Trang chủ Luận bàn - Phản biện Tốt Đời Đẹp Đạo

Tốt Đời Đẹp Đạo

234
0

Tốt Đời Đẹp Đạo

Bài viết trên trang Tin Tức có đề cập: Vụ gây rối ở xã Nghi Phương (Nghi Lộc, Nghệ An) đã để lại những hậu quả đáng tiếc, lấy đi sự bình yên vốn có từ nhiều đời nay. Và phần nào đó, đã làm rạn nứt tình làng, nghĩa xóm, làm tổn thương đến trật tự xã hội, truyền thống gắn bó của những người dân nơi đây. 

Trong bài viết này, chúng ta cùng nhìn lại những câu chuyện đời thường, những tấm lòng bác ái với cộng đồng, đầy tinh thần trách nhiệm với xã hội, với đất nước của những người con dân Chúa không chỉ ở Nghi Phương mà trên khắp các vùng quê xứ Nghệ, nơi Thiên Chúa và tình thương ngự trị song hành với pháp luật của Nhà nước.

Trong tổng số 16 xóm, Nghi Phương có tới 7 xóm Công giáo toàn tòng, 4 xóm Công giáo xen người không theo đạo, 54% hộ dân trong xã là giáo dân. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, chính quyền xã Nghi Phương đã có nhiều việc làm cụ thể hướng đến giáo dân, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, yên tâm sống tốt đời, đẹp đạo. 

Ông Nguyễn Trọng Tạo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã khẳng định mọi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội, khi được triển khai thực hiện, xã đều dành sự ưu ái đặc biệt cho bà con có đạo. Xã luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế tại các xóm Công giáo, quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn là giáo dân. 

Vị Chủ tịch xã giãi bầy: “Khi chưa xảy ra vụ lộn xộn vừa qua, trên địa bàn xã, tình làng, nghĩa xóm, sinh hoạt cộng đồng diễn ra rất tốt đẹp, chúng tôi sống với nhau bằng tình quê hương, bằng tinh thần trách nhiệm. 

Trong đời sống hàng ngày, mọi sự, vụ của bà con giáo dân, mỗi khi có việc vui, buồn hoặc nhất là trong những ngày lễ trọng của Công giáo, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể trong xã đều đến thăm, đến dự, để động viên, chia sẻ hoặc chung vui với bà con, không phân biệt lương, giáo”. 

Cũng là xã có phần đông đồng bào Công giáo sinh sống, xã Đô Thành, huyện Yên Thành được coi là một điển hình của phong trào xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An với nhiều gia đình giáo dân làm kinh tế giỏi, có “của ăn, của để.”

Gia đình giáo dân Nguyễn Đức Hòe (xóm giáo Phú Vinh) là một hộ như thế. Nằm giữa làng, nhà ông Hòe là ngôi nhà 3 tầng khang trang, thuộc diện đẹp nhất trong xã, được gây dựng bởi công sức, trí tuệ mà ông và gia đình gây dựng nên cùng sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương. 

Thấm nhuần lợi dạy của Thiên Chúa, quan tâm đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhờ thành công trong phát triển kinh tế gia đình, ông Hòe còn là một trong những hộ giáo dân tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, vì cộng đồng. 

Bản thân ông Hòe đã tình nguyện phá bỏ tường rào ngôi nhà đang ở, xây lui vào trong, hiến cho xóm trên 200m2 để mở rộng con đường cho bà con trong xóm. Giải thích về việc làm của mình, ông tâm sự: Thu gọn bờ rào, nhà chật đi không đáng kể nhưng bà con chòm xóm lại có được con đường đi sạch sẽ, rộng rãi hơn. Đó là điều có ích cho xã hội, nên làm. 

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đô Thành Hồ Văn Ngân, hưởng ứng chủ trương của xã, đã có nhiều giáo dân tình nguyện hiến đất để mở đường như ông Hòe, nhiều người sẵn sàng đập bỏ hàng rào, đóng góp công sức lao động để cùng với xã, xóm mở rộng, nâng cấp đường giao thông. 

Ở Đô Thành, 100% đồng bào có đạo được đối xử bình đẳng trong việc tham gia các phong trào và hưởng các chế độ chính sách ở địa phương. Xã cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để đầu tư cho bà con có điều kiện học tập, vay vốn làm ăn, nâng cao thu nhập. 

Cũng nhờ thành quả đổi mới của đất nước cùng với chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc đảm bảo tự do tín ngưỡng cho mọi công dân, cùng với tình đoàn kết trong cộng đồng nên bà con giáo dân trong xã luôn thực hiện đúng đường hướng mục vụ: sống phúc âm trong lòng dân tộc, phát huy được nhiều thế mạnh của mình. Nhiều hộ trở nên giàu có, trở thành những điển hình trong làm ăn, lao động sản xuất. 

Từ chỗ là là một trong những xã nghèo nhất của huyện Yên Thành, thì nay, Đô Thành được biết đến là một trong những xã giàu nhất tỉnh Nghệ An, nơi có hàng trăm người đang là tỷ phú, trong số đó có rất nhiều giáo dân. Không chỉ mạnh về kinh tế, Đô Thành còn có niềm tự hào lớn với thành tích 36 con em giáo dân trúng tuyển trong kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua. 

Rời Yên Thành, chúng tôi tìm đến xóm 3, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. 

Là xóm Công giáo toàn tòng, trước năm 2007, số hộ nghèo đói ở xóm 3, Nam Lộc chiếm trên 50%, thì nay, chỉ còn 10 hộ nghèo theo thống kê thu nhập, còn thực tế nhà cửa được xây dựng kiên cố, con cái được học hành. 

Trên địa bàn xóm, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, nâng cấp; người dân luôn có ý thức giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, không làm điều xấu, tránh xa tệ nạn xã hội… Diện mạo nông thôn mới của xóm đang hiện hữu, đổi thay rất nhiều so với trước. 

Tạo nên những đổi thay đó, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cùng bà con giáo dân còn có vai trò to lớn của ông Nguyễn Văn Bảy (76 tuổi), Bí thư chi bộ xóm. Nhiều năm liên tục, ông Bảy trực tiếp tuyên truyền cho giáo dân ăn ở hòa thuận, làm tốt việc đạo, việc đời, xây dựng một thiên đường hàng ngày trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Bảy hồ hởi cho biết các hộ dân trong xóm đều tin tưởng vào các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của địa phương, yên tâm chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, cũng là cách làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Trong xóm, Đảng nói dân nghe, dân nói Đảng nghe, việc đời, việc đạo được thuận hòa, cùng mong những điều tốt đẹp đến với người dân, đến với xã hội. 

Bằng nỗ lực của mình cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, nhiều giáo dân đã chuyên tâm lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Trên bình diện tổng thể, tại Nghệ An, phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận, thể hiện rõ trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Có thể kể đến huyện Quỳnh Lưu, bà con giáo dân xứ Cẩm Trường, Thuận Giang, Sơn Trang, Thanh Dạ đã hiến 1.620 m2 đất, tháo giỡ trên 1.000m tường bao để làm đường giao thông. Ở giáo họ Phan Thôn, xứ Bồ Sơn, xã Nghi Kim, thành phố Vinh, giáo dân hiến 800m2 đất và nhiều hạng mục công trình hai bên đường liên xóm và đóng góp 392 triệu đồng xây dựng 710m đường bêtông kiên cố. 

Các mô hình mới trong phát triển kinh tế trong đồng bào Công giáo xuất hiện ngày càng nhiều, như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Vũ Văn Đức ở giáo xứ Xuân An, xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu; mô hình mây tre đan xuất khẩu ở giáo xứ Làng Anh, huyện Nghi Lộc…

Không chỉ quan tâm, tạo điều kiện cho giáo dân phát triển kinh tế, vào các dịp lễ lớn của đất nước và của giáo hội, chính quyền các địa phương luôn tạo điều kiện để các giáo xứ, giáo họ, khu dân cư tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo ra bầu không khí đoàn kết, vui tươi phấn khởi trong cộng đồng dân cư. 

Linh mục Nguyễn Đăng Điền, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo Nghệ An, khẳng định chính quyền và các ban ngành trong tỉnh Nghệ An luôn tạo thuận lợi cho các hoạt động công giáo diễn ra bình thường, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân; các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của bà con giáo dân đều được giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

Ở những nơi có đồng bào công giáo sinh sống, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai, nhất là các dự án liên quan đến đầu tư xây dựng hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho giáo dân. 

Tại các vùng Công giáo đã có trên 25 làng nghề, 33 làng có nghề và hàng trăm hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân hoạt động có hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ hộ giàu ở vùng Công giáo Nghê An đã tăng lên 41%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16,63%; năm 2006 có 27 xã vùng Công giáo là xã nghèo thì nay chỉ còn 9 xã. 

Chính quyền các cấp trên miền quê xứ Nghệ còn luôn nhất quán quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào Công giáo. Những nhu cầu tôn giáo chính đáng, hợp pháp, phù hợp thực tế và phù hợp với luật pháp Việt Nam cơ bản được giải quyết kịp thời, đúng quy định. 

Chỉ tính từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã giải quyết cho tách lập 23 xứ đạo, 43 họ đạo; phê duyệt, cấp phép xây dựng cho trên 70 nhà thờ, nhà phòng, nhà học giáo lý; hàng chục cơ sở tôn giáo được địa phương giải quyết mở rộng khuôn viên; 97% cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chấp thuận thụ phong cho trên 70 linh mục, hàng chục linh mục đi du học nước ngoài.

Rời miền quê, qua những cánh đồng lúa đang chín, trong tiếng chuông nhà thờ ngân vang, chúng tôi vững niềm tin về một ngày mai tươi sáng đang trở lại ở xứ đạo vốn thanh bình Mỹ Yên.

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây