Trang chủ Luận bàn - Phản biện Thêm Một Trò Hề

Thêm Một Trò Hề

172
0

Thêm Một Trò Hề

Chỉ một thời gian rất ngắn sau khi xuất hiện, nhóm người tự xưng hoặc được dán nhãn hiệu “nhà dân chủ, người yêu nước” đã tự bộc lộ mục đích và bản chất thiếu trong sáng của họ.

Từ khi cái nhãn hiệu “nhà dân chủ, người yêu nước” ra đời, trên internet thi thoảng xuất hiện một nhân vật không chỉ được mấy kẻ chống cộng ở hải ngoại tung hô, được BBC, VOA, RFA, RFI,… phỏng vấn; mà dần dà họ cũng lộ rõ qua các phát ngôn, hành động không khách quan, trung thực. Nên mới có chuyện từ ngày định cư ở Hoa Kỳ, Bùi Kim Thành (người được phong là “luật sư dân oan”) có hành vi kỳ quái đến mức chính những kẻ ngày nào o bế nay lại quay sang mắng là kẻ “hỗn xược, mất tư cách”, đề nghị “đưa vào trại tâm thần”, thậm chí bị hành hung. Trần Khải Thanh Thủy cũng vậy, sau khi được bà Loretta Sanchez “chào đón về với tự do”, lại vạ vật kiếm sống theo lối “chửi có thưởng”. Tại một cuộc gặp gỡ ở tòa soạn nguoi-viet, trước mặt Trần Khải Thanh Thủy, nói về “khía cạnh cộng đồng chống cộng hải ngoại “đối xử” với những nhà tranh đấu ở trong nước ra hải ngoại”, Huy Phương – một kẻ chống cộng, cay đắng thốt lên: “Chúng ta làm cho họ đau đớn tinh thần bằng dư luận, qua báo chí, qua internet. Chúng ta đã dè bỉu, lăng mạ, đặt điều, vu vạ, cách ly họ ra với cộng đồng”. Tóm lại, những kẻ tự nhận là “người hùng” khi đến với “thế giới tự do”, họ chỉ còn là cái “vỏ chanh”, bị khinh bỉ! Thế nhưng, để thực hiện mưu đồ chính trị đen tối, các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn tán dương và cổ vũ, chỉ vì họ phản đối Ðảng và Nhà nước Việt Nam, bất chấp sự thật đó chỉ là mấy người, hoang tưởng, háo danh, thực dụng, lật lọng, sẵn sàng vùi dập nhau, nhiếc móc nhau vì tiền,… Trường hợp Lê Thăng Long là một thí dụ.

Ngày 20-1-2010, TAND thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung có hành vi vi phạm Ðiều 79 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Kết thúc phiên tòa, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, quản chế năm năm; Nguyễn Tiến Trung bảy năm tù, ba năm quản chế; Lê Công Ðịnh và Lê Thăng Long cùng lĩnh mức án năm năm tù và ba năm quản chế. Sau đó, do có đơn kháng cáo của ba trong số bốn bị cáo nói trên, ngày 11-5-2010, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại thành phố mở phiên tòa phúc thẩm và Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án đối với Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh, còn Lê Thăng Long đã được giảm một phần hình phạt, phải chịu mức án ba năm sáu tháng tù. Một trong các căn cứ để Lê Thăng Long được giảm án là vì người này đã thành khẩn nhận lỗi, như tại thời điểm đó một số tờ báo dẫn lại, nay còn lưu trên internet: “ban đầu tôi chỉ tình cờ ngẫu nhiên tham gia “nhóm nghiên cứu Chấn”. Tôi thuộc tầng lớp doanh nhân, trí thức nên tiếp xúc rất nhiều với bên ngoài dẫn đến có sự nhầm lẫn trong nhận thức…”. Từ chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam, ngày 4-6-2012, Lê Thăng Long đã được trả tự do trước thời hạn sáu tháng, tuy vẫn chịu ba năm quản chế. Cùng thời gian này, Lê Công Ðịnh cũng được giảm án hơn một năm và vẫn chịu ba năm quản chế.

Lẽ ra, sau khi được hưởng lượng khoan hồng, Lê Thăng Long sẽ cố gắng “hoàn thành trách nhiệm của người cha, người chồng, hoàn thành chữ hiếu của người con” như anh ta đã thú nhận và tố khổ trước tòa; thế nhưng, chưa đầy 10 ngày sau khi ra tù, Lê Thăng Long đã đứng tên cùng Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh công bố trên internet một văn bản nhân danh “quyền con người” để phát động cái gọi là “phong trào con đường Việt Nam” (PTCÐVN). Kèm theo văn bản lủng củng, đậm mầu sắc “gánh hát” này, Lê Thăng Long còn công bố mấy văn bản khác, cũng lủng củng và mang mầu sắc “gánh hát” không kém. Có người đã nhận xét: “Ðiều đáng nói ở đây là tác giả của các tài liệu này đã trộn lẫn “nhân quyền” theo truyền thống của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền với các ý niệm của chủ nghĩa dân tộc. Ðây là lối lập luận mang tính cơ hội chủ nghĩa. Dùng sự đam mê dân tộc chủ nghĩa để cổ súy cho nhân quyền là một trò chơi nguy hiểm… PTCÐVN phơi bày tất thảy sự yếu kém của nó qua các văn bản. Việc công khai hóa danh sách những người được mời tham gia, mà không được phép của họ và không có lời giải thích chính đáng, là một “trò chính trị” thiếu đạo đức. Lời hiệu triệu và tôn chỉ của nó được soạn thảo một cách vụng về, vội vã với những lập luận cũ rích. Nó ẩn chứa nguy cơ độc đoán, dù rằng nó đang cố gắng cổ súy những giá trị của tự do. Nhìn từ góc độ văn bản, PTCÐVN không hứa hẹn gì nhiều về tương lai của nó”! Tuy nhiên, như vớ được “vàng”, một số cơ quan truyền thông vội chộp lấy Lê Thăng Long để phỏng vấn, vì thế chỉ trong thời gian ngắn, người này đã có mặt trên BBC, RFA, radiodlsn, nguoi-viet,… Và khi đề cập tới “PTCÐVN”, một “nhà dân chủ” thốt lên: “Dễ gì có được những chính trị gia dày công quan sát, suy tưởng để tạo lập luận sử dụng làm thuyết pháp thông minh và uyên thâm như vậy”!!!

Tháng 6-2012, trả lời phỏng vấn BBC, Lê Thăng Long kể, anh ta được Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh ủy nhiệm thành lập cái gọi là “PTCÐVN”! Song xem ra ngay từ đầu, tổ chức Lê Thăng Long cổ súy đã tự chứng tỏ sự bất thường, nên trong khi có một số kẻ tung hô thì nhiều người nhận được thư mời đã nghi ngờ, không tin cậy, thậm chí giễu cợt. Người ta không chỉ định danh đó là “con đường vô liêm sỉ” mà còn công khai từ chối và nay vẫn lưu trên internet, như: “Trong tình hình hiện nay, đời sống kinh tế, xã hội, đời sống đất nước còn có quá nhiều vấn đề mà chỉ có thể lấy đoàn kết làm phương tiện để bàn thảo và tìm ra giải pháp. Bất cứ một phong trào ầm ĩ nào không có nội dung, không có bất kỳ nguyên lý hợp tác nào để tạo ra đoàn kết xã hội, đều có thể trở thành một phong trào nguy hiểm. Vì thế tôi từ chối tham gia và từ chối bất kỳ liên hệ nào đối với phong trào này” (Nguyễn Trần Bạt), “Với cảm giác khó chịu bực mình của người đang ngồi trong quán thanh thản nhâm nhi tách cà-phê buổi sớm bỗng dưng bị quấy rầy bởi lời mời mọc… mua vé số hay đánh giày chi đó, tôi xin thông báo rằng tôi không biết, không liên quan đến cái gọi là “phong trào con đường Việt Nam” này và đương nhiên yêu cầu vị nào khởi xướng ra trò này rút bỏ tên tôi ra khỏi danh sách mời tham gia sáng lập nó” (Phan Hồng Giang), “Tôi cực lực phản đối sự bịa đặt bỉ ổi này. Tôi không hề nhận được lời mời nào và tôi không bao giờ tham gia những tổ chức mà tôi không biết gì về nó. Trò bịa đặt của những nhóm người nào đó mang tên “CÐVN” là một hành động đê tiện, bỉ ổi” (Trần Nhương),…!

Có một điều trái khoáy là cái tổ chức và cái gọi sự ủy nhiệm của Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Ðịnh cho Lê Thăng Long được quảng cáo theo lối “khẩu thiệt vô bằng”, chủ yếu qua lời Lê Thăng Long, Trần Văn Huỳnh (cha Trần Huỳnh Duy Thức). Trái khoáy hơn, dù đã ra tù, Lê Công Ðịnh lại hoàn toàn không có ý kiến gì cho thấy có liên quan với “PTCÐVN”, đến mức Nguyễn Ngọc Già – một kẻ chống cộng, ngay từ tháng 6-2012 đã xăng xái lên tiếng ủng hộ “Lê Thăng Long và bằng hữu”, về sau lại đặt ra câu hỏi: “Tại sao từ ngày ra tù đến nay, LS Lê Công Ðịnh chẳng đoái hoài gì đến “PTCÐVN” mà ông là một trong ba người đầu tiên đặt nền móng?”! Nhưng có lẽ “đâm lao thì phải theo lao”, Lê Thăng Long vẫn phải cố đấm ăn xôi, bày ra đủ loại trò vè để hà hơi cho một tổ chức kỳ quặc. Với tư cách “người sáng lập PTCÐVN”, Lê Thăng Long đã công bố cái gọi là “thư giải trình về bản thân và PTCÐVN”. Sau đó trên internet lại xuất hiện website mang nhãn hiệu “PTCÐVN” để thi thoảng có sự kiện gì đó lại… ra tuyên bố! Rồi ngày 22-11-2013, trả lời phỏng vấn BBC, nhắc tới vụ án năm 2010, Lê Thăng Long phản cung nói rằng: “Trong quá trình điều tra, họ gây sức ép rất là nhiều, kể cả mớm cung, kể cả viết sai lệch những quá trình trình bày trước cơ quan điều tra”!?… Ðỉnh điểm của sự không bình thường là gần đây, người này tuyên bố “xin ra khỏi PTCÐVN”, và xin “gia nhập Ðảng Cộng sản Việt Nam” (dù “chưa đọc Ðiều lệ Ðảng” như đã nói với BBC!)? Vì khó có thể coi là bình thường khi đọc điều Lê Thăng Long đã viết: “Nếu tôi được làm tổng bí thư ÐCSVN thì chỉ trong vòng 11 tháng tình trạng tham nhũng tại Việt Nam sẽ giảm ít nhất là 90%”, “tôi có đủ tới dư thừa tài năng, đức độ để đảm nhiệm chức vụ tổng bí thư ÐCSVN. Nhưng tôi không thích tranh chức, tranh quyền của bất kỳ ai. Tôi muốn được làm cố vấn cho tổng bí thư ÐCSVN, cho bộ Chính trị ÐCSVN, cho ban chấp hành Trung ương ÐCSVN… Tôi đảm bảo sau chậm nhất 11 tháng tệ nạn tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam sẽ giảm ít nhất 90%”!

Tuy nhiên, qua cái gọi là “thông cáo báo chí về việc ông Lê Thăng Long xin ra khỏi PTCÐVN” công bố ngày 25-12-2013, lại xuất hiện “quyền trưởng ban quản trị của PTCÐVN” là Nguyễn Xuân Ngãi – một kẻ chống cộng, hiện định cư tại Hoa Kỳ, từng là trung úy của chế độ Sài Gòn trước 1975 và là “phó chủ tịch đảng nhân dân hành động” của Nguyễn Sĩ Bình! Từ vai trò của Nguyễn Xuân Ngãi trong “PTCÐVN” có thể thấy rõ bản chất của tổ chức này. Thực chất, “PTCÐVN” chỉ là một “trò hề” bịp bợm, mượn danh nghĩa “dân chủ và nhân quyền” để thực hiện mưu mô đen tối. Vì thế, dù Lê Thăng Long có tuyên bố thế nào, hay có nói lời hoa mỹ để tô vẽ cho mục đích của anh ta thì vẫn không thể che giấu được quá khứ của mối liên hệ với những kẻ như Nguyễn Xuân Ngãi. Rốt cuộc, khi “trò hề” đã hạ màn, “vai hề” cũng không còn chỗ diễn! 

HOÀNG ANH BIÊN/VIỆT HẢI NGOẠI

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây