Trang chủ Luận bàn - Phản biện Tự Do Tôn Giáo Là Gì? Bài 2

Tự Do Tôn Giáo Là Gì? Bài 2

213
0

Hồ Ngọc Thắng

Tự Do Tôn Giáo Là Gì? Bài 2

Trong bài viết “Tự do tôn giáo là gì? Bài 1” tôi đã trình bày suy nghĩ, nói đúng hơn là quan điểm của cá nhân tôi là: Bảo vệ tự do tôn giáo, trước tiên là phải bảo vệ sự tự do tham gia hay không tham gia một tôn giáo nào. Sự tự do lựa chọn đó phải bảo vệ bằng văn bản pháp luật và sự thực thi quy định đó trong cuộc sống hàng ngày.

Trong bài viết này tôi đưa ra những suy nghĩ của tôi về tự do tôn gíáo cho những người tham gia một tôn giáo ở một số quốc gia trong đó có Việt Nam.

Chúng ta ai cũng biết, trên thế giới có nhiều tôn giáo khác nhau. Một trong những tôn giáo lâu đời và có số lượng người tham gia lớn nhất là đạo thiên chúa giáo. Ở quốc gia A Rập Saudi, việc thực hiện các hành động của đạo thiên chúa giáo nơi công cộng đều bị cấm đoán. Việc nhập khẩu hay in lại kinh thánh (tiếng Đức gọi là Bibel) bị nghiêm cấm. Sẽ bị xử phạt, nếu ai tham gia các nghi lễ của nhà thờ như tụng kinh, lễ rửa tội…Ai bỏ đạo hồi của mình để theo đạo thiên chúa giáo sẽ bị xử tội, có thể tới mức án tử hình. Ở Cộng hòa Hồi giáo Iran thì đạo thiên chúa giáo không bị cấm, nhưng việc truyền đạo lại bị nghiêm cấm và bị trừng phạt.

Ở nhiều nước mà đạo hồi là quốc đạo thì khi kết hôn, người không theo đạo hồi bắt buộc phải theo đạo hồi. Tại Cộng hòa Irak thì đạo thiên chúa giáo và đạo tin lành không bị nhà nước nghiêm cấm hay cản trở sự tự do tôn giáo của giáo dân. Nhưng, tình hình đất nước hỗn loạn, cơ quan chính quyền không bảo vệ được nhà thờ và con chiên của hai dòng đạo này. Họ bị các dòng đạo khác đàn áp nghiêm trọng. Từ thực tế đó, cơ quan chuyên trách của CHLB Đức, hiên nay công nhận và cho phép công dân Irak được lưu vong vì lý do tôn giáo, nếu người nào đó chứng minh được rằng, mình có quốc tịch Irak và theo đạo thiên chúa giáo hay tin lành. Tất nhiên là người đó trước khi có mặt ở Đức chưa bị lấy vân tay ở các nước trong khối EU và Thụy Sĩ.

Còn tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Sau đây tôi trình bày những điều “mắt thấy tai nghe” của tôi: 

Trước đây tôi về Việt Nam cứ hai hoặc ba năm một lần, nhưng từ 10 năm trở lại đây năm nào cũng có mặt ở quê hương. Một thuận lợi lớn là tôi có bà con ở cả ba miền của đất nước. Nhờ có bà con họ hàng nên tôi dễ dàng tiếp xúc với cuộc sống của người dân địa phương. Tôi đã đi từ Bắc vào Nam từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng đến vùng sâu vùng xa hẻo lánh, ví dụ như đến tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, miền tây Thanh Hóa, miền tây Nghệ An, Đồng bằng Sông Cửu Long…

Các cơ quan nhà nước Đức không giao cho tôi nhiệm vụ điều tra hay xem xét tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam và tình hình nhân quyền của Việt Nam. Là một quan chức chính phủ được giao nhiệm vụ xét và quyết định về đơn xi tị nạn của người nước ngoài vì lý do chính trị hay tôn giáo, nên tôi luôn quan tâm đến các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp của mình.

Nhiều người nói, đây là bệnh nghề nghiệp, còn tôi thì gọi là sự quan tâm nghề nghiệp. Khi tới thăm một thành phố hay một vùng nông thôn, tôi cố gắng tìm đến các nhà thờ hay địa điểm sinh hoạt tôn giáo của người bản địa. Có lần tôi cùng vợ, con chứng kiến cảnh hoạt động tôn giáo của giáo dân xứ Bùi Chu-Phát Diệm ở Ninh Bình. Một hình ảnh luôn luôn đập vào mắt tôi là rất nhiều nhà thờ được tu bổ khang trang. Nhiều nhà thờ được xây mới.

Tôi đã hai lần đến thăm Chùa Bái Đính ở Ninh Bình trong năm 2010 và 2013. Khi đến thăm chùa này xong, ai giám nói là tự do tôn giáo ở Việt nam có vấn đề. Tôi thường xuyên tìm cách để bắt chuyện với giáo dân thiên chúa giáo và các phật tử. Qua phong cách và quần áo trên người, người dân dễ nhận ra tôi là Việt kiều chứ không phải là công an Việt Nam mặc thường phục, nên họ nói chuyện với tôi rất thoải mái về đời sống tôn giáo của họ.

Cho đến hôm nay tôi không phát hiện ra một dấu hiệu nào khả nghi sự vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam. Để đảm bảo tính khách quan khi nhìn nhận vấn đề, tôi đã nhiều lần nói chuyện với người thân của tôi. Mẹ tôi đã ngoài 80, nhưng vẫn còn khỏe và rất minh mẫn. Hai mẹ con tâm sự với nhau rất nhiều, mỗi khi tôi về Việt Nam. Khi hỏi, liệu chính quyền có gây khó dễ cho người dân trong hoạt động tôn giáo, mẹ tôi đã nói thế này: Hồi kháng chiến chống thực dân pháp, có một số người công giáo làm tay sai, gián điệp cho quân đội Pháp. Vì lẽ đó chính quyền phải cảnh giác với một số người. Bây giờ đất nước mình thực sự độc lập, thống nhất và dân chủ, cản trở tôn giáo để làm gì. Có một số người đội lốt tôn giáo để chửi chính quyền và xã hội. Họ là những người bất mãn với chế độ và nhà nước hoặc là họ hằn học vì một lý do nào đó mà chỉ họ mới biết được. Tôi tin mẹ tôi, tôi biết mẹ tôi không nói dối tôi.

Các cơ quan nhà nước và tòa án của Cộng hòa Liên bang Đức có một đánh giá thống nhất về tự do tôn giáo ở Việt Nam là: Vì tham gia tôn giáo hay hoạt động tôn giáo không một công dân nào bị nhà nước hay xã hội gây khó dễ hay đàn áp. Đánh giá này trước hết dựa vào văn bản pháp luật của Việt Nam. Trước tiên, điều 70 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đảm bảo quyền tự do tham gia và hoạt động tôn giáo của công dân.

Để cụ thể hóa quyền hiến pháp này thì Pháp lệnh 2004 về tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định thi hành 2005 được ban hành. Trong đời sống hàng ngày thì quyền tự do này cũng được đảm bảo. Chỉ có ai vừa hoạt tôn giáo vừa hoạt động chống đối, trong tiếng Đức họ dùng cụm từ “oppositionelle Tätigkeit”, mới bị gặp khó khăn với pháp luật. Để phục vụ hoạt động chuyên môn của các cơ quan và tòa án, Bộ ngoại giao Đức đưa ra đều đặn báo cáo về tình hình ở Việt Nam, lần cuối là trong năm 2013. Bản báo cáo này là tài liệu chỉ dùng trong cơ quan chuyên trách nên được xếp vào loại “giữ kín” (trong tiếng Đức là Verschlusssache).

Vì lẽ đó tôi không được phép tiết lộ chi tiết về nội dung báo cáo. Tôi biết, tôi không phạm tội tiết lộ bí mật quốc gia, nếu tôi nói: Chương 1.4. của bản báo đề cập chi tiết về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Tôi cũng biết, tôi không bị xử lý theo quy định của nghành, nếu tôi nói: Đánh giá của Bộ ngoại giáo Đức về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam là khách quan và chính xác.

Các quan chức được giao nhiệm vụ xét đơn tị nạn của người Viêt Nam được cung cấp một loại hồ sơ mà người Việt hay gọi “cẩm nang” phục vụ quyết đinh. “Cẩm nang” này luôn luôn được bổ sung đúng với tình hình thực tế ở Viêt Nam. Trong “cẩm nang” này thì câu hỏi về tự do tôn giáo ở Việt Nam được trình bày khá chi tiết.Các quan chức phụ trách Việt Nam cũng được được bồi dưỡng kiến thức về lịch sử, văn hóa, kinh tế và chính trị Việt Nam. Để có khả năng nhận xét, liệu một người xin tị nạn nói dối hay nói thật, thì các quan chức thường xuyên được nâng cao chuyên môn về lĩnh vực tâm lý học.

Hàng năm Bộ nội vụ Liên bang chi một khối lượng tài chính khổng lồ để nâng cao nghiệp vụ quan chức xét và quyết đinh đơn tị nạn, một lượng tiền không nhỏ chi vào việc mời các nhà tâm lý học đến thuyết trình. Rất có thể là các quan chức được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ chu đáo và có trong tay các tài liệu chính xác về tình hình Việt Nam, cho nên những năm gần đây hầu như không có công dân nào của Việt Nam được lưu vong vì lý do tôn giáo. Có người tị nạn khai là phải chạy trốn khỏi Việt Nam vì lý do chính trị, hay tôn giáo nhưng quan chức Đức họ lật lại các tờ báo mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng mua được ra xem. Các bài báo kể tỉ mỉ việc vở nợ của người đó hoặc có người bị truy tố tội lừa đảo, nhận hối lộ hoặc môi giới hối lộ, nhưng khai là hoạt động chính trị . 

Hàng tháng, hàng quý, hàng năm, Bộ nội vụ Liên bang Đức đưa ra thông báo báo chí về thống kê số người nộp đơn xin tị nạn và kết quả quyết định. Nhiều năm trước đây, Việt Nam luôn ở trong danh sách “Top 10” có số lượng người xin tị nạn ở Đức. Theo thống kê đã công khai đưa ra cho những năm gần đây thì số lượng đơn xin tị nạn của người Việt rất ít, những người Việt Nam được ở lại Đức chủ yếu không phải vì bị đàn áp do lý do chính trị hay tôn giáo mà vì lý do nhân đạo. Đại đa số những người được ở lại phần lớn vì bệnh tật hiểm nghèo hay hoàn cảnh gia đình éo le rất đặc biệt. Nếu xem chu đáo thống kê công khai của Bộ nội vụ Cộng hòa Liên bang Đức về đơn xin tị nạn của người Việt Nam thì không ai giám quả quyết “tự do tôn giáo ở Việt Nam có vấn đề”.

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây