất của Việt Nam” là thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, trong khi “các chính sách kinh tế dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn đi ngược lại với chính sách đổi mới và chỉ phục vụ một nhóm tham vọng riêng”. Cách đây không lâu, ông Chí cũng từng phát biểu quan điểm này khi trả lời phỏng vấn BBC hôm 02/12/2018.

Cũng trong tuần qua, Nguyễn Anh Tuấn viết một bài dài, để kêu gọi mọi người nhìn cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung như một cơ hội phát triển cho Việt Nam. Tuấn cho rằng Trung Quốc chắc chắn thua phương Tây trong “cuộc chiến” này, vì họ bị lệ thuộc vào phương Tây về mặt công nghệ. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam nên “dứt khoát về phe Mỹ và phương Tây” ngay từ đầu, để được phương Tây hỗ trợ về mặt tri thức và kinh tài, giúp phát triển vượt bậc như Nhật, Hàn Quốc, Ba Lan trước đây. Còn nếu Việt Nam “không dứt khoát chọn phe”, thì khi cơ hội này qua đi, Việt Nam sẽ mãi mãi làng nhàng, không bao giờ phát triển được.

Ngoài ra, tiến sĩ Phạm Quý Thọ cũng vừa đề nghị Việt Nam cải cách thể chế trong một bài tổng kết năm đăng trên BBC. Như vậy, trong tuần qua, dư luận chống đối đã đăng ít nhất 4 bài dài để kêu gọi cải cách thể chế. Ba bài trong số này xuất hiện trên BBC tiếng Việt; bài còn lại được viết bởi Nguyễn Anh Tuấn, một nhân vật được các sứ quán phương Tây quan tâm đầu tư. Vì trong tuần qua, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Anh là ông Mark Field cũng thăm và đưa ra các gợi ý cải cách cho Việt Nam, có thể đặt giả thuyết rằng khối Anh – Mỹ đang chủ động định hướng truyền thông theo lối kêu gọi cải cách.

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi đồng ý quan điểm của ông Trần Quang Cơ, rằng Việt Nam nên “thêm bạn bớt thù” bằng cách đa phương hóa quan hệ đối ngoại theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng đồng ý với một lời dạy khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng Việt Nam nên điều chỉnh quan hệ đối ngoại trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” – tức dựa vào cái không đổi để ứng phó với những thay đổi. Ở trong nước, thứ không thay đổi là nền tảng văn hóa của dân tộc và nhu cầu sống ấm no của người dân. Ở nước ngoài, thứ không thay đổi là giá trị của tri thức mà các nền văn hóa khác nhau đã tích lũy qua nhiều thế hệ. Vì vậy, để có thể phát triển bền vững, Việt Nam nên xây dựng thể chế của mình dựa trên nền tảng văn hóa sẵn có của dân tộc, nhu cầu sống yên ổn của người dân và nhu cầu học hỏi mọi nền văn hóa khác; thay vì trên một tư tưởng đang hợp mốt và một liên minh ngắn hạn với nước ngoài.

Với quan điểm đối ngoại như vậy, chúng tôi không đồng ý với bài viết của Nguyễn Anh Tuấn. Về mặt nguyên tắc, Tuấn đang thể hiện một thái độ chụp giật, cơ hội và lệ thuộc, khi cho rằng Việt Nam chỉ có thể vươn lên bằng cách “đục nước béo cò” trong cuộc xung đột giữa các nước khác, chứ không thể tự phát triển chỉ bằng sức của mình. Về mặt thực tiễn, Tuấn quên mất rằng Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại để phục hồi nền sản xuất nội địa của Mỹ và đẩy lùi sự cạnh tranh của Trung Quốc trên toàn cầu, chứ không phải để tiêu diệt nước Trung Quốc. Dù cuộc xung đột thương mại với Mỹ có kết quả nào, nước láng giềng Trung Quốc sẽ vẫn còn đó, để làm luồng ảnh hưởng văn hóa lớn nhất, bạn hàng lớn nhất và nguy cơ lớn nhất với Việt Nam. Trong bối cảnh này, một dân tộc hợp thành từ nhiều luồng văn hóa, nhiều nhóm lợi ích khác nhau như Việt Nam nên giữ quan hệ ngoại giao đa phương; để có thể tích tụ tinh hoa của mọi phe phái thông qua giao thương và học hỏi; thay vì rơi vào nội loạn và giáo điều vì vội theo “phe” này chống “phe” khác.

Nguồn: Loa Phường, Tháng Một 11, 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây