Chuyện những đảng viên lũ lượt cùng nhau tuyên bố xin ra khỏi Đảng không chỉ là nỗi đau của Đảng, nỗi đau về sự chia ly mà đó còn là một hiện trạng đáng báo động về những đảng viên không dám sống hết mình tận trung với Đảng. Và kỳ thực chỉ mới nghe thoáng qua thôi, chắc chắn có người sẽ cho đó là một vấn đề rất lớn và không chừng còn động đến vấn đề đường lối, chủ trương của Đảng hiện nay; có người còn không ngần ngại khi đặt ra những câu hỏi kiểu: Vì sao những đảng viên như ông Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng và Nguyễn Đắc Diên lại xin ra khỏi Đảng…nhưng nghĩ lại thì đó là những câu chuyện hết sức bình thường.
Chính đảng nào cũng là tổ chức tập hợp những người có cùng chính kiến, lí tưởng và cách thức thực hiện những lí tưởng đó. Những con người mà tôi vừa gọi tên, điểm danh nói trên cũng một thời là những nhân tố tích cực, những quần chúng ưu tú được Đảng rèn luyện và kết nạp vào với mong muốn họ sẽ cống hiến cho Đảng, xây dựng Đảng theo những đường hướng, lí tưởng được cả xã hội công nhận. Và tất nhiên đều được diễn ra với tinh thần tự nguyện, Đảng chỉ phát hiện, giới thiệu và bồi dưỡng họ ngày càng tích cực và thực sự có những phẩm chất, tài năng mà Đảng, nhân dân cần. Họ kết nạp, cống hiến và sống với Đảng đến hôm nay là sự lựa chọn của chính họ, Đảng khôn hề bắt ép cũng như có một động thái nào trái với tinh thần tự nguyện ấy. Và tất nhiên, họ tự nguyện kết nạp vào thì việc họ tự nguyện xin ra là câu chuyện hợp logic, không nên câu nệ hình thức để gọi đó là những vấn nạn mà Đảng cần cảnh giác và cần xem xét lại chính mình. Họ từng vào Đảng và có cống hiến cho Đảng trên từng phương diện công tác – đó là điều đáng quý ở những Đảng viên biết sống vì Đảng, biết hành động vì Đảng, Đảng cần có những con người như vậy….
Ông Lê Hiếu Đằng – Đảng viên đầu tiên tuyên bố từ bỏ Đảng
Những cá nhân khi đã đứng vào Đảng thì cơ hồ họ không chỉ là con người của một chính Đảng nữa, dựa vào tiêu chí, mục tiêu hành động của từng chính Đảng thì họ thực sự là người của một bộ phận quần chúng nhân dân. Cho nên, theo thời gian người Đảng viên sẽ có cho mình những cách hiểu, cách hành động không chỉ là thực hiện trọn vẹn tư cách của Người Đảng viên mà họ còn thực hiện bổn phận của mình trước nhân dân. Nghĩa là họ luôn biết lấy những điều nhân dân cần, nhân dân thiếu làm mục tiêu lẽ sống và hành động của mình, họ sẵn sàng bỏ qua, đạp đổ những giá trị lợi ích tầm thường, vụ lợi…Những cá nhân Đảng viên như ông Đằng, ông Dũng và ông Diên vừa qua luôn biết tự cho mình là những người sống hết mình vì Đảng, vì dân thì liệu họ đã làm những điều đó được bao nhiêu phần trăm. Nhân dân đâu chỉ kỳ vọng ở họ những sự đấu tranh để đưa những cái xấu, cái không hay được hiện nguyên ra ánh sáng, nhân dân còn cần họ biết hành động để khắc phục hoàn cảnh và vươn tới những giá trị tốt đẹp và bền vững hơn.
Chính vì vậy, với những lời tuyên bố, thông báo xin từ bỏ Đảng vừa qua họ mới chỉ lo cho chính mình mà chưa làm hết bổn phận mình trước nhân dân. Họ cứ đăng đàn rêu rao, này là Đảng có những cố tật mang tính bản chất, có những tiêu cực này, tiêu cực nọ nhưng họ đã làm gì trước những vấn nạn trên (nếu có). Hay đó cũng chỉ là những lời nói khoa môi, múa mép của những kẻ học thức đầy mình, những kẻ chỉ giỏi võ miệng?
Trong câu chuyện này, tôi không có ý trách, lên án những việc từ bỏ khỏi Đảng của những con người nêu trên vì phần nào phản ánh sự bất lực, sự bế tắc trong đường hướng hành động của họ trước những hiện thực mà trong một chừng mực nhất định họ nhận thức được. Đồng thời như tôi đã nhấn mạnh, việc kết nạp, xin ra đều đươc thực hiện với tinh thần tự nguyện bởi Đảng không bắt ép người vào, kẻ ra. Và sẽ là vẹn toàn nếu những sự ra đi diễn ra trong im lặng, trong âm thầm thì chắc chắn hình ảnh của hai bên đã được bảo toàn, không có những sứt mẻ đáng tiếc. Đằng này họ lại cho rằng, việc xin ra khỏi Đảng của mình là một việc làm động trời của những kẻ thức thời, biết tiên phong trong hành động. Họ kêu la là vì Đảng không phù hợp cho họ đứng trong cũng như nếu sự có mặt của họ trong hàng ngũ đó thì sẽ tổn hại danh tiếng hình ảnh của chính họ. Nói cách khác, họ đang cố gắng giữ gìn cốt cách trong sạch của họ trong mọi hoàn cảnh. Nhưng họ có biết đâu, từ lâu những kẻ như họ đã được những tổ chức Đảng xem là đối tượng đấu tranh, lên án. Họ sống trong Đảng nhưng chính họ lại trở thành những kẻ vô kỷ luật Đảng, hành động trái lại với lý tưởng của Đảng. Chắc hẳn nếu ngồi để kể ra những chuyện mà những cá nhân như ông Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng làm vừa qua, dù là trên lĩnh vực viết lách thôi chúng ta cũng khó mà tin nổi. Họ sẵn sàng chưởi rủa Đảng trong bất chấp lí lẽ, không cần hiểu thực tế diễn ra như thế nào, họ chỉ cần biết sau những lời chưởi “hay”, sâu cay thì cái mà họ nhận được là những lời tán dương của bên ngoài (điều này từ lâu lắm rồi họ không còn được nhận).
Có người hỏi rằng: Những sai lầm, tội lỗi của ông Đằng, ông Dũng tổ chức Đảng nơi họ sinh hoạt có biết không? Đã có hình thức để xử lý, đánh giá chưa? Xin thưa rằng, việc phê bình, đánh giá đã được tiến hành nhiều lần nhưng với tinh thần khoan hồng, tha thứ cho những lỗi lầm đã qua nên hình thức kỷ luật phần lớn được diễn ra với giáo dục lại tư tưởng chính trị (vì họ là những con người có học). Tổ chức Đảng nơi họ công tác cũng mong họ dần có những chuyển biến để quay trở lại cương vị công tác cũ và có những đóng góp như thuở còn mặn nồng với Đảng. Song sai lầm cứ nối sai lầm, họ dần đánh mất mình trước những nỗ lực của tổ chức Đảng. Với những sự dự báo trước, họ hiểu rằng, sớm muộn gì thì cũng bị tổ chức sờ gáy, việc khai trừ Đảng chỉ là chuyện sớm – muộn nên họ đã có quyết định nhanh tay hơn, đi trước một bước: Tuyên bố ra khỏi Đảng. Chính vì vậy, chúng ta cũng không nên đặt ra câu chuyện quá lớn về việc những Đảng viên vừa qua xin ra khỏi Đảng bởi nếu không chủ động thì trước sau gì họ cũng chịu những chế tài xử lý tương tự. Có chăng đó chỉ là liệu pháp cứu rỗi danh dự cuối cùng.
Mẹ Đốp
Nguồn: Mõ làng