Việc các văn bản luật ban hành song không có tính khả thi theo thực tế đã khiến người dân bao phen ngơ ngác, cơ quan quản lý thì sượng sung bào chữa, còn cánh báo chí thì tốn không biết bao nhiêu giấy mực để bình loạn. Nào là chuyện ngực lép không được đi xe máy, bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học…Mới đây, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình cũng là một văn bản gây dư luận nhiều chiều. Điều 51 Nghị định nêu phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên trong gia đình.Có nghĩa là từ nay việc chồng chửi vợ hoặc vợ chửi chồng, con cái chửi mắng cha mẹ hay ngược lại đều sẽ bị xử phạt đến 1 triệu đồng. Trên lý thuyết thì dường như điều luật này là một bước tiến về đảm bảo quyền con người trong mỗi tế bào của xã hội, theo đó những thành viên yếu hơn trong gia đình mà thông thường là phụ nữ, trẻ sẽ được bào vệ khỏi bị bạo hành tinh thần bằng hình thức mắng chửi lăng mạ, xúc phạm.
Song việc thực thi các văn bản này dường như là một điều không tưởng. Bởi trên thực tế việc một số gia đình mặc dù có tình trạng vi phạm, song do kín cổng cao tường nên việc phát hiện rất khó khăn, chưa kể đến nhiều người cho rằng việc một số gia đình diễn ra cảnh chồng đánh, chửi vợ thường xuyên, song phần lớn ở những gia đình này là do người chồng không công ăn việc làm lại tham gia vào những tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, số đề…Khi say rượu, thua cờ bạc, lô đề họ đều trút giận vào người vợ. Khi hết tiền họ cũng đánh, chửi vợ để ép vợ đưa tiền…Hành vi của những người đàn ông này thật đáng lên án và trừng phạt. Song phạt như thế nào để họ không dám tiếp tục vi phạm mới là câu chuyện khó. Bởi khi đã không có tiền, có ban hành quyết định xử phạt, họ cũng đâu có tiền để nộp. Tất nhiên để chấp hành việc nộp phạt, người phải bỏ tiền lại chính là nạn nhân của bạo hành gia đình: Người vợ. Như vậy họ vừa là nạn nhân của bạo lực gia đình lại vừa bị mất tiền để đóng tiền nộp phạt cho người gây ra hành vi vi phạm pháp luật.
Mặt khác nhiều gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thì việc che dấu cho những hành vi bạo hành tinh thần để tránh bị mất tiền là một thực tế.
Ban hành các quy định pháp luật, song làm thế nào để đi văn bản đó đi vào cuộc sống của người dân mới là điều đáng bàn. Thiết nghĩ những văn bản kiểu này, ban hành thì dễ song thực hiện sẽ chỉ là điều không tưởng.
Nguồn: Loa phường