Trang chủ Đối tượng Phan Thị Bích Hằng Có Lừa Bịp Hay Không?

Phan Thị Bích Hằng Có Lừa Bịp Hay Không?

217
0

Để rộng đường trao đổi Mõ xin giới thiệu bài viết của nhà báo Viết Hiền hiện đang sống ở Quy Nhơn về lần Bích Hằng lên đồng nhập hồn vào vua Quang Trung.

Phan Thị Bích Hằng Có Lừa Bịp Hay Không?

Mấy hôm nay, một vấn đề đã và đang được dư luận và cộng đồng FB đặc biệt quan tâm là Chương trình “Trở về từ ký ức” do nhà báo Thu Uyên và nhóm PV Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện. Qua phóng sự, một vấn đề gây “sốc” nhất là việc nhà ngoại cảm (NNC) Phan Thị Bích Hằng tìm hài cốt của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên. Tuy nhiên, qua giám định của Viện pháp y quân đội thì đó chỉ là mảnh sành vụn, nắm đất và một chiếc răng lợn. Sau chương trình, đã có khá nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có cả ý kiến của “những người trong cuộc”… Tôi có xem Chương trình “Trở về từ ký ức” và theo dõi khá nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này, trong đó có ý kiến của các ông, bà: Vũ Thế Khanh (Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng UIA); Nguyễn Phúc Giác Hải (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người); Đại tá, nhà báo Hàn Vũ Thụy (Phó chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lí thuộc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người – Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam); Quan Thị Lê Lan (Phó chủ nhiệm thường trực Bộ môn Cận tâm lý, chỗ ông Thụy); GS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người); Luật sư Trần Đình Triển; Đại tá – TS Đỗ Kiên Cường; Thạc sĩ Thôi miên Y khoa Nguyễn Mạnh Quân; NNC Phan Thị Bích Hằng; nhà báo Thu Uyên… Theo đó, cô Bích Hằng nói: “Họ (VTV) mới nhìn vào một góc của sự thật, giống như con voi, họ mới nhìn thấy cái vòi mà đã đưa ra những phán đoán không đúng. Tất cả sự thật sau này sẽ được chứng minh còn đến giờ phút này tôi chỉ cảm thấy hơi đáng tiếc cho sự vội vàng, hồ đồ của họ”. Trong khi đó, các ông, bà: Thế Khanh, Giác Hải, Vũ Thụy, Lê Lan… lại “phản pháo” kịch liệt với những ngôn từ to tát, như: “Nói Phan Thị Bích Hằng như vậy là vô trách nhiệm” (ông Thế Khanh); “Nói NNC Phan Thị Bích Hằng lừa bịp là một sự xúc phạm” (ông Giác Hài); “Việc dựa vào 1-2 vụ việc không chính xác rồi “đánh” vào NNC Bích Hằng là thiếu khách quan, khoa học; … là sự phỉ báng cực kỳ vô luân” (ông Vũ Thụy)… Thế nhưng, ngược lại Ths Nguyễn Mạnh Quân thì tuyên bố: “Nếu NNC nào tìm mộ liệt sĩ đúng 3%, sẽ dâng cho họ toàn bộ tài sản, danh dự, cả Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên. Còn nếu họ tìm không đúng 3%, thì sẽ … cắt lưỡi NNC!”. Còn Đại tá – Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường thì khẳng định: “Cần cấm giới ngoại cảm hành nghề. Bất cứ ai tuyên bố có khả năng tiên tri, thấu thị hoặc áp vong, họ chính là kẻ lừa đảo, cho dù là lừa đảo chủ ý… Ngay cả ông tiến sỹ giám đốc UIA hoàn toàn không biết ngoại cảm là gì, cho dù ông rất hăng hai nghiên cứu và tung hô giới ngoại cảm”… Trước hết, tôi lấy làm lạ trước những phát biểu “đao to, búa lớn” của các ông, bà: Thế Khanh, Giác Hải, Lê Lan, Vũ Thụy,,, và cả cô Bích Hằng. Bởi lẽ, Chương trình “Trở về từ ký ức” không hề có câu nào quy chụp cho Bich Hằng là lừa bịp, mà chỉ nêu lên cụ thể việc Bích Hằng tìm hài cốt của đ/c Phùng Chí Kiên, nhưng qua giám định của Viện pháp y quân đội thì đó là mảnh sành vụn, nắm đất và một chiếc răng lợn. Nếu cô Bích Hằng và các ông bà Thế Khanh, Giác Hải, Vũ Thụy, Lê Lan… muốn thanh minh thì tốt nhất là họ nên chứng minh cụ thể hài cốt của đ.c Phùng Chí Kiên mà cô Bích Hằng “tìm thấy” là có thật, chứ không phải mảnh sành, nắm đất hay răng lợn. Đồng thời, cũng xin thưa, để thanh minh cho việc làm của mình, cô Bích Hằng và các ông, bà nói trên “lập luận” về cái gọi là xác xuất của NNC nhiều khi chỉ chính xác 60-70% và đúng được 30-40% là tốt rồi. Nhưng, xin lưu ý một điều, trước khi “tìm” được hài cốt của đ.c Phùng Chí Kiên, cô Bích Hằng cho biết, bằng năng lực của mình đã “gặp” và “nói chuyện” với đ.c Kiên, đồng thời được đ.c Kiên “chỉ dẫn” nên mới tìm được cái “đầu lâu” (không răng) và sau đó là 01 chiếc răng. Vậy, việc Viện Pháp y Quân đội xác định: Hài cốt được cho là của đ.c Kiên mà cô Bích Hằng “tìm thấy” là mảnh sành, nắm đất và chiếc răng lợn là sao? Cũng xin lưu ý, trước đó, trong cuộc tìm kiếm mộ của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, cô Bích Hằng cũng cho biết là “gặp”và “nói chuyện” với Lý Thường Kiệt, song kết quả ngôi mộ đó không phải mộ Lý Thường Kiệt, mà là mộ người khác (?). Nhân đây, cũng xin đề cập đến một số cuộc “nói chuyện với người cõi âm” mà cô Bích Hằng thực hiện tại tỉnh Bình Định, trong đó có 2 cuộc “gặp” và “nói chuyện” với thân sinh của Vua Quang Trung và 3 anh em Tây Sơn Tam Kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Một cuộc “nói chuyện với người cõi âm” của cô Bích Hằng diễn ra tại Bình Định cuối tháng 7.2011 và một cuộc diễn ra gần cuối tháng 11.2011. Trước hết, xin được nói ngay rằng, cũng giống như các cuộc “nói chuyện với người cõi âm” để tìm mộ, trước khi về Bình Định, cô Bích Hằng đã tìm hiểu, đọc một số sách và tài liệu sử liên quan đến Nhà Tây Sơn và 3 ngài Tây Sơn Tam Kiệt. Trên cơ sở đó, cô Hằng đã chọn lọc những chi tiết “độc” để “phán” và làm cho những người xung quanh phải tin. Tuy nhiên, đối với những người tỉnh táo và có kiến thức về lịch sử thì dễ dàng nhận thấy ngay là kiến thực lịch sử của cô Bích Hằng khá “lơ mơ”, hầu như chỉ “nói dựa” và “độ chế lịch sử” theo kiểu “đầu Ngô, mình Sở” rất tùy tiện. Tôi xin phân tích một số trường hợp mà cô Bích Hằng thực hiện “nói chuyện với người cõi âm” như sau:

A- CUỘC “NÓI CHUYỆN” CỦA CÔ BÍCH HẰNG VỚI 2 VỊ THÂN SINH CỦA 3 ANH EM TÂY SƠN VÀ VUA QUANG TRUNG:

1- Trong cuộc “nói chuyện” với 2 vị thân sinh của Vua Quang Trung, cô Bích Hằng cho biết: “Hai cụ nói người đời thường nhắc đến Tam kiệt Tây Sơn, nhưng thực ra các cụ có 4 người con trai, mà cậu con cả là Nguyễn Hoa, chỉ ở nhà với bố mẹ, khi mất lúc 19 tuổi không làm nên công trạng gì, có để lại một cậu con trai tên là Quang Hiển, được ông bà nuôi, các con nhớ ghi tên để khấn và kêu cho người con cả này…”. Quả thật, khi nghe cô Bích Hằng “phán” điều này, hầu hết những người xung quanh, nhất là các đ/c lãnh đạo tỉnh Bình Định đều “rụng rời chân tay” và “khiếp vía”. Bởi lẽ, lâu nay dân Bình Định hầu như chỉ biết đến 3 anh em Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (trong đó Nguyễn Nhạc là anh Hai, Nguyễn Huệ thứ Ba và Nguyễn Lữ thứ Tư). Thực ra, việc Nhà Tây Sơn có mấy anh em đã từng có những ý kiến khác nhau. Giống như người dân Bình Định, nhiều tài liệu đều cho rằng Nhà Tây Sơn có 3 anh em. Tuy nhiên, một số nguồn tư liệu lại cho rằng gia đình Vua Quang Trung không chỉ có 3 anh em, mà có khá đông anh em và thứ tự cũng khác nhau (Nhạc thứ 2, Lữ thứ 3, Huệ thứ 4). Một tài liệu của các nhà truyền giáo phương Tây thì ghi tên Nguyễn Lữ là “Đức Ông Bay” (thứ Bảy), còn Nguyễn Huệ là “Đức Ông Tam” (thứ Tám). Đáng lưu ý, tại Hội thảo “Tây Sơn – Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ – Quang Trung” (tổ chức tại TP Huế vào đầu tháng 6.2008), từ nguồn tư liệu của triều Thanh, một nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thiết cho là nhà Tây Sơn có ít nhất 4 anh em trai, anh đầu là Nguyễn Quang Hoa. Chi tiết này dựa vào bản “kê khai lý lịch” của Nguyễn Quang Hiển gửi quan chức triều Thanh khi đi sứ vào năm 1790. Thế rồi, dựa vào thông tin này (thông qua báo chí và mạng), cô Bích Hằng đã “nhét vào miệng” của vị thân sinh Vua Quang Trung để “phán”. Bởi lẽ, thực ra, thông tin trên chỉ là 1 trong những giả thuyết về gia đình 3 anh em Tây Sơn và cũng chỉ là 1 tài liệu tham khảo. Hơn nữa, cũng xin lưu ý, bản “kê khai lý lịch” của Quang Hiển cũng có thể là “đồ giả” đánh lừa nhà Thanh. Vì ngay đến vua mà Quang Trung cũng “dám” cho Phạm Công Trị đóng giả để thay mình đi sứ kia mà.

2- Cô Bích Hằng cho biết, Vua Quang Trung nói: “Âu cũng là số mệnh rồi, việc này cũng đã được ghi trong áo bào vua Càn Long ban tặng: Xa tâm chiết trục đa điền thử (có nghĩa là Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng, nhưng khi ghép chữ lại thì có nghĩa là Nguyễn Huệ sẽ mất năm Nhâm Tý). Cho nên cũng không cần phải oán than nữa”. Về cái chết của Vua Quang Trung có nhiều giả thuyết và “câu chuyện chiếc áo bào” cũng là 1 giả thuyết, (thậm chí đậm chất giai thoại). Theo đó, nhiều tài liệu sử đều ghi là vua Quang Trung chết vì “bạo bệnh” (không cụ thể là bệnh gì); còn tác giả Hoa Bằng thì cho rằng ngài chết vì bệnh “huyết vựng”. Gần đây, các nhà nghiên cứu Y học đã phân tích và cho rằng: Nguyên nhân cái chết của Quang Trung là do xuất huyết não dưới màng nhện, dẫn đến viêm phổi sặc. Thế nhưng, cô Bích Hằng lại “nhét” câu chuyện chiếc áo bào “vào miệng” Quang Trung. Bởi lẽ, nếu đúng như vậy thì hóa ra Quang Trung đã “biết” việc Càn Long “ban tặng” áo bào? Và, nếu vậy thì Quang Trung phải oán thù Càn Long chứ sao lại bảo “Cho nên cũng không cần phải oán than nữa” (?).

3- Cô Bích Hằng cho biết, Vua Quang Trung nói: “Nhân dịp này ta cũng muốn mời nhạc phụ của ta là vua Lê Hiển Tông và Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền đến dự đàn lễ này. Lúc sinh thời, chưa kịp mời nhạc phụ ta vào Quy Nhơn chơi…”. Sau đó Vua Quang Trung nói: “ Nhạc phụ của ta cứ muốn ta mời cả anh vợ ta vào nữa. Ta không đồng ý ghi là Lê Chiêu Thống mà chỉ được ghi là Lê Duy Kỳ với tư cách là anh vợ thôi chứ không phải là là ông Hoàng đâu đấy” (?) Ô hay, sao Lê Chiêu Thống (tức Lê Duy Kỳ) mà lại là anh vợ Vua Quang Trung, thưa cô Bích Hằng? Xin thưa, Lê Duy Kỳ là cháu nội Vua Lê Hiển Tông và gọi công chúa Ngọc Hân bằng cô ruột. Vì vậy, Vua Quang Trung phải gọi Lê Chiêu Thống (Lê Duy Kỳ) là cháu vợ, chứ sao lại là anh vợ? Tội quá cô Bích Hằng ơi!

4- Theo cô Bích Hằng, Vua Quang Trung nói tiếp: “ Nhân có nhạc phụ ta vào chơi, ta muốn khởi đàn lễ bằng một hồi trống trận và một màn múa võ Bình Định. Ngày xưa ta thích nghe Ngọc Hân hát Quan họ lắm, nếu thu xếp được một màn hát Quan họ cho song thân và quân sỹ của ta nghe thì ta thật toại nguyện…” Lạ nhỉ? Cô Bích Hằng lại “nói dựa” rồi. Bởi lẽ, cái gọi là “trống trận Quang Trung” hay “trống trận Tây sơn” cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguồn gốc, xuất xứ ra đời. Thậm chí, có ý kiến cho rằng “trống trận Quang Trung” hay “trống trận Tây sơn” là do người đời sau này “sáng tác” (mang tính biểu diễn) để ca ngợi công đức của Quang Trung và nhà Tây Sơn. Điều đáng nói, cô Bích Hằng “cho” Quang Trung nói “Muốn khởi đàn bằng màn múa võ Bình Định” ư? Ô hay, cô Hằng có biết 2 chữ “Bình Định” xuất hiện khi nào không? Địa danh này là do nhà Nguyễn đặt sau khi đã “bình định” được Nhà Tây Sơn và đất Tây Sơn. Tội nghiệp quá cô Bích Hằng ơi!

B- CUỘC NÓI CHUYỆN CỦA CÔ BÍCH HẰNG VỚI 3 NGÀI “TÂY SƠN TAM KIỆT”:

Có khá nhiều điều vô lý, thậm chí nhiều đoạn muốn … cười chảy nước mắt, cười … vỡ bụng. Tuy nhiên, do “cuộc nói chuyện với người cõi âm” của cô Bích Hằng lần này khá nhiều và khá dài nên chỉ xin đề cập đến vài vấn đề. (Xin quý vị cô, bác, anh chị và các bạn đọc nội dung cuộc nói chuyện này ở phần dưới). 1- Trước hết, xin thưa, việc cô Bích Hằng “mời” được 3 đ/c Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ “lên nói chuyện” tại đất Tây Sơn – Bình Định là điều thật lạ! Bởi ngay nhiều đệ tử nhà phật cũng từng “băn khoăn,thắc mắc” rằng: Thấy cô Bích Hằng hình như cũng là Phật tử nhưng hình như cô không hiểu về giáo lý nhà Phật. Bởi lẽ, cô Bích Hằng “gặp” và “nói chuyện” được với thân sinh của Vua Quang Trung và cả 3 ngài Tây Sơn Tam kiệt, vậy có nghĩa là họ những oan hồn còn vất vưởng vì chưa siêu thoát hay sao? Mặt khác, Tây Sơn không phải là đất của Quang Trung và Quang Trung sau khi băng hà được chôn tại đất Phú Xuân chứ đâu có phải ở Tây Sơn (đất của Nguyễn Nhạc) mà cô Hằng “gặp” được Quang Trung? Hơn nữa, cô Bích Hằng không biết rằng, sinh thời, 3 đ/c Nhạc, Huệ, Lữ mặc dù “cùng chi bộ” nhưng mất đoàn kết nghiêm trọng, thậm chí từng “Huynh đệ tương tàn”, vậy làm sao cùng một lúc có thể “cùng nhau lên nói chuyện” với cô được? Đáng lưu ý, qua “cuộc nói chuyện”, 3 đ/c Thái Đức Nguyễn Nhạc, Hoàng đế Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ giống như nhìn thấy hết từng con người, từng đ/c trên “trần gian Bình Định” (cả chức vụ, công việc), từng cảnh vật, thậm chí “chỉ đạo” từng vị trí, từng câu, từng chữ câu đối liễn, để tỉnh Bình Định xây dựng Đàn tế Trời – Đất (?). 2- Theo cô Bích Hằng, Hoàng Đế Quang Trung nói: “Về nghi lễ thì hỏi Đông Định Vương (Nguyễn Lữ) vì chú ấy là người chữ nghĩa nhất nhà và chú ấy là người thụ nho giáo… Ba anh em ta theo ba môn phái võ giờ đã mai một, đó là: – Thái Đức Hoàng Đế: Hùng Kê Quyền; – Quang Trung Hoàng Đế: Yến Phi Quyền; – Đông Định Vương: Miên Quyền (còn gọi là nhu quyền)”. Còn Thái Đức Hoàng Đế thì nói: “Chú Lữ vốn nho nhã, mềm yếu nên chú luyện nhu quyền. Đây là môn quyền học của người Miên nên gọi là Miên Quyền” (?). Ô hay! Cũng lạ nhỉ cô Bích Hằng! Nguyễn Lữ đâu có “thụ nho giáo”? Sinh thời, ông đi tu theo đạo Hồi Bani (Islam Bani) nên mới gọi là “Thầy Tư Lữ”. Đồng thời, lâu nay dân Bình Định đều biết Hùng Kê Quyền là do Nguyễn Lữ sáng tạo ra, chứ đâu phải Nguyễn Nhạc? Ô hô! Quả là kiểu nói dựa và suy diễn, lắp ghép tùy tiện. 3- Sinh thời, Quang Trung rất coi trọng chữ Nôm và yêu cầu phải sử dụng nó như Quốc ngữ. Vậy mà cô Bích Hằng lại “cho” Quang Trung “chỉ đạo” nói và viết toàn chữ Hán, tiếng Hán, như: “Sơn Hà Xã Tắc”, “BẢO SƠN THIÊN ẤN”; “Vạn cổ anh linh chiêu Việt địa”; “Thiên thu hiển hách đối Nam sơn”… Thậm chí, Bích Hằng còn “cho” Quang Trung giải nghĩa mấy từ tiếng Hán rất… tào lao, như: “Đàn này phải bố trí theo thế, các ngươi có biết thế gì không? Đó là thế “Thiên – Địa – Nhân”. Thiên là Trời, Địa là Thần và Nhân chính là con người” (?). Hu hu! 4- Theo cô Bích Hằng, Hoàng đế Quang Trung nói: “Trước khi cho các ngươi lui, ta dạy rằng: muốn xây dựng sự nghiệp trước tiên phải có LỰC, khi đã có LỰC mới tạo được THẾ, nếu không có LỰC và THẾ thì có TÂM cũng không làm được gì nên 3 anh em ta lúc nào cũng đan xen vào nhau. Ba anh em ta cũng có lúc khích khẩu nhưng chưa bao giờ tương tàn…” (?). Cô Bích Hằng “cho” Quang Trung nói vậy là trái với lịch sử rồi. Xin thưa, lịch sử cho biết: Một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho Nhà Tây Sơn sụp đổ nhanh chóng là do nội bộ lục đục và “mất đoàn kết nghiêm trọng”. Nhiều nguồn sử liệu cho biết, Nguyễn Nhạc không chỉ thông dâm với em dâu của mình (vợ Nguyễn Huệ), mà còn cản trở bước đi của em mìn. Theo đó, trước những chiến công và thắng lợi của Nguyễn Huệ ở Bắc Hà, nhất là sau khi Nguyễn Huệ được Vua Lê ban thưởng đất đai và gả công chúa Ngọc Hân, Nguyễn Nhạc buộc Huệ phải quay trở vào Phú Xuân, sau đó cử 1 đội quân tinh binh ra Bắc Hà để “nắn gân” cậu em. Nguyễn Huệ cũng không vừa, viết Hịch kể tội Nguyễn Nhạc, rồi đem 6 vạn quân vào vây thành Quy Nhơn và nã pháo vào trong thành. Cho đến khi Nguyễn Nhạc lên thành than khóc mới chịu rút quân. Thậm chí, một số nguồn sử liệu còn cho biết, khi Quang Trung qua đời, một phái đoàn của Thái đức Hoàng đế ra Phú Xuân để viếng đã bị “ách” lại. Không chỉ có vậy, con cháu của Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ sau đó trở nên thâm thù đến mức giết hại lẫn nhau… 5- Theo cô Bích Hằng, Đông Định Vương (Nguyễn Lữ) nói: “Nhà Tây Sơn Tam Kiệt đúng ra là Tây Sơn Tứ Kiệt nhưng trời không cho tất cả, không thể là “tứ tử trình làng” nên còn có tam kiệt thôi… Tất cả ba anh em ta đều yểu thọ…”. Lạ nhỉ! Thực ra trong 3 ngài Tây Sơn Tam kiệt chỉ có Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ bi coi là “yểu thọ”. Nhưng, riêng Nguyễn Nhạc thì không thể gọi là “yểu thọ”. Bởi lẽ, trong số 3 ngài, tuổi của Nguyễn Nhạc cách khá xa so với Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Theo đó, Nguyễn Nhạc là thứ Hai, còn Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ tới thứ Bảy, thứ Tám. Nên nhớ, Nguyễn Nhạc có con gái lớn gả cho Vũ Văn Nhậm. Và, nhiều tư liệu sử đều ghi nhận Nguyễn Nhạc qua đời khi đã già yếu. 6- Về việc xây dựng Đàn tế Trời – Đất (đang triển khai ở Tây Sơn – Bình Định), theo cô Bích Hằng, Hoàng đế Quang Trung nói: “Ta có 2 lộc là 2 chiếc Quyền Trượng giao cho họ Trần ( Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV) và họ Nguyễn (Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định) để lo việc này cho trọn vẹn…”. Cũng theo cô Bích Hằng, Đông Định Vương thì nói: “Con cháu nhà Tây Sơn đều chết yểu nên nơi Đàn Tế nhà Tây Sơn ở dưới chân Đàn phải xin tuổi hạc, tuổi quy, xin thọ như hạc, trường thọ như quy. Nơi 4 góc ở 4 chân Đàn ai có đủ phúc thì người đó được đặt quy. Nay ta ban cho: + Đối với Trần Bắc Hà (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV): thuyền lương của nhà Tây Sơn trao hết về tay ngươi, hiện nay ngươi đang cầm thuyền lương xã tắc, thì ngươi cũng được phép đặt một con. + Đối với họ Nguyễn Hữu Luân (Công ty Phương Trang Đà Lạt – Lâm Đồng) : mệnh ngươi mong manh lắm nên cho ngươi đặt bên Thanh long 1 con quy. + Đối với quan đầu tỉnh Nguyễn Văn Thiện (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định): lấy ấn thì đặt 1 con quy ở bên Bạch hổ. + Còn 1 con nữa dành cho quan Lê Hữu Lộc (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) đ
ặt ở cửa hậu. Mỗi lần lên Đàn phải một bên rung chiêng, một bên thúc trống”… Lạ quá! Nếu đúng đây là lời của Hoàng đế Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ thì quả là quá “siêu”! Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì sao Hoàng đế Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ đã mất cách đây trên 220 năm (Quang Trung mất năm 1792, còn Đông Định Vương mất năm 1787) thì làm sao có thể biết đươc họ, tên, chức vụ, nghề nghiệp của các ông: Trần Bắc Hà, Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Hữu Luân, Lê Hữu Lộc đang sống và làm việc trên “cõi trần tục”? Trong đó, ông Nguyễn Hữu Luân ở tận Lâm Đồng mà sao Đông Định Vương cũng biết? Và, làm sao Đông Định Vương “đánh giá phẩm chất đạo đức” của những người này một cách chính xác rằng họ “có đủ phúc” để “cho phép” đặt con quy tại công trình xây dựng Đàn tế Trời – Đất ở Bình Định? Nếu ý kiến trên của Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ là có thật thì sao 2 ngài không “chỉ” luôn vị trí mộ (hay chỗ ở) của ông, bà song thân, cùng với mộ của 3 ngài Tây Sơn Tam kiệt, nhất là mộ của Quang Trung? Vì suốt mấy chục năm nay, các nhà khoa học, nhà sử học đã phải tốn công, tốn sức nghiên cứu, tìm kiếm, tổ chức hàng chục, hàng trăm hội thảo để tìm mộ các ngài? Nhân đây, cũng xin hỏi thẳng các ông, bà Vũ Thế Khanh, Nguyễn Phúc Giác Hải, Phạm Minh Hạc, Hàn Vũ Thụy, Quan Thị Lê La… và các ông, bà ở UIA, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người; Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, rằng: Nội dung cuộc “nói chuyện với người cõi âm” của cô Bích Hằng và thân sinh của vua Quang Trung và ba ngài Tây Sơn Tam kiệt mà tôi đã nêu ở trên liệu có đúng sự thật? Nếu đúng thì “cơ chế”, cách thức, kỹ năng “nói chuyện với người cõi âm” thế nào? Nhân tiện xin hỏi riêng ông Vũ Thế Khanh, rằng: Ông từng “khoe”, bên cạnh việc “phát hiện” các NNC, ông còn có khả năng đào tạo NNC đến mức có thể áp vong? như thế nào? Ngược lại, nếu vấn đề trên là không đúng thì có thể nói Phan Thị Bích Hằng là lừa bịp? Cũng xin lưu ý, theo các ông, bà ở UIA, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người; Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người thì cô Bích Hằng là NNC giỏi nhất,có năng lực nhất (?). Vậy qua 2 câu chuyện cô Bích Hằng “nói chuyện với người cõi âm” ở Bình Định, liệu năng lực thực sự của cô Bích Hằng ở mức nào và các NNC Việt Nam khác thì còn ở mức nào?… Cuối cùng, xin mời quý cô, bác, anh chị và các bạn đọc thêm nội dung “cuộc nói chuyện với người cõi âm” của cô Bích Hằng và thân sinh Quang Trung, cùng ba ngài Tây Sơn Tam kiệt. …………………………………………………………………………………………………………………

TRÍCH LƯỢC THÔNG TIN VỀ CUỘC ĐÀM THOẠI GIỮA NHÀ NGOẠI CẢM PHAN THỊ BÍCH HẰNG VỚI THÂN SINH CỦA BA ANH EM TÂY SƠN VÀ HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG (TẠI BÌNH ĐỊNH VÀO CUỐI THÁNG 7.2011)

Cuối tháng 7.2011, tại Bình Định đã diễn ra Đại lễ cầu siêu các liệt sĩ và các anh hừng nghĩa sĩ nhà Tây Sơn. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cho biết đã “gặp” và “nói chuyện”với hai cụ thân sinh ba ngài Tây Sơn Tam kiệt và cả Hoàng đế Quang Trung. Theo đó, trước bàn thờ Liệt tổ Liệt tông nhà Tây Sơn, cô nói: – Hai cụ nói rất hài lòng vì đàn lễ chuẩn bị long trọng. người đời thường nhắc đến Tam kiệt Tây sơn. Nhưng thực ra các cụ có 4 người con trai, mà cậu con cả là Nguyễn Hoa, chỉ ở nhà với bố mẹ, khi mất lúc 19 tuổi không làm nên công trạng gì, có để lại một cậu con trai tên là Quang Hiển, được ông bà nuôi, các con nhớ ghi tên để khấn và kêu cho người con cả này. Hai cụ tiếc vì sự nghiệp nhà Tây sơn không được lâu dài. Tiếp đó, cô Bích Hằng cho biết, Vua Quang Trung nói: – Âu cũng là số mệnh rồi, việc này cũng đã được ghi trong áo bào vua Càn Long ban tặng: Xa tâm chiết trục đa điền thử (có nghĩa là Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng, nhưng khi ghép chữ lại thì có nghĩa là Nguyễn Huệ sẽ mất năm Nhâm Tý). Cho nên cũng không cần phải oán than nữa. Nhân dịp này ta cũng muốn mời nhạc phụ của ta là vua Lê Hiển Tông và Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền đến dự đàn lễ này. Lúc sinh thời, chưa kịp mời nhạc phụ ta vào Quy Nhơn chơi. Sau đó Vua Quang Trung nói: – Nhạc phụ của ta cứ muốn ta mời cả anh vợ ta vào nữa. Ta không đồng ý ghi là Lê Chiêu Thống mà chỉ được ghi là Lê Duy Kỳ với tư cách là anh vợ thôi chứ không phải là là ông Hoàng đâu đấy. Có người cứ hỏi ta về ngày mất, đúng là ngày cuối cùng của tháng 7, ngày 29 tháng 7, nhưng giỗ vào ngày 1/8 cũng được vì tháng 7 này là tháng thiếu, năm mất là năm Nhâm tý. Bà thân sinh ra Hoàng đế nói rằng: – Đàn lễ tuy đủ nhưng vẫn thiếu một thứ. Đó là một mâm trầu, được bày theo kiểu trong này, lá trầu có têm vôi. Vì trước đây, khi Ngọc Hân công chúa về làm dâu, nhà tôi cũng chưa kịp mang trầu cau ra để làm lễ hỏi, nay muốn mang trầu ra mời thông gia. Xưa kia nhà ta cũng làm nghề buôn trầu nên trầu cau là thứ không thể thiếu được trong đàn lễ này. Ta cũng muốn có thêm một đĩa gừng cay và muối để ta dạy con cháu biết đoàn kết, bảo ban nhau.. Vua Quang Trung nói tiếp: – Nhân có nhạc phụ ta vào chơi, ta muốn khởi đàn lễ bằng một hồi trống trận và một màn múa võ Bình Định. Ngày xưa ta thích nghe Ngọc Hân hát Quan họ lắm, nếu thu xếp được một màn hát Quan họ cho song thân và quân sỹ của ta nghe thì ta thật toại nguyện… …………………………………………………………………………………………………………………

THÔNG TIN GHI CHÉP TỪ CUỘC ĐÀM THOẠI GIỮA NHÀ NGOẠI CẢM PHAN THỊ BÍCH HẰNG VỚI BA ANH EM TÂY SƠN TAM KIỆT TẠI BÀN THỜ HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG – BẢO TÀNG QUANG TRUNG HUYỆN TÂY SƠN (17h00 NGÀY 26/11/2011, TỨC MÙNG 1/11 NĂM TÂN MÃO)

+ Nhà ngoại cảm (NNC) Phan Thị Bích Hằng: – Xin Đức Hoàng Đế cho chúng con biết vị trí mà hiện nay tỉnh Bình Định đã cho thiết lập một bục lớn để tối nay hành lễ, trước hết vị trí đó có phải núi Ấn mà xưa kia thiên đình đã rao ấn cho nhà Tây Sơn không? Con xin Hoàng Đế cho chúng con được biết? Đây là toàn bộ hình thái chung, đây là toàn cảnh khu vực. Chúng con biết hôm nay là ngày 1/11 năm Tân Mão còn lý do vì sao thì chúng con không biết. Con tấu lạy Đức Hoàng Đế. Hoàng Đế bảo con phải lấy nước ở 5 núi, 9 sông, chúng con nghe xong con có truyền đạt lại cho quan đầu tỉnh là Nguyễn Văn Thiện (hiện đang là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định – VH) đã triển khai lấy đủ đất ở 5 núi: Mẫu Sơn (Lạng Sơn), núi Ba Vì (Hà Nội), núi Đại Huệ (Nghệ An), núi Bạch Mã (Huế), núi Chúa (Kiên Giang) và 9 sông: Kỳ Cùng (Lạng sơn), sông Đà (Hòa Bình), sông Hồng (Hà Nội), sông Lam (Nghệ An), sông Gianh (Quảng Bình), sông Hương (Huế), sông Côn (Bình Định) sông Cửu Long và sông Sài Gòn. + Hoàng Đế Quang Trung: – Các ngươi có biết ngày hôm nay là ngày gì không? Việc này để Thái Đức huynh trưởng của ta nói cho biết. Ngày 1/11/1771 Tân Mão niên cách đây 240 năm đúng vào giờ Dậu chuyển sang giờ Hợi thì Thái Đức và thầy Chương (đúng ra là thầy Trương, tức Trương Văn Hiến. Bà Bích Hằng nói tiếng Bắc nên “biến” thành Chương) đã làm lễ tế ở trên đỉnh của Hòn Ấn. Các ngươi có biết vì sao ta tề tựu các ngươi về đây vào ngày hôm nay không? Cái chính là đúng 240 năm thì hào khí Tây Sơn được đánh thức dậy. Và hôm nay các ngươi có biết các ngươi còn thiếu gì không, ta chưa thấy các ngươi để chỗ nào để châm đuốc cả. Các ngươi có biết tục của người Thượng mỗi khi tế lễ phải đốt 3 ngọn đuốc thật lớn để tế thần lửa. Đây là đàn trung tâm nằm ở giữa. Bên phải đi vào phía tả thanh long là nhà của Ban quản lý và phía hữu bạch hổ là nhà thờ các tướng Tây Sơn. Ta lưu ý các ngươi: – Thứ nhất: Về nghi lễ thì hỏi Đông Định Vương vì chú ấy là người chữ nghĩa nhất nhà và chú ấy là người thụ nho giáo. – Thứ hai: Sắp đặt như thế nào đó là việc của Thái Đức Hoàng Đế, dù sao Thái Đức Hoàng Đế cũng là huynh trưởng của ta. Dù ta là Hoàng Đế nhưng đối với Thái Đức Hoàng Đế ta chỉ là Bắc Bình Vương, ta chưa bao giờ nhận là là Hoàng Đế với Thái Đức cả. – Thứ ba: Chọn người, dùng quân là việc của ta: Ta khá khen các ngươi đã tìm được Hòn Ấn, tìm được đúng nơi thầy Chương và Thái Đức Hoàng Đế đã từng đến vào ngày 10/06 Tân Mão, Thầy Chương và Thái Đức Hoàng Đế đã được lệnh trên Thiên xuống và khi đến đó nhận được cái ấn. Khi có một tiếng sét đánh xuống thì thầy Chương và Thái Đức Hoàng Đế đã nhìn thấy chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Vậy các ngươi đã nhìn thấy chữ “Sơn Hà Xã Tắc” để ở đâu chưa? Các ngươi chỉ nói hình thái chung vậy nhưng ở bên trong các ngươi định đặt cái gì? Các ngươi đã có ý chưa? Ta cũng khá khen việc bố trí bên Bạch Hổ là nơi thờ tự các tướng lĩnh Tây Sơn như thế là đúng. Bên này để chữ “Nhân” để cho mọi người đến. Đàn này phải bố trí theo thế, các ngươi có biết thế gì không? Đó là thế “Thiên – Địa – Nhân”. Thiên là Trời, Địa là Thần và Nhân chính là con người. Bố trí thế này, Nhân phải lùi xuống, thấp hơn, Địa cao hơn một chút và Thiên là cao nhất. Ở ngoài vào thì các ngươi ghi gì đây? Đông Định Vương hỏi là các ngươi ghi gì đây? Ngọ Môn vẫn là Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ. Đông Định Vương dạy việc này để ta, các ngươi định rằng cứ để nhìn thế này hay sao? Vậy thì bút để đi đâu, giấy các ngươi để chỗ nào? Các ngươi phải có nhà, nhà phải có tên. Vậy không thể gọi đây là Đàn Tế Trời được, không đúng. Phải ghi ở trên đàn Thiên có chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Trên án thờ có hình cái ấn, trên ấn có chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Đây là ý của Đông Định Vương. Lùi xuống chỗ dưới Ngọ Môn cổng chính có một bức hoành, ở đó ghi chữ là “BẢO SƠN THIÊN ẤN”; nghĩa là “nơi này là ngọn núi quý có ấn của Trời”. Ta có 2 lộc là 2 chiếc Quyền Trượng giao cho họ Trần ( Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV) và họ Nguyễn (Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định) để lo việc này cho trọn vẹn. Phía trước Ngọ Môn trụ bên tả thanh long ghi hàng chữ: “Vạn cổ anh linh chiêu Việt địa”; bên hữu bạch hổ ghi hàng chữ “Thiên thu hiển hách đối Nam sơn”. Ba cửa sau do hậu thế các ngươi tùy ý tự tác, mỗi người được quyền ghi một câu. Nên nhớ trước khi lên Đàn Tế Trời phải có ba bậc, mỗi bậc khi tế lễ phải đốt một ngọn đuốc. Các ngươi có hiểu thần Ma Ní là gì không? Nhà Tây Sơn lập nên nghiệp nhờ người Thượng, nên phải suy tôn thần của người Thượng (Ma Ní). Nhân: phải làm đồ cúng tế cỗ bàn bình thường. Địa: phải có lễ mặn. Thiên: phải có bông, trái quả đầy đủ. Ta chỉ cho họ Nguyễn (có lẽ là Nguyễn Văn Thiện?) biết thủy bao sinh dưỡng vậy ta rất lấy làm hoan hỉ về có hồ bán nguyệt nhưng phía bên này còn thiếu thác nước. Tháp thác thiên vương phải có ở bên Thanh Long. Vận mệnh nhà Tây Sơn ứng với những năm có số 7. Dẹp loạn kết thúc vào năm 1777. Năm huynh trưởng ta nhận được ấn là 1771, vậy thì phải xây tháp 7 tầng, tầng trên có thác nước hồ lô chảy tràn nước xuống. Ta không theo đạo Phật, thờ nho giáo nên không xây 9 tầng, ta không phải là Trời nên không xây 13 tầng, chỉ xây 7 tầng, bên tháp của ngài thờ nghĩa quân tức là quân sĩ đối xứng tháp phải cao hơn đàn tế và cao hơn tầm người đứng tế. Phải có sân để luyện quyền, tiền hoặc hậu đều được. Ta giao cho quan đầu tỉnh phải có trách nhiệm bố trí việc này. Ba anh em ta theo ba môn phái võ giờ đã mai một, đó là: – Thái Đức Hoàng Đế: Hùng Kê Quyền. – Quang Trung Hoàng Đế: Yến Phi Quyền. – Đông Định Vương: Miên Quyền (còn gọi là nhu quyền). Kết hợp ở thế tam tam thụ thụ: Hùng Kê Quyền là Lực. Yến Phi Quyền là Thế. Nhu quyền là Tâm. Muốn làm gì cũng phải có tâm, thế, lực. + Thái Đức Hoàng Đế nói: – Chú Lữ vốn nho nhã, mềm yếu nên chú luyện nhu quyền. Đây là môn quyền học của người Miên nên gọi là Miên Quyền. Giữa cái nóng dận của ta với tính quyết liệt của chú Huệ thì phải có cái nhu của chú Lữ. Ba thế của Tây Sơn Tam Kiệt là như thế. Nhưng sẽ không làm nên cơ nghiệp nếu 3
anh em không kết hợp sẽ thành độc lư thương. + Đông Định Vương: – Các người đặt Đàn Tế Trời ở đó là chí lý lắm. Đúng là Tây khởi nghĩa, Bắc thu công, đúng như thầy Chương đã dạy. Ở phía sau, hướng Bắc đặt một cái bàn gọi là bàn hạ lộc dành cho bá tánh muốn vào lễ phải đi qua cửa này. Y phục trang nghiêm, phẩm hàm mũ mão chỉnh tề thì đi cửa trước. Còn tất cả mẹ xa, con đỏ, lê dân trăm họ, cổ cày, vai bừa vừa đi làm đồng về cũng có quyền đi vào đàn thờ nhưng phải đi phía sau. Dù có quan trường phẩm hàm đến đâu khi về nhà vẫn là cha, là chồng, là con. Đây cũng có nghĩa là Bắc thu công. Nếu do địa hình dốc không thể đặt bàn hạ lễ tế được thì phải có lư hương để cắm hương. Ta chưa thấy các ngươi dương kỳ ở đâu. Vậy các ngươi phải đặt cột cờ ở phía trước đàn trung tâm. + Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: – Vừa rồi chúng con có làm lễ cầu siêu vào ngày 14/10 Âm lịch và làm lễ hoàn mãn cho đô đốc Bùi Thị Xuân tại Đền thờ Đô đốc. Chúng con xin ngài cho biết Đô đốc có hoan hỉ không ạ? Cũng tại Đền thờ Đô đốc anh Trần Bắc Hà có mang về một đôi voi bằng gỗ đang đặt ở ngoài thềm đền thờ. Vậy Đô đốc có hoan hỉ không, có phạm gì không ạ? Đôi voi để ở đó có được không? + Đông Định Vương: – Nhà Tây Sơn ở đâu có voi ở đấy. Voi là hình ảnh luôn gắn liền với nhà Tây Sơn nên Đô đốc rất hoan hỉ, con gái Đô đốc sắp thành ngài rồi đấy. Ở đây (Đền thờ Đô đốc) là nơi cho con người dương thế nhiều hơn. Họ chỉ đến đây để ngó nghiêng nên nơi đây không phải là nơi để tĩnh tâm, nặng lòng tưởng đến nhà Tây Sơn. Ơn cha có rồi, nghĩa mẹ có rồi, các ngươi đã về làm lễ ở Gò Lăng nên ta lấy làm cảm kích. Các ngươi còn nghĩ tới cả chuyện đoàn tụ cho Đô đốc và hoàn thi hài cho Đô đốc việc đó ta cảm kích lắm lắm, còn hơn cả 9 bậc phù đồ. Nhưng ơn cha, nghĩa mẹ đã có đủ, còn thiếu công thầy và ta đau lòng mỗi khi nghĩ về thầy Chương rất dầy công dạy dỗ 3 anh em ta nhưng không có nơi nào để thắp một nén nhang tưởng niệm thầy Chương. Vậy thì hãy lập một bát hương để cho thầy Chương. Nếu nhà Tây Sơn có làm nên sự nghiệp mà quên thầy Chương thì chẳng phải là vong ân bội nghĩa lắm sao? Thầy đi theo nhà Tây Sơn, thầy mang tiếng là bất hiếu vì cha thầy theo chúa Nguyễn. Bây giờ nhà Tây Sơn lại quên thầy thì có phải là nhà Tây Sơn bất hiếu, bất nghĩa, bất nghì luôn không? Các ngươi hãy giúp Tây Sơn Tam Kiệt trọn nghĩa với thầy. Đây cũng là trọn đạo. Phải lập bát hương riêng của thầy, trên triều là đạo vua tôi, khi về nhà là đạo thầy trò, nên ta vẫn phải quỳ lạy thầy. Nên vẫn phải có bàn thờ riêng của thầy. Đạo luật không cho phép bàn thờ riêng của thầy được cao hơn Hoàng Đế nhưng phải có bàn thờ riêng. + Thái Đức Hoàng Đế: – Vào năm chúa Nguyễn Phúc Thuần vẫn còn ở Gia Định thì ta và thầy Chương đã lên hòn núi mà xưa kia anh em ta vẫn gọi là hòn Vải để bàn sự nghiệp lớn. Lúc chúng ta lên tới nơi thì có mây đen vần vũ, mưa gió sấm sét, sau khi hết thì có ánh chớp, khi thầy trò ta lên theo nơi có ánh chớp thì thấy có ấn của Trời ở đó. Đó là ấn mang chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Vì vậy ta nhớ ngày đó là ngày mùng 10 tháng Mùi năm Tân Mão, ngày đó là ngày Tân Mão. Nên hôm nay khi các ngươi về đây đúng vào ngày này ta lấy làm hoan hỉ, sau 240 năm mà hào khí Tây Sơn được sống lại. Ba quân tướng sĩ cảm kích các ngươi lắm. + Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: – Xin cho chúng con nhắc lại câu chữ Ngài vừa dạy để thực hiện cho chính xác ạ. + Đông Định Vương: – Nếu sai đi một nét thì nghĩa nó khác đi. BẢO SƠN THIÊN ẤN: ở Ngọ Môn. VẠN CỔ ANH LINH CHIÊU VIẸT ĐỊA: bên thanh long. THIÊN THU HIỂN HÁCH ĐỔI NAM SƠN: bên bạch hổ. TÂY KHỞI NGHĨA BẮC THU CÔNG là câu sấm truyền của thầy Chương khi sự nghiệp chinh phục ở phía Bắc thành công thì sự nghiệp mới khải hoàn, trọn vẹn, giang sơn thu về một mối. Nhà Tây Sơn Tam Kiệt đúng ra là Tây Sơn Tứ Kiệt nhưng trời không cho tất cả, không thể là tứ tử trình làng nên còn có tam kiệt thôi. Tất cả ba anh em ta đều yểu thọ. Con cháu nhà Tây Sơn đều chết yểu nên nơi Đàn Tế nhà Tây Sơn ở dưới chân Đàn phải xin tuổi hạc, tuổi quy, xin thọ như hạc, trường thọ như quy. Nơi 4 góc ở 4 chân Đàn ai có đủ phúc thì người đó được đặt quy. Nay ta ban cho: + Đối với Trần Bắc Hà: thuyền lương của nhà Tây Sơn trao hết về tay ngươi, hiện nay ngươi đang cầm thuyền lương xã tắc, thì ngươi cũng được phép đặt một con. + Đối với họ Nguyễn Hữu Luận: mệnh ngươi mong manh lắm nên cho ngươi đặt bên Thanh long 1 con quy. + Đối với quan đầu tỉnh Nguyễn Văn Thiện (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định): lấy ấn thì đặt 1 con quy ở bên Bạch hổ. + Còn 1 con nữa dành cho quan Lê Hữu Lộc (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) đặt ở cửa hậu. Mỗi lần lên Đàn phải một bên rung chiêng, một bên thúc trống. + Hoàng đế Quang Trung: – Trước khi cho các ngươi lui, ta dạy rằng: muốn xây dựng sự nghiệp trước tiên phải có LỰC, khi đã có LỰC mới tạo được THẾ, nếu không có LỰC và THẾ thì có TÂM cũng không làm được gì nên 3 anh em ta lúc nào cũng đan xen vào nhau. Ba anh em ta cũng có lúc khích khẩu nhưng chưa bao giờ tương tàn. Nhưng ta tiếc rằng đến đời con thì không giữ được đạo lý đó. Lúc nào ta cũng trân trọng huynh trưởng, dù sau này ông có thoái lui làm vương thì lúc nào trong lòng ta ông cũng là Thái Đức Hoàng Đế nên các ngươi phải nhớ điệp văn bao giờ cũng là Thái Đức Hoàng Đế đầu tiên rồi mới đến Quang Trung rồi Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Các ngươi đừng đặt Quang Trung lên trên ta lấy làm hổ thẹn với huynh trưởng của ta./.

Viết Hiền

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây