Trang chủ Luận bàn - Phản biện Đồng thuận và chưa đồng thuận sau lấy phiếu tín nhiệm

Đồng thuận và chưa đồng thuận sau lấy phiếu tín nhiệm

242
0

Đồng thuận và chưa đồng thuận sau lấy phiếu tín nhiệm

Phiếu tín nhiệm đã được lấy và được công bố. Nhớ lại trước đây chỉ mới đưa nội dung chất vấn ra công khai dân chúng đã rất đồng tình với hình thức nghị trường của các vị đại diện của mình. Tuy nhiên, vẫn còn tiếng nói đâu đó rằng những gương mặt đặt câu hỏi chất vấn đúng và trúng ý dan ngày càng thưa thớt. Câu hỏi đưa ra đôi khi chỉ là mớm đáp án theo kiểu gỡ bí cho nhau. Số lượng những vị phải trả lời chất vấn trong mỗi kì họp không nhiều. Đôi khi người cần chất vấn được “ưu tiên” lùi lại để tránh sự nóng giận của dư luận. Kì này, diễn đàn có thêm hình thức nghị trường mới để giám sát những ông nghị được ủy quyền, lấy phiếu tính nhiệm với các chức danh do quốc hội bầu và phê chuẩn.

Dư luận chung cho thấy, lòng tin của cử tri vào người đại diện của mình tăng cao. Nhất là sau khi kết quả phiếu tính nhiệm được công bố. Khác với những lời đồn đoán trước đây cho rằng, rồi thì sẽ hòa cả làng mà thôi. Kết quả phiếu tính nhiệm cho thấy là khách quan, tính đánh giá rất rõ. Những gương mặt bị cho là yếu kém trong quản lý điều hành đều bị nằm ở nhóm mức tín nhiệm thấp.

Tại diễn đàn bên lề kì họp quốc hội, một số đại biểu bày tỏ đôi chút băn khoăn như: Vẫn còn thiếu thông tin cũng như chưa đủ am hiểu hết các hoạt động của những người được lấy phiếu, đặc biệt trong khối quản lý điều hành nên việc đánh giá chưa thể hoàn toàn chính xác. Đó chỉ là cảm nhận thoáng qua mà thôi, chúng ta đều biết rằng đã là đại biểu quốc hội trực tiếp thảo luận và biểu quyết những vấn đề quốc kế, dân sinh thì không thể nói rằng mình thiếu hiểu biết đối với 47 lĩnh vực hoạt động của các chức danh ấy được. Chưa nói đến việc văn phòng Quốc hội phải đáp ứng những thông tin cần thiết cho cuộc bỏ phiếu. Có thiếu chăng là thiếu những thông tin chứng minh yếu kém mà thôi. Vì những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm thường che bớt những yếu kém của mình. Như vậy, nếu hiểu đúng thì nếu đủ thông tin, mức tín nhiệm còn thấp hơn so với thực tế vừa rồi.

Với kết quả đa số những người thuộc khối Chính phủ nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp, có đại biểu cho rằng, “những ngành đối diện nhiều nhất với nhu cầu của người dân, được dư luận quan tâm nhiều, thì kết quả lấy phiếu cũng khó khăn”. Nhưng người có kết quả tín nhiệm thấp cũng không có nghĩa là họ kém cỏi hay không đủ sức gánh vác trọng trách. “Có những người mới, phụ trách mảng quá rộng, nhiều vấn đề nên thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu của tất cả người dân”. Nên nhớ rằng, cuộc bỏ phiếu này là do đại biểu Quốc hội thực hiện chứ không phải do người dân thực hiện. Các đại biểu đều là tinh hoa của các ngành, nghề, giới, thủ lĩnh các bộ, các địa phương hang ngày cọ xát với thực tiễn của 47 lĩnh vực của các vị nói trên cả. Họ không thiếu khả năng đánh giá, không hồ đồ cho rằng khối này, khối kia đều chịu chung một mực thước đánh giá. Cho nên kết quả vừa rồi được coi là công bằng

Tín nhiệm thấp là lời nhắc nhở, những người nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp cần nghiêm túc nhìn lại bản thân. Đó mới là lời nói đúng, không cứ gì là người thuộc khối nào. Kết quả tín nhiệm đối với nhóm các thành viên Chính phủ một mặt phản ánh lo lắng của cử tri, mặt khác, là yêu cầu phải xử lý tốt hơn các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội đang đặt ra. Lá phiếu vừa rồi đánh giá khách quan năng lực điều hành công việc của giới chóp bu.

Tuy nhiên, có những vấn đề vỡ vạc ra sau bỏ phiếu cần nhận diện cho lần tới. Một vị đại biểu cho rằng: “Các nước chỉ bỏ phiếu bất tín nhiệm. Còn mình lại lấy phiếu với 3 mức tín nhiệm. Do đó, những người nào vo tròn, ít động chạm hoặc ở những lĩnh vực xa với thực tiễn cuộc sống thì rõ ràng kết quả đánh giá là hết sức tương đối”. Đây là một ý kiến đáng suy nghĩ. Cái cách làm vừa rồi như là một hình thức bình bầu thi đua cho người tốt hơn là đánh giá tốt, xấu cho phẩm chất, năng lực. Ngay từ cách chọn hình thức thể hiện ý kiến đánh giá đã cố làm nhẹ đi sự phê phán. Tín nhiệm cao, tín nhiệm hay tín nhiệm thấp đều là từ mức có tín nhiệm mà lên, không có bất tín nhiệm. Phản ứng đối với điều này, nhiều vị đại biểu đã không tỏ thái độ cụ thể trong lá phiếu (coi như phiếu trắng). Ở đây có một câu hỏi đặt ra là: Liệu cách tính kết quả để công bố của Quốc hội có đúng không khi chỉ tính tỉ lệ ý kiến trên số phiếu thực bầu mà không cộng thêm cả số “phiếu trắng”. Theo thống kê thì không có vị nào có 100% đại biểu cho ý kiến đánh giá. Có vị có đến 1/5 đại biểu bỏ phiếu trắng. Nếu xếp số phiếu trắng vào loại bất tín nhiệm thì tỉ lệ tín nhiệm thấp hơn nhiều với con số công bố. Điều này khiến ông Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cho rằng, với cách thức đang áp dụng thì dù có lấy phiếu lần thứ 2, thứ 3 cũng khó có chức danh nào bị rơi vào diện “nguy hiểm”, tức là có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% hay 2/3 tính trên tổng số đại biểu Quốc hội.

Về hình thức lấy phiếu tín nhiệm lần này vẫn chưa hết băn khoăn về tính khách quan của nó. Một cơ quan đầu não chuyên nghiên cứu và đưa ra quy định cách thức bầu bán cho dân chúng cả nước nhưng lựa chọn một cách làm chưa tỏ rõ tính minh bạch. Chẳng hạn việc phát phiếu và bỏ phiếu tại chỗ cho thấy kết quả khác với phát trước và có sự tự do lựa chọn. Việc kiểm phiếu bằng tay với kiểm phiếu điện tử cũng có những ảnh hưởng khác nhau. Việc công bố kết quả vào hôm sau với công bố ngay sau kiểm phiếu cũng có những nghi ngại cho tính minh bạch.

Dù sao, kết quả vừa qua cũng đã làm hài lòng cử tri và có tác động thúc đẩy những vị đại diện cho quyền lợi nhân dân phải có nhiều cố gắng hơn.

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây