Đôi lúc chúng ta mãi mê với những câu chuyện, sự việc diễn ra trong nước mà quên mất thế giới cũng đang chuyển động với những câu chuyện mà nếu không chú ý, quan tâm đến nó thì e là một khiếm khuyết lớn. Trong khi những cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thường nhân danh, lên tiếng vì quyền con người, vì những giá trị nhân bản để xóa bỏ những điều luật được quy đinh trong chương các tội xâm phạm An ninh quốc gia của Bộ Luật Hình sự như điều 79 (Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 88 (Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thì bên cạnh Việt Nam thôi, Thái Lan – một nước cùng khu vực Đông Nam Á lại có những hành xử mà mỗi chúng ta khi nhận định, đánh giá cũng cần xem xét.
Câu chuyện về một người dân bình thường vì tội phỉ báng Vua Thái Lan đã phải chấp nhận lĩnh cái án phạt 10 năm tù? Bản án này liệu có nghiêm khắc quá không, liệu quyền con người có được thực thi nghiêm minh tại Thái Lan không?…Hàng loạt câu hỏi được đặt lên bàn cân để xem xét, luận suy một cách nghiêm túc và những người quan tâm cũng không quên dành cho mình một phép so sánh với những điều đang diễn ra tại Việt Nam chúng ta. Vẫn là câu chuyện về “dân chủ”, “nhân quyền” nhưng ở Việt Nam khi phiên tòa xét xử 14 thanh niên theo đạo Công giáo và Tin lành, phiên tòa xét xử Phương Uyên và Đinh Nguyễn Kha…và cả bản án giành cho Hải Điếu cày, Trương Duy Nhất…lại bị lên án rầm rộ. Họ nói chính quyền Việt Nam vi phạm quyền con người và cho rằng những hành động của nhà cầm quyền đang chèn ép, triệt tiêu lòng yêu nước của những công dân bình thường. Thậm chí có người còn không ngần ngại lớn tiếng kêu gọi xóa bỏ những quy định, chế tài pháp luật liên quan. Vẫn là chuyện tác động đến những khách thể được pháp luật bảo hộ đó là nhà nước (ở Thái Lan còn có cả nhà Vua) vậy tại sao ở Thái Lan người ta mạnh tay thế mà mọi câu chuyện đều bình thường. Chúng ta không bệnh vực, không biện minh cho bất kỳ hành động nào và cũng không xuất phát từ việc mình là người của bên nào, Thái Lan làm được, nhân dân Thái Lan đồng tình; tại sao ở Việt Nam bản thân những người bị xét xử đồng tình với các phán quyết của cơ quan thực thi pháp luật thì những kẻ không có mối liên quan nào lại lên tiếng cho rằng chính quyền làm sai, bản án không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người….
Chúng ta hãy nghe về câu chuyện xảy ra tại Thái Lan để cùng suy ngẫm.
***
Ngày 23/1 vừa qua, Tòa án hình sự Bangkok đã tuyên phạt Tổng biên tập Somyot Prueksakasemsuk 10 năm tù giam vì tội phỉ báng Vua Bhumibol Adulyadej. Ngoài ra, Somyot còn tiếp tục bị điều tra về hai tội khác liên quan đến chính trị mà tạp chí do ông làm tổng biên tập đã đăng bài “nhạy cảm” không chỉ đụng chạm đến Hoàng gia mà còn với một số chính khách khác tại Thái Lan.
Theo nhà báo Kocha Olarn của Đài Truyền hình Mỹ CNN có tham dự các phiên xử tại Bangkok, thì Somyot là Tổng biên tập tạp chí Tiếng nói của người bị áp bức (Voice of the Oppressed) – một tờ báo thân với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra (hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài), vào năm 2010 đã cho đăng một số bài có tính cách phỉ báng Vua Bhumibol Adulyadej – điều mà theo luật của Hoàng gia Thái, là phạm tội khi quân, bất kỳ ai có lời nói và hành động phỉ báng người của Hoàng gia từ vua cho đến hoàng hậu, thái tử, công chúa… đều bị xử phạt tối đa 15 năm tù.
Nội dung các bài báo là Somyot đề nghị thảo luận công khai về vai trò của Vua Bhumibol Adulyadej cùng những nhân vật quan trọng thuộc hoàng gia. Somyot cũng chủ xướng việc nên xem xét việc Thái Lan theo một thể chế cộng hòa vì theo quy định của Hiến pháp Hoàng gia, chế độ quân chủ lập hiến so với thế giới hiện nay là không còn phù hợp.
Vua Bhumibol Adulyadej lên ngôi vào ngày 5/5/1950, giữa năm 2012 đã kỷ niệm 62 năm trị vì, rất được lòng dân chúng trong nước và nhiều nguyên thủ quốc gia. Người dân Thái Lan hầu như ai cũng kính trọng và thương yêu vua. Tình cờ gặp vua vi hành ở trên đường phố, có người kính cẩn quỳ lạy. Những thái độ, hành động thảo luận về vai trò của chế độ quân chủ vốn bị cấm ở Thái Lan.
Vào tháng 4/2011, các công tố viên đã buộc tội Somyot phỉ báng Vua Bhumibol Adulyadej. Đến tháng 7/2012, Somyot bị bắt giam. Vì vụ này, phong trào Áo đỏ vốn lâu nay ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin, đã vài lần tổ chức biểu tình tại Bangkok để phản đối vụ bắt giữ mà họ cho là vô cớ. Tại các phiên xử, công tố viên buộc tội Somyot vì bị cáo là một nhà báo, có nhiệm vụ kiểm tra các thông tin trong những bài báo đó trước khi xuất bản, thừa biết nội dung phỉ báng nền quân chủ song vẫn cho in và phát hành một cách bình thường, đề nghị tòa xử 15 năm tù theo Hiến pháp quy định.
Vì đang bị thương nên Somyot không có mặt tại các phiên tòa, chỉ cử người đại diện là luật sư Karom Polpornklang. Trước đây, sau khi Somyot bị bắt, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã từng phản đối. Nay, trong lúc bào chữa, luật sư Karom viện dẫn ý kiến của đại diện EU, rằng “phán quyết về án tù dành cho Somyot sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh một xã hội tự do và dân chủ như Thái Lan”.
Sau khi bản án được tuyên, một số nhóm nhân quyền cho rằng, luật khi quân do tầng lớp quyền uy Thái Lan sử dụng nhằm dập tắt tiếng nói chính trị của phe đối lập, bao gồm người ủng hộ của các nhóm thân cựu Thủ tướng Thaksin. Hiện nay, đương kim Thủ tướng Yingluck Shinawatra là em gái ông Thaksin, trước đây trong thời gian vận động tranh cử năm 2011, đã từng cam kết sẽ sửa “luật khi quân”, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy bà có hành động gì.
Được biết, trước đây ông Joe Gordon – một công dân Mỹ làm nhân viên buôn bán xe hơi tại Colorado, đã dịch ra tiếng Thái Lan một cuốn sách “xem ra nhạy cảm với Hoàng gia Thái”, đã bị bắt khi tới Bangkok vào tháng 5/2011. Đến ngày 8/12/2012 ông bị Tòa án Bangkok tuyên án 2,5 năm tù giam.
Tường Quyên (theo CNN)
Nguồn: Mõ làng