Những vấn đề mà ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm UBKT TƯ trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về công tác kiểm tra giám sát và tổ chưc đối với cán bộ chủ chốt các ngành, nghề, doanh nghiệp nhà nước đã quá xưa cũ. Mỗi khi có một vụ việc nghiêm trọng nào đó, thể nào cũng có một ai đó nói lại những “băn khoăn” kiểu này. Song chẳng ai nhắc đến tính công khai và vai trò giám sát của nhân dân trong đấu tranh chống tiêu cự, tham nhũng. Cán bộ thanh tra có thể lờ đi với những biểu hiện rất hiển nhiên “có vấn đề” của cán bộ như tài sản bất minh, lối sống sa đọa… nhưng nhân dân thì không.
Ông Vũ Quốc Hùng
TP – Trao đổi với Tiền Phong về vụ án nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT T.Ư thẳng thắn: “Công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức, quản lý, đề bạt Dương Chí Dũng cần phải được mổ xẻ để xem xét. Thậm chí cần có hội nghị bàn riêng về việc này”.
Điều tra tốt vì không vướng rào cản
Thưa ông, ngay sau khi có công bố của cơ quan điều tra về khoản thiệt hại cả trăm tỷ đồng trong vụ án Dương Chí Dũng…Cảm xúc của ông khi đó như thế nào?
Tuần qua khi nghe thông tin về kết quả điều tra đối với Dương Chí Dũng, trong tôi lúc đó bùng lên một cảm xúc xót xa, đau xót. Vì Dũng cũng là con một gia đình có truyền thống cách mạng. Bản thân Dũng cũng là đảng viên. Vậy tại sao lại đến nông nỗi này? Đối với những điều công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, tôi nghĩ Dũng khó thoát khỏi hình phạt rất nặng.
Tôi phải nói rằng điều đau buồn chính là việc quản lý, giám sát cán bộ, như thế nào mà để xảy ra vụ tiêu cực đến thế. Tại sao để cho con người như vậy quản lý một doanh nghiệp có tài sản lớn của đất nước. Và con người đó được trọng dụng từ chức này tới chức khác. Đó là điều đáng suy nghĩ!
Sự suy thoái lẩn khuất đâu đó trong bộ phận cán bộ đảng viên đã được chỉ rõ bằng những căn hộ hạng sang tặng cho bồ nhí của Dương Chí Dũng. Ông đánh giá sao về cách làm cũng như kết quả điều tra của cơ quan chức năng?
Để có đánh giá đầy đủ về kết quả điều tra vụ án, chắc chắn chúng ta còn phải tiếp tục. Tuy nhiên phải thấy rằng, mặc dù vụ án khởi tố đã lâu, nhưng kết quả ban đầu đó là bước tiến bộ đáng hoan nghênh. Nó phản ánh quyết tâm chính trị mới được bắt đầu gợi lên từ Nghị quyết T.Ư 4.
Tôi biết các đồng chí trực tiếp làm công tác điều tra là những người rất tinh tường. Nhưng có thể vì lý do này, khác mà họ phải rụt rè. Lần này thì kết quả điều tra đã sáng tỏ hơn, triệt để hơn so với các vụ án trước.
Cụ thể như đã định tính, định lượng các mối quan hệ; đồng tiền tham nhũng từ đâu ra, đi về đâu… Điều quan trọng trong công tác điều tra là họ nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật mà vượt qua rào cản.
Dù không ai mong muốn, nhưng vụ án Dương Chí Dũng có gợi cho ông nhiều suy ngẫm trong công tác xây dựng Đảng?
Trước tiên tôi phải nói đây là bài học cần rút kinh nghiệm về công tác kiểm tra, thanh tra của các cấp, trong đó có Ủy ban Kiểm tra các cấp, các ngành vì dư luận về Dương Chí Dũng có từ lâu.
Nếu như chúng ta làm với tinh thần kịp thời, quyết tâm có trách nhiệm chắc hẳn sẽ ngăn ngừa được những tổn thất về cán bộ và thất thoát lớn về tài sản của nhà nước. Vì vậy trong công tác kiểm tra cần lắng nghe dư luận, lắng nghe nhân dân nhiều hơn.
Một trong những con tàu của Vinalines (ảnh minh họa). Ảnh: Ngọc Châu.
Cần mổ xẻ việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng
Vậy bài học về công tác tổ chức ra sao khi cơ quan Thanh tra Chính phủ đang thanh tra Vinalines thì Dương Chí Dũng đồng thời được cất nhắc làm Cục trưởng Cục Hàng hải?
Đây cũng là bài học về công tác tổ chức cán bộ. Thực ra các quy định, quy trình về công tác này không ít nhưng tại sao chúng ta vẫn để “lọt”? Vậy ta phải rút bài học thế nào cho công tác tổ chức, cán bộ trong tương lai. Trong đó vấn đề nhức nhối hiện nay chính là nạn chạy chức chạy quyền.
Tôi nghĩ các cơ quan làm tổ chức, cơ quan nội vụ cần nghiên cứu kỹ và rút kinh nghiệm ngay vấn đề tại Vinalines trong công tác cán bộ.
Điều quan trọng là chúng ta phải ngăn chặn làn sóng chạy chức, chạy quyền để chọn người hiền tài cho đất nước.
Lâu nay dư luận rất nhức nhối về nạn chạy chức, chạy quyền nhưng lại chưa có ai chỉ ra được đích danh. Liệu cơ quan kiểm tra, điều tra có nên xem xét thấu đáo quy trình bổ nhiệm cán bộ đối với Dương Chí Dũng thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, đây là vụ việc cụ thể, nên cần có sự mổ xẻ chi tiết. Công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức, quản lý, đề bạt đều phải mổ xẻ để xem xét. Thậm chí cần có hội nghị bàn riêng về việc này.
Cơ quan điều tra cung cấp thông tin, để thấy được bức tranh toàn cảnh về con đường thăng tiến cũng như những sai phạm của Dũng. Nhưng tôi cũng lưu ý rằng, Dũng không phải độc nhất vô nhị. Nếu xử lý đến nơi đến chốn và rút kinh nghiệm thấu đáo vụ này sẽ góp phần phòng ngừa ngăn chặn những vụ việc khác.
Ông có gợi mở gì về những điều mà công tác cán bộ cần phải rút kinh nghiệm điều chỉnh?
Trong công tác đề bạt và quản lý cán bộ, kiểm tra cán bộ chúng ta cần phải lắng nghe thêm từ kênh nhân dân. Phải công khai hóa những vấn đề của cán bộ có chức, có quyền. Và tạo môi trường để người dân giám sát. Cần công khai tài sản, công khai đánh giá về đạo đức tư cách, công khai gia đình.
Hơn nữa, chúng ta cũng nên công khai về chủ trương quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Khi công khai rồi thì cần trân trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân, chắt lọc những ý kiến đúng…
Cũng phải nói thêm rằng, việc công khai công tác tổ chức sẽ làm cho nhà quản lý vất vả hơn, nhưng sẽ làm cho công tác cán bộ dân chủ, công khai, minh bạch hơn chứ không thể đóng cửa trong công tác cán bộ được.
Nhưng thưa ông, trước khi để nhân dân góp ý, thì trong nội bộ Đảng phải làm thật tốt. Đáng tiếc là sự đấu tranh trong nội bộ đang thiếu lửa mà còn nặng hình thức, nể nang?
Chúng ta đang chuẩn bị những bước ban đầu cho Đại hội lần thứ XII của Đảng. Mỗi lần Đại hội là có sự thay đổi thế hệ lãnh đạo. Vụ việc Dương Chí Dũng phải được coi là bài học để rút kinh nghiệm, không chỉ nói cho qua mà từ đó xem xét lại quy trình, củng cố lại quá trình kiểm tra, giám sát trong Đảng.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư đã nói, cán bộ kiểm tra ngoài phải có năng lực trình độ, đồng thời phải có dũng cảm. Hiện nay không ít những người biết sự việc nhưng không dám nói ra.
Tuy nhiên, đừng nghĩ họ hèn, mà quan trọng là công tác tổ chức, lãnh đạo như thế nào để khi họ nói ra phải được bảo vệ, được hoan nghênh. Nếu họ nói chưa chính xác phải được giải thích lại, còn kẻ lợi dụng dân chủ để vu khống thì cần xử lý nghiêm.
Chống chạy chức – lãnh đạo phải liêm!
Tham nhũng và suy thoái đạo đức gắn chặt với nhau, cụ thể ở vụ án này, hình bóng của “vợ nọ, con kia” quan hệ mật thiết với khối tài sản bất minh, ông có cho rằng ngành kiểm tra Đảng nên có chuyên đề kiểm tra về phạm trù suy thoái khá nhạy cảm này?
Khi có chức, có quyền nếu không có sự tu dưỡng của bản thân, cũng như sự giám sát chặt chẽ của tổ chức, sẽ rất dễ suy thoái. Tình trạng này phải được nghiên cứu trên cơ sở cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4.
Bây giờ anh có tiền, mà đồng tiền của nhân dân lấy làm của riêng quá dễ, thực tế đó là đồng tiền ăn trộm ăn cắp của dân, lại có chức có quyền nên những con người kém phẩm chất dễ xa hoa, dễ buông thả trong đó có việc ăn nhậu, gái mú, bồ bịch.
Từ cổ tới kim người đời đã nhắc nhở. Nếu ta đi về đền Trần có 8 điều răn của Hưng Đạo Đại Vương, trong đó có thử thách đối với cán bộ trước tửu sắc. Điều này rõ ràng là không còn mới lạ, nếu là người cách mạng chân chính phải biết vượt qua. Đồng thời tổ chức cũng phải giám sát chặt. Chứ dễ người, dễ ta thì nguy hiểm.
Nói là vậy nhưng đi vào thực tế có cái khó. Nếu tổ chức sát sao thì có người khó chịu. Đặc biệt những người có chức có quyền khó chịu. Vì vậy những người đứng đầu phải nêu gương tự phê bình, và khuyến khích những người khác phê bình lãnh đạo.
Bác Hồ từng nói cán bộ là gốc của mọi công việc, nhưng thực tế cho thấy “cái gốc” ấy đang bị lung lay khi chạy chức, chạy quyền thao túng, theo ông chúng ta có giải pháp gì để ngăn ngừa vấn nạn chạy chức, chạy quyền?
Tôi cho rằng, những người trong cuộc đều biết cả. Bây giờ các hình thức chạy cũng đa dạng, tinh vi. Do đó, những người làm tổ chức, kiểm tra phải chỉ ra, tổng kết xem có các hình thức chạy chức, chạy quyền nào. Ví như đương sự tự chạy, nhóm “cò” chạy, vậy nhóm “cò” đó là những ai?
Dư luận cho rằng việc chạy chức, chạy quyền là có, nhưng khó chỉ ra ở chỗ nó rất tinh vi và biến tướng. Nhưng cũng có cái thuận ở chỗ nó không phải là cái kim.
Theo tôi để ngăn ngừa tình trạng này thì trước hết những người đứng đầu ở các cấp, các ngành, đơn vị… là phải hết sức liêm. Ta phải ngăn ngừa từ cả hai phía, người chạy và người được chạy. Cũng giống như người đi mua và người đi bán. Anh không bán thì không ai có thể mua, có thể chạy.
Nếu như không có chuyện chạy chức, chạy quyền nhân dân sẽ rất vui, nhưng nếu có mà được chỉ ra cụ thể cũng sẽ đem lại niềm tin của dân vào Đảng, thưa ông?
Đúng vậy, nếu tìm ra cụ thể một việc chạy chức, chạy quyền thì nhân dân sẽ càng tin tưởng hơn vào Đảng. Dân rất tin ở những điều chính đáng. Dân rất tin thành quả của cách mạng. Dân rất hi vọng một đạo đức, một lối sống toàn tâm, toàn ý của những cán bộ đảng viên thực sự vì đất nước vì dân tộc.
Cảm ơn ông!
PHÙNG SƯỞNG
Nguồn: Mõ làng