Dường như trong các nghề thì nghề kiếm cơm bằng ngòi bút và cũng chỉ với ngòi bút là cái nghề mang nhiều nợ đời nhất. Mỗi điều họ viết ra dù là chủ để, là cái gì đi nữa thì cũng chính là những thứ xuất phát từ bản thân mình. Một nhà báo viết về đề tài Công an không thể viết hay nếu họ chỉ ngồi một mình ở nhà để nghĩ và vẽ ra những câu chuyện báo chí mới. Họ phải lăn lộn lên tận những nơi khó khăn, những nơi hiểm nguy để tìm cho mình những tình tiết mới về những khó khăn của những chiến sỹ Công an trên mặt trận phòng, chống tội phạm ma túy, những chiến công trên trận tuyến thầm lặng giữ gìn bình yên cho cuộc sống hôm nay; những câu chuyện chưa hề được nói, được viết đã được chuyển tải trên những bài báo in, những thước phim tư liệu chính là những những sản phẩm xứng đáng cho sự cống hiến và nhiệt thành trong công tác, những thứ mà dù cho họ có là một thiên tài về trí tưởng tượng cũng không thể nghĩ ra được. Chính sự lăn lộn, sống trải mình với thực tế đã mang lại cho họ không chỉ là những điều mới trong chủ đề họ đang viết mà những kinh nghiệm sống, chất nhân văn trong con người cũng qua đây mà hình thành. Qua những chuyến công tác dài ngày trên những vùng biên cương xa xôi của Tổ Quốc, những cây viết, những phóng viên đã cho mình những trải nghiệm, những phút giây yêu Tổ quốc bao la, hùng vĩ mà nếu ở một góc phố nào đó nơi thủ đô thì họ không bao giờ có được.
Và cái được lớn nhất từ những chuyến đi này là sự nhìn nhận khách quan chân thực về những điều mắt thấy, tai nghe từ chính cuộc sống này. Không ai trong chúng ta có thể tự hào rằng, mình có thể thấu đạt mọi chuyện chỉ bằng cách tư duy trong những phòng lạnh, điều hòa và những cơ sở vật chất tiện nghi sang trọng bởi nơi đây có chăng họ chỉ nhìn cuộc sống bằng màu hồng, bằng lăng kính của một người có cuộc sống đủ đầy, viên mãn về vật chất. Có chăng, họ chỉ thấy những nét khuất của cuộc sống qua những tiếng rao đêm, cuộc sống từ những khu nhà ổ chuột nơi phố thị. Mà chắc gì họ đã một lần qua nơi đó. Ấy vậy mà, họ sẽ có được tất thảy những điều đó với những chuyến đi. Trong quá khứ, chúng ta từng biết tới một điển hình cho “chủ nghĩa xê dịch” và sự dấn thân trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật – nhà văn Nguyễn Tuân. Nếu một ai đó từng lên vùng Sơn La, Hòa Bình – nơi mà con Sông Đà vừa hung dữ, vừa dịu hiền (như cách nói của Nguyễn Tuân) thì mới biết được để có được những dòng văn dầy chất thơ khi miêu tả về dòng sông Đà hùng vỹ, hung tợn này Nguyễn Tuân đã “liều” thế nào? Sự dấn thân không ngừng vào chính những nơi ngọn nguồn của hơi thở cuộc sống đã cho Nguyễn Tuân biết được Sông Đà không những vĩ đại mà còn trải dài, còn đẹp như mái tóc của người thiếu nữ buông xuống. Tất cả chính là sự đền bù cho những cố gắng, những sự “quả cảm” trong hoạt động Nghệ thuật đích thực. Và đúng như những gì mà quy luật cuộc sống, những tìm tòi cống hiến của chính những người như Ông đã được những công chúng yêu nghệ thuật và những cơ quan thẩm định nghệ thuật đánh giá cao. Nhắc đến “Người lái đò Sông Đà”, người ta nhắc ngay đến nhà văn Nguyễn Tuân và còn rất lâu nữa người ta mới có thể vượt được Nguyễn Tuân trong miêu tả về Sông Đà hay như nhiều nhà phê bình văn học từng phát biểu: “Nguyễn Tuân đã đóng đinh với hình tượng sông Đà”. Và chính tác phẩm này cũng góp công không nhỏ để nhà nước trao tặng ông Giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh cho những cống hiến xuất sắc và tiêu biểu trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Để lí giải cho những bước đi xuống trong nền văn học nghệ thuật đương đại, rất nhiều nhà phê bình đã thẳng thắn nhận định là hiện tại đang thiếu những cây viết dám về với thực tế, dám trải lòng với thực tế. Họ chỉ biết ngắm nhìn cuộc sống của mình qua những lắng kính cá nhân mà quên đi rằng chính họ không thể thu cho mình hết được những gì đã, đang và sẽ xảy ra từ cuộc sống. Họ ngại đi, ngại khó, ngại khổ và dẫn đến họ ngại luôn những danh tiếng, những bước tiến trong nghề nghiệp. Có người trong số họ đã an phận đã làm được trong quá khứ và tạm chấp nhận nó. Thi thoảng có một số tác phẩm cũng có được những hiệu ứng từ chính xã hội nhưng cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng cũng chỉ vì những cách viết xa rời hơi thở cuộc sống, thoát ly khỏi cuộc sống. Trước những bước thụt lùi của nền văn học nước nhà nhiều cây bút cũng trăn trở để tìm cho mình những lối thoát thực sự nhưng vài ba trại sáng tác, những cuộc “vi hành” do chính những cơ quan báo chí hoặc một đơn vị chủ quan quản lý lĩnh vực này không thể khỏa lấp hết được những khoảng lặng trống vắng do chính họ để lại. Nên chăng, mỗi cây bút, mỗi nhà văn phải tự tìm cho mình những lối đi riêng, không trông chờ từ chính những động thái từ phía nhà nước vì hơn bất cứ ngành nghề nào lao động nghệ thuật là quá trình tự thân của những con người đã có trong mình một phần tư chất bẩm sinh.
Điều mà ai trong chúng ta vấn nhận thấy được, người cầm bút hôm nay vẫn giữ cho mình những trách nhiệm, họ không chỉ viết về cuộc sống dưới lăng kinh của mình, họ còn phải gánh trên mình những trọng trách từ chính những người mang trên mình cương vị định hướng và phản biện xã hội. Nhiều nhà văn, nhà báo hiện nay, bên cạnh thực hiện những công tác mang tính chuyên môn thì họ còn tham gia vào những diễn đàn, tự lập cho mình những trang Blog để nói lên những tiếng nói của mình. Có thể liệt kê ra hàng loạt những nhà văn như Nguyễn Quang Lập, Trần Mạnh Hảo, Nguyên Ngọc…Nhưng không phải ai trong số họ cũng hoàn thành những trọng trách của mình theo đúng nghĩa. Một số trọng họ đã biến mình thành những kẻ ngoại đạo, những “hình nhân” trên văn đàn.
Trong quá khứ những cây viết này đã có phần định hình tên tuổi của mình trên văn đàn và trong lòng công chúng yêu văn học. Nhiều người trong số họ đã thành danh và được nhà nước tặng thưởng những giải thưởng văn học, nghệ thuật cao quý. Trở về cuộc sống sau chiến tranh, những cây viết này vẫn giữ được sức viết của mình và có những đóng góp lớn để gây dựng nên nền văn học hiện đại….Họ lao vào viết về những vấn đề mà bản thân nó mang tính phản biện rất cao mà quên đi rằng, văn học thời kỳ nào cũng cần được định hướng. Mất định hướng thì chính họ sẽ rơi vào tâm thế mất cân bằng và đôi lúc bản thân họ đã chấp nhận thoát ly từ những vấn đề mà họ cho là gò bó, khuôn xáo đó. Họ đòi hỏi nghệ thuật phải được phát triển một cách độc lập, không phục vụ những nhiệm vụ chính trị. Họ cũng tự cho mình cái quyền được định hướng dư luận bằng chính những sản phẩm không định hướng của mình.
Không chỉ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đã có lúc diến ra những hoạt động mà ta quen gọi là những hành động cởi trói những lề thói cũ, không thích hợp để phát triển, đi lên nhưng không phải cởi trói đổi mới đó bằng mọi cách. Tính định hướng cần được giữ lại như một nguyên tắc để cân bằng giữa xu hướng phát triển và gìn giữ những giá trị mang tính nguyên tắc và bất định. Sau khi đất nước bước ra từ hai cuộc kháng chiến, không ít văn nghệ sỹ đã có được hơn những không gian để hoạt động và cống hiến cho nghệ thuật. Họ được nhà nước đầu tư tiền của cho những tác phẩm nghệ thuật mà chúng ta vẫn quen gọi là chính sách khoán. Đề tài viết không chỉ còn bó buộc trong những vấn đề phục vụ cuộc chiến tranh chống Mỹ và tay sai, khí thể hừng hực thi đua xây dựng XHCN đã trở thành những điểm đến của văn học nghệ thuật. Và lúc ấy ai nắm bắt được, ai hòa mình vào những bước chuyển mình cuộc sống đương đại thì người đó có cho mình tác phẩm hay. Nhưng cũng có không ít những người trong số họ đã vượt quá những trách nhiệm của những người đã từng cầm bút, đã từng là nhà văn – chiến sỹ. Họ đã mạnh dạn và thẳng thừng đòi hỏi nhà nước phải trả xứng đáng những cống hiến của họ trong quá khứ trong khi điều kiện nước nhà sau chiến tranh không thể giải quyết ngay lập tức. Từ vị thế của một kẻ đi đòi bất đắc chí họ trở thành những người có những định kiến với chế độ, Nhà nước. Và đúng như quy luật chủ đạo chi phối hoạt động văn học nghệ thuật, chính những cái bất chí đó đã khiến họ quay ngọn bút với chế độ. Nếu trước đây họ yêu chế độ, ngợi ca chế độ bao nhiêu thì nay họ lại càng hằn học, viết nên những tác phẩm quen gọi là “chưởi” chế độ không thương tiếc. Họ đã tự mình tạo nên vị thế của một lớp người mang trong mình tinh thần “tự diễn biến”.
Trong xu thế mà nền văn học luôn và sẵn sàng phục vụ đời sống, phục vụ những nhiệm vụ chính trị của đất nước, những tác phẩm trái chiều ấy như những “vị đắng” thực sự trong buổi đầu tái thiết đất nước. Những cơ quan chủ quản làm công tác thẩm định đã ra tay thu hồi như một lẽ tất yếu. Và với “máu” của lớp người nghệ sỹ khi chính những đứa con tinh thần bị “chèn ép” họ đã phát điên, đổ tất cả mọi tội trạng lên chính chế độ mà họ đang sống. Họ không hiểu được rằng, mọi hoạt động dù trên lĩnh vực nào cũng đều phải tuân thủ những luật chơi, vượt qua hoặc cố tình vượt qua những quy định ấy thì chính họ phải chấp nhận những tổn thất. Đó là lẽ công bằng. Vì một lí do nào đó những bất đắc chí, những bất mãn nối tiếp nhau hình thành nên một bộ phận người từng là văn nghệ sỹ có đóng góp cho đất nước sẵn sàng “trở cờ” và họ lại dùng chính những gì họ đang sở hữu để thể hiện tinh thần phản kháng của mình.
Cũng phải nhận thức một điều tất yếu là những thành công họ có được trong quá khứ đáng được trân trọng và cần được tri ân một cách xứng đáng nhưng cũng không phải vì chưa được tri ân, tôn vinh mà đã biểu hiện những thái độ đối nghịch. Những người nghệ sỹ lớn luôn biết chờ đợi và cố gắng chờ đợi dù chỉ có 1% niềm tin. Họ vội vàng như thế sắp có một biến chuyển gì lớn lao lắm. Cái mà họ cần hiểu thì chính họ không hiểu và không bao giờ hiểu. Sự bàng quang, vô trách nhiệm dù chỉ trong một phút giây nào đó đã biến họ thành những phần tử mà trên một phương diện nào đó họ thực sự đáng trách. Những người có trách nhiệm hôm nay không thể quên được những cống hiến của họ, vẫn đối đãi với họ như những người đã từng có những năm tháng cống hiến cho dân tộc nhưng thay vì tiếp nhận những nghĩa cử, chính sách đó họ lại nhân danh những thứ cao quý mà họ chưa một lần nghĩ tới để từ chối. Họ hành động nếu xét trên một phương diện nào đó thì rất đỗi cao quý và nếu họ dừng lại ở đó thì chắc hình tượng, những giá trị lớn lao đã được họ xác lập trong quá khứ vẫn còn bền vững và sống lâu dài nếu họ không lấy cái cớ không nhận đó để tự chọn cho mình một lối đi riêng. Họ quên rằng, dân tộc này đang cần họ trên mặt trận văn học nghệ thuật. Sự thụt lùi nhất định và tạm thời của nền văn học hôm nay sẽ khiến không ít người tiếc rẻ những tài năng một thời như thế nhưng cái mà nền văn học giai đoạn nào, thời khắc nào cũng phải đề cao chính là lương tâm, trách nhiệm, tinh thần dám nhìn thẳng vào thực tế khách quan là cái trường tồn trước những biến chuyển của thời cuộc thì họ lại thiếu. Những con người này họ có tài, có khả năng nhưng cái mà cần đi cùng họ trong toàn bộ hành trình đến với nghệ thuật, cống hiến cho nghệ thuật thì chính họ lại không có. Đó có chăng cũng là căn nguyên hình thành nên một thế hệ văn nghệ sỹ đứng ngoài và dửng dưng với thời cuộc. Nếu có thì hành động của họ rất hiếm khi có tinh thần xây dựng.
Cuối cùng tôi cũng nói thêm rằng, nền văn học trong giai đoạn hiện nay có những bước thoái trào nhất định ấy cũng xuất phát từ những cây viết dù chưa thành danh nhưng đã vội tạo nên cho mình dáng đứng của những cây đại thụ. Họ tự cho mình cái quyền được viết về những vấn đề nóng bỏng thời cuộc dù những kiến thức, những hiểu biết của họ cũng là từ những câu chuyện trà đá vỉa hè và tự cho mình cái quyền thúc đẩy phát triển những giá trị cao quý mà chính họ cũng chỉ mù mờ hoặc chưa biết được liệu nó ra đời thì làm nên cái gì. Thế hệ những như nhà văn Thùy Linh, Phạm Viết Đào là những đại diện xuất sắc cho một bộ phận người này. Dù rằng, phản biện và những nhu cầu nói lên tâm tư là cái quyền của bất kỳ ai nhưng phản biện bên cạnh những ý nghĩa mang tính cá nhân thì nó còn đảm nhiệm chức năng phản biện xã hội cho nên nếu một mình họ nhận thức sai vấn đề thì thế giới vẫn bình yên nhưng khi họ kéo theo một số đông nhận thức sai là vấn đề khác…
Từ những thực trạng và hệ lụy trên nên chăng trước khi viết, trước khi cầm bút thực hiện những chức năng được xã hội giao phó, những nhà văn, những cây viết hôm nay cũng hãy dừng lại chỉ một thời gian nhỏ nhỏ lắng lòng, dành cho mình khoảng thời gian dù ngắn thôi để biết cuộc sống này đang vận hành ra sao… Tôi tin rằng, nếu làm được điều đó thì mỗi câu họ viết ra đều mang được hơi thở cuộc sống , phục vụ chính cuộc sống hôm nay và họ sẽ không còn tồn tại như những thực thể ngoài luồng./.
Nguồn: Mõ làng