Trang chủ Luận bàn - Phản biện Giới hạn của các quyền cơ bản

Giới hạn của các quyền cơ bản

202
0

TS. Nguyễn Minh Tuấn

Mõ: GS toán học  Hoàng Xuân Phú nên đọc để mở mang thêm hiểu biết về luật, trước khi rao giảng trái nghề.
Vấn đề giới hạn bằng cách thức nào và đến đâu đối với các quyền cơ bản là vấn đề phức tạp bậc nhất của khoa học Luật hiến pháp. Ở Việt Nam, chủ đề này dường như vẫn còn bỏ ngỏ, ít được bàn thảo, quan tâm. Bài viết dưới đây chia sẻ một số thông tin căn bản về phương thức giới hạn các quyền cơ bản ở CHLB Đức.

Điều 15 Khoản 2 dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam năm 1992 qui định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.” Đây là một qui định rất mới, một bước tiến mới của dự thảo Hiến pháp, vì lần đầu tiên trong Hiến pháp có một qui định về giới hạn các quyền cơ bản. Tuy nhiên có thể dễ dàng thấy ngay hạn chế của qui định này là không định lượng rõ mức độ giới hạn ra sao đối với các quyền cơ bản và bỏ mặc cho công quyền tự đo lường và quyết định. 

Từ nội dung của Luật cơ bản (Hiến pháp) và thực tiễn xét xử ở CHLB Đức, các phương thức giới hạn quyền cơ bản có thể được tóm lược như sau:

1. Giới hạn hiến định

Giới hạn hiến định là việc giới hạn trực tiếp bởi những câu chữ trong Hiến pháp. 

Ví dụ Điều 8 Khoản 2 Hiến pháp Đức cho phép công dân Đức có “quyền biểu tình một cách ôn hòa và không vũ khí.” Như vậy qui định này loại trừ việc biểu tình có vũ trang hoặc không ôn hòa.

Hoặc Điều 2 khoản 1 Hiến pháp Đức đã giới hạn quyền phát triển tính cách của mỗi người bằng qui định: “Mỗi người ai cũng có quyền phát triển tính cách riêng của mình trong phạm vi mà người đó không xâm phạm đến quyền tự do của những người khác, không vi phạm trật tự hợp hiến hay luân lý đạo đức.”

2. Giới hạn bởi luật

Không phải với tất cả các quyền con người, quyền công dân đều áp dụng một nguyên tắc chung trong Hiến pháp là những quyền này “chỉ có thể bị giới hạn bằng luật”. Trong Hiến pháp Đức, giới hạn bởi luật chỉ được áp dụng đối với một số quyền cơ bản. 

Chẳng hạn, Điều 8 Hiến pháp Đức qui định: “Đối với những trường hợp biểu tình ở ngoài trời quyền này có thể bị hạn chế bởi một đạo luật.” Trên cơ sở này, Nghị viện Đức có quyền ban hành một đạo luật về biểu tình để xác lập một số giới hạn hợp hiến về biểu tình ở ngoài trời. Hay về các quyền tự do của con người tại Điều 2 Khoản 2 Câu 3, Hiến pháp Đức qui định: “Chỉ dựa trên cơ sở của một đạo luật (Gesetz), nhà nước mới có thể hạn chế những quyền này.”

Ngoài ra, cũng có trường hợp Hiến pháp xác định rõ điều kiện cụ thể giới hạn bởi luật. Ví dụ về các quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do báo chí, tự do nghệ thuật và tự do khoa học, Điều 5 Khoản 2 Hiến pháp Đức qui định những quyền này chỉ có thể bị hạn chế bởi một đạo luật vì mục đích bảo vệ thanh thiếu niên hoặc bảo vệ danh dự cá nhân.Hoặc Điều 6 Khoản 3 cũng có qui định những điều kiện tương tự: “Chỉ dựa trên cơ sở căn cứ của một đạo luật cụ thể, trẻ em được tách khỏi gia đình mà không theo nguyện vọng của cha mẹ hoặc người giám hộ, nếu cha mẹ hay người giám hộ không thực hiện trách nhiệm của họ hoặc khi trẻ em bị ngược đãi.”

3. Giới hạn gắn với trật tự hiến pháp

Hiến pháp trong nhiều trường hợp có thể không qui định cụ thể giới hạn đối với một số quyền cơ bản. Hay nói cách khác, tại những điều khoản này, Hiến pháp không trực tiếp đưa ra một giới hạn cụ thể nào. Ví dụ, Điều 4 Khoản 1 Hiến pháp qui định ngắn gọn rằng: “Tự do về tín ngưỡng, nhận thức và tự do theo một tôn giáo hoặc tự do theo một thế giới quan nào đó là bất khả xâm phạm.” hay Điều 5 khoản 3 qui định: “Nghệ thuật và khoa học, nghiên cứu và giảng dạy đều được tự do.” Không đưa ra giới hạn trực tiếp tại điều luật đó, nhưng hoàn toàn sai lầm nếu hiểu rằng những quyền này là vô hạn và bất cứ ai cũng có thể lợi dụng những quyền này để xâm hại lợi ích chung hay lợi ích của các cá nhân, tổ chức khác. 

Từ đây cũng phát sinh một câu hỏi: Vậy khi các quyền này xung đột nhau thì ở Đức họ giải quyết như thế nào? 

Trong một vụ việc thực tế khi có xung đột giữa các quyền cơ bản, Tòa án hiến pháp liên bang Đức thường dựa trên sự cân nhắc giữa các lợi ích, thứ bậc ưu tiên giữa các quyền cơ bản để đưa ra phán quyết. 

Vụ án hiến pháp Mephisto nổi tiếng ở Đức là một ví dụ. Diễn biến vụ án như sau: Trong cuốn tiểu thuyết Mephisto, tác giả Klaus Mann đã mô tả nhân vật Hoefgen (một nhân vật làm nghề diễn viên trong thời kỳ đế chế thứ ba do Gustaf Gründgens1 thủ vai), với ý ám chỉ những người làm nghề này (như Gustaf Gründgens) là kẻ cơ hội, thấp kém, hèn hạ. Giải quyết trường hợp này Tòa án hiến pháp liên bang đã khẳng định: Ở đây có sự xung đột giữa quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện các ý tưởng nghệ thuật được qui định ở Điều 5 khoản 1, khoản 3 xung đột với phẩm giá và tự do phát triển cá tính được bảo vệ ở Điều 1 và Điều 2 Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp đã đồng ý rằng quyền lợi của Gustaf Gründgens phải được ưu tiên bảo vệ vì nó liên quan đến nhân phẩm của con người – giá trị cao nhất của Hiến pháp. Hệ quả là cuốn tiểu thuyết Mephisto đã bị cấm xuất bản.2 

Hay một ví dụ khác: Vào năm 1969, một nhóm người đã dùng vũ lực tấn công bất ngờ vào căn cứ quân sự ở làng Lebach. Nhóm này đã giết chết bốn người lính và lấy đi nhiều vũ khí ở đây. Sau đó, những kẻ phạm tội này đã bị bắt và bị xét xử. Một đồng phạm trong số họ tên là B bị kết án 6 năm tù giam. Ngay trước thời điểm B chuẩn bị ra tù năm 1975, kênh truyền hình quốc gia ZDF đã cho phát một bộ phim tài liệu về vụ việc này và nêu tên tất cả những người có liên quan trong đó có B. B đã phát đơn kiện kênh truyền hình ZDF vì cho rằng việc nêu đích danh tên của B trên truyền hình là đã xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm của B, được bảo vệ tại Điều 1 khoản 1 Hiến pháp.3 Kênh truyền hình ZDF phản bác lại và cũng viện dẫn Điều 5 Khoản 1 Hiến pháp về quyền tự do thông tin4để bảo vệ mình. Thẩm phán Tòa án hiến pháp đã dựa trên nguyên tắc cân nhắc lợi ích các bên và phán xét rằng: Vấn đề đặt ra là B chuẩn bị ra tù và khi phát sóng chương trình này kênh ZDF đã nêu đích danh tên của B. Việc làm này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đối với việc tái hòa nhập cộng đồng của B. Vì vậy, việc làm của kênh ZDF đã xâm phạm đến nhân phẩm của B, một giá trị cao nhất của Hiến pháp được qui định tại Điều 1 Khoản 1 Câu 1 của Hiến pháp. Theo Tòa án hiến pháp liên bang, trường hợp này nhân phẩm con người phải được coi trọng hơn quyền tự do thông tin. Hệ quả là kênh truyền hình ZDF phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho B.5 

4.Các nguyên tắc giới hạn cụ thể khác

Để đảm bảo nguyên tắc công bằng và bảo vệ tối đa những quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp Đức đã qui định các nguyên tắc cơ bản sau:

– Nguyên tắc nghiêm cấm lập pháp cá biệt

Xuất phát từ nguyên tắc nghiêm cấm hành xử không công bằng, Hiến pháp Đức tại Điều 19 Khoản 1 Câu 1 qui định: “Nếu một quyền cơ bản nào trong Hiến pháp này bị giới hạn bởi một đạo luật hoặc trên cơ sở một đạo luật nào cụ thể, thì đạo luật đó phải được áp dụng chung và không là ngoại lệ dành riêng cho một trường hợp cá biệt nào.”Như vậy, với qui định này thì một đạo luật do Quốc hội ban hành không được giới hạn quyền của một nhóm người cụ thể. Đạo luật phải được áp dụng chung, có hiệu lực đối với tất cả mọi người, không phải đối với một cá nhân hay một nhóm người để cưỡng bức họ hoặc tạo đặc quyền cho nhóm này, loại bỏ nhóm khác. 

– Nguyên tắc nghiêm cấm việc giới hạn làm mất đi bản chất của quyền

Điều 19 khoản 2 Hiến pháp Đức qui định: “Trong mọi trường hợp, việc giới hạn một quyền cơ bản nào đó không được làm mất đi bản chất của quyền đó.” Khi ban hành một đạo luật nhằm hạn chế quyền của công dân, Quốc hội buộc phải tuân thủ đúng những qui định về thẩm quyền, trình tự thủ tục, hình thức. Chính những ràng buộc phức tạp, khắt khe về mặt thủ tục, cùng với việc Hiến pháp trao cho Tòa án hiến pháp liên bang quyền tuyên bố một đạo luật là vi hiến nếu đạo luật đó trái với Luật cơ bản tại Điều 100 khoản 1 sẽ góp phần hạn chế những đạo luật vi hiến hoặc làm mất đi bản chất của các quyền cơ bản.

– Nguyên tắc nghiêm cấm công quyền can thiệp vượt quá giới hạn

Bất cứ sự can thiệp nào từ phía nhà nước cũng phải đảm bảo tính phù hợp giữa mục đích và phương tiện lựa chọn để đạt được mục đích có phù hợp, có cần thiếtvà có tương xứng không.

Chẳng hạn một cậu bé X ăn trộm một quả táo trong siêu thị và đang chuẩn bị bỏ chạy. Một cảnh sát quan sát được hành vi ăn trộm đó của X và đã dùng súng để bắn vào chân của cậu bé. Việc bắn thẳng vào cậu bé là một hành vi không tương xứng với mức độ phạm tội của cậu bé. Ở đây phải cân nhắc giữa hai lợi ích: quyền được sống của cậu bé (Điều 2 khoản 2 Hiến pháp) và ngăn chặn việc ăn trộm một quả táo. 

Một ví dụ khác: Điều 15 Khoản 7 Câu 1 Luật săn bắn ở Đức (BjagdG) yêu cầu tất cả những người săn bắn chim ưng (falconer) phải chứng minh kiến thức về vũ khí để được cấp bằng săn bắn. Những người đi săn cho rằng qui định này là vô lý, tạo ra một giới hạn đi ngược lại quyền được tự do hành động theo Điều 2 Khoản 1 Hiến pháp. Tòa án hiến pháp liên bang phán quyết rằng: Mục đích yêu cầu cấp bằng cho những người săn chim ưng thì phải yêu cầu họ có hiểu biết về loài chim ưng và nghề săn bắn chim ưng, chứ không phải là kiến thức về vũ khí. Qui định phải chứng minh kiến thức về vũ khí không phù hợp với mục đích của đạo luật. Do vậy, Tòa án đã kết luận qui định này là vi hiến và cần phải bãi bỏ. (Xem: Phán quyết BverfGE 55, 159 Falknerjagdschein).

Từ những qui định về hạn chế của quyền cơ bản ở Hiến pháp Đức đã cho thấy: các quyền cơ bản không phải là vô hạn, chúng cần phải được giới hạn, một mặt để những quyền này không phải là “bánh vẽ” hay những lời hứa suông, mặt khác chúng có tác dụng,hiệu lực trực tiếp, xác lập ranh giới ràng buộc trách nhiệm của cơ quan công quyền. 

Tóm lại, cấu trúc các quyền cơ bản và các giới hạn các quyền cơ bản ở Đức cho ta thấy lô-gích rất rõ rằng: Thứ nhất, Hiến pháp sinh ra có chức năng để hạn chế quyền lực nhà nước và ràng buộc trách nhiệm của nhà nước. Do vậy không thể tồn tại cách qui định theo kiểu nhà nước ban ơn, hoặc cách qui định trao quyền quá lớn, phạm vi quyết định quá rộng cho nhà nước. Thứ hai, đối với người dân, các quyền cơ bản cần được mở rộng tới mức được áp dụng trực tiếp, ràng buộc công quyền và tất cả những gì mà luật không cấm, không xâm phạm đến quyền lợi của các chủ thể khác, thì bất cứ cứ ai cũng đều được phép làm.

Nguồn: Tạp chí tia sáng

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây