Trang chủ Mõ Làng Bức thư gửi Lê Hiếu Đằng của các bạn trẻ nhân ngày...

Bức thư gửi Lê Hiếu Đằng của các bạn trẻ nhân ngày 2/9

172
0

Bức thư gửi Lê Hiếu Đằng của các bạn trẻ nhân ngày 2/9

Trên FB “Việt Nam trong trái tim tôi” nhận được bức thư của các bạn sinh viên thay mặt cho thế hệ trẻ gửi ông Lê Hiếu Đằng. Giới trẻ đã lên tiếng. Chúng ta, những người già hãy lắng nghe.

CHÚNG TÔI THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM GỬI ĐẾN LÊ HIẾU ĐẰNG NHÂN NGÀY 2/9

Cả nước ta vừa kỷ niệm ngày Cách mạng tháng 8 và từng bừng kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 sắp tới. Là một sinh viên, một thế hệ thuộc tầng lớp trí thức hiện nay, bản thân tôi cũng thấy tự hào về những năm tháng hào hùng đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Thế nhưng, thời gian gần đây, dư luận xôn xao với một cựu Đảng viên Đảng Cộng Sản mang tên Lê Hiếu Đằng. Người đang muốn “thanh toán, tính sổ” với tất cả (trong đó có Đảng Cộng Sản) và khởi xướng việc thiết lập chính quyền Đa Đảng. Chính những “ý tưởng sáng tạo” đó của ông Đằng đã thôi thúc tôi gửi tới ông bức thư với những suy nghĩ thực lòng của thế hệ đi sau cả nửa thế kỷ.

Thư gửi Ông Lê Hiếu Đằng

Thưa ông Đằng “kính mến” !

Tôi là một sinh viên và có lẽ tuổi đời của tôi không đủ “già” để can gián hay khuyên ngăn gì ông hết và thực lòng tôi cũng không viết thư này để khuyên ngăn ông. Tôi thiết nghĩ những gì về ông và về những “tâm sự” trên giường bệnh của ông thì dư luận đã bàn cãi, đã phân tích và khen chế hết mọi nhẽ rồi nên tôi cũng chẳng nói thêm làm gì nữa. Điều mà tôi muốn nói là những suy nghĩ của tôi- thế hệ trẻ trước những “ý tưởng mới” của ông. Ông Đằng ạ, bản thân ông có một tiểu sử cũng khá là lẫy lừng khi đã từng học Đại học luật khoa, Sài Gòn; ông nguyên là phó Tổng Thư Ký Ủy ban Trung Ương Liên Minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam ; nguyên Tổng thư ký ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.HCm; là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc Khu Ủy Sài Gòn- Gia Định thế nhưng ông lại có những phát biểu khiến lớp trẻ chúng tôi phải thấy buồn lòng. Tôi không hiểu nguyên nhân nào khiến một người có 45 tuổi Đảng và đã cùng nhân dân cả nước đổ biết bao xương máu để giành lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc, thế mà bây giờ, khi đã ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” thì ông lại quay ngược lại “chà đạp” lên lý tưởng một thời mà bản thân ông đã từng theo đuổi. Thưa ông, ông nghĩ như thế nào mà ông lại có thể nói rằng: “Sau khi hy sinh biết bao xương máu, nay Đảng và Nhà nước Việt Nam đều phải len lén nhìn ông bạn láng giềng Trung Quốc, những kẻ luôn chực nuốt chửng nước ta và vào năm 1979 họ đã xua quân tàn sát người dân Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc.” Theo ông như thế là Việt Nam không có tự do, độc lập hay sao? Tôi nghĩ ông nên nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đi. Đã bao phen nước nhà độc lập và cũng đã bao phen ngoại bang tìm mọi cách xâm lấn. Thế nhưng bằng ý chí quật cường và tinh thần đoàn kết, dân tộc ta đã đập tan ý chí xâm lược của quân thù. Vậy thì việc nước ta độc lập và ngoại bang đang có ý định xâm lấn như thời gian vừa qua không có nghĩa là nước ta không độc lập thực sự, không tự do thực sự. Nhiệm vụ dựng nước luôn không tách rời khỏi nhiệm vụ giữ nước. Tôi nghĩ điều này thì không cần giải thích thì ông cũng đủ “minh mẫn” để hiểu đúng sai như thế nào, phải không thưa ông?

Ông Hiếu Đằng à, có lẽ bản thân tôi còn non nớt và chưa đủ độ “chín” như những gì mà ông đã trải qua nên không thể “thẩm thấu” được cái lý thuyết đa nguyên, đa đảng và chế độ dân chủ tự do mà ông nói là như thế nào nhưng mong ông đừng quá tôn thờ chủ nghĩa Phương Tây như vậy. Ông chỉ nhìn thấy những kẻ giàu có, kệch cỡm ở các nước dân chủ mà không nhìn ra những khu nhà ổ chuột, những cảnh sống tối tăm đang từng ngày diễn ra trên đất nước họ. Nếu những sinh viên như chúng tôi sau khi đi du học nước ngoài về đều nghĩ và làm như ông thì thật sự chẳng biết xã hội này sẽ ra sao? Ông nói rằng “Không có tự do thì không thể có khoa học, văn học, nghệ thuật, báo chí… thật sự” nhưng sao ông không nghĩ lại trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, trong lao tù Tưởng Giới Thạch thì Bác Hồ của chúng ta vẫn sáng tác nên những bài thơ đầy tinh thần bất diệt. Hay như những nhà văn, nhà báo cùng thời, họ không có tự do ở cái thời chiến loạn nhưng vẫn là những nghệ sỹ của nhân dân đấy thôi. Ông Đằng ạ, theo tôi thì tự do chỉ thực sự hiện diện khi tâm hồn mình thực sự được giải phóng. Tôi thiết nghĩ ông nên phá bỏ “xiếng xích” cho tâm hồn mình thì khi đó ông hãy nói những điều ông thực sự nhìn thấy và cảm nhận trong gần hết cuộc đời mình. Với 45 năm tuổi Đảng và những cương vị quan trọng mà ông nắm giữ khi còn trong hàng ngũ Đảng mà bây giờ lại quay ra “phản bội” lý tưởng và những gì ông đã làm trong suốt thời gian qua thì thật là phi lý. Ông nói rằng Đảng Cộng Sản là đảng độc quyền và ngày trở thành kiêu binh. Đâu đâu cũng vỗ ngực xưng tên là “ĐCSVN quang vinh muôn năm”. Ông nói là ông không nhìn thấy Đất nước và dân tộc đâu sau câu khẩu hiệu đó. Ông Đằng à, sao ông không nhận ra Đảng chính là Tổ quốc, là dân tộc, là nhân dân Việt nam. Đảng là do nhân dân lập nên, là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Tôi nghĩ ông quá chủ quan khi nghĩ rằng “rất nhiều đảng viên đang muốn ra khỏi hàng ngũ Đảng” mà không nhận ra những thế hệ trẻ như chúng tôi đang ngày đêm phấn đấu để được có 1 ngày vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tôi tin chắc, những người trẻ như chúng tôi sẽ vỗ ngực mà tự hào khi một ngày được gọi là đảng viên Đảng Cộng Sản chứ không như những kẻ bán rẻ niềm tin và lý tưởng của mình vì những ảo vọng khác. Thế hệ trẻ chúng tôi đặt niềm tin dưới ngọn cờ của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đặt lý tưởng sống vào đường lối của Đảng khi được sống trong một đất nước hòa bình, một xã hội không có bạo động, không có nội chiến như ngày nay.

Ông Đằng “kính mến” bậc hậu sinh này chỉ xin nói những lời chân thực gửi đến ông. Tôi và những người cùng thế hệ sẽ luôn vững bước đi theo con đường có ánh sáng của Đảng và chúng tôi sẽ ra sức mình bảo vệ Tổ Quốc trước những “nanh vuốt” của kẻ thù và chúng tôi sẽ không phản bội lại lý tưởng của mình như những gì mà hôm nay bản thân ông đang “phô bày” cho cả thế giới biết.

Phong Linh

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây