Hồ Ngọc Thắng
Trong bài viết hôm nay tôi muốn đề cập tới tình hình tự do tôn giáo ở khu vực Đông Nam Á. Ở đó các nước là láng giềng gần của Việt Nam. Qua đó chúng ta có thể có một cái nhìn khách quan và đánh giá công bằng hơn về thực trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Để khách quan, tôi xin giới thiệu với bạn đọc một phóng sự của dpa (Deutsche Presse-Agentur), thông tấn xã lớn nhất của CHLB Đức, vừa phát đi hôm 21/08/2013 từ Manila. Tác giả là nữ nhà báo Girlie Linao. Tên bài trong tiếng Đức là “Religiöse Intoleranz in Südostasien auf dem Vormarsch“, có thể dịch là: Sự bất khoan dung về tôn giáo đang trên đà tiến bước ở Đông Nam Á.
Những dòng đầu tiên của phóng sự là đánh giá tổng quát: Các Phật tử chống lại người Hồi giáo, người Hồi giáo chống lại người theo đạo Thiên chúa giáo, người Hindu chống lại các Phật tử. Ở châu Á sự bất khoan dung về tôn giáo và tranh chấp ngày càng gia tăng. Các kẻ tuyên truyền hằn thù đang khuấy động bạo lực, những người trong nhóm tiểu số đang rơi vào tầm ngắm.
Sau đó tác giả kể lại một sự việc xảy ra trong tháng 8/2013: Một số nhà sư Phật giáo đã bị xua đuổi khỏi một khu nghỉ mát ở Malaysia vì họ đã sử dụng một phòng cầu nguyện của người Hồi giáo. Ông chủ của khách sạn đã bị bắt. Không phải vì ông ta đã xua đuổi các nhà sư Phật giáo, mà là ông ta đã cho phép các nhà sư sử dụng phòng cầu nguyện. Ông ta đã phạm tội làm dơ bẩn đạo Hồi giáo. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Ở khu vực Đông Nam Á, các tôn giáo thiểu số, phần lớn cũng là dân tộc tiểu số, ngày càng nhiều bị tấn công. Chính phủ của các quốc gia ở đây không làm gì được để ngăn cản bạo lực, mặc dù quyền tự do hoạt động tôn giáo được ghi vào phần lớn các hiến pháp trong vực này.
Về tình hình ở quốc gia Philippines tác giả đã đăng trích lời của bà chủ tịch Trung tâm Hồi giáo và Dân chủ ở Philippines, Amina Rasul “Chúng ta sẽ chứng kiến một loạt các cuộc xung đột vì một nền độc lập. Nếu như chúng ta không giải quyết các vấn đề này”. Theo bà chủ tịch này thì sự đột biến chính trị, cuộc chiến trên phạm vi toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố và sự không cân bằng kinh tế khêu gợi nỗi kinh hoàng, ngờ vực và khuynh hướng cực đoan trong dân chúng.
Tình hình ở quốc gia Myanmart: Một ví dụ nghiêm trọng cho sự bùng phát những cuộc xung đột như thế là nước Miến Điện (trong tiếng Đức tác giả gọi tên cũ Birma). Sau nhiều năm thống trị của lực lượng quân sự, một chính phủ dân sự thân với quân đội, năm 2011 đã đảm nhận việc chèo chống đất nước. Từ năm 2012 đã xảy ra nhiều cuộc bạo lọan do những phần tử dân tộc chủ nghĩa theo đạo phật gây ra. Nạn nhân là các thiểu số đạo Hồi, chủ yếu ở khu vực Rohingya . Hơn 200 người bị giết, hàng nghìn người bị xua đuổi. Nhiều người cho rằng, đảng cầm quyền USDP có nhúng tay vào vụ việc.
Ông Al-Hat U Aye Lwin thuộc Trung tâm đạo Hồi của Miến Điện cũng nói rằng, trong quá khứ lực lượng quân sự đã sử dụng tôn giáo để duy trì quyền lực. Ông ta nói “chúng ta sẽ bị tràn ngập bởi các tờ truyền đơn bài bác đạo Hồi”. Những chiến dịch gây hận thù như của nhà sư Phật giáo cực đoạn Wirathu được nảy mầm trên những mảnh đất mầu mỡ. Trong thời khắc giao thời, khi mà nhiều người tự hỏi mình, tương lại sẽ đem lại cho mình điều gì, ông ta khuấy động nỗi lo ngại là đất nước vào một lúc nào đó sẽ bị đạo Hồi làm chủ bởi vì người đạo Hồi sinh sôi nảy nở nhiều. Trong khi đó người theo đạo Hồi chỉ chiếm vài phần trăm dân số.
Ở quốc gia Sri Lanka, “Khi con người lo lắng thì sự bất khoan dung cũng nảy sinh”, cựu quan chức chính phủ Devanesan Nesiah ở SriLanka cũng nói vậy. Sau khi cuộc nội chiến khốc liệt được kết thúc trong năm 2009 thì áp lực cũng tăng rất lớn đối với những thành phần thiểu số. Người Sinhala, chiếm đại đa số dân số và cũng là người chiến thắng trong nội chiến và chính phủ cũng không nhận thấy có lý do gì cho sự khoan dung đối với người Tamil và phong trào ly khai của họ đã thất bại. Phần lớn, người Sinhala theo đạo phật, còn người Tamil thì đạo Hindu. Những cuộc tấn công của “lực lượng yêu nước” chống lại các thiểu số tôn giáo càng ngày càng tăng.
Tình hình ở quốc gia Indonesia: Nếu các tên tội phạm không bị trừng phạt và chính phủ không hành động thì sự leo thang tiếp nối của các xung đột sẽ xảy ra. Điều đó có thể xảy ra ở Indonesia, một quốc gia mà phần lớn người dân theo đạo Hồi, đó là lời cảnh báo của Tổ chức nhân quyền “Human Rights Watch”. Sau những lần tấn công các cơ sở đạo Thiên chúa giáo và Phật giáo, tổng thống Susilo Bambang Yuhoyono đã kêu gọi, phải cần nhiều hơn nữa sự tôn trọng và khoan dung. Nhưng chủ yếu cũng chỉ dừng lại ở lời kêu gọi mà thôi. Bạo lực chống lại các giáo phái Hồi giáo thiểu số phần lớn không bị xử lý.
Tình hình ở quốc gia Malaysia: Malaysia, nơi mà một phần ba dân số có nguồn gốc Trung Quốc hay Ấn độ, thì đặc quyền của người Mã Lai theo đạo Hồi giáo được xác định trong bản hiến pháp. Đối với những người thiểu số thì một bầu không khí bất ổn luôn luôn tăng thêm, đó là kết quả của cuộc trưng cầu ý kiến do Trung tâm Merdeka thực hiện trong năm 2011. Trong cuộc chiến giành giật các phiếu bầu cử của cử tri Mã Lai thì mỗi chính trị gia tìm mọi cách thể hiện mình ngoan đạo Hồi hơn ứng cử viên đối lập. Qua đó cuộc sống xã hội ngày càng đậm sắc chuẩn mực Hồi giáo, đó là lời phát biểu của học giả chính trị học Faris Noor của trường “School of International Studies” ở Singapur.
Sự Hồi giáo hóa ngày càng mạnh mẽ của xã hội đã bộc lộ rõ ràng trong các cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn ra chung quanh câu hỏi, liệu những người không theo đạo Hồi có được phép sử dụng từ Allah. Những người thiểu số ngày càng cảm thấy mình bị xúc phạm. Sự hợp tác tốt hơn nữa giữa các nhân vật lãnh đạo và các nhóm tôn giáo khác nhau và sự hổ trợ nhiều hơn nữa cho các nhóm đa tôn giáo là cần thiết cho một bầu không khí tốt hơn, đó là suy nghĩ của nữ công dân Philippines, bà Amina Rasul. “Chúng ta cần một lượng lớn những người đi tiên phong để đấu tranh”.
Đây không phải một phóng sự đầu tiên hay duy nhất về tự do tôn giáo ở châu Á nói chung và ở khu vực Đông Nam Á nói riêng. Cho đến nay đã có nhiều bài viết được đăng trong những năm qua trong tiếng Đức. Tôi chọn bài này để giới thiệu với bạn đọc bởi vì bài viết còn rất mới và liên quan đến “ hàng xóm sát nách” của Việt Nam. Một số ít người cho rằng hãng thông tấn này thân thiện với chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức.
Nhưng dù sao, phóng viên của hãng thông tấn này còn khách quan hơn cái loại phóng viên chửi Việt Nam vô căn cứ. Bài phóng sự của hãng thông tấn xã dpa đã giúp chúng ta so sánh tình hình tự do tôn giáo của một số nước trong khu vực và tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Bài phóng sự cho chúng ta thấy, tình hình tự do tôn giáo ở một số “hàng xóm sát nách” thực sự tồi tệ. Nếu ai đó nói “tự do tôn giáo ở Việt Nam có vấn đề” là không có cơ sở và không công bằng khi so sánh tình hình trong một khu vực. Nhân tiện đây tôi cũng xin nhắc một chi tiết thú vị, một số chính trị gia ở phương Tây vẫn khen tấm tắc, một số nước ở Đông Nam châu Á có một “nền dân chủ theo đúng nghĩa của nó”.
Nguồn: Mõ làng