Trang chủ Luận bàn - Phản biện Việt Nam Thực Tâm Muốn Cải Cách

Việt Nam Thực Tâm Muốn Cải Cách

262
0

Việt Nam Thực Tâm Muốn Cải Cách

Ông Nguyễn Xuân Thành

Khi đọc bài phỏng vấn của phóng viên Vietnamnet với ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhà nghiên của Viện Rajawali về châu Á thuộc trường Harvard Kennedy. Ông Thành đã đánh giá thế này: “Không ai có thể bắt một đất nước có chủ quyền mạnh như Việt Nam phải cải cách được. Vấn đề cuối cùng là thực tâm có muốn cải cách hay không thôi”.

Nhận định, đánh giá đó là đúng nhưng chưa thấu đáo. Cải cách đổi mới để thịnh vượng hơn là việc làm đương nhiên của mọi chính thể trên thế giới. Vì rằng, bất cứ kẻ trị vì nào, bằng hình thức dân củ hay độc tài đều biết sự bền vững của chế độ phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng là kinh tế. Vấn đề là cải cách bằng cách nào mà thôi.

Bằng cách nào thì phải xuất phát từ đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa và cả điều kiện tự nhiên của đất nước ấy chứ không thể dùng một công thức chung cho thế giới được. Việc lấy chuẩn của Tây Âu để áp cho Việt Nam là duy tâm chủ quan.

Tôi rất tán đồng với việc phân tích đánh giá thực trạng kinh tế Việt Nam, cũng như sự so sánh với một số cách làm của vài nước có điều kiện tương tự Việt Nam của ông Thành. Song, cũng có một số vấn đề cần trao đổi thêm cho tường tận.

Trước tiên, có thể dể dàng nhận thấy rằng Việt Nam rất muốn đổi mới và đang tìm cách đổi mới để phát triển. Điều đó đã được thể hiện đậm nét trong các nghị quyết của ĐCSVN về kinh tế – xã hội, về các chính sách thúc đẩy phát triển trong nước cũng như mở rộng quan hệ, hội nhập quốc tế để vượt lên. Không có gì để nghi ngờ điều đó. Vì vậy, đặt vấn đề “thực tâm có muốn cải cách hay không” là không cần thiết.

Thứ hai, khi so sánh với một số nước có điều kiện tương tự trong lựa chọn chính sách phát triển như Trung Quốc, Thái Lan ông cho rằng và lấy ví dụ giải quyết nợ xấu ngân hàng của nước Mĩ làm luận chứng, ông nói “Bản chất của vấn đề này là lợi ích và chi phí từ chính những người làm chính sách. Đó là cán cân để họ lựa chọn. Nếu lợi ích của việc thay đổi chính sách thấp hơn chi phí thì người làm chính sách sẽ nghiêng về lợi ích. Trung Quốc đã cải cách mạnh mẽ bởi họ thấy rõ tầm quan trọng mà cải cách sẽ mang lại. Việt Nam thì nhìn nhận khác, thấy rõ lợi ích của cải cách nhưng chi phí quá lớn nên e dè!”. Điều này chỉ đúng một nửa, dự trữ quốc gia của Trung Quốc, của Mỹ là khổng lồ. Dự trữ quốc gia của Việt Nam là quá nhỏ bé. Lực bất tòng tâm, nên phải chọn cách đi chậm rãi hơn, song an toàn.

Biết rằng nợ xấu của các ngân hàng chủ yếu nằm trong bất động sản. Nhà có bán được thì tiền mới quay về với ngân hàng, mới tiếp tục cho vay để phát triển. Nhưng tiềm lực có hạn, chỉ với một gói 30.000 tỉ cho nhà ở xã hội đã phải cân nhắc trước quốc hội, phải tránh chuyện dư luận “chi ngân sách cứu nhà giàu” thì quả khó khăn. Nước Mỹ có thể bỏ tiền cứu ngân hàng tư nhân nhưng Việt Nam có muốn cũng không làm được.

Thứ ba, là câu chuyện cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nhận xét của ông về cung cách quản lý DNNN là đúng “Ai cũng biết DNNN hoạt động không hiệu quả. Ở đây có sự mâu thuẫn rất lớn: trong thời kỳ kế hoạch tập trung thì quản lý rất chặt chẽ. Ông giám đốc không có quyền gì cả, chỉ biết nhận vật tư và sản xuất theo số lượng được giao. Sản phẩm làm ra có người đến lấy. Chuyển qua cơ chế thị trường, trao cho ông giám đốc quyền tự chủ thì lẽ ra phải được tự chủ đầu tư, kinh doanh chứ. Nhưng đến khi kinh doanh sai, đầu tư ra ngoài không hiệu quả, rồi để tham những dẫn đến đổ bể thì bảo là “buông lỏng quản lý”?”. Điều này nhà nước Việt Nam nhìn thấy, chính nó đã khiến nhà nước Việt Nam phải thu hẹp số lượng, quy mô, lĩnh vực hoạt động của DNNN theo cách nói “tái cấu trúc”.

Tuy nhiên, việc xác định DNNN đóng vai trò chủ đạo, là công cụ chính sách thì chưa thể thay đổi được. Điều này không phải nhà nước Việt Nam không ý thức được vai trò của cơ chế thị trường mà nó có nguyên nhân sâu xa từ chính sách xã hội. Việt Nam là đất nước còn chịu gánh nặng chiến tranh. Hàng chục triệu người cần được trợ giúp. Chính họ chứ không phải ai khác chịu tổn thương khi thả nổi nền kinh tế hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Và đặc điểm này còn đeo đuổi Việt Nam hàng chục năm nữa. Nhà nước không thể bỏ mặc họ. Và để không bỏ mặc thì phải có tiền. Tiền ở đâu ra khi mà chỉ thu một phần thuế ít ỏi từ các thành phần kinh tế tư nhân nhỏ bé. Doanh nghiệp nhà nước đảm bảo phần đó bằng việc đóng 50% lợi tức thu được thay vì 10% thuế. Tôi đoán vậy. Bài toán còn lại là cách quản lý sao cho hiệu quả, vì vậy không được “buông lỏng quản lý” là đúng.

Thứ tư, câu chuyện đầu tư công thì ông đã đúng “Ai cũng biết hai tỉnh nằm cạnh nhau thì không việc gì phải cần hai cái sân bay hoặc hai cảng biển. Đây là lợi ích. Nếu phối hợp lại chúng ta sẽ loại bỏ được nhiều dự án lãng phí, như thế sẽ mang lại lợi ích lớn cho quốc gia vì tiết kiệm được nhiều tiền. Nhưng chi phí mất đi là không có tiền cho các đơn vị thực hiện dự án! Vậy là người ta cứ thế làm”. Cái này là miếng đất màu mỡ cho tiêu cực thông qua cơ chế “xin – cho”. Chỉ có công khai minh bạch mới hạn chế được tiêu cực.

Những yếu tố trên đã khiến ông nhìn thấy “nền kinh tế Việt Nam vẫn có tính năng động đặc biệt, không những không đổ vỡ mà còn tiếp tục tăng trưởng dù là chậm!”. Chứ không phải “áp lực cải cách chưa đủ mạnh”.

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây