Trang chủ Luận bàn - Phản biện Dư luận lề trái đang tổng kết năm 2018 như thế nào?

Dư luận lề trái đang tổng kết năm 2018 như thế nào?

239
0

Trong tuần qua, một số trang tin nước ngoài và hội đoàn chống đối đã tổng kết các sự kiện, diễn biến chính trị nổi bật ở Việt Nam trong năm 2018, rồi bình luận về chúng theo hướng đả kích Nhà nước Việt Nam. Trong đó, BBC và VOA có bài tổng kết các sự kiện chính trị nói chung, VOA có bài tổng kết các diễn biến liên quan đến nhân quyền, nhóm Hate Change có bài tổng kết các diễn biến liên quan đến tự do ngôn luận, còn ông Phạm Quý Thọ có bài tổng kết, dự đoán xu hướng thay đổi của Nhà nước.

Dư luận lề trái đang tổng kết năm 2018 như thế nào?

Nhìn chung, các bài viết này đều đề cập đến 4 diễn biến nổi bật trong nền chính trị Việt Nam năm vừa qua.

Một, là các diễn biến nội chính mà họ cho rằng liên quan đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – như chiến dịch chống tham nhũng, vụ Trịnh Xuân Thanh, những tiến triển trong vụ Thủ Thiêm, việc cố Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời, và việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu vào vị trí Chủ tịch nước.

Hai, là các diễn biến liên quan đến vấn đề tự do ngôn luận – như việc thông qua Luật An ninh Mạng, vụ đình bản 3 tháng báo Tuổi Trẻ Online, vụ ông Chu Hảo bị kỷ luật Đảng, và việc ban hành các bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho công nhân viên chức, cho nhà báo.

Ba, là các diễn biến mà họ cho rằng liên quan đến quan hệ Việt – Trung – như các cuộc biểu tình, bạo động để phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế, và việc Việt Nam cho phép thanh toán bằng Nhân Dân Tệ, dưới hình thức chuyển khoản, tại 6 tỉnh biên giới Việt – Trung.

Bốn, là tiến trình thông qua các hiệp định CPTPP và EVFTA, trong đó Việt Nam phải đưa ra một số cam kết về vấn đề nhân quyền, gồm việc thông qua 3 công ước cơ bản của ILO, được cho là tạo thuận lợi cho việc hình thành các công đoàn độc lập.

Riêng vấn đề nhân quyền, trong một cuộc phỏng vấn trên VOA, Lê Thị Công Nhân, Vũ Quốc Ngữ và Nguyễn Lân Thắng nói rằng tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm 2018 có 3 điểm nổi bật. Thứ nhất, có nhiều “nhà hoạt động nhân quyền” bị bắt và kết án tù. Thứ hai, các bản án tù đang nặng hơn trước. Thứ ba, nhờ Luật An ninh Mạng, trong năm 2019 tới đây, Nhà nước Việt Nam sẽ dễ dàng ngăn cản tự do ngôn luận và bắt giữ giới hoạt động theo những cách khiến quốc tế không thể can thiệp.

Trong cùng bài phỏng vấn, hai tổ chức hỗ trợ giới hoạt động người Việt, là Project 88 và Defend The Defenders, đã đưa ra thống kê chi tiết về số “nhà hoạt động nhân quyền” bị bắt trong năm vừa qua. Trong khi Defend The Defenders cho rằng chỉ có 26 “nhà hoạt động” bị bắt, Project 88 nói có 103 người, rồi nhận xét rằng con số này lớn hơn nhiều so với năm 2017. Dựa vào nhận xét này, VOA đi đến kết luận rằng 2018 là “năm tồi tệ nhất về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”. Tuy nhiên, nhận xét này là thiếu cơ sở, vì 103 “nhà hoạt động nhân quyền” vừa nêu bao gồm cả những nhóm dân địa phương mù chữ tham gia cuộc bạo động ở Bình Thuận hôm 10/06, và những đối tượng hưởng ứng lời kêu gọi bạo động để lật đổ chế độ hôm 02/09.

Trước những diễn biến vừa nêu, trong một bài viết trên BBC tiếng Việt, tiến sĩ Phạm Quý Thọ đã nhận định rằng ở Việt Nam năm 2018, “kinh tế theo hướng thị trường hơn và chính trị theo hướng tập trung quyền lực cao hơn”. Cuối bài, ông Thọ dự đoán rằng trong năm 2019, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, hai xu hướng thay đổi vừa nêu sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng sẽ không dẫn đến việc “thể chế hóa” sự tập trung quyền lực trong tay cá nhân như ở Trung Quốc. Ông Thọ cũng thúc giục Việt Nam tăng cường cải cách để giữ đà tăng trưởng trong thời gian dài.

Trong tuần qua, bên cạnh bài của Phạm Quý Thọ, BBC tiếng Việt cũng đăng một bài phỏng vấn Phạm Đỗ Chí và một bài phỏng vấn cũ với Trần Quang Cơ, cả 2 đều chứa lời kêu gọi cải cách thể chế, cải cách đường lối đối ngoại.

Sau khi xem xét các thông tin trên, chúng tôi xin đưa ra 3 nhận xét.

Thứ nhất, chúng tôi thấy VOA tiếng Việt đã đưa ra một nhận định hàm hồ khi nói năm 2018 là “năm tồi tệ nhất về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”. Một mặt, họ đưa ra nhận định này dựa trên số liệu sai mà nhóm Project 88 đưa ra. Mặt khác, họ không tính đến một thực tế mà nhiều “nhà hoạt động” Việt Nam từng nhận ra: ngày nay, không gian dân sự và ngôn luận ở Việt Nam đã trở nên đa dạng, hỗn tạp hơn nhiều so với thời điểm 10 năm trước.

Thứ hai, vì mọi bản tổng kết năm của giới chống đối đều xoay quanh các hoạt động của Nhà nước Việt Nam, thay vì hoạt động của chính họ, dường như giới này đang rất yếu, chỉ loay hoay phản ứng trước các động thái của Nhà nước và tình hình xã hội, chứ không đưa ra được chủ kiến gì đáng kể.

Thứ ba, dường như bộ phận cực đoan trong giới chống đối không có chung nhận định với BBC tiếng Việt và giới chuyên gia. Trong khi ông Phạm Quý Thọ nhận định rằng kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt và Nhà nước Việt Nam đang khá mạnh, còn BBC đang tin vào khuynh hướng cải tổ hơn là khuynh hướng “cách mạng đường phố” ở Việt Nam; thì Phạm Đoan Trang đang tuyên truyền rằng kinh tế Việt Nam đang rất suy sụp, và Nhà nước Việt Nam đang tăng cường “bắt bớ” trong giai đoạn “giãy chết”. Cánh cực đoan đang nói sự thật hay đang tuyên truyền dối trá, để tiếp thêm hy vọng giả cho các thành viên của mình? Xin để độc giả tự đánh giá.

Nguồn: Loa Phường, Tháng Một 11, 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây