Hoàng Thị Nhật Lệ (Nhóm phản bác tuyên bố 258)
Ngày 19/7/2013, nhóm 69 blogger Việt Nam sáng tao ra cái gọi là “Tuyên bố của Mạng lưới Blogger Việt Nam” về việc Nhà nước Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong đó cho rằng Việt Nam phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội Đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trước hết đòi Việt Nam phải xóa bỏ Điều 258 BLHS (bởi vậy Tuyên bố này được gọi vắn tắt là “Tuyên bố 258”). Đồng thời, ngày 31/7/2013, nhóm này cử 6 đại diện sang Thái Lan trao tuyên bố này tới đại diện Hội đồng nhân quyền LHQ tại Bangkok Thái Lan “để Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc hiểu rõ về tình hình vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam” (trích lời Nguyễn Lân Thắng). Để hiểu được vì sao nhóm Tuyên bố 258 nói riêng và các nhóm chống chế độ/chính quyền Việt Nam trong ngoài nước luôn tìm cách xuyên tạc thực trạng công tác thúc đẩy nhân quyền Việt Nam và mục tiêu trước mắt là cản trở Việt Nam trở thành thành viên HĐNQ LHQ, tôi sẽ trình bày vắn tắt về Hội đồng này, cơ sở của Việt Nam ứng cử thành viên HĐNQ LHQ và lý do nhóm Tuyên bố 258 chống Việt Nam trở thành thành viên HĐNQ LHQ.
1. VỀ HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC (HUMAN RIGHTS COUNCIL, UNHRC)
HĐNQ LHQ là một cơ cấu liên chính phủ (inter-governmental body) của LHQ ra đời năm 2006, với nhiệm vụ chính là thúc đẩy sáng kiến phát triển nhân quyền cũng như xem xét các vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Trên danh nghĩa, UNHRC là một trong ba hội đồng của LHQ ngang hàng với Hội đồng Bảo an và Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Văn Hóa (ECOSOC). Ba Hội đồng này đảm trách ba nhiệm vụ cột trụ của LHQ là gìn giữ hòa bình, phát triển hợp tác kinh tế và bảo vệ nhân quyền.
Về mặt lịch sử, UNHRC là hậu thân của Ủy ban Nhân quyền LHQ (UN Commission on Human Rights), là cơ chế đã soạn thảo ra bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế lịch sử hồi năm 1948 , hai công ước về Quyền Dân sự và Chính trị và về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Những năm về sau, đa phần các quốc gia trên thế giới cho rằng những nước phương Tây dùng tiêu chuẩn kép, nghĩa là khi có cùng loại vi phạm nhân quyền xảy ra, thì chỉ có những quốc gia thù nghịch là bị đưa lên bàn mổ, còn những quốc gia thân Tây phương thì được bao che nên hoạt động của Ủy ban Nhân quyền LHQ đã bị tê liệt và LHQ phải khai sinh ra UNHRC để thay thế nó. UNHRC có nhiều cải thiện như bầu thành viên theo danh sách khu vực địa lý, nhóm họp ít nhất ba lần trong năm ở tại Genève nên có thể đối phó nhanh hơn với tình hình thời sự. Ngoài ra UNHRC cũng đặt ra một thủ tục mới là “Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát”, gọi tắt là UPR, trong đó tất cả các nước thành viên LHQ lần lượt đứng ra kiểm điểm và đối thoại về tổng thể những thành tích và tồn tại về nhân quyền của mình theo một chu kỳ 4 năm và bao gồm tất cả các bên liên quan, kể cả các tổ chức phi chính phủ.
UNHRC có tổng cộng 47 thành viên, mỗi thành viên có nhiệm kỳ 3 năm. Số thành viên được thay thế từng phần để bảo đảm cho UNHRC có hoạt động liên tục. Thể thức bầu là các quốc gia thành viên LHQ sẽ ứng cử vào một trong các ghế dành cho khối của mình. Muốn trúng cử, mỗi ứng cử viên phải đạt được số phiếu tuyệt đối trên tổng số 192 thành viên LHQ, nghĩa là phải có 97 phiếu thuận.
Ngày 25/02/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên bố trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc về việc Việt Nam lần đầu tiên ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ này. Như vậy, Việt Nam đã chính thức cạnh tranh với Trung Quốc, Maldives, Jordan và Arập Saudi với tỉ lệ 5 chọn 4 cho vùng Châu Á – Thái Bình Dương.
2. CƠ SỞ ĐỂ VIỆT NAM ỨNG CỬ THÀNH VIÊN HĐNQ LHQ
Trên nguyên tắc mở với mọi thành viên LHQ, một quốc gia sẽ được bầu vào HĐNQ tại Đại hội đồng LHQ trên cơ sở cân nhắc những đóng góp của nước ứng viên với việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, cũng như những lời hứa tự nguyện và cam kết với công cuộc này.
Kỳ bầu cử lần này, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có 5 ứng viên cho 4 vị trí thành viên HĐNQ. Như vậy lần bầu cử này cũng cạnh tranh hơn so với bình thường. 5 ứng cử viên cho 4 ghế ở khu vực châu Á là Trung Quốc, Maldives, Jordan, Arập Saudi và Việt Nam. Trước đó Syria có ý định ứng cử nhưng đã tuyên bố rút lui. Việt Nam đã chính thức nhận được sự ủng hộ của các nước khối ASEAN và nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước trong phong trào không liên kết, các quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh, một số quốc gia phương Tây như Đức. Ở phía ngược lại, động thái chính thức diễn ra ở Hoa Kỳ khi Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật Nhân quyền H.R. 1897 trong đó có một nội dung yêu cầu Ngoại trưởng Hoa Kỳ không bỏ phiếu cho Việt Nam và vận động các nước khác không bỏ phiếu cho Việt Nam. Dự luật này cần được Thượng viện thông qua và Tổng thống Obama phê chuẩn trước khi có hiệu lực, và hôm 09/9/2013 đã được đọc trước Ủy ban của Thượng viện sau đó chuyển sang Ủy ban Đối ngoại để cân nhắc. Nhiều khả năng số phận nó sẽ rơi vào quên lãng như nhiều Dự luật Nhân quyền trước đó.
Phát biểu tại phiên cấp cao khóa họp lần thứ 16 Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva (Thụy Sĩ), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam sẽ đảm nhiệm tốt vai trò này và sẽ có những đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ), vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Thứ trưởng nêu rõ, bằng việc kiên trì theo đuổi 3 trụ cột trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và nhà nước pháp quyền, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được tăng cường; đồng thời những thành tựu về cải cách luật pháp, tư pháp, hành chính đã góp phần thúc đẩy quyền bình đẳng của công dân, nhất là các quyền được tham gia, phát triển và giám sát.
Thứ trưởng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là phấn đấu cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc hưởng thụ và bảo vệ nhân quyền cho nhân dân các nước. Chính vì vậy, Việt Nam cần tham gia làm thành viên của Hội đồng nhân quyền để cùng các nước thực hiện quyền con người, cùng chia sẻ những kinh nghiệm thành công của Việt Nam. Đây cũng chính là thực hiện chính sách đối ngoại tích cực, chủ động hội nhập quốc tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 đề ra. Trên thực tế, dựa vào những cam kết mạnh mẽ việc bảo đảm quyền con người, cộng với những kinh nghiệm từ việc tham gia Hội đồng Bảo an, hoàn toàn có cơ sở tin rằng Việt Nam sẽ đóng góp tốt hơn vào công việc của HĐNQ.
Trong suốt 60 năm qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã vượt qua biết bao thử thách, khó khăn của chiến tranh ác liệt, nghèo đói và lạc hậu, tạo dựng nên nền tảng vững chắc cho một xã hội thực sự công bằng, dân chủ, văn minh, mà ở đó các quyền tự do cơ bản của người dân được bảo vệ và không ngừng phát triển. Bên cạnh các quyền dân sự, chính trị, các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội luôn được chú trọng thông qua một loạt chính sách tích cực và hiệu quả của Nhà nước Việt Nam. Các thành tích về bảo đảm quyền con người, đặc biệt là thành tựu to lớn trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, văn hoá được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi.
Cách mạng Việt Nam đã đưa một dân tộc nô lệ lên làm chủ đất nước; công cuộc Đổi mới đang đem lại ấm no, hạnh phúc cho toàn dân, người dân được thụ hưởng những quyền con người cơ bản quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc. Đó là một thực tế sáng tỏ như ánh mặt trời, không bàn tay đen tối nào có thể che lấp được”.
Trong BÁO CÁO QUỐC GIA KIỂM ĐIỂM ĐỊNH KỲ VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM
:http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/nr040807104143/nr040807105001/ns090723074537 sắp trình bày trong phiên UPR tới cho Việt Nam tháng 1/2014 thể hiện rõ những thành tích nhân quyền của Việt Nam, các ưu tiên và cam kết của Việt Nam nhằm thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam và trên thế giới.
Về đòi hỏi cho Việt Nam “phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội Đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, trước hết đòi Việt Nam phải xóa bỏ Điều 258 BLHS” của nhóm “Tuyên bố 258” thì thực tiễn hơn 30 năm qua kể từ khi Việt Nam gia nhập công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, vào năm 1982, Việt Nam đã nội luật hóa các công ước quốc tế mà mình đã tham gia. Có thể dẫn ra những luật sau: Luật Bảo vệ sức khỏe người dân (1989), Luật Giáo dục (1998), Luật Đất đai (2003), Luật Bảo hiểm xã hội (2006), Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006), Luật Phòng, chống tham nhũng (2005), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Bình đẳng giới (2011)…Văn bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Quốc hội đang lấy ý kiến toàn dân, đã có riêng một Chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Trong đó, các quyền con người về dân sự chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được ghi nhận đầy đủ, tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người. Nhưng cũng như các quốc gia khác, Nhà nước Việt Nam phải đồng thời bảo vệ quyền công dân và quyền con người và chế độ xã hội. Bởi vậy, Bộ luật Hình sự Việt Nam có một số điều, như Điều 88, “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”; Điều 258, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước…” nhằm nghiêm trị tội phạm và phòng ngừa những hoạt động làm tổn hại đến chế độ xã hội là điều đương nhiên và phù hợp với quyền dân tộc tự quyết được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về quyền con người.
3. VÌ SAO NHÓM “TUYÊN BỐ 258” VÀ CÁC NHÓM “ĐẤU TRANH DÂN CHỦ” KHÁC KHÔNG MUỐN VIỆT NAM TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN HĐNQ LHQ ?
Họ sợ rằng khi Việt Nam trở thành thành viên của cơ chế này, họ không thể “KÊU OAN” cho những trường hợp bị xử lý bằng pháp luật hình sự (như đối với hàng chục thành viên nhóm Tuyên bố 258 theo các Điều 79, 88 Bộ luật Hình sự (BLHS) như với Lê Thăng Long, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Văn Trội, Điều 161 BLHS với Lê Quốc Quân hay tới đây là Điều 115 BLHS với Nguyễn Văn Dũng…). Và như thế đồng nghĩa với việc họ phải thừa nhận cái mà họ vẫn hay gọi là “đàn áp tự do ngôn luận” là hoàn toàn không có thật.
Họ sợ rằng Việt Nam có điều kiện chứng minh cho quốc tế thấy những thành tích nổi bật trong đấu tranh cho quyền con người của một quốc gia non trẻ, phải đi lên từ tàn lụi sau cuộc chiến chống chế độ thực dân, đế quốc thì sẽ phơi bày những xuyên tạc về lịch sử chiến tranh, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, về thực trạng vi phạm dân chủ, nhân quyền…mà chúng ngày ngày rêu rao khắp nơi y như kiểu nhóm Tuyên bố 258 đến tấu từng tổ chức quốc tế, ĐSQ vừa qua?
Họ sợ rằng việc Việt Nam trở thành thành viên HĐNQ “sẽ có những đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ), vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng”, chống lại “tiêu chuẩn kép”về dân chủ, nhân quyền thì hy vọng về việc Mỹ, phương Tây đưa quân tiếp sức cho chúng lật đổ thể chế chính trị Việt Nam sẽ vĩnh viên tiêu tan thành mây khói?
Trước hết, chắc chắn điều họ sợ nhất là việc Việt Nam trở thành thành viên cơ chế này sau Hội đồng Bảo an LHQ là chứng minh đầy đủ nhất về ghi nhận quốc tế đối với phát triển nhân quyền Việt Nam – điều mà những kẻ luôn giương cao chiêu bài “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” Việt Nam không còn lý do gì để tồn tại?
Những lý do nêu trên cho thấy, nhóm Phản bác Tuyên bố 258 cần lên tiếng ủng hộ Việt Nam ứng cử trở thành thành viên Hội Đồng Nhân quyền LHQ. Đây là bước tiếp theo cần thiết để phơi bày bộ mặt thật, mưu đồ đen tối của những kẻ khởi xướng Tuyên bố 258.
Nguồn: Mõ làng