Robert A. Manning*
Chủ nghĩa dân tộc, những hy vọng về kho báu dầu khí dưới biển – những con số được Trung Quốc thổi phồng quá mức – đang là những trở ngại cho tiến trình giải quyết những tranh chấp lãnh thổ tại châu Á, thậm chí nó có là tác nhân phá hỏng Thế kỷ châu Á.
Máy bay tuần tra P3C của Nhật Bản bay qua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (ảnh trên), Trung Quốc triển khai dàn khoan dầu nước sâu tại Biển Đông.
Ba vị quan chức cấp cao của Mỹ đã đến viếng thăm hai quốc gia đồng minh Đông Á là Hàn Quốc và Nhật Bản với nỗ lực giảm căng thẳng của những yêu sách chủ quyền lãnh thổ. Theo Robert A. Manning, chuyên viên cao cấp Trung tâm An ninh Quốc tế Brent Scowcroft, Hội đồng Đại Tây Dương, thì giọng điệu chủ nghĩa dân tộc, những lời đe dọa sử dụng vũ khí hiện đại như máy bay không người lái có khả năng sẽ làm chệch hướng những nỗ lực của châu Á trong việc hướng đến sự thịnh vượng, vai trò lãnh đạo toàn cầu, và đe dọa đến giấc mơ về một Thế kỷ châu Á. Nguồn tài nguyên năng lượng tiềm tàng dưới biển, có lẽ đã bị phóng đại quá mức, cũng như kỹ thuật hiện đại cho phép khoan sâu và rộng hơn trên biển đã khoét sâu thêm tình trạng thù địch. Nguồn dự trữ năng lượng trong dài hạn có thể không đáng kể với những nguồn lợi tiềm tàng đến từ sự ổn định khu vực hoặc việc đầu tư chung để tìm ra các công nghệ thay thế. Tranh cãi và rủi ro về an ninh đang ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với các nền kinh tế nhỏ mới nổi. Trung Quốc có lẽ đang từ bỏ phương châm “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Đặng Tiểu Bình. Manning cho rằng sự tổn thương về ký ức lịch sử và niềm tự hào dân tộc là những thách thức đang chờ đợi các nền kinh tế lớn của châu Á. – YaleGlobal.
Tranh chấp biển châu Á: Kẻ thắng sẽ chẳng thu được gì
Tranh chấp lãnh thổ tại biển Hoa Đông và Biển Đông có thể làm chệch hướng Thế kỷ châu Á.
Cũng giống như cách mà vụ ám sát hoàng tử Áo Ferdinand châm ngòi cho cuộc chiến tranh Thế giới I, những căng thẳng gia tăng trong tranh chấp lãnh thổ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông đang làm chệch hướng Thế kỷ châu Á. Dù kết quả có như thế nào, người ta chỉ nhìn thấy chủ nghĩa dân tộc thù địch, vết sẹo ký ức quốc gia và sự trỗi dậy của một Trung Quốc ngày càng quyết đoán đằng sau những xung đột lợi ích.
Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là vì dầu mỏ: bởi theo quan niệm của họ, bên dưới những vùng biển tranh chấp này là một kho báu dầu mỏ và khí đốt có thể đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho các nền kinh tế năng động ở châu Á.
Thật không may là chẳng có cơ sở nào để khẳng định chắc chắn việc này. Sự thực thì kẻ thắng cuộc trong tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông có lẽ sẽ không thu đủ được nguồn năng lượng cần thiết để tạo nên lợi thế khác biệt đáng kể với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của các bên yêu sách khác. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Trung Quốc. Và trong bất kỳ trường hợp nào, để khai thác nguồn tài nguyên hiện hữu, cần phải có sự ổn định và vững chắc về pháp lý và chính trị.
Những căng thẳng về vấn đề lãnh thổ đã bùng phát từ nhiều năm trở lại đây. Đã có hơn hai chục cuộc đụng độ quân sự tại Biển Đông từ năm 1974 khi Trung Quốc đánh chiếm quần đào Hoàng Sa của Việt Nam, cuộc xâm lược này đã làm chết 18 binh lính Việt Nam. Hầu hết các hành động này đều diễn ra trong những năm 1990, và vấn đề tương đối ổn định trong thời gian gần đây. Mặc dù Trung Quốc đã ký kết và phê chuẩn Công ước về Luật biển (UNCLOS), nhưng sự quyết đoán gần đây của quốc gia này lại dựa trên những yêu sách mâu thuẫn với chính những gì nước này ký kết – “Đường 9 đoạn”, đường yêu sách bao phủ hơn 80% diễn tích Biển Đông, trái với quy định của Công ước về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Một yếu tố mới có khả năng tăng cường lợi ích trên biển là sự phát triển không ngừng về nghệ khoan nước sâu. Từ trước những năm 1990, có rất ít công nghệ khoan xa bờ hay các mỏ sâu hơn 204 m. Trong hai thập kỷ trở lại đây, số lượng dầu gia tăng trên toàn cầu đều xuất phát từ khu vực được gọi là “siêu nước sâu” – với độ sâu 1500 m hoặc hơn. Trước đây, công nghệ này chủ yếu thuộc về các công ty đa quốc gia của phương Tây. Nhưng vào tháng 5/2012, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã tuyên bố đã phát triển dàn khoan nước sâu trị giá 1 tỷ USD có khả năng hút dầu từ độ sâu 12.000 m.
Đến nay, vẫn chưa có một cuộc khảo sát mang tính chính thống nào về tiềm năng dầu khí tại Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông. Những con số về trữ lượng dầu khí của Trung Quốc trên cả hai khu vực này thường được phóng đại so với với các con số của các công ty năng lượng đa quốc gia hay của các nhà phân tích khác. Trung Quốc ước tính trữ lượng dầu khí tại Biển Hoa Đông vào khoảng 160 tỷ thùng dầu, gần gấp đôi so với con số của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Về nguồn năng lượng tại Biển Đông, hầu như các chuyên gia đều cho rằng khu vực này chiếm 70% khí đốt – Trung Quốc đã phóng đại về trữ lượng dầu khí tại đây. CNOOC ước tính có khoảng 213 tỷ thùng dầu – tương đương với trữ lượng đã được phát hiện tại Ảrập Saudi. Con số này gấp gần 12 lần so với ước tính của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), và gấp gần 100 lần so với con số ước tính của công ty tư vấn năng lượng Wood-Mackenzie, công ty này ước tính chỉ có 2,5 tỷ thùng dầu đã được phát hiện tại các đảo, bãi cạn trong khu vực tranh chấp Biển Đông!
Ngoại trừ khả năngTrung Quốc và một số công ty của Trung Quốc đã tham gia liên doanh khai thác với các công ty nước ngoài, thì các quốc gia Đông Á nếu muốn khai thác các nguồn dầu khí tại các hòn đảo nhỏ và san hô có yêu sách sẽ cần phải liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, một số bên tranh chấp trong ASEAN đã ký hợp đồng khai thác dầu khi với công ty nước ngoài. Tuy nhiên, do những rủi ro chính trị và sự bất ổn về pháp lý trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ nên rất khó có thể có những dự án đầu tư quy mô lớn.
Thật mỉa mai là Đặng vẫn có lý. Thật khó để tìm ra được cách giải quyết cho tranh chấp: làm thế nào để các quốc gia thỏa hiệp với nhau về danh dự quốc gia và ký ức lịch sử? Và cũng rất khó để hình dung cách tạo ra tính pháp lý và sự ổn định chính trị nhằm giảm rủi ro khiến các công ty năng lượng quốc tế cam kết những khoản đầu tư hàng tỷ USD. Hầu hết các hợp đồng khai thác đều được thực hiện bởi các công ty nhỏ với mục đích thâm nhập tạo nền tảng ban đầu. Vì vậy, việc phát triển chung “không gây phương hại” đến các yêu sách có vẻ rất có ý nghĩa.Có lẽ đây chính là logic ẩn đằng sau chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà Trung Quốc đã theo đuổi cho đến gần đây, đúng theo phương châm của Đặng Tiểu Bình . Với tiến trình hoạch định chính sách thiếu minh bạch của Trung Quốc, thì thật thú vị khi theo dõi sự kết hợp của tham vọng về hải quân, chính sách trọng thương (hám lợi) đối với các nguồn tài nguyên, những hy vọng được thổi phồng về nguồn năng lượng và năng lực của công nghệ mới về khai thác dầu khí có thể khiến cho Trung Quốc từ bỏ chính sách của Đặng hay không.
Đã có nhiều tiền lệ về khai thác chung các nguồn tài nguyên, chẳng hạn như hiệp định giữa các bên yêu sách tại Bắc Cực. Tại Đông Á, Thái Lan và Malaysia đã đạt được thỏa thuận cùng khai thác dầu khí, và cũng có hiệp định tương tự giữa Úc và Đông Timor.
Đó chưa phải là tất cả, giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã đạt được thỏa thuận khai thác chung vào năm 2008 nhằm khai thác dầu khí tại khu vực xung quanh quần đảo tranh chấp không có người ở là Điếu Ngư/Senkaku. Bắc Kinh và Tokyo đã đồng ý khai thác chung 4 mỏ khí tại Biển Hoa Đông và ngừng khai thác tại các vùng tranh chấp trong khu vực này. Hai bên đã chấp thuận tiến hành thăm dò chung, với mức đầu tư bằng nhau tại khu vực phía bắc mỏ khí Chunxiao/Shirakaba và phía nam mỏ khí Longjing/Asunaro. Tuy nhiên, do Trung Quốc đã tiến hành đơn phương khai thác mỏ khí Tianwaitian/Kashi, khiến Nhật Bản phản đối vào tháng 1/2009. Tranh cãi này cùng với vụ va chạm giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh việc Tuần duyên Nhật Bản bắt giữ viên thuyền trưởng Trung Quốc vào năm 2010 đã khiến cho thỏa thuận này bị ngưng trệ.
Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận khai thác chung vào năm 2008 nhằm khai thác dầu khí tại khu vực xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku
Dư luận Đông Á đang xôn xao đồn đoán về việc các chính phủ mới lên nắm quyền tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tranh chấp lãnh thổ. Việc gia tăng hết sức nhanh chóng về giao thông, tuần tra hàng hải của tàu hải giám tại các vùng tranh chấp và tuần tra trên không cho thấy năm 2013 sẽ có ít nhất một vài va chạm hải quân. Trong một tín hiệu tích cực, Thủ tướng Nhật Bản Shintaro Abe, một chính khách mang đậm tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, đã nhanh chóng cử một nhà ngoại giao cao cấp tới Seoul, quốc gia mà Nhật Bản đang có những tranh cãi về tranh chấp lãnh thổ, để trấn an chính quyền mới tại Seuol của bà Park Geun-hye và hàn gắn những bất hòa.
Mối quan hệ Trung – Nhật đặc biệt căng thẳng với việc Trung Quốc hàng ngày cử tàu thuộc cơ quan hàng hải tới khu vực Senkaku/Điếu Ngư và Nhật Bản đe dọa sẽ cử Không Quân nổ sung cảnh báo.
Trong thời gian nhiệm kỳ Thủ tướng vào năm 2006, ông Abe đã có nỗ lực đặc biệt để xua đi những mối quan ngại của Trung Quốc. Với việc ông Abe ưu tiên phục hồi nền kinh tế đang chao đảo và kỳ bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới đây, nhiều người kỳ vọng ông Abe sẽ cố gắng hạn chế tối đa xung đột – ít nhất là trong ngắn hạn. Nhưng đối mặt với sự phẫn nộ của công chúng đối với hành động khiêu khích của Trung Quốc, ông Abe và nội các theo chủ nghĩa dân tộc có thể sẽ khuấy tung mọi thứ lên.
Mỹ đã kêu gọi hai bên giảm căng thẳng và đã cử một nhóm gồm các quan chức ngoại giao và an ninh tới để tham vấn với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cuối cùng, một mớ bòng bong về những yêu sách chủ quyền chồng lấn tại châu Á dường như sẽ chẳng đem lại nguồn lợi về năng lượng cho bất kỳ quốc gia nào. Đó là trường hợp “kẻ thắng chẳng thu được gì”. Trừ khi khu vực này có thể tìm ra phương cách giải quyết hay ít nhất là kiểm soát được tình cảm chủ nghĩa dân tộc đang là động lực chính thúc đẩy các tranh chấp đối với những bãi cạn và hòn đảo nhỏ không người ở, nếu không Thế kỷ châu Á sẽ thực sự chấm dứt.
*Robert A. Manning từng là cố vấn cao cấp (2001-2004) và là thành viên Ban Hoạch định Chính sách, Bộ Ngoại giao Mỹ (2004-2008). Ông hiện là chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh Quốc tế Brent Scowcroft , Hội đồng Đại Tây Dương. Bài viết được đăng trên Yale Global Online.
Trần Quang (dịch)
Nguồn: Mõ làng