Trang chủ Luận bàn - Phản biện Hai Tử Huyệt Của Ngành Y

Hai Tử Huyệt Của Ngành Y

182
0

Hai Tử Huyệt Của Ngành Y

Trong đời mình, tôi cũng đã nhiều lần đến các bệnh viện để khám chữa bệnh cho bản thân, người thân và giúp bà con ở quê ra đi điều trị ở tuyến trên. Khách quan mà nói, trong đội ngũ lương y ở các bệnh viện lớn có không ít lương y rất từ tâm và tận tình, chu đáo với người bệnh. Tôi có một người bạn là bác sỹ đầu ngành về tim mạch công tác tại một bệnh viện lớn của Trung ương ở Hà Nội, khi nghỉ hưu, rất nhiều bệnh viện tư nhân có tiếng tăm mời ông hợp tác với thù lao cao. Sau một năm đi qua ba nơi ông quyết định sẽ từ giã nghề nghiệp vì lý do ở đó người ta móc tiền người bệnh vô lý quá. 

Trao đổi với một số bác sỹ có thâm niên cao trong ngành y, có tâm đức vì dân họ có nhiều ý kiến về sự xuống cấp trầm trọng của của một nghề được xã hội tôn vinh “lương y như từ mẫu”. Gạt sang một bên những đóng góp to lớn của ngành y, những gương sang y đức trong đội ngũ bác sỹ, y tá giỏi đã nghỉ hưu và đang hành nghề tôi đi tìm cái yếu kém, tồn tại và lắng nghe người trong cuộc nói cách “thoát hiểm”.

Hai vấn đề cốt tử

Trong những ý kiến đa chiều đó nổi lên hai vấn đề cốt tử được coi là tử huyệt mà nếu không giải quyết được nó thì cầm chắc thất bại. Đó là nạn quá tải bênh nhân và xuống cấp của y đức.

Câu chuyện quá tải thì đã quá rõ vì nó đã được cả xã hội lên tiếng, những người quản lý đều biết. Cựu Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã hứa trước diễn đàn quốc hội là sẽ “giảm tải” vào cuối nhiệm kỳ của ông nhưng đã thất hứa. Quả bóng được đá lại cho Bộ trưởng mới Nguyễn Thị Kim Tiến. Đã nửa nhiệm kỳ song cũng chẳng khá hơn người tiền nhiệm, quá tải bệnh viện vẫn là bài toán nan giải. Bà Tiến cũng đã bươn chải đưa ra vài sáng kiến, nào là đưa bác sỹ tuyến trên xuống cơ sở để chuyển giao kỹ thuật, công nghệ nhằm giữ chân bệnh nhân lại ở tuyến dưới. Xem ra nó cũng chỉ dừng lại ở mức phong trào, vì rằng nghề y không thể làm thay đổi tay nghề trong vài tháng. Quay sang giải pháp đầu tư cơi nới bệnh viện tuyến trên, vài viện lớn cũng đã được bổ thêm ngân sách, xây thêm phòng bệnh, mở thêm cơ sở mới. Song, so với nhu cầu và quy mô dân số thì chỉ như muối bỏ bể, quá tải vẫn hoàn quá tải. Bệnh viện tư ra đời định chen chân vào thị trường này để đón lỏng dòng chảy bệnh nhân từ tuyến công lập. Song hình thái này cũng chỉ là nơi làm thêm cho những bác sỹ đã về hưu với chức năng khám bệnh là chính. Cùng với đó là làm các loại xét nghiệm đắt đỏ mà bệnh viện công ít hoặc không có trang thiết bị. Dân chúng không mặn mà với viện tư.

Quá tải là miếng mồi ngon cho các loại tiêu cực. Người bệnh với tâm thế mạng sống là trên hết tìm cách để có một chỗ trong bệnh viện có uy tính, được điều trị sớm, được bác sỹ giỏi trực tiếp điều trị, được cung cấp dịch vụ tốt… Đi cùng với nó là đủ các loại cò, dắt mối, gạ gẫm sử dụng dịch vụ mới, tiên tiến. Đồng tiền đã làm biến dạng nhân cách, ai có tiền và nhiều tiền thì được đáp ứng trước, ưu ái hơn. Bác sỹ, y tá được tiền lại còn được hàm ơn, cầu cạnh, người ta cảm thấy kiếm tiền quá dễ khi bỏ qua vài chi tiết về y đức. Khi có tiền dễ dàng, giàu lên nhanh chóng, lòng tham trỗi dậy người ta lại càng hăng hái, miệt mài kiếm tiền quên mất y đức, bỏ qua y đức, phẩy tay, quay lưng lại với y đức, vô cảm với y đức. Các bác sỹ và bệnh viện như những cổ máy làm tiền không thương tiếc với bệnh nhân. Y đức chạm đáy.

Hai tử huyệt nói trên là tiền đề cho nhau cùng tồn tại. Quá tải người khám bệnh, quá tải bệnh nhân, quá tải thiết bị y tế là tiền đề cho giới bác sỹ, y tá, kĩ thuật viên chặt đẹp bệnh nhân. Khi y đức đã tha hóa, người ta coi con bệnh là những cái mỏ để khai thác không thương tiếc, chân ngoài dài hơn chân trong, người bác sỹ, y tá lại đầu tư ra ngoài và chẳng quan tâm đến giải quyết quá tải bên trong. Khi cho phép bệnh viện có thêm khu điều trị tự nguyện các bệnh viện đều xà xẻo trong số phòng bệnh ít ỏi vốn đã quá tải để làm dịch vụ. Có bệnh viện tiền phòng dịch vụ đắt hơn cả khách sạn 5 sao, chẳng hạn như Viện nhi Trung ương, một phòng tự nguyện khoảng 20 mét vuông đặt 3 giường, trang bị một điều hòa, một ti vi, một tủ lạnh, giá mỗi giường là 1 triệu đồng (có bao ăn) một ngày đêm, ba giường là 3 triệu, không kể tiền thuốc và sử dụng thiết bị điều trị trong phòng. Một đứa trẻ ốm vào đây sau một tuần ra viện chi phí trung bình hết 20 triệu. Trong cảnh một giường điều trị không tự nguyện ghép 2 – 3 đứa trẻ và cùng chừng ấy bà mẹ, xót con người ta phải cắn răng. Khi cho phép kết hợp công tư, người ta bỏ tiền mua thiết bị hiện đại, đặt vào bệnh viện công rồi kê đơn xét nghiệm vô tội vạ cốt để khai thác cho hết công suất, chia tiền với nhau, công tư nhập nhèm, có nơi còn làm dối “nhân bản xét nghiệm”. Khi cho phép bác sỹ được làm thêm bên ngoài, các phòng khám, phòng điều trị, cửa hàng thuốc mọc lên như nấm xung quanh các bệnh viện, đội ngũ cò bệnh viện chạy đi chạy lại như con thoi. Cái ghế ngồi trong viện nhưng lòng dạ ở ngoài. Bác sỹ vẫn kêu bồi dưỡng trách nhiệm quá thấp nhưng nhiều người có nhà lầu, xe hơi. Một ca hút mỡ bụng, bơm ngực có giá 50 triệu thì “có chết vẫn làm”.

Làm gì khi quá tải bệnh nhân, thiếu y đức.

Cũng từ ý kiến của những bác sỹ có tâm đức cho rằng, có mấy biện pháp cấp bách.

Tất nhiên vịệc đầu tiên là phải đầu tư mở rộng và xây mới các bệnh viện, tuyến trung ương. Vẫn quá thiếu giường bệnh, tâm lý bệnh nhân tuyến cơ sở vẫn mong muốn lên tuyến trên điều trị chưa thể giải tỏa được trong thời gian ngắn và e rằng không thể chấm dứt được tâm lý tìm đến với dịch vụ tốt hơn vì chuyện sinh tử. Con bệnh giàu có của Việt Nam vẫn tìm ra nước ngoài ngày một tăng.

Một hướng đi nhanh có thể làm được là tạo dựng mạng lưới “bác sỹ gia đình”

Bác sĩ Trần Thành Trai ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Để giải quyết tận gốc nạn quá tải bệnh viện, theo tôi, phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình là màng lọc tốt nhất. Có rất nhiều bệnh nhẹ, điều trị dễ dàng ở tuyến dưới, nếu có hệ thống bác sĩ gia đình, sẽ giải quyết được đáng kể số lượng bệnh nhân. Bệnh viện Nhi đồng TP HCM hiện nay mỗi ngày phải nhận rất nhiều cháu bé bị những bệnh thông thường, nhìn qua là biết bị bệnh gì liền. Chính điều này nếu thành thói quen cũng rất dễ làm hư bác sĩ, gây ra tình trạng khám bệnh qua loa, mỗi bệnh nhân chỉ ba đến năm phút.

Tôi kỳ vọng nhiều ở tuyến bác sĩ gia đình, như một người bạn của mỗi gia đình, theo dõi và chỉ bảo tận tình từng thành viên gia đình trong một quá trình dài, biết được lai lịch, gốc gác tâm tính từng người, nhờ đó có những lời khuyên, giải thích chu đáo, tận tình. Bác sĩ không phải chỉ để chữa bệnh, mà còn giúp mỗi người phòng bệnh, và đưa ra những phương pháp ngăn ngừa bệnh tật, đó mới là cách tốt nhất để chống lại bệnh tật. Hãy biết quý trọng và tập trung phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình”.

Tất nhiên để hình thành mạng lưới này thì phải có trung tâm điều hành để bác sỹ đăng ký tham gia và người dân tìm hiểu, mời gọi. Mạng internet có thể giúp đỡ đắc lực cho việc này.

BS Nguyễn Hải Tùng, Tổng Giám đốc Bệnh viện đa khoa Triều An, TP.HCM nói thêm: “Tương tự những gì đang diễn ra trong ngành giáo dục Nguyên nhân khách quan của các thực trạng quá tải bệnh viện, chi phí dịch vụ vẫn cao là do đồng lương của nhân viên y tế còn quá thấp so với đòi hỏi của công việc như chịu áp lực cao mỗi ngày, trực đêm, đối mặt thường xuyên với những tình huống sinh tử… Mức lương hiện nay chưa tương xứng với sức lao động và những rủi ro về thể chất và tinh thần mà người làm trong ngành y tế gặp phải. Điều này cũng tương tự những gì đang diễn ra trong ngành giáo dục. Hậu quả là nhiều nơi phải thu thêm những khoản phí không nằm trong quy định để bù đắp.

Ở các bệnh viện tư nhân, đối tượng đến khám chữa bệnh là những người có khả năng chi trả cho dịch vụ tốt nên nhân viên y tế có trách nhiệm phục vụ bệnh nhân sao cho xứng đáng với chi phí. Các khoản phí thu vào ở bệnh viện tư luôn rất minh bạch với sự kiểm soát chặt chẽ của thuế vụ và các cơ quan chức năng. Điều này giúp hạn chế phiền hà cho bệnh nhân”.

Vấn đề suy đồi về y đức. Lời thề Hippocrates và 12 điều y đức đang trở thành những khẩu hiệu sáo rỗng và không còn ý nghĩa đối với một bộ phận các bác sĩ mới ra trường lẫn có thâm niên khi họ không còn đặt việc cứu người lên hàng đầu. Cũng cần nói đến cách chúng ta giáo dục y đức cho cán bộ y tế – nếu cứ học thuộc lòng kiểu giáo điều và trả bài nhau từng câu chữ trong lời thề, từng dòng trong những điều y đức thì liệu có tác dụng hình thành ý thức phục vụ bệnh nhân và lòng cảm thương người bệnh không? Ngành y cần những lời kêu gọi quay lại với y đức, với truyền thống lương y như từ mẫu của dân tộc. Một khi đã chọn nghề y, nhân viên y tế trước hết phải thấy được niềm vui và sự thiêng liêng khi cứu người. Nếu không thay đổi, khám chữa bệnh dần dần sẽ trở thành một sản phẩm trong nền kinh tế thị trường, bị chi phối bởi đồng tiền, mất đi ý nghĩa cao đẹp và giá trị nhân văn.

Trên cơ sở một nền tảng vật chất tốt, vấn đề còn lại là yếu tố con người. Xây dựng một đội ngũ các nhân viên y tế theo cách thực hành y khoa trên cơ sở y học chứng cứ (Evidence Base Medicine), thực hiện triệt để phương châm “Không lạm dụng thuốc và xét nghiệm”, việc làm này không chỉ phục vụ cho lợi ích về y tế mà còn cả về tài chính của bệnh nhân và gia đình người bệnh.

Kính Chiếu Yêu

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây