Đọc bài “suy nghĩ trong những ngày dưỡng bệnh” đăng tải trên mạng Bô xít VN ngày 17-8-2013 của một “nhà bất đồng chính kiến” Lê Hiếu Đằng tôi không ngạc nhiên mà cũng chẳng bất ngờ về nhân vật mà các phần tử, chống đối, cơ hội, bất mãn đã và đang ra sức tung hứng, như một “ngọn cờ” để chống phá Đảng Cộng sản, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảng “thành tích” lược sơ sau đây để cho chúng ta thấy được chân dung của nhà “dân chủ” này: Ông Đằng là một trong 72 người đầu tiên ký vào “kiến nghị 72″ sửa đổi Hiến Pháp 2013. Ông Lê Hiếu Đằng là một trong những người đi đầu trong phong trào biểu tình tại Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông. Ông ta đã từng phát ngôn “Việt Nam vi phạm nhân quyền khi trấn dẹp biểu tình chống Trung Quốc”. Về phiên tòa xét xử hai nhạc sĩ Việt khang và Trần vũ anh Bình ngày 30/10/2012, ông nói: “Trấn áp không dập tắt được những tiếng nói yêu nước phản kháng”. Ông Đằng đã từng khẳng định: “Việc đổi tên nước là thời cơ rất lớn để thay đổi một số điều trong hiến pháp, làm đòn bẩy cho sự phát triển của đất nước. Nếu vẫn như cũ thì rất tiếc, thời cơ qua đi.” v.v..?
Các “chiến sĩ dân chủ” đang có tham vọng làm một cuộc “cách mạng dân chủ mới” ở Việt Nam! qua lời “Hiệu triệu” của một ông già “chém gió” trên giường bệnh. Quá khứ cách mạng và công tác ấy của ông tôi trân trọng. Nhưng tiếc thay, ông đã tự vứt bỏ sự trân trọng ấy, ông đã không đồng hành với Đảng đến cùng. Trước những cám dỗ hão huyền của danh vọng trên các phương tiện truyền thông không có thiện chí với Việt Nam. Lê Hiếu Đằng đã nhập cuộc một cách xăng xái nhất với ý nghĩ ngông cuồng “Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa” !? Ông bị lung lay, dao động và do tham vọng cá nhân, ông đi đến phản bội mục tiêu, lý tưởng, con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lê Hiếu Đằng trở thành “nhà bất mãn”, tiếp tục hoạt động chống Đảng. Điểm qua một số phương tiện thông tin đại chúng phương Tây, và một nhóm phần tử người Việt lưu vong đua nhau “lăng xê” ông lên mạng In-tơ-net, tung hô ông là “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà cách mạng dân chủ mới” ở Việt Nam ? Người ta cũng có thể tặng thêm cho ông một “nhà” nữa, đó là “nhà bất mãn chính trị chém gió hàng đầu”.
Đọc qua bài viết của ông Lê Hiếu Đằng đăng tải trên mạng Bô xít VN với lời “Bạt gió” của ông chủ mạng Huệ Chi thì tôi thấy một màu xám xịt xuyên suốt, xã hội mà hơn 90 triệu người Việt Nam đang sinh sống được “Cai trị” bằng một đảng “phát xít”, được điều hành bởi một “chính phủ thảo khấu”!? Bài viết của ông Đằng là sự thóa mạ chủ nghĩa Mác, là mạt sát Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội hiện nay ở Việt Nam, là đòi lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đòi thay đổi chính trị ở Việt Nam thành lập một đảng phái khác: “Đảng Dân chủ Xã hội”. kịch bản mà ông Lê Hiếu Đằng đưa ra là cái trò vu khống, xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình ở Việt Nam, ông Đằng cũng như những nhà “dân chủ” khác đang tâm biến mình thành con rối chính trị cho bọn phản động giật dây trong vở kịch đó. Kịch bản thì cũ mèm nhưng xuất hiện của một vai diễn trong cái làng “Kiến nghị 72″ gồm một nhóm những kẻ “bất mãn chính trị, bất đồng chính kiến” ở Việt Nam, kịch sĩ của họ sẽ nhận được một sự cổ vũ và ủng hộ của các nhà “dân chủ” ở trong và ngoài nước. Về kẻ sắm vai, phần được những người “cùng hội cùng thuyền” lăng xê, phần tự huyễn hoặc, cho mình là “nhà bất đồng chính kiến”, “chiến sỹ đấu tranh vì dân chủ” ở Việt Nam…. ông Lê Hiếu Đằng già nua bệnh hoạn đã “dối già” bằng cách thủ vai chính cho tấn trò xuyên tạc, dối trá và phản động. Việc ông Lê Hiếu Đằng đả kích, bôi nhọ, nói xấu, kích động để thực hiện tham vọng lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn xoay quanh những luận điệu “độc đảng, độc tài, không có tự do, dân chủ” v.v., như các “chiến sĩ dân chủ”, các “nhà bất đồng chính kiến” khác đã nêu. Có khác chăng chỉ là ông nói năng “văng mạng” và “liều mạng” hơn mà thôi,
Ông Lê Hiếu Đằng còn đưa ra luận điệu rằng: “không thể không đa nguyên đa đảng được. Như vậy điều 4 Hiến pháp hiện nay là đi ngược lại với sự vận động của thực tiễn, cản trở sự phát triển của đất nước. Nếu Đảng cộng sản chấp nhận đa đảng thì sẽ tạo ra cho mình có sức kháng thể, tạo cơ may thoát được tình trạng quan liêu, tham nhũng làm ruỗng nát như hiện nay…”!? – Đây là kiểu nói hồ đồ, không có căn cứ. Vậy đâu là chân lý? Tìm hiểu cho chúng ta thấy: Trong những năm gần đây, có ý kiến cho rằng, để có dân chủ, phải đa nguyên về chính trị, thực hiện phát triển kinh tế thị trường mà vẫn duy trì chế độ nhất nguyên về chính trị, một đảng duy nhất cầm quyền sẽ là một mâu thuẫn lớn gây bi kịch cho dân tộc ?. Từ đó, những người theo quan điểm này đề nghị phải xác lập chế độ đa đảng đối lập, phải xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp… Có học giả cho rằng, mọi sự vật đều được tạo thành từ nhiều nhân tố, bản chất sự vật là “đa nguyên”. Cho nên, mọi hiện tượng xã hội, mọi lĩnh vực xã hội cũng là đa nguyên. Cố tình cưỡng lại tính tất yếu đó là cưỡng bức quy luật khách quan ?.
Xin nói cho ông Đằng và các “chiến hữu” của ông biết: một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là chế độ đa nguyên về chính trị. Chẳng hạn, ở Trung Quốc hiện nay
ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc còn có 8 đảng dân chủ. Tám đảng này đều thừa nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là người duy nhất lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đều lấy mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc làm lý tưởng cao cả nhất của mình. Đó là chế độ đa đảng mà nhất nguyên về chính trị. Ở Mỹ hiện nay, tuy Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền, nhưng nếu xem đó là chế độ đa nguyên về chính trị thì chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, hai đảng chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản; xét về bản chất giai cấp – xã hội, hai đảng là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau: củng cố và phát triển thể chế tư bản chủ nghĩa ở Mỹ…Ở các nước khác cũng tương tự như vậy, chẳng hạn, năm 2012 ở nước Cộng hòa Pháp, chính phủ cánh hữu đã phải nhận thất bại, nhường quyền lãnh đạo nhà nước cho cánh tả, cụ thể là ứng cử viên của Đảng Xã hội trúng cử tổng thống. Tất cả các quốc gia dân chủ không úp mở việc đảng chính trị này hay đảng chính trị khác giành lấy quyền lãnh đạo nhà nước. Họ làm như thế nào để được nhân dân thừa nhận là việc nội bộ của từng nước. Nước Mỹ khác nước Anh, nước Anh không giống nước Pháp, nước Ý. Ở Anh và Nhật Bản, hiến pháp lại thừa nhận vai trò của nhà vua, họ là những nhà nước quân chủ lập hiến. Không ai có thể ngớ ngẩn, rỗi hơi, vô lối đòi hỏi các quốc gia ấy xóa bỏ chế độ quân chủ lập hiến để hiến định chế độ cộng hòa, cộng hòa tổng thống hay cộng hòa dân chủ nhân dân. Ở nước Nga thời hậu Xô-viết, người ta cũng thành lập chế độ cộng hòa tổng thống theo cách thức của người Nga chứ không theo cách thức của người Anh để tái thiết lập chế độ Sa hoàng. Nhà nước Nga hiện nay cũng công khai thừa nhận Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền sau những cuộc đua tranh với các đảng chính trị lớn, như Đảng Cộng sản Nga, Đảng Nước Nga công bằng, Đảng Dân chủ tự do..
Chưa dừng lại ở cái gọi là “Phủ nhận” vai trò của Đảng CSVN ông Lê Hiếu Đằng còn kêu gọi lập một đảng khác “Đối chọi” lại Đảng CS ông ta nói: “Tình hình trên cộng với thực tế hiện nay tôi biết nhiều đảng viên đang muốn ra khỏi Đảng, hoặc không còn sinh hoạt Đảng (giấy sinh hoạt bỏ vào ngăn kéo). Vậy tại sao chúng ta, hàng trăm đảng viên, không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ Xã hội, những Đảng đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị Đảng Cộng sản bức tử phải tự giải tán”?! Khi nói điều này ông Đằng cũng như bao” chiến sĩ” dân chủ đồng hội, đồng thuyền khác vu khống Đảng CSVN đã thủ tiêu những đảng phái khác khi đã “qua sông”? vậy điều này có đúng như họ vu cáo ? Xin thưa điều đó là vu khống.
Một chế độ nhất nguyên hay đa nguyên về chính trị do một loạt nhân tố quy định, trong đó, đáng quan tâm nhất là: tương quan lực lượng giữa các giai cấp, bối cảnh xác lập vị trí lãnh đạo, vai trò cầm quyền của đảng, những thành tựu mà nhân dân đạt được trong thực tiễn phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng đó. Vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời kỳ lịch sử cận – hiện đại, có thể thấy ở nước ta, bối cảnh xác lập vị trí duy nhất lãnh đạo xã hội, xác lập vai trò duy nhất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam như sau: Đây là nhân tố hoàn toàn khách quan, độc lập với ý chí của mọi chủ thể hoạt động chính trị. Khi tương quan lực lượng khách quan buộc phải đa nguyên về chính trị mà không thực hiện đa nguyên về chính trị là sai lầm. Chẳng hạn, năm 1946, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, về mặt sách lược, chúng ta chấp nhận sự tồn tại hợp pháp của hai đảng đối lập (Việt Nam quốc dân đảng, Việt Nam cách mạng đảng) và trao cho hai đảng này 72 ghế trong Quốc hội, cùng chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Lúc đó, ở Việt Nam có đa nguyên về chính trị. Ngược lại, khi tương quan lực lượng cho phép giữ nhất nguyên về chính trị mà lại chủ động tạo ra thể chế chính trị đa nguyên cũng là sai lầm, góp phần đẩy nhanh quá trình suy yếu và tan rã đảng cầm quyền. Năm 1946 ở Việt Nam tồn tại hai đảng đối lập – Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đảng, nhưng trước cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn gian khổ chống lại thực dân Pháp xâm lược, hai đảng đó đã không trụ vững. Khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, hai đảng đó cũng cuốn gói chạy theo. Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam được xác lập trở lại. Như vậy, vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khi đó là một sản phẩm khách quan của lịch sử mà không phải do ai đó áp đặt cho xã hội. Đường lối kháng chiến của Đảng thể hiện sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng, là ngọn cờ dẫn dắt, động viên và tổ chức nhân dân đấu tranh giành thắng lợi trong những năm kháng chiến lâu dài, gian khổ, từ chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đến thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ… cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đánh dấu sự hoàn thành một cách vẻ vang cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tình hình Liên Xô (cũ) và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vào những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước là minh chứng rõ nét.
Với cách lập luận của ông Đằng rằng: “Hiến pháp 1946 đã qui định những quyền tự do của con người. Đó là vấn đề quyền con người. Nhưng giờ đây chế độ toàn trị đã phản bội lại Hiến pháp đó, tước đoạt tất cả các quyền cơ bản mà Hiến pháp 1946 đã ghi, vất bỏ Tuyên ngôn Nhân quyền và nhai đi nhai lại luận điệu mỗi nước có hoàn cảnh riêng, có vấn đề
nhân quyền riêng để lấp liếm cho sự phản dân chủ, phản tiến hóa của họ” ? Vậy Đảng CSVN có “phản bội” như ông Đằng vu cáo ? Năm 1946, trong bài trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài (ngày 21-1-1946) về vai trò và mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố: “Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”. Trong Báo cáo Chính trị đọc trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Năm 1955, khi cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn (giải phóng miền Bắc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời một tờ báo của nước ngoài rằng: Đảng của chúng tôi đã trở thành “hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc”. Rõ ràng những tuyên bố nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là sách lược chính trị mà xuyên suốt một tư tưởng chỉ đạo chiến lược: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước Việt Nam là tất yếu lịch sử, nhưng muốn giữ vững được vai trò của đảng cầm quyền, Đảng ấy trước hết phải là một tổ chức “có tính quần chúng”, bao gồm những người ưu tú của dân tộc, Đảng ấy phải là “hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động” và quan trọng hơn cả, Đảng ấy phải là “hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc”, phải “là đạo đức, là văn minh”, phải quyết tâm giữ gìn độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, mang lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc. Một Đảng như vậy sẽ thực sự là một đảng lãnh đạo tư tưởng, chính trị, đường lối cho một nhà nước dân chủ mới: nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách sáng suốt: Đảng lãnh đạo nhưng Đảng không làm thay Nhà nước, Đảng không cai trị mà tôn vinh Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết vấn đề này rất uyển chuyển, vẫn trung thành với phép biện chứng “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Nếu như Hiến pháp năm 1946 (Hiến pháp đầu tiên của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo) không có ghi một dòng, một chữ nào về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thậm chí Người còn tuyên bố những điều như đã nói ở trên thì đến Hiến pháp năm 1959 (cũng do Người làm trưởng ban soạn thảo) trong Lời nói đầu đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời xác định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công – nông do giai cấp công nhân lãnh đạo, như sau: “Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đoàn kết rộng rãi trong Mặt trận dân tộc thống nhất, nhất định sẽ giành được những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà. Nhân dân ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ hòa bình ở Đông Nam châu Á và thế giới”.
Đối với Hồ Chí Minh thì vận dụng quy tắc chung ấy phải theo phương pháp tư tưởng “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nghĩa là sự lãnh đạo của đảng chính trị là nguyên tắc, là tất yếu, nhưng hình thức và sự thể hiện thì lại “vạn biến”, tức là có nhiều cách, nhiều biểu hiện khác nhau. Ở Việt Nam thì Nhà nước dân chủ nhân dân hay Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa về bản chất vẫn là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo (ngay tên gọi của Đảng cũng đã từng thay đổi: Đảng Cộng sản Việt Nam – Đảng Cộng sản Đông Dương – Đảng Lao động Việt Nam – Đảng Cộng sản Việt Nam). Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước đã là quy luật chung, thành nguyên tắc nhưng việc có ghi trong Hiến pháp hay không, thậm chí có tuyên bố hay không là tùy tình hình cụ thể. Đối với Hồ Chí Minh thì nguyên tắc “bất biến” là vừa phải giữ vững quyền lãnh đạo chính trị của Đảng với Nhà nước, vừa phải bảo đảm tôn vinh vai trò của Nhà nước, làm cho Nhà nước ta trở thành một nhà nước dân chủ mới. Nhà nước dân chủ mới có nghĩa là nhà nước phải trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc; nhà nước ấy phải trở thành ngôi nhà chung đáng tin cậy của tất cả mọi người dân Việt Nam, ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Đây là sáng tạo độc đáo của Việt Nam, gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp Hồ Chí Minh, nó không giống với bất kỳ nhà nước nào, dù là nhà nước được xây dựng theo mô hình xã hội chủ nghĩa trước đây hay nhà nước ở các nước khác đã xuất hiện và đang tồn tại trong lịch sử.
Đảng Cộng sản Việt Nam ngày trở thành “kiêu binh” như lời ông Lê Hiếu Đằng áp đặt Không ? Điều đó cho chúng ta thấy đó là sự thóa mạ, thực tiễn cho chúng ta thấy và không thể phủ nhận đó là: Trong khi một loạt nước xã hội chủ nghĩa có lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội dài hơn lần lượt sụp đổ, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn đứng vững và nhờ đổi mới đúng đắn, nhân dân ta còn đạt thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử được nhiều nước ca ngợi. Kinh tế những năm qua tăng trưởng liên tục nhiều năm đạt trên 7%, nhiều vấn đề văn hóa – xã hội bức xúc từng bước được giải quyết;
an ninh – quốc phòng được tăng cường và giữ vững, hội nhập quốc tế có hiệu quả cao, quan hệ đối ngoại không ngừng được rộng mở… Điều đó chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ tài tình trong lãnh đạo tiến hành chống chiến tranh xâm lược mà còn thực sự xứng đáng là người lãnh đạo xây dựng đất nước trong thời bình, ngay cả khi bối cảnh quốc tế có những biến động khôn lường. Song, cội nguồn sâu xa nhất của mọi thành tựu mà nhân dân ta đạt được trong những năm qua là nhờ nhân dân tin ở Đảng, quyết tâm thực hiện và cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Bằng lao động sáng tạo của mình, nhân dân biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại, phát triển và trưởng thành trong cuộc đấu tranh của nhân dân, có mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân; qua thực tiễn hoạt động với những thành tựu to lớn có thể thực chứng một cách dễ dàng, nhân dân nhìn thấy ở Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là người có đủ phẩm chất, năng lực để nhân dân giao phó sứ mệnh lãnh đạo, sứ mệnh cầm quyền vì dân. Bằng thực tế, nhân dân đã trao cho Đảng quyền duy nhất lãnh đạo, duy nhất cầm quyền ở nước ta. Đảng không tự “tô màu” để tạo ra vị trí đó của Đảng, mà chỉ là sự ghi nhận một thực tiễn chính trị – xã hội đã được xác lập trong thực tế. Vì là sự phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan, nên không một tất yếu nào buộc chúng ta phải “Thần tượng hóa” về vai trò của Đảng. Mọi suy nghĩ và hành động nào khác đi, đều không hợp lòng dân, đều bị nhân dân chối bỏ.
“Nhà bất đồng chính kiến” – Lê Hiếu Đằng mà các thế lực chống đối, các phần tử cơ hội, bất mãn đã và đang ra sức tung hứng, lợi dụng như một ngọn cờ để chống phá Đảng Cộng sản, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang có tham vọng làm một cuộc “cách mạng dân chủ mới” ở Việt Nam? Họ hay nhìn sang bên Ai cập khi luồng gió cách mạng màu quét qua, sự vui mừng chợt vụt tắt với nền “dân chủ nhập khẩu” một cách vội vàng để rồi hệ lụy của nó là một xã hội đầy bất ổn, nội chiến giữa các phe phái, chết chóc xảy ra hàng ngày trên đất nước là cái nôi của nền văn minh nhân loại.
Hoa Kỳ 18-8-2013
AMARI TX
Nguồn: Mõ làng