Trang chủ Luận bàn - Phản biện Luật Biểu Tình, Thực Tiễn Và Sự Lựa Chọn

Luật Biểu Tình, Thực Tiễn Và Sự Lựa Chọn

273
0

Nhân chuyện ông Phan Trung Lý, trong buổi tiếp xúc cử tri có nói đến việc sắp tới sẽ có luật biểu tình được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc Hội. Mõ xin đăng lại bài của mình đã viết hồi tháng 5 năm nay để cùng trao đổi.

Luật Biểu Tình, Thực Tiễn Và Sự Lựa Chọn

Trong buổi thảo luận ở tổ chiều ngày 24/5 của đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh, ông Trương Trọng Nghĩa đã nói: “Tôi đề nghị đưa Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2014. Vấn đề biểu tình đã được đề cập từ Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp 1992 cũng đã nêu nhưng đến nay hai mươi mấy năm vẫn không ban hành được Luật Biểu tình. Hơn nữa, chính Thủ tướng cũng đã đề nghị ban hành luật này từ kỳ họp trước”. “Qua trao đổi với một số anh em công an, nhiều anh em họ cũng mong có Luật Biểu tình để dễ quản lý và đáp ứng mong mỏi của người dân. Với công cụ hiện nay quản lý không phù hợp, quy định đã lỗi thời, dễ đánh đồng giữa việc người dân biểu tình chính đáng với việc tụ tập đông người đòi hỏi quyền lợi cho mình, gây rối an ninh trật tự. Chúng ta đã nợ Luật Biểu tình quá lâu rồi, cần phải ban hành càng sớm càng tốt” – ông Nghĩa nhấn mạnh và cho biết ông sẽ hỏi lại thủ tục để xung phong vận động anh em trong ngành luật xây dựng dự thảo.

Đúng như Đại biểu Trương Hữu Nghĩa nói “Vấn đề biểu tình đã được đề cập từ Hiến pháp năm 1946”. Thực ra, ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh 31 ngày 13/9/1945, trong đó quy định “Điều thứ 1: Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này”. Sắc lệnh này ra đời chỉ sau ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chỉ có 11 ngày, trong bối cảnh tình hình lúc đó còn rất rối ren. Khẳng định lại điều đó, Hiến pháp năm 1992 lại ghi nhận “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, từ bấy đến nay chưa có Luật biểu tình để định rõ từ khái niệm, phạm vi điều chỉnh và chế tài về nó nên khi xử lí vấn đề là khá lung túng. Cụm từ “biểu tình theo quy định của pháp luật” trở nên khá khó hiểu. Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng được coi là căn cứ pháp luật làm chỗ dựa khi xử lí vấn đề biểu tình. Tuy nhiên, trong Nghị định 38 không có định nghĩa từ ngữ về “biểu tình” và “tụ tập đông người”. Nghị định 38 chỉ quy định về việc xử lí hành vi tụ tập đông người chứ không quy định cụ thể về biểu tình. Tất nhiên biểu tình thì phải tụ tập đông người, nhưng các hình thức, mục đích tụ tập đông người rất đa dạng như: bãi công đòi quyền lợi, đua xe, cho tới thi thể thao, biểu diễn nghệ thuật, thậm chí đi dã ngoại tập thể, dự tiệc cưới… cũng có thể coi là tụ tập đông người. Khái niệm biểu tình được từ điển định nghĩa là “Hình thức đấu tranh của quần chúng tụ họp lại ở một nơi hoặc đi diễu ngoài đường để biểu dương lực lượng hay để bày tỏ một ý muốn gì” đó. Biểu tình thường gắn với vấn đề chính trị.

Nhìn vào thực tế những năm qua, vấn đề biểu tình đang đặt ra nhiều câu hỏi về cách ứng xử.

Trước hết là câu hỏi, liệu có thỏa đáng không khi mà Hiến Pháp có ghi công dân có quyền biểu tình nhưng trên thực tế chuyện biểu tình không do các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đứng ra tổ chức là một vấn đề gần như là cấm kị do chưa có luật điều chỉnh.

Thứ hai, liệu Nghị định 38/2005/NĐ-CP về tụ tập đông người có điều chỉnh hoạt động biểu tình không? Khi mà trong Nghị định không nêu rõ khái niệm nội hàm của vấn đề biểu tình và tụ tập đông người. Trong lúc ai cũng có thể hiểu một cuộc biểu tình tỏ rõ quyết tâm bảo vệ biển đảo khác với một cuộc tụ tập đông người khiếu kiện, đòi quyền lợi.Hoặc tụ tập đông người để hoạt động văn hóa, thể thao…

Thứ ba, nếu Nghị định 38/2005/NĐ-CP có điều chỉnh đối với hoạt động biểu tình thì cách ứng xử với nó như thế nào đối với những vấn đề như: Cấp phép cho những cuộc biểu tình không do các tổ chức chính trị xã hội đứng ra tổ chức. Ví dụ như, cấp phép cho một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa. Xử lí những vi phạm khi người tham gia biểu tình vượt quá quyền hạn, vi phạm pháp luật. Ví như, làm ách tắc giao thông; đập phá những thứ không phải sở hữu của mình; gây gổ, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự…

Đấy không chỉ là những câu hỏi khó cho nhà làm luật mà còn khó cả cho lực lượng có trách nhiệm giữ gìn ANTT trong ứng xử. Nếu xin phép mà không cho thì mang tiếng là độc đoán, không tôn trọng Hiến pháp. Khi tụ tập đã diễn ra, nếu ngăn cấm, giải tán mà người biểu tình không chấp nhận là dễ xảy ra xô xát. Còn nếu để hoạt động biểu tình tự phát nổ ra thì rất dễ dẫn đến những bất trắc không thể lường trước. Ví như, người biểu tình tụ tập ở những nơi mà chính quyền không mong muốn. Người biểu tình lợi dụng để lái cuộc biểu tình sang mục tiêu khác không phải là thể hiện lòng yêu nước, không thuộc chủ đề họ nêu ra từ đầu. Chí ít thì cũng gây ra ách tắc giao thông khi người biểu tình không tôn trọng luật lệ. Chưa nói đến vấn đề xử lí sai phạm khi mà biểu tình tự phát không có người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm nên không biết xử lí ai. Chế tài mà Nghị định 38 cho phép cao nhất cũng chỉ là cưỡng chế người biểu tình về nơi sinh sống. Những vi phạm pháp luật khác có thể bắt, xử lí theo dấu hiệu phạm tội quả tang nhưng luôn bị áp lực bởi nó diễn ra lúc đông người biểu tình, gắn với sự kiện biểu tình, nên rất dễ bị xuyên tạc, bóp méo.

Trái với những vấn đề nói trên, thực tiễn cũng cho thấy, những người tham gia các cuộc xuống đường vài năm vừa qua thiếu hiểu biết nghiêm trọng về quyền và nghĩa vụ công dân khi đi biểu tình. Chẳng hạn, họ không thấy rằng để một cuộc biểu tình nổ ra thì trước đó họ phải xin phép, nói rõ địa điểm, nội dung, cách thức tổ chức biểu tình…theo quy định của Nghị định 38. Và để có thể xin phép và chịu trách nhiệm thì họ phải có chủ thể trực tiếp là cá nhân hoặc tổ chức đại diện. Những cuộc xuống đường vừa qua đều là tự phát thông qua một thông báo nào đó không rõ chủ thể ở trên mạng. Phần lớn những người tham gia biểu tình không nắm được họ bị pháp luật cấm làm những cái gì. Chẳng hạn, Nghị định 38 nói rõ:

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân để thực hiện hoặc lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người nhằm gây rối trật tự công cộng hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

2. Tập trung đông người trái với quy định của pháp luật ở lòng đường, vỉa hè, trước trụ sở cơ quan, tổ chức, tại khu vực đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc các hoạt động chính trị quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội hoặc nơi công cộng khác.

3. Tiến hành các hoạt động quy định tại Điều 7 (xin phép trước) Nghị định này mà không được phép của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

4. Gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, của cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội hoặc cản trở, chống người thi hành công vụ.

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dung túng, bao che hoặc xử lý không nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng.

6. Các hành vi khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng, cuộc sống bình thường của nhân dân hoặc trái với thuần phong mĩ tục, nếp sống văn minh nơi công cộng.

Đa phần các cuộc tụ tập có tính biểu tình gần đây, khi được khống chế không gian diễn ra, tuyến di chuyển thì không có hiện tượng xung đột căng thẳng giữa người biểu tình với lực lượng giữ gìn trật tự. Và khi đạt được mục đích nhất định, đám đông cũng tự giải tán. Tuy nhiên, do không có tổ chức nên một số người đã có lời nói, in những băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi phản cảm, cố tình gây gổ với lực lượng công an, nhưng không thể xử lí được do Nghị định 38 không có chế tài xử lí đối với những vi phạm như vậy. Nhiều ý kiến từ phía lực lượng giữ gìn trật tự cho rằng, nếu có một không gian cố định (chẳng hạn một công viên nào đó) cho các hoạt động biểu tình, tụ tập đông người diễn ra thì việc kiểm soát dễ dàng hơn, không tạo ra căng thẳng không cần thiết. Nếu có chế tài được quy định trong luật đối với những hành vi quá khích, vi phạm pháp luật của người biểu tình thì mọi việc dễ dàng hơn.

Tất cả những vấn đề đó đang đòi hỏi những người có trách nhiệm nên sớm xem xét, lựa chọn để có cách điều chỉnh sao cho quyền công dân được đảm bảo mà trật tự công cộng cũng được bảo vệ.

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây