Phát động phong trào chửi Trung Quốc trên Facebook

Phát động phong trào chửi Trung Quốc trên Facebook

Trong 2 tuần giữa tháng 12, đã có 3 sự kiện làm dấy lên mối lo ngại về vấn đề chủ quyền. Ngày 10/12/2018, công ty nghiên cứu thị trường CBRE đã công bố số liệu cho thấy lượng người Trung Quốc mua nhà tại TP.HCM tăng đột biến, chiếm đến 31% lượng khách mua trong 9 tháng đầu năm, cao hơn cả lượng khách mua người Việt, trong khi con số này là 2% vào năm 2016, và 4% vào năm 2017. Ngày 18/12, ngư dân phát hiện một vật thể bằng kim loại, có chữ Trung Quốc, với hình dáng giống ngư lôi, tại địa điểm cách bờ biển Phú Yên khoảng 4 hải lý. Ngày 20/12, trang tin Thanh niên Trung Quốc cho biết quân đội Trung Quốc vừa tiến hành diễn tập thực binh tại phía Đông tỉnh Vân Nam (tỉnh giáp với Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên của Việt Nam), với chủ đề là mô phỏng đối đầu trực diện giữa quân đội Trung Quốc và “quân đội nước láng giềng X”. Nhân những tin tức này, trong tuần qua, một số cá nhân chống đối đã kích động tâm lý bài Trung cực đoan, rồi lợi dụng nó để tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam.

Phát động phong trào chửi Trung Quốc trên Facebook

Chẳng hạn, ngày 17/12/2018, một số cá nhân chống đối đã than thở rằng sau khi đăng các status chứa chữ “Trung Cẩu” lên Facebook, họ đã bị khóa tài khoản hoặc xóa bài. Họ bàn tán rằng dù Luật An ninh Mạng chưa có hiệu lực, Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu Facebook xóa các bài viết vừa nêu, để “bênh” Trung Quốc. Sau đó, họ phát động phong trào viết chữ “Trung Cẩu” lên Facebook, để thể hiện thái độ phản đối Trung Quốc, phản đối Facebook và nhà nước Việt Nam. Một số người còn bảo nhau đăng chữ “Trung Cẩu” dưới dạng ảnh chụp thay vì chữ viết, để Facebook không thể phát hiện và xóa post.

Nguyễn Văn Thanh, chủ nick Facebook “Tào Thanh”, đã đăng một trong những post sớm nhất và được chú ý nhất trong phong trào vừa nêu. Là một người chuyên “chế” ảnh gây cười, Thanh đã làm giả một thông báo của Facebook, theo đó Facebook sẽ cấm cả những từ “Lú”, “Niểng”, “Ngọng”, “Ngẫn”, “Người Nam nói giọng Bắc” trong thời gian tới. Do không hiểu đây là ảnh giả, nhiều người đã comment rằng vụ việc này cho thấy Nhà nước Việt Nam đang “bịt miệng dân”.

Trong khi đó, nhà chống Cộng Nguyễn Trường Sơn lại phân tích như sau:

“Khi người nước khác gọi người Việt chúng ta với tên khinh miệt, thì chúng ta phản ứng dữ dội và gọi đó là phân biệt chủng tộc, tất nhiên rồi.

Nhưng đồng thời, lại có nhiều người gọi Trung Quốc bằng tên Trung C**, sau đó bị Facebook cảnh cáo, thế nhưng lại cho rằng Facebook bị Trung Quốc kiểm soát, hay đổ cho việc cảnh cáo đấy là do nhà nước Việt Nam đứng đằng sau.

Việc ghép tên nước người ta với từ Cẩu (mang tính miệt thị) là hành vi phân biệt chủng tộc các anh chị ạ. Và nó rõ ràng vi phạm chính sách của Facebook. Không một người văn minh nào có thể chấp nhận được hành vi phân biệt chủng tộc, chứ đừng nói là một công ty công nghệ toàn cầu.

Tôi lấy làm ngạc nhiên hơn nữa, rằng nhiều người, trong đó có những người tự nhận là đấu tranh nhân quyền, lại thách thức Facebook hoặc làm cách này cách khác để được tiếp tục gọi tên nước người ta với cái tên miệt thị đó.

Hãy dừng lại việc làm thiếu văn minh đó!”

Đáng tiếc, post của Nguyễn Trường Sơn chỉ được 90 Like, trong khi post của Tào Thanh có 1,1 nghìn Like. Sau khi Sơn lên tiếng, phong trào chửi bậy của giới chống Cộng vẫn tiếp tục diễn ra như cũ.

Qua ý kiến của Nguyễn Trường Sơn, có thể thấy giới chống Cộng bị xóa bài, khóa tài khoản vì một chính sách hợp lý của Facebook, chứ không phải vì yếu tố Trung Quốc hay Luật An ninh Mạng của Việt Nam. Để bảo vệ quyền nói tục chửi bậy, quyền hành xử vô văn hóa của mình, họ nên ngừng dùng Facebook.

Hiện nay, có thể Trung Quốc đang tăng cường khiêu khích Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta nên phản ứng với sự khiêu khích này một cách thông minh, thay vì mắc bẫy. Nên nhớ vào năm 2014, khi cuộc biểu tình “chống Trung Quốc” của công nhân Bình Dương bùng phát thành bạo động, người biểu tình đã đập phá và cướp bóc 315 doanh nghiệp, đa phần của Hàn Quốc và Đài Loan, trong khi chính quyền Trung Quốc không hề bị tổn hại. Mới đây, cảnh “tự mình hại mình” này cũng tái diễn trong cuộc bạo động ở Bình Thuận hồi tháng 06/2018.

Nguồn: Loa phường