Trang chủ Luận bàn - Phản biện Nhân Chuyện Con Trâu Húc Con Sư Tử

Nhân Chuyện Con Trâu Húc Con Sư Tử

207
0

Một bạn đọc đang là nghiên cứu sinh tận Hàn Quốc có gửi cho tôi bài viết sau đây, xin chia sẻ với mọi người. Riêng tôi, tôi đồng tình với bạn rằng, người Việt Nam tuy nhỏ mà không nhỏ, họ chỉ thiếu một chút đoàn kết và sự tự tin.

Nhân Chuyện Con Trâu Húc Con Sư Tử

Làm việc mỏi mắt, tôi bấm chuột lướt VNexpress, thấy mục khoa học có cảnh con trâu cứu bạn húc con sư tử bay cao phải gần đôi mét. Thoạt đầu tôi cười thích thú, có lẽ vì cái cảm giác “đáng đời con cáo già gian ác”, bắt nạt người ta lâu năm giờ bị đánh trả lại. Con sư tử chắc bỏ đi ê chề lắm. Nhưng ngay sau khi con sư tử bỏ đi tôi lại chợt nghĩ: vì sao 1 con trâu to lớn như vậy lại để mấy con sư tử bé bằng nửa mình ăn thịt? Trong khi chỉ cần nó… ngồi lên con sư tử thôi thì con sư tử đã đủ tắc thở mà chết rồi. Một con trâu rừng hoang dã có thể nặng 800kg (con cái) hoặc 1,2 tấn (con đực), đó là chưa kể cặp sừng rất dài và khoẻ. Vậy sao từ xưa đến giờ loài trâu vẫn là món khoái khẩu của loài sư tử nhỏ bé hơn chúng rất nhiều? Bạn có thể giải thích là vì loài trâu vốn chỉ ăn cỏ, rất hiền lành, còn loài sư tử là loài ăn thịt hung hãn nhất trong tự nhiên, lại được trang bị móng vuốt và răng nanh sắc nhọn. Còn tôi thì nghĩ khác.

Tôi là ai?

Loài trâu được tạo hoá ban tặng cho 1 thân hình đồ sộ, 1 cặp sừng rất mạnh mẽ và 1 sức khoẻ phi thường (các cụ vẫn nói khoẻ như trâu mà). Nhưng cả cuộc đời nó phải chạy trốn những kẻ ăn thịt bé nhỏ hơn mình rất nhiều. Đó là bởi vì chúng không biết mình đang có những gì.

Cách đây không lâu, tôi có cơ hội cùng 1 số bạn bè được mời tới tham dự một bữa tiệc trên một chiếc du thuyền ngoài bờ biển. Đối với cuộc sống du học xa nhà như chúng tôi đó là 1 cơ hội ít có. Khách được mời tới tham dự chỉ mình chúng tôi là người châu Á, đa phần đến từ Mỹ, Anh, Canada… và những nước nói tiếng Anh khác, còn lại là đơn vị tổ chức người Hàn. Không nói mà làm, chúng tôi đều ngồi túm tụm lại 1 góc. Thật xấu hổ nhưng tôi phải thú nhận mình hơi tự ti khi tiếp xúc với họ, mặc dù họ chỉ là giáo viên tiếng Anh kiểu Tây ba lô trong khi chúng tôi toàn cao học và nghiên cứu sinh. Đơn vị tổ chức có 1 sân khấu nhỏ nhỏ cho ai thích lên hát thì hát. Trong khi hầu hết các vị khách “Tây” đều lên hát và nhảy rất tự nhiên thì chúng tôi chả ai dám lên cả. Họ hát những bản nhạc tiếng Anh nổi tiếng từ những thập niên 80 90 cho đến những bài hát hiện đại. Sau 1 lúc dồn nén, tích góp can đảm, tôi leo lên sân khấu và ôm đàn hát. Tôi hát tiếng Việt, 1 bài hát đậm âm hưởng Tây Nguyên nhưng đầy chất Flamenco máu lửa. Mọi người hò reo thích thú. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng: sao tôi không dám thể hiện mình? Tôi có thể phát âm tiếng Anh không bằng họ nhưng tôi có tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ. Họ có thể hát tiếng Anh sao tôi không dám hát tiếng Việt? Và thậm chí tôi có thể chơi đàn trong khi họ không. Nếu xét về mặt học thức thì chúng tôi chả kém ai trong số họ, thậm chí là hơn. Vậy vì sao chúng tôi cứ phải co cụm lại, e ngại khi ngồi cạnh họ, không dám thể hiện mình? Bởi vì từ sâu trong tiềm thức tôi đã tự thấy mình thấp bé hơn họ giống như con trâu luôn sợ nanh vuốt con hổ, khi bị vồ chỉ cố tìm cách chạy chứ không một lần thử quay lại húc một nhát. Tôi bị cái chính cái suy nghĩ của mình đè bẹp mình. Mỗi người sinh ra đều có điểm mạnh điểm yếu. Đừng mãi nhìn vào cái điểm yếu chỉ biết ăn cỏ của mình mà quên đi mình có đôi sừng cứng cáp. Ngay cả khi bạn thua kém tất cả mọi mặt so với bạn bè thì hãy suy nghĩ 1 cách hài hước rằng: bạn từng là con… tinh trùng khoẻ nhất, bơi nhanh nhất, và đã chiến thắng trong 1 cuộc ganh đua với 400 triệu con khác. Một con số cũng không hề bé tí nào. Nếu bạn có một mơ ước, hãy đừng bao giờ ngừng thử thực hiện nó.

Câu chuyện bó đũa

Mỗi khi xem phim thế giới động vật, hẳn các bạn đều thấy cảnh những con đực đánh nhau kịch liệt để dành quyền giao phối với con cái. Những cuộc chiến này đều rất nảy lửa, nhẹ thì xây xát, nặng thì thương tích đầy mình, còn đen hơn thì “xuân này con không về”. Sức mạnh của loài trâu hay bò thì ai ai cũng có thể chứng kiến qua các hội chọi trâu ở Việt Nam hay đấu bò tót ở Tây Ban Nha. Vậy nhưng sức mạnh tạo hoá ban tặng đó lại chỉ dùng khi đánh lẫn nhau. Xem cái clip đó tôi đảm bảo với các bạn, chỉ cần 2 con trâu đó cũng dư sức “chiến” 3 con sư tử chứ đừng nói 1. Qua bao nhiêu thế hệ, các cụ đã đúc rút kinh nghiệm về sự đoàn kết và truyền lại cho thế hệ sau qua những câu chuyện dân gian như câu chuyện bó đũa chẳng hạn. Tôi thật buồn nhưng phải thấy rằng người Việt Nam ngày nay đi đâu học cũng giỏi, làm việc cũng tốt, luôn là những cá nhân được đánh giá cao, nhưng chưa bao giờ ngồi với nhau lại tạo nên một tập thể mạnh cả. Ông bác tôi có ví một cách hóm hỉnh: chúng ta như những con cá rô vậy, khi trời mưa xuống, cơ hội thuận lợi là ào ào lao lên bờ, con nào chỉ biết con đấy. Nếu chúng ta đoàn kết, hoặc ít nhất nghĩ đến người khác một chút thì chắc đã không có hôi bia, không có cô giáo mầm non hành hạ trẻ, không có tranh giành thức ăn buffet… Tôi không đánh đồng tất cả, vì đâu đó vẫn còn những người tốt quyên góp tiền giúp anh Hậu, nhưng nó xảy ra nhiều quá làm tôi không thể không nghĩ. Giá như chúng ta đều như con trâu kia, sẵn sàng quay lại cứu bạn thì tốt biết bao.

QK

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây