Không Thể Cứ Sai Là Đổ Lỗi Cho Tập Thể

Không Thể Cứ Sai Là Đổ Lỗi Cho Tập Thể

“Oan có đầu, nợ có chủ”, lâu nay đó vẫn là cách hành xử để đảm bảo lẽ công bằng trong guồng quay không ngừng của xã hội. Song, chuyện thực hiện nguyên tắc này trên thực tế xem ra còn nhiều nhiêu khê và cả những điều chướng tai gai mắt.

Không Thể Cứ Sai Là Đổ Lỗi Cho Tập Thể

ông Nguyễn Thanh Chấn tại Tòa.

Ai cũng biết, những cơ quan Tư pháp chính là những bộ phận được Nhà nước, nhân dân giao quyền trong thực thi công bằng xã hội. Trên cơ sở những quyền được giao, những con người làm việc trong những cơ quan tư pháp sẽ phải không ngừng rèn dũa cho mình những kỹ năng, những quy trình làm việc sao cho những công việc vừa diễn ra trôi chảy, vừa đảm bảo không để lọt tội cũng như xảy ra oan sai. Cũng bởi lí do công việc của Ngành Tư pháp liên quan trực tiếp đến vận mệnh từng con người trong xã hội hôm nay và cũng xuất phát từ việc những oan sai đã xảy ra thì dù có những động thái bồi thường thì cũng không bồi hoàn lại hoàn toàn những gì mà những nạn nhân đã phải gánh chịu cho nên trong quy trình tư pháp tố tụng, không chỉ có mỗi một cơ quan tham gia mà nó phải trải qua 03 cơ quan với 03 quy trình cụ thể. Đầu tiên là Cơ quan Điều tra: Là cơ quan đóng vai trò nhận vụ án và điều tra ban đầu; kết thúc quá trình điều tra nếu chứng minh hành vi cũng như tội danh của bị can thì họ sẽ chuyển cho cơ quan tiếp theo là Viện Kiểm sát nhân dân. Viện Kiểm sát nhân dân sẽ thực hiện quyền công tố và xem xét những nhận định, cáo buộc từ cơ quan Điều tra có đúng không và tiến hành đối chiếu vào luật hiện hành. Tiếp đó, nếu hành vi đó thỏa mãn những tội danh cụ thể thì họ sẽ chuyển và đề nghị Tòa án nhân dân cùng cấp tiến hành xét xử công khai trước pháp luật. Bản án sẽ có hiệu lực sau khi Tòa tuyên án. Với những quy trình chặt chẽ, khoa học đó sẽ hạn chế tới mức thấp nhất những bản án oan sai, những nỗi đau phải chờ thời gian để gội rửa. Tuy nhiên, chính vì để đi đến bản án cuối cùng không chỉ có Tòa án nhân dân hay nói cách khác, cơ quan Tòa án không đơn phương thực hiện những quy trình tố tụng để đi đến cáo buộc một con người cụ thể mà còn có Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và như vậy nếu để xảy ra oan sai thì 03 cơ quan đều có những trách nhiệm nhất định. Mức độ và nguyên nhân oan sai sẽ căn cứ vào những tình tiết liên quan trong tội trạng của nạn nhân. Không một cơ quan nào trong 03 cơ quan nêu trên dám đổ lỗi cho một cơ quan duy nhất hoặc là Tòa án, hoặc là Viện Kiểm sát, hoặc là cơ quan Điều tra….Nói ra như vậy để thấy rằng, chủ thể chịu trách nhiệm không chỉ bó hẹp, hạn định ở cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng (Tòa án) nhưng cũng không phủ nhận vai trò của Tòa án trong mỗi bản án là quan trọng và cuối cùng nên cơ quan này thận trọng, chu toàn sẽ phát hiện và xử lý ngay những tình tiết oan sai….

Bản thân những cơ quan Tư pháp thực hiện những chức năng tố tụng theo quy định của Pháp luật chính là những công tác chuyên môn và họ được nhà nước dùng những khoản ngân sách Chính phủ để chi trả lương, các khoản phụ cấp. Nghãi là họ đã nhận được những quyền lợi, lợi ích nhất định cho hoạt động lao động và dĩ nhiên một điều mà nhà nước, nhân dân yêu cầu họ thực hiện đó chính là trách nhiệm, sự tận tụy với những chức trách được giao. Việc để xảy ra những trường hợp oan sai trong những vụ án có mức độ nghiêm trọng cao đã khẳng định một điều, quyền lợi và trách nhiệm công việc chưa tương xứng, những người hoạt động tố tụng tư pháp chưa hoàn thành những trách nhiệm được phân công.

Trong vụ án oan sai 10 năm tù của trường hợp Nguyễn Thanh Chấn vừa qua là một câu chuyện không mới nhưng nó lại khiến cho những công chúng quan tâm dõi theo vì người ta đang muốn biết ngành Tư pháp Việt Nam sẽ làm gì đối với trường hợp này, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? ngân sách bồi hoàn sai sót ấy sẽ lấy từ đâu? Nó sẽ là tiền lệ cho những cách ứng xử sau của những cơ quan nhà nước có chức trách liên quan. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức được rằng, đối với trường hợp ông Chấn thì hiện tại đã quy định về chế tài và cơ chế xử lý rõ ràng: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN), Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT trong đó có những danh mục cần bồi thường thiệt hại như:

1. Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất của ông Chấn theo quy định tại điều 46 Luật TNBTCNN:

2. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần (khoản 2, khoản 4 Điều 47 là Luật TNBTCNN): Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù.

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm được xác định căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại nhưng không quá ba mươi tháng lương tối thiểu”.

3. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm trong trường hợp tài sản của ông chấn bị xâm phạm (nếu có) thì theo quy định tại điều 45 Luật TNBTCNN và Thiệt hại về vật chất trong trường hợp ông Chấn bị tổn hại về sức khoẻ (nếu có) thì theo quy định tại điều 49 Luật TNBTCNN

Như vậy, những danh mục mà cơ quan Tư pháp buộc phải bồi thường cho nạn nhân Chấn đã rõ. Ông Chấn và gia đình sẽ nhận được những khoản bồi thường (hình thức quy ra tiền) để bù đắp phần nào những tổn hại mà ông và gia đình đã phải chịu đựng trong quá khứ. Điều còn lại chính là cơ chế chịu trách nhiệm và nguồn ngân sách phục vụ việc bồi thường đó được lấy từ nguồn ngân sách nào?

Trong một xã hội đang phấn đấu vì những điều tốt đẹp thì câu chuyện giữa quyền lợi và trách nhiệm chưa có tương xứng, hài hòa cũng là chuyện thường tình, dễ hiểu. Và chúng ta cũng không thể áp dụng với bản thân ngành Tư pháp vì khi nói ra thì ngay lập tức có một thành viên ngành Tư pháp nào đó biện minh về chuyện khối lượng công việc của họ quá nhiều trong khi chế độ đãi ngộ dành cho họ lại quá thấp. Cái mà chúng ta nói lên đây chính là cơ chế chịu trách nhiệm, cá nhân đứng ra chịu trách nhiệm, không thể duy trì, tồn tại mãi cái kiểu cứ làm sai là đã có một tập thể “khổng lồ”, đủ sức gánh vác mọi tai ương đảm nhiệm. Vô hình chung, kiểu hành xử ấy thì người chịu thiệt nhất là Nhà nước. Nhà nước không chỉ chịu thiệt thòi về những khoản tài chính kèm theo mà uy tín, danh dự và sức ảnh hưởng cũng vì vậy sẽ giảm sút. Thử hỏi nếu những trường hợp tương tự cứ tái diễn thì niềm tin ấy sẽ đi về đâu? Trong câu chuyện này, tôi không có ý cảnh báo nhưng tất cả những gì diễn ra tại Trung Đông, Bắc Phi với những cuộc cách mạng “Đường phố”, cách mạng Nhung, cách mạng hoa Tuy líp cũng xuất phát từ những tiền đề và hệ lụy trên đây.

Chúng ta thử hỏi rằng, đối với một con người, bên cạnh những giá trị nội tại về vật chất thì danh dự là một phạm trù không ai không muốn mình có được những dấu ấn nhất định. Đôi khi người ta phấn đấu cả đời cũng chỉ vì để lại tiếng thơm trong ký ức, tình cảm của những lớp người đương thời và những kẻ đi sau. Xã hội của chúng ta hôm nay đã ghét cay, ghét đắng những kẻ buôn gian, bán lận dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính. Những kẻ gây nên tội trạng dẫn đến việc truy tố, xét xử và chịu những án phạt từ Luật hình sự lại càng khó chấp nhận. Không ai trong chúng ta biết được những cơ cực, những tủi hờn không nói lên lời của Nguyễn Thanh Chấn khi bị Tòa án nọ tuyên phạt cách đây 10 năm. Vào tù, mọi chuyện đối với anh coi như khép lại bởi anh sẽ không làm gì được cho những sai lầm của mình trong bốn bức tường, anh sẽ không được tiếp xúc, gặp gỡ với những người bạn, người anh em thân thuộc thuở nào. Với anh như thế có vẻ không quen nhưng còn đỡ tủi phận vì không phải chịu những áp lực từ dư luận, miệng lưỡi thế gian, nhưng gia đình, vợ – con anh ấy lại là một câu chuyện khác. Họ phải mang trên mình gánh nặng, tiếng xấu vì có chồng, cha phạm tội đi tù, họ sẽ không có cho mình cơ hội ngẩng mặt lên với hàng xóm, thiên hạ, họ sẽ phải nén lòng tự chịu đựng khi trong những tình cảnh khó khăn, túng quẫn. Họ không dám nói những tiếng nói về công bình, lên án những tệ nạn xã hội vì người ta sẽ cười, không tin. Tất cả họ đã im lặng vì chính bản án mà anh mang trên minh. Chừng ấy năm anh Chấn đi tù thì cũng là bấy nhiêu năm những người thân của anh chịu đựng những thăm trầm, bi ai nhất đời con người….Thử hỏi từng ấy khổ cực, trong từng ấy thời gian đền bù, bồi thường bao nhiêu mới xứng đáng? Nói vậy để thấy rằng, mọi sự đền đáp dù có được thực hiện nhưng nó không thể hàn gắn, lành lặn những vết thương đã định hình theo thời gian nhưng việc tiến hành bồi thường cũng là việc nên làm để cảnh tỉnh những thói tắc trách, làm ẩu trong các hoạt động Tố tụng và hơn hết là cho pháp luật được thực thi nghiêm minh trong mọi trường hợp.

Việc điều tra, xét xử và dẫn đến bản án oan sai 10 năm vừa qua rõ ràng trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan Tòa án và nguyên nhân được đem ra mổ xẻ chính là việc tranh tụng chưa được thực hiện thấu đáo, chưa khách quan, toàn diện. Vậy thì, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm. Ngành Tòa án phải có cho mình cách hành xử thấu đáo nhất, những người gây nên những sai sót phải chịu trách nhiệmvà họ cũng phải tự trang trải những khoản tiền phục vụ việc bồi thường cho nạn nhân. Tôi nói ra điều này có người sẽ biện minh rằng, họ không phải tự trang trải những khoản kinh phí bồi thường vì nó quá lớn và đổ lỗi cho tập thể nhưng dù tập thể có sai thì có phải tất cả đều làm sai, còn có những người luôn chu toàn những công việc, liệu có công bằng không nếu đẩy họ vào một cơ chế mà họ hoàn toàn không biết mình sai ở điểm nào? Nếu những việc đổi lỗi đó thành công thì việc làm sai cứ diễn ra và Nhà nước sẽ phải bồi hoàn cho những sai lầm cá nhân và những câu chuyện đáng buồn thì vẫn cứ tiếp diễn như lẽ tự nhiên.

Cách đây không lâu, từng có một bài báo khởi xướng yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức nếu có lòng tự trọng cũng chính xuất phát từ việc những yếu kém, xuống dốc không phanh của ngành Y tế. Với những hệ lụy không dễ khắc phục ngày 1, ngày 2 cũng như sự tổn hại của ngành Y tế trong mắt người bệnh và nhân dân thì không lẽ Bà Tiến lại không có cho mình những trách nhiệm cụ thể? Không lẽ cứ sai là đổ lỗi tập thể mãi sao? Cái tập thể ấy có tội gì, những cá nhân làm đúng, hoàn thành mọi chức trách, nhiệm vụ có tội gì mà kéo họ vào những vòng xoáy nghiệt ngã… Tất thảy hãy tìm ra con đường dẫn đến lẽ công bằng.

Câu chuyện oan sai này cũng vậy, người chịu trách nhiệm không chỉ có những người trực tiếp thực hiện, điều hành việc tranh tụng mà cần xem xét thật kỹ lưỡng những cá nhân có liên quan, xác định cụ thể, tội danh và trách nhiệm có liên quan và lựa chọn những chế tài tổng hợp. Có như vậy, tính trách nhiệm trong công tác mới được nâng cao. Đã đến lúc chúng ta không chỉ dừng lại làm sai phải bồi thường mà còn kèm theo những chế tài liên quan đến công việc của mỗi cá nhân. Họ, ngoài việc phải thực hiện những khoản bồi thường theo luật định thì không thể cứ giữ nguyên vị trí công tác. Họ phải chịu những hình thức kỷ luật nhất định, chí ít, phải bị điều chuyển sang những vị trí công tác khác không liên quan sinh mệnh con người. Có như vậy, mới tạo ra tính gắn trách nhiệm, sự tận tâm, tận tụy với công tác, hạn chế tới mức thấp nhất những oan khuất, phục vụ mục tiêu xây dựng công bằng xã hội.

Qua đây tôi cũng nói thêm rằng, nhu cầu mổ xẻ, làm sáng rõ những điều chưa tỏ là lẽ tự nhiên song tất cả chúng ta hãy để những cơ quan thực thi pháp luật thực hiện chức trách của mình trong xem xét ai phải bồi thường, bồi thường bao nhiêu?. Đừng thực hiện hành động “cầm đèn chạy trước ô tô” gây nên những câu chuyện bi hài xung quanh việc trích dẫn sai Luật của Công ty Luật Hợp danh Thanh Thiên vừa qua hay việc làm tính tiền bồi thường của một số kẻ nhàn rỗi chuyên đưa tin giật gân, câu khách. Hãy để pháp luật tự thực hiện điều chỉnh những thứ thuộc phạm vi của mình./.

Nguồn: Mõ làng