Sáng 6-6, trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng VN, đã thông báo với Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn những kết quả của “Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc lần 4” diễn ra chiều 5-6 với Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc.
Trong thông báo về tình hình biển Đông, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nêu lên những hướng hợp tác quan trọng giữa quân đội hai nước: kiên trì giải quyết thỏa đáng tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, hiệp thương hữu nghị, tuân thủ luật pháp quốc tế và nghiêm chỉnh thực hiện DOC; tăng cường tạo môi trường hòa bình trên biển Đông, giữ nguyên hiện trạng, giảm sự hiện diện ở những khu vực nhạy cảm, tránh có những hành động có thể gây hiểu lầm; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiên cứu tiến tới ký thỏa thuận không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa hải quân hai nước; hợp tác hải quân, đối xử nhân đạo với ngư dân lao động hòa bình trên biển; tăng cường hợp tác thông qua đường dây nóng giữa tư lệnh hải quân hai nước…
Thông điệp này được tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh do gần đây, phía Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của hải quân, ngang nhiên tuyên bố quyền tuần tra trên vùng biển tranh chấp, tăng cường các đội tàu đánh bắt cá ở Trường Sa, đối xử hung hăng, tàn bạo với ngư dân Việt Nam. Mặc dầu vậy, trong thông điệp của mình, tướng Vịnh cũng chỉ nói rất uyển chuyển rằng cần “đối xử nhân đạo với ngư dân lao động hòa bình trên biển”. Vì sao vậy?
Bấy lâu nay, trong những xung đột trên biển Đông, nhất là ở hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa không phải ai cũng hiểu bản chất của vấn đề, do đó phản ứng với những sự kiện xung đột rất khác nhau. Ngay cả giới truyền thông cũng không ít cây bút mù mờ về nó nên cách đưa tin, khai thác thông tin cũng rất tùy tiện. Chẳng hạn, trước sự việc tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy, bị húc vỡ… nhiều tờ báo chỉ làm cái việc đưa tin sự kiện nhưng không nói nguyên nhân, diễn biến cụ thể nên đọc giả nhiều khi có những phản ứng rất khác nhau.
Vậy, cần có những hiểu biết gì khi tiếp nhận, phản ứng với các thông tin trên biển Đông, ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Trước hết, người viết bài này xin khẳng định rằng Việt Nam có chủ quyền hợp pháp trên biển Đông, ở Hoàng Sa, Trường Sa. Song chủ quyền đó đang bị xâm phạm bởi một số quốc gia, trong đó chủ yếu là Trung Quốc. Từ năm 1974, Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tiếp đó, vào năm 1988, Trung Quốc lại lấn xuống phía Nam đánh chiếm thêm 7 đảo nữa trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Sự chiếm đóng đó là bất hợp pháp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các vùng đảo và đảo nói trên trở thành nơi có tranh chấp. Dẫu là bất hợp pháp nhưng Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền của mình, đồng thời khai thác nguồn lợi biển ở những vùng tranh chấp đó.
Cùng với Việt Nam, Trung Quốc, nhiều quốc gia khác như Malaysia, Philippines, Đài Loan cũng chiếm cứ một số đảo, bãi ngầm và tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa. Theo thống kê thực tế thì Việt Nam chiếm cứ 21 đảo, bãi đá; Philippines chiếm 10; Trung Quốc chiếm 7; Malaysia chiếm 7; Đài Loan chiếm 2 đảo, bãi đá. Còn nhiều đảo, bãi ngầm khác chưa rõ chủ nhân.
Tất cả những đảo, bãi đá có chủ nói trên nằm xen kẻ xôi đỗ lẫn nhau. Và như vậy, có chuyện chồng lấn và tranh chấp chủ quyền vùng nước xung quanh các đảo.
Theo công ước luật biển của Liên Hợp quốc, các đảo nằm ngoài thềm lục địa không có người ở thì không có vùng đặc quyền kinh tế 120 hải lí mà chỉ có đặc quyền ở vùng tiếp giáp lãnh hải 12 hải lí. Trong phạm vi 12 hải lí đó, chủ nhà có quyền thực thi luật pháp của mình. Trong trường hợp các tàu cá các bên xâm phạm vào vùng này là nảy sinh tranh chấp, xung đột.
Những xung đột giữa các tàu đánh cá Việt Nam với Trung Quốc không đơn thuần là phạm vi địa lí xác định mà là vấn đề chủ quyền. Mà chủ quyền thì đang tranh chấp nên chẳng ai chịu ai. Giữa biển khơi mênh mông với hàng trăm đảo, bãi đá, rạn san hô, đôi khi ngư dân không xác định được vùng biển mà họ đang đến thuộc “quyền cai quản” nước nào. Vì vậy, họ đi vào những vùng thuộc quyền (dù là đang tranh chấp) của nước khác. Chẳng riêng gì Trung Quốc bắt ép ngư dân Việt Nam mà một số nước khác như Philipines, Malayxia cũng vậy.
Gian nan nhất là vùng đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc chiếm cứ hoàn toàn. Hàng năm, từ ngày 16/5 đến 1/8 Trung Quốc ban bố lệnh cấm đánh bắt cá để bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Lệnh cấm được áp dụng cho cả ngư dân Trung Quốc. Song, khoảng thời gian ấy, vùng biển ấy là mùa đánh bắt và ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Vì vậy, xung đột thường xảy ra. Những chiếc thuyền bé nhỏ của ngư dân Việt không thể đối đầu với tàu hải giám của Trung Quốc. Bị tàu Trung Quốc húc vỡ thuyền, bị cướp mất lưới, cuộc chiến sinh tồn trên biển thật khó khăn.
Nói những điều này để hiểu và chia sẻ với đồng bào ta đang vật lộn mưu sinh và tham gia khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Đồng thời chia sẻ những khó khăn trên mặt trận ngoại giao khi mà Trung Quốc cậy thế nước lớn, lúc nào cũng tìm cách khiêu khích để kiếm cớ gây chiến. Báo chí đôi khi cũng phải tỉnh táo, đừng đẩy ngư dân vào những ứng xử cực đoan mà mắc mưu địch.
Nguồn: Mõ làng