Trang chủ Mõ Làng Bí Thư Phải Thế Này Chứ

Bí Thư Phải Thế Này Chứ

297
0

Mấy hôm nay, trên các báo lại xuất hiện một hình ảnh mà theo người viết bài này thì thật là đẹp và đầy sức thuyết phục – đó là hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng ra đối thoại với dân ngay nơi bà con tập trung phản đối về việc hút cát ở sông.

Bí Thư Phải Thế Này Chứ

                                 Bí thư tỉnh ủy Võ Văn Thưởng đang đối thoại với dân

Cách đây mấy tháng, người dân Hà Nội hết sức phấn khởi khi nhìn thấy hình ảnh Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị xuống làng cổ Đường Lâm để đối thoại với dân và cùng với cấp chính quyền bàn với dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân làng cổ.

Đối với người dân, có lẽ không gì yên tâm hơn khi một vấn đề mà họ đang bức xúc, đang cần có những lời giải đáp thỏa đáng thì đã được giãi bày, được tâm sự, được trao đổi với người lãnh đạo cao nhất của địa phương.

Thực ra, trong những năm gần đây, việc các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy… trực tiếp đối thoại với nhân dân đã khá quen thuộc. Với người dân, người lãnh đạo sẽ “đáng yêu” hơn nếu như có tác phong giản dị, gần dân, biết lắng nghe và biết đau nỗi đau của dân. Ở Đà Nẵng, hình ảnh Bí thư Nguyễn Bá Thanh ngồi suốt buổi nói chuyện với dân, rồi những cuộc đối thoại với những đức ông chồng hơi tý thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ con… còn đọng sâu trong trí nhớ của mọi người. Chả thế mà có học sinh đã lấy ông làm hình tượng trong bài thi văn của mình. Có lẽ, bài thi đó giá trị hơn nhiều bằng khen, giấy khen…

Và mấy hôm nay, trên các báo lại xuất hiện một hình ảnh mà theo người viết bài này thì thật là đẹp và đầy sức thuyết phục – đó là hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng ra đối thoại với dân ngay nơi bà con tập trung phản đối về việc hút cát ở sông.

Bí thư Võ Văn Thưởng đã bày tỏ tình cảm của mình trước việc bà con phải tập họp để ngăn cản việc hút cát làm hỏng dòng sông, rồi xin lỗi bà con, nhận trách nhiệm về mình…

Kết quả cuộc đối thoại thật tốt đẹp. Sau khi nghe Bí thư Tỉnh ủy giải thích và đề ra các biện pháp giải quyết yêu cầu chính đáng của bà con, người dân đã an tâm ra về.

Với dân, hình ảnh người Bí thư như thế họ sẽ nhớ mãi.

Hiện nay, tại không ít địa phương đã có những vụ nóng như vậy nhưng rất ít khi thấy người đứng đầu cấp ủy Đảng có mặt tại đó để giải thích, vận động, chia sẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân.

Thay vào đó, có khi người ta lại cắt cử những cán bộ không những không hiểu vấn đề, thậm chí trong con mắt của người dân thì đây là người có tì vết. Đã thế có cán bộ lại còn tỏ ra khệnh khạng, nói năng thiếu thuyết phục, thậm chí coi dân là “dân… gian”.

Bao nhiêu năm nay, người dân một lòng, một dạ đi theo cách mạng, theo Đảng để làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Ngày trước, trong chiến tranh, nơi nào khó nhất, gian khổ nhất thì có đảng viên đi đầu, xông pha trận mạc. Nhiều đơn vị bộ đội, tỷ lệ hy sinh của đảng viên so với chiến sĩ thường cao hơn nhiều là vì người đảng viên luôn lao lên phía trước. Người dân tin Đảng chưa hẳn là vì những lý luận gì mang tính vĩ mô mà chính là từ những tấm gương đảng viên dám hy sinh vì dân, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Nhưng trong những năm gần đây thì rõ ràng, tính tiên phong, gương mẫu của không ít đảng viên đã không còn nữa.

Tình trạng bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất đã được lãnh đạo Đảng chỉ ra và đang có những biện pháp quyết liệt để loại khỏi Đảng những kẻ không tuân theo mục đích vì dân, vì nước.

Thật là buồn khi tại những điểm “nóng”, đặc biệt là ở các vụ người dân khiếu kiện đông người, gây ra những bất ổn về chính trị, an ninh trật tự của địa phương thì vào những lúc “nước sôi lửa bỏng nhất” lại vắng bóng những Bí thư. Tất nhiên, người ta có thể giải thích rằng, việc này cấp ủy Đảng đã giao cho đồng chí A, đồng chí B xử lý. Và chưa biết chừng, người được giao lại giao cho cấp dưới và cấp dưới đó lại giao cho cấp dưới nữa…

Thậm chí, thay vì lắng nghe xem dân muốn gì, nói gì, cần gì để từ đó có cách giải thích cho dân hiểu thì họ lại lấp liếm, bào chữa, hoặc chối quanh, đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan. Họ không dám sửa sai và có biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người dân mà có khi do chính họ gây ra. Khó một chút là họ sử dụng công an để răn đe; rồi họ lại cho rằng, tình trạng người dân khiếu kiện đông người là do kẻ xấu xúi giục, kích động…

Đúng là có không ít vụ khiếu kiện đông người, phức tạp có bàn tay của những kẻ xấu, những kẻ cơ hội chính trị, thậm chí của cả các tổ chức phản động lưu vong. Rồi cũng có những vụ khiếu kiện mà những người hung hăng nhất lại là người được thuê mướn.

Ở Hà Nội, anh em công an quận Ba Đình đã nhẵn mặt nhiều đối tượng chuyên sống bằng nghề khiếu kiện thuê. Bình thường thì họ đi bán cây cảnh, bán chum, bán vò, bán vại nhưng khi có người thuê là họ sẵn sàng vứt xe cộ vào một xó và ra giăng biểu ngữ… Với những đối tượng chuyên đi khiếu kiện kiểu này thì rõ ràng cần phải có những giải pháp cứng rắn!

Nhưng với những vụ việc người dân khiếu kiện khi quyền và lợi ích của họ bị xâm hại, thậm chí bị chính quyền địa phương o ép hoặc không tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của dân. Tục ngữ có câu: “Con giun xéo lắm cũng quằn”; “Già néo đứt dây”; “Tức nước vỡ bờ”… và “Quan bức dân phản”… đều đúng trong các vụ này.

Thực sự mà nói, người dân không bao giờ muốn đối đầu với chính quyền, mà người dân chỉ phản ứng khi họ chịu không thấu nữa.

Những lúc như thế cần lắm sự xuất hiện của người đứng đầu tổ chức Đảng ở địa phương. Sẽ có người lo sợ rằng, lúc đó đám đông đang bị kích động, người ta sẽ hành hung hoặc có hành động quá khích… Thật ra đó chỉ là sự lo sợ hão huyền hoặc cũng là cách giấu giếm cho sự “yếu kém”. Chắc chắn khi đồng chí Bí thư xuất hiện, người dân sẽ yên tâm hơn và họ sẽ tin rằng, tâm tư, nguyện vọng của mình sẽ được Đảng nghe, Đảng biết, Đảng chia sẻ và Đảng giải quyết…

Khi nói về chuyện này, tôi bỗng nhớ lại vụ bạo loạn ở Tây Nguyên lần thứ nhất vào tháng 2/2001. Trong lúc hàng ngàn người dân từ các ngả đường kéo về UBND tỉnh Gia Lai thì lãnh đạo tỉnh không một ai dám đứng ra đối thoại với dân mà thay vào đó là nghệ sĩ Y Brơm Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin. Hình ảnh đọng mãi trong tôi là khi ông bị những người quá khích chửi bới, lăng mạ, hành hung, mặc dù ông nói chuyện với người dân bằng ngôn ngữ của đồng bào mình.

Trong vụ bạo loạn Tây Nguyên lần ấy, bàn tay xúi giục của K’sor Kok là rất rõ ràng nhưng cũng rõ một điều là, một số chế độ, chính sách của ta với người dân Tây Nguyên còn nhiều bất cập. Đặc biệt là việc chính quyền các cấp buông lỏng quản lý để người dân tự do mua bán đất. Và thế là, người dân vì dân trí thấp, vì ham cái lợi trước mắt nên đã bán đất đai để lấy tiền ăn nhậu, mua xe máy, xây nhà. Nhưng đến lúc bừng tỉnh ra thì đã tay trắng. Chính chuyện đất đai là một trong những nguyên nhân gây ra vụ bạo loạn ở Tây Nguyên. Sau này, khi rút kinh nghiệm, người ta đặt câu hỏi rằng: Tại sao tỉnh Lâm Đồng không có bạo loạn như Gia Lai, Đắk Lắk… Hóa ra lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiên quyết không cho người dân bán đất canh tác.

Khi cán bộ không dám đối thoại với dân thì chỉ có mấy lý do, đó là: Thứ nhất, người cán bộ đó không đủ uy tín.

Thứ hai, người cán bộ đó đã để xảy ra những việc thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của dân; Và thứ ba là hèn nhát, không dám nhận trách nhiệm!

Và chỉ cần một trong ba lý do, nếu cán bộ nào của Đảng vướng phải, có lẽ cũng không nên để họ giữ cương vị lãnh đạo nữa.

NHƯ THỔ

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây