Trang chủ Luận bàn - Phản biện Suy Ngẫm Nhân Thông Điệp Đầu Năm Của Thủ Tướng Nguyễn Tấn...

Suy Ngẫm Nhân Thông Điệp Đầu Năm Của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

198
0

Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã là một sự kiện quan trọng đầu năm

Thông điệp đã đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình, mở hướng cho sự phát triển ngày càng mạnh hơn của đất nước trong tình hình mới.

Chúng ta đang đón chào năm 2014 vào lúc Việt Nam đang trải qua thời kỳ khó khăn dài nhất từ sau đổi mới và số năm khó khăn gần bằng thời kỳ khủng hoảng trước khi bước vào đổi mới. Đó là do các khó khăn khách quan và chủ quan. Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhưng khó khăn khách quan không nhỏ.

Suy Ngẫm Nhân Thông Điệp Đầu Năm Của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Chỉ có một con đường

Khi đánh giá nguyên nhân bên ngoài, có người cho rằng, thế giới khó khăn nhưng ít ảnh hưởng đến nước ta. Tôi không đồng ý với ý kiến này, vì thực sự thế giới đang có nhiều khó khăn và đến nay cũng chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ.

Cũng cần thấy là, sau cuộc khủng hoàng tài chính Đông Á 1997, kinh tế khu vực đã khôi phục khá nhanh (chỉ sau 1-2 năm), trong khi nền kinh tế nước ta đã bị tác động và đạt mức tăng trưởng thấp nhất vào năm 1999 (đạt 4,77%) và chỉ tăng trưởng cao trở lại từ sau đột phá Luật Doanh nghiệp năm 2000 và ký kết Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ 2001… Kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng vượt 7% từ năm 2002 (5 năm sau khủng hoảng Đông Á).

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lần này, kéo dài từ năm 2008 và đến nay chưa chấm dứt. Kinh tế những nước lớn như Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản… và ngay Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, giảm tăng trưởng khá mạnh. Như vậy, có thể thấy trong quá trình hội nhập, tác động nhiều chiều đã ảnh hưởng mạnh đến mọi nước, kể cả Việt Nam.

Không khí thảo luận dân chủ từ thời kỳ Đổi mới cách đây 30 năm đến những cuộc thảo luận khoa học trong các năm 2008-2010 ở trong nước đã cho thấy rõ, mô hình tăng trưởng kiểu cũ, nặng về phát triển “chiều rộng”, dựa vào vốn, lao động tay nghề thấp và khai thác đến “bóc lột” tài nguyên thiên nhiên… đã không còn thích hợp sau hơn 1/4 thế kỷ đổi mới.

Từ sau Đại hội XI của Đảng (2011) nền kinh tế nước ta gặp khó khăn lớn, chuyển đổi chậm theo hướng tạo 3 đột phá chiến lược, tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng chưa mạnh. Sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn yếu kém trong tương quan với thế giới và chậm được cải thiện.

Ngay nền nông nghiệp nhiệt đới – thế mạnh của Việt Nam, nhưng tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngày càng sụt giảm, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường quốc tế, không tham gia được nhiều vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Cũng vậy, xuất khẩu tuy có tăng trưởng nhanh 15-20% từ mấy năm gần đây, thậm chí đạt được xuất siêu, nhưng phần giá trị gia tăng từ xuất khẩu còn thấp. Thực chất, chúng ta đang xuất khẩu “hộ” các nước bán nguyên nhiên vật liệu và máy móc để Việt Nam gia công (80-90% giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp chế tác là thuộc vào phần nhập khẩu).

Đó là chưa kể các chuyển biến chậm trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững, đang gây bức xúc trong nhiều người. Nền giáo dục, khoa học công nghệ nước nhà còn nhiều yếu kém…

Trong điều kiện quốc tế hiện nay, đòi hỏi hội nhập theo yêu cầu mới, của một “thế hệ” mới, hội nhập quốc tế sẽ rất gay gắt. Không một nước nào có thể đủ nguồn lực để ưu tiên cho “che chắn” hoàn toàn nền kinh tế khỏi các tác động “trái chiều” của hội nhập và kinh tế thị trường (dù là Mỹ hay Nhật bản). Điều này càng khó hơn với nước kinh tế còn yếu kém như Việt Nam, với thu nhập bình quân đầu người còn dưới 2.000 USD/người, chưa bằng 20% của trung bình thế giới.

Chỉ có một con đường là Việt Nam hiên ngang vươn lên, làm nền kinh tế Việt Nam có sức cạnh tranh cao hơn, để có thể tích cực và chủ động tham gia hội nhập một cách bình đẳng. Từ đó, Việt Nam ngày càng có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Việt Nam không thể lớn mạnh khi dựa vào sự ưu tiên hay chiếu cố nào của các nước khác, và nói chung cũng không có sự ưu ái nào như vậy.

Nếu Việt Nam không tự đứng lên mạnh mẽ do sử dụng được sức mạnh tổng hợp của thời đại và dân tộc thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn trong thế giới cạnh tranh gay gắt và liên kết phức tạp của thế kỷ mới. Mọi dân tộc trên thế giới đều vươn lên, cả nước lớn và nước nhỏ. Nếu Việt Nam không tạo được nỗ lực của toàn dân tộc để vươn lên mạnh mẽ thì sự tụt hậu càng ngày càng xa hơn sẽ là một thực tế “khó nuốt”, dù nước ta có tiến bước, thậm chí có nhiều mặt vượt trội.

Cái vướng mắc lớn nhất lúc này chính là tư duy phát triển cần đổi mới mạnh mẽ, tiến kịp thời đại, hòa cùng dòng chảy chung của nhân loại hướng tới kinh tế tri thức và phát triển bền vững. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong đổi mới thể chế kinh tế và chính trị, làm giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất của đất nước, giải phóng con người khỏi đói nghèo, lạc hậu và hướng tới phát triển toàn diện.

Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã là một sự kiện quan trọng đầu năm, đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình, mở hướng cho sự phát triển ngày càng mạnh hơn của đất nước trong tình hình mới.

Đột phá thể chế, mở rộng dân chủ

Người đọc hoan nghênh bản thông điệp rõ ràng đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Do phạm vi bài viết rất rộng lớn, xin được nêu một số nhận thức của bản thân trước thông điệp quan trọng này:

Một là, đổi mới thể chế, thực hiện dân chủ sâu rộng và xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Trong rất nhiều công việc cấp bách của năm 2014 và tiếp theo, vấn đề tiếp tục và đổi mới mạnh mẽ thể chế (kinh tế và chính trị) đã được mở ra từ năm 1986 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Thủ tướng nhận định: “Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại”.

Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh một thực tế đang diễn ra ở nước ta trong thời kỳ Đổi mới: “Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là từ Đại hội VI của Đảng”.

Người đọc tâm đắc với kết luận rút ra là bản chất của những thay đổi thể chế chính là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế. Sự chuyển biến đó diễn ra từng bước, từng bước, nhưng như một dòng chảy liên tục, phải ngày càng mạnh mẽ, để phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tạo nên một Việt Nam hùng cường.

Và chính sự quyết đoán của người lãnh đạo, tạo điều kiện để khơi thông sự phát triển nở hoa của đất nước bằng các cải cách liên tục và đi vào chiều sâu, để người dân thực sự sử dụng được quyền dân chủ, như đã được nhấn mạnh về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp mới được Quốc Hội sửa đổi năm 2013 và có hiệu lực từ nay.

Công cuộc Đổi mới đã mở ra năm 1986 cần tiếp tục khơi thông như một dòng chảy liên tục, ngày càng mạnh mẽ. Dân chủ là để người dân thực sự làm chủ, là để người dân “có quyền mở mồm” (lời Hồ Chủ tịch) với ý nghĩa rộng lớn nhất, để mọi người đóng góp chủ động, sáng tạo và trực tiếp trí tuệ, công sức của mình và của cộng đồng vào sự phát triển. Chính do chúng ta đã và đang thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch trong thực tế mà kinh tế ngày càng phát triển, công cuộc giảm nghèo bền vững thu được kết quả. Nhưng những thành tích đó còn có thể lớn hơn, nếu biết phát huy nền dân chủ rộng rãi.

Thông điệp khẳng định: “Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ rõ Nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”. Đó cũng là điều kiện để phát huy những quy định tiến bộ của bản Hiến pháp sửa đổi 2013 trong đời sống. Không có nước nào có thể thực hiện dân chủ trực tiếp ở tất cả các cấp, mà quá trình dân chủ chỉ có thể ngày càng sâu rộng, làm cho đất nước ngày càng phát triển.

Thông điệp đã nhấn mạnh rất đúng về vai trò của dân chủ trực tiếp ngày càng sâu rộng và thực chất, để nền dân chủ rộng rãi và thực chất ngày càng nở hoa kết trái: “Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không một quốc gia nào có thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở tất cả các cấp cũng như trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất thì dân chủ đại diện càng hiệu quả”.

Chính là khi phát huy được mạnh mẽ dân chủ trong toàn xã hội, thế và lực của đất nước có điều kiện phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc và thời đại. Và đó chính là điều kiện tiền đề quan trọng nhất để đất nước phát triển bền vững, nâng cao mạnh mẽ năng lực cạnh tranh quốc gia, có điều kiện “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” (lời Hồ Chủ tịch). Điều này càng trở nên quan trọng khi hội nhập quốc tế và nền kinh tế tri thức đang tạo ra cả cơ hội và áp lực. Chủ động đổi mới thể chế, thực hiện nền dân chủ rộng rãi là điều kiện cho phát triển và hội nhập ngay trong khó khăn, chủ động đưa đất nước phát triển đi lên.

Các so sánh quốc tế về thực trạng kinh tế tri thức (KEI) của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2012 cho thấy, tuy bằng so sánh 4 tiêu chí lớn, Việt Nam mới đạt mức 104 trong 142 nước trên thế giới, vì tuy có một chỉ tiêu đạt mức cao là ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) khá cao hơn nhiều nước có cùng trình độ phát triển, nhưng vẫn còn yếu kém trong 2 tiêu chí khác là giáo dục và đổi mới công nghệ. Báo cáo đó nhấn mạnh, Việt Nam chỉ có thể nâng cao chỉ số nền kinh tế tri thức đầy đủ và mạnh mẽ khi đẩy mạnh chỉ tiêu thứ 4 về cải cách thể chế, đặc biệt tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Báo cáo về năng lực cạnh tranh quốc gia 2013/2014 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng đặt vấn đề thể chế như trụ cột hàng đầu trong 12 trụ cột mà mọi quốc gia cần soi vào.

Soi rọi vào thực tiễn còn nhiều yếu kém, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”. Điều đó đúng với nguyện vọng của người dân và hãy làm như Thủ tướng đã viết trong Thông điệp đầu năm! 

Dân chủ rộng rãi là cần thiết. Các cơ quan lãnh đạo và quản lý, dù tài giỏi đến mấy cũng không thể lãnh đạo và quản lý theo kiểu “cầm tay, chỉ việc”, khó có thể nghĩ thay dân, nhưng không thể làm thay dân, mà cần tạo ra không gian rộng mở qua thể chế dân chủ để người dân thực sự làm chủ, “dân là gốc” của sự phát triển. Nhưng xã hội càng phát triển thì dân chủ phải đi liền với Nhà nước pháp quyền, trong đó người lãnh đạo xứng đáng là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (lời Hồ Chủ tịch). Dân chủ chỉ có thể thực hiện tốt khi Nhà nước mạnh mẽ, luật lệ nghiêm minh, bộ máy Nhà nước tinh gọn, với đội ngũ công chức liêm chính và tinh thông chuyên môn nghiệp vụ.

Thủ tướng nhấn mạnh: Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây là mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ cương. Người viết “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải.

Liên quan tới mối quan hệ Nhà nước pháp quyền và nền dân chủ, Thông điệp viết rất rõ: “Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch”.

Công khai và minh bạch là một trong những điều kiện để phát huy dân chủ, kiềm chế nạn tham nhũng. Có công khai thì người dân mới có điều kiện biết và tham gia trong mọi khâu (từ xây dựng luật lệ đến hoạt động trên thực tế). Gần đây các cơ quan cũng công khai nhiều thông tin, đưa trên mạng. Nhưng thông tin còn thiếu minh bạch, làm cho người dân càng khó hiểu hơn. Niềm tin giảm sút gần đây cũng một phần về sự thiếu công khai lẫn sự minh bạch, khi các doanh nghiệp lớn đang độc quyền kinh doanh, nhưng thông tin còn “mờ”, trong khi các doanh nghiệp có hành vi xấu, nhưng người dân đã bị “che mắt” như giá sữa, giá thuốc hay hành động chuyển giá,… do doanh nghiệp đã cấu kết với một số cán bộ công chức thoái hóa. Và cũng có một phần vì hệ thống pháp luật và năng lực quản lý của đội ngũ công chức còn chưa tiến kịp đòi hỏi của cuộc sống. Thông điệp đã nêu rất rõ nhu cầu mở rộng các cải cách để hạn chế độc quyền doanh nghiệp, tạo bình đẳng trong kinh doanh.

Bình đẳng trong kinh doanh

Hai là, thực hiện thực hiện thể chế kinh tế thị trường. Thông điệp đã nêu nhiều điểm, nhưng đã nhấn mạnh bình đẳng trong kinh doanh của mọi thành phần kinh tế, thực hiện cơ chế giá thị trường. Đây là những vấn đề đang gây bức xúc hằng ngày với mọi nhà, mọi doanh nghiệp.

Về giá cả, Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá và kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa”.

Đây là cách xử lý vấn đề đúng đắn, bởi đã là kinh tế thị trường thì phải thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, tôn trọng quan hệ cung cầu. Nếu một doanh nghiệp độc quyền làm ăn kém, gây thất thoát lãng phí thì có công khai giá thành cũng không thể là căn cứ chính để định giá cả. Phải tạo điều kiện để có cạnh tranh lành mạnh. Giá cước viễn thông, giá điện thoại giảm mạnh mấy năm qua là bài học về cạnh tranh sẽ tạo ra sức mạnh vô hình để giảm giá mà không giảm chất lượng. Nhưng giá sữa, giá thuốc chữa bệnh tăng vô tội vạ là tình trạng bị lũng đoạn, cần chuyển nhanh theo cơ chế thị trường lành mạnh.

Đồng thời, trong cơ chế thị trường, phải chấp nhận khoảng cách hợp lý của chênh lệch giàu nghèo. Do đó trong những trường hợp cụ thể, cần có hỗ trợ thích hợp với người “yếu thế” (trong đó có người nghèo và cận nghèo, tức là trong phạm vi người nghèo theo tiêu chuẩn quốc tế) với hình thức thích hợp trình độ phát triển đất nước, không tạo ra một kiểu “bao cấp” mới, khi có số người quá đông được hưởng lương và trợ cấp các loại.

Trong điều kiện bội chi ngân sách lớn, Quốc hội và Chính phủ cần tính toán thận trọng, giải quyết tốt mối quan hệ này. Mọi công dân cần được tạo điều kiện để tham gia sản xuất, kinh doanh (dù là người thợ, nhà quản trị hay chủ doanh nghiệp), giảm nhanh người thất nghiệp và thiếu việc làm trong điều kiện đô thị hóa diễn ra nhanh chóng (cả khách quan, và “đề bạt” lên đô thị tràn lan, làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của phần lớn cư dân như đang diễn ra). Vấn đề cải cách tiền lương, điều chỉnh lãi suất và tỷ giá… cũng cần được tập trung xử lý đồng bộ.

Về bình đẳng doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực”. Đó là dân chủ trong kinh doanh, không thể có chuyện coi trọng doanh nghiệp này hơn doanh nghiệp khác trong một xã hội dân chủ. Từ đó, Thủ tướng nêu quan điểm kiên trì thực hiện cải cách DNNN đang được thực hiện khá chậm chạp, trong cơ chế phân cấp hiện nay.

Kiên quyết cải cách DNNN

Trong hoàn cảnh hiện nay, cần thực hiện ý kiến của Thủ tướng là: “Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp Nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh”.

Về lâu dài, như mọi nước, ngay cả các mặt hàng sử dụng cho an ninh quốc phòng cũng có thể phân giao cho các doanh nghiệp, nhưng phải quản lý chặt chẽ khâu tiêu thụ sản phẩm, cũng như các doanh nghiệp an ninh, quốc phòng lúc này cũng có thể làm một số sản phẩm đa dạng, cho mục đích quốc phòng, an ninh và cả cho dân sinh, trước mắt là để giúp cho các tình huống phòng chống thiên tai và dân sinh vùng khó khăn.

Khi nêu quyết tâm cải cách DNNN như khâu đột phá của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng đã nói rõ một số hành động khá cụ thể của năm 2014 và tiếp theo khi các DNNN nắm giữ một khối lượng vốn cực lớn của đất nước… Có nhiều lĩnh vực không quan trọng trong nền kinh tế, không cần nắm giữ (như dệt may, cao su, hóa chất, xây dựng,…) nhưng cổ phần hóa diễn ra còn chậm. Hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN trong kinh tế Nhà nước kém, tuy tỷ trọng lớn…

Thủ tướng viết rõ trong Thông điệp đầu năm nhiệm vụ về cải cách DNNN: “Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt”.

Trong các cuộc Hội thảo mới đây tại Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, ý kiến nhất trí cho rằng, cần coi việc cải cách DNNN như khâu đột phá trong toàn bộ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng thị trường, hiệu quả và cạnh tranh mạnh hơn.

Tái cơ cấu nông nghiệp

Ba là, tiếp tục tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới: Đây là một định hướng rất quan trọng của tái cơ cấu kinh tế, nơi có gần 50% lao động làm nông nghiệp và 70% dân số đang sống ở nông thôn.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, xuất khẩu nông sản tăng chậm, giá trị gia tăng thấp. Thậm chí toàn bộ giá trị hàng nông nghiệp xuất khẩu, dù đã đạt 7 triệu tấn gạo và hàng triệu tấn thủy sản, nhưng cũng chỉ tương đương giá trị xuất khẩu của một hãng điện tử Samsung, mới đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam mấy năm nay. Đó là điều không thể chấp nhận được khi các lợi thế về nền nông nghiệp nhiệt đới là một lợi thế “trời cho”, được cha ông nghìn đời vun đắp, gây dựng.

Ngày nay, dưới tác động của tiến bộ khoa học công nghệ, nền nông nghiệp nhiệt đới càng có khả năng phát huy rất mạnh năng suất, hiệu quả và phát triển bền vững, phát huy lợi thế cạnh tranh mạnh của nền nông nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế. Và đó cũng là điều kiện để nông nghiệp và toàn nền kinh tế Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Đó cũng là điều kiện để phát triển nông thôn mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Liên kết trong nông nghiệp, trong nông thôn và trong kinh tế Việt Nam với nền kinh tế khu vực và toàn cầu đang là thời cơ lớn của đất nước. Thủ tướng đã khẳng định: “Vì vậy, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế”. Trong quá trình này, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thậm chí công nghệ hiện đại nhất được con người Việt Nam làm chủ để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn mới.

Hiện nay, một số doanh nghiệp và địa phương đã có những hình mẫu ban đầu như cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp sữa TH sử dụng công nghệ cao… nhưng vị thế của người nông dân và doanh nghiệp nội địa còn yếu, trong khi các Hiệp hội ngành hàng còn đứng ngoài, hay “đứng xa” nông dân. Nền khoa học công nghệ Việt Nam với Luật Khoa học công nghệ mới cần được xung dụng mạnh và đi sâu vào các khâu liên kết và mở rộng để có nền nông nghiệp nhiệt đới hiện đại.

Đó cũng là cách chủ động để Việt Nam có thể ứng phó thành công với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng, cũng như các tác động bên ngoài từ thượng nguồn các dòng sông và cả tác động thiếu quản lý của của không ít ngành và địa phương, làm cho các khó khăn khách quan thêm nghiêm trọng.

Do vậy, Luật Đất đai mới được thông qua cùng với Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường… cần sớm được cụ thể hóa nhanh thành các văn bản pháp quy rõ ràng và đội ngũ công chức am tường và mẫn cán để quản lý việc thi hành, làm cho người dân có thể trực tiếp thụ hưởng thành quả do khai thác và sử dụng đất, nước và tài nguyên một cách thông minh và có kiểm soát, trong khuôn khổ pháp luật, chống lại các thế lực xấu, muốn chiếm đoạt tài sản quốc gia cho mục đích tư lợi.

Bước vào năm 2014, năm áp chót của kế hoạch 5 năm 2011-2015, chúng ta hy vọng có thêm thế và lực mới để vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước tiến lên.

Theo GS. Nguyễn Quang Thái/ Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây